Năm 1863, vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ sang Pháp thương nghị về việc xin chuộc ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đã nhường đứt cho Pháp trong Hoà ước Nhâm Tuất 1862.

Trong dịp này, đoàn sứ giả Đại Nam đã có một bộ ảnh “để đời” tại Paris. Có lẽ đây là lần đầu tiên một đoàn ngoại giao nước ta được chụp ảnh; những hình ảnh này mang tính khoa học nhiều hơn là chính trị. Album nhằm giới thiệu môt số hình ảnh trong bộ ảnh đã số hóa của Thư viện Quốc gia Pháp.

Đây là một phần ảnh chụp của tác giả Jacques-Philippe Potteau trong Bộ ảnh Nhân chủng học do Thư viện ảnh của Viện Bảo tàng Nhân loại (Paris) phát hành trong khoảng 1860-1869. Bộ ảnh chụp các nhân vật trong đoàn sứ giả Đại Nam, tuổi từ 17 đến 70, thuộc nhiều thành phần, từ học sinh, lính hầu, người giúp việc, đến các quan văn võ từ hàng thất phẩm đến nhất phẩm triều đình. Bộ ảnh giúp người xem hình dung được một cách chân thực hơn về nhân dạng, ngoại hình và cách phục sức của quan, lính, văn nhân, võ tướng Đại Nam ở cuối thế kỷ thứ 19.

Phan Thanh Giản, Chánh sứ, Kinh lược sứ Nam Kỳ, tòng nhất phẩm. 68 tuổi, sinh ở Vĩnh Long.
Phạm Phú Thứ, phó sứ, tả tham tri bộ Lại, quan văn, tòng nhị phẩm. 44 tuổi, sinh ở Quảng Nam.
Ngụy Khắc Đản, bồi sứ, án sát sứ tỉnh Quảng Nam, quan văn, tòng tam phẩm. 48 tuổi, sinh ở Nghệ An. Nhận được chỉ dụ của vua Tự Đức cử làm bồi sứ đi Pháp chuộc đất, Ngụy Khắc Đản rất bối rối. Ông biết đánh nhau mấy năm trời mà không thắng được phải ký hoà ước nhượng đất, bây giờ dùng tiền và ba tấc lưỡi làm sao có thể chuộc lại được?
Nhưng ông không dám tâu trái ý vua mà chỉ vái lạy xin ở lại nhà:- Muôn tâu hoàng thượng, thần còn mẹ già ở quê nhà Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang ngóng đợi, thần không dám nhận nhiệm vụ đi sứ quá xa quê! Vua Tự Đức cả giận quát rằng: – Đạo làm tôi phải lấy công nghĩa làm trọng. Sao nhà ngươi nỡ từ chối sự tín nhiệm của ta? Nhà ngươi hãy vui vẻ ra đi, mẹ già gởi lại, ta sẽ nhờ tỉnh thần xứ Nghệ thăm nom và mỗi tháng cấp cho tiền gạo! Biết không thoái thác được, Ngụy Khắc Đản khấu đầu nhận nhiệm vụ.
Cui-Gian-Thenh, hạ sĩ quan. 47 tuổi, sinh ở Huế
Cang, giúp việc. 28 tuổi, sinh ở Gia Định.
Dân yaü, lính hầu sinh. 27 tuổi, sinh ở Huế.
Nguyên, hạ sĩ. 36 tuổi, sinh ở Huế.
Hồ Văn Luông (Hồ Văn Long), thư ký. 50 tuổi, sinh ở Quảng Trị.
Lương Văn Thế (Lương Văn Thái), sĩ quan tháp tùng, quan võ, tòng ngũ phẩm. 47 tuổi, sinh ở Quảng Nam.
Ông Hiếu, 45 tuổi, sinh ở Huế
Ông Tân, 30 tuổi, nho sĩ người Quảng Nam.
Nguyễn Hữu Cấp, võ quan tòng ngũ phẩm, một trong 4 sĩ quan tháp tùng. sinh ở Huế.
Nguyễn Hữu Thần, một trong 4 sĩ quan tháp tùng, quan võ, tòng ngũ phẩm. 30 tuổi, sinh ở Huế.
Nguyễn Văn Chất, sĩ quan phụ trách lễ vật, quan văn, chánh nhị phẩm. 40 tuổi, sinh ở Quảng Trị.
Petrus Nguyễn Văn Sang, 35 tuổi, thông ngôn hạng nhì.
D’a, người giúp việc. 24 tuổi, sinh ở Huế.
Phan Quang Hiếu, ký lục hạng nhì, 32 tuổi, người Saigon.
Phạm Hữu Độ, quan văn chánh thất phẩm. 31 tuổi, sinh ở Quảng Bình.
Simon Của, học sinh trường Adrans, 18 tuổi, người Nam Kỳ.
Trần Tử Luông (17 tuổi, con của Đốc phủ sứ Trần Tử Ca) là một trong 9 người được chính quyền Pháp tại Saigon cử đi cùng chuyến tàu sang Pháp với Sứ đoàn Phan Thanh Giản. Trần Tử Luông và Simon Của (18 tuổi) là hai học sinh trường Adran (trường đào tạo thông ngôn và viên chức người Việt làm việc cho chính quyền thực dân Pháp), được cử đi Pháp để du học, chứ không có công việc gì liên quan đến sứ đoàn Việt Nam.
Tôn Thọ Tường (Ba Tường), ký lục hạng nhất thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản. 38 tuổi, sinh ở Saigon.
Tạ Hữu Kế, quan văn, chánh lục phẩm. 50 tuổi, sinh ở Huế.
Trần Quang Diệu, 20 tuổi, người giúp việc
Sứ đoàn Đại Nam tại Paris (hình chụp ngày 21/9/1863)
Trần Tề, quan văn, chánh lục phẩm. 39 tuổi, sinh ở Nam Định.
Hồ Văn Huân, quan võ. 53 tuổi, sinh ở Huế.
Trần Văn Cư (Nguyễn Văn Cư), thư ký, quan văn, tòng ngũ phẩm. 46 tuổi, sinh ở Huế.
Trần Tề, quan văn, chánh lục phẩm. 39 tuổi, sinh ở Nam Định.