NĂM 1887

Sang năm Đinh Hợi (1887), nghĩa Cần Vương còn có người hưởng ứng ở nhiều nơi nhưng thế kém trước nhiều lắm.

Ở Bắc kỳ “giặc” Bãi Sậy kéo tràn qua phía đông bắc. Quyền kinh lược Nguyễn Trọng Hiệp tâu: “Hoàng Cao Khải có tài cán mưu lược, lại quen thuộc tình thế xứ đó”. Hoàng Cao Khải nguyên là tuần phủ Hưng Yên, vua Đông Khánh cho thực thụ tổng đốc kiêm chức tiêu phủ sứ. Sau này Hoàng Cao Khải sẽ lập được nhiều công to với người Pháp, con cháu hiển hách lắm. Ở Thanh Hóa, thuộc hạt huyện Nga Sơn, thị độc lãnh án sát Nghệ An là Phạm Bành xưng tán lý khởi nghĩa Cần Vương vào tháng giêng cùng Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng, giữ chỗ hiểm ở Ba Đình, lập đồn. Đây là mấy làng ở vùng đồng chiêm, lối đi vào để kiểm soát (Đinh Công Tráng là người Mường mà cũng hưởng ứng).

Quân Pháp đánh không được kéo về, rồi phi tư ra Ninh Bình, Nam Định lấy thêm quân vào hội vây đến vài tháng (có hai võ quan Pháp Foch và Joffre hồi đó còn trẻ, đánh Cần Vương ở Ba Đình, nhưng đánh không nổi). Quân Cần Vương xông vây chạy ra. Đồn sau bị quân Pháp phá tan vì có lính khố xanh của Nam triều giúp sức.

Tháng tư, Phạm Bành ở tỉnh Thanh thấy con là Phạm Tiêu bị bắt bèn tới tỉnh đầu thú. Phạm Tiêu được tha, liền đêm ấy Phạm Bành tự tử.

Hoàng Bật Đạt bị dân bắt giải tới quân Pháp, bị giết ngay. “Dân” đây chắc là công an của Tây, một số người Việt đã lĩnh bạc bà đầm xòe!

Đinh Công Tráng sau trốn vào phủ Tương Dương tỉnh Nghệ An, cũng bị quân Pháp, hợp lực với quân của triều đình Huế bắn chết, như sử đã ghi để tỏ công của triều đình.

Quân Pháp ở bồn Minh Cầm thuộc huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình bắn chết Nguyễn Phạm Tuân về tháng ba. Triều đình Huế cảm ơn quân Pháp bằng sự ban tặng một cái kim khánh, để tỏ lòng hòa hợp.

Tháng tư nhuận ở Hà Nội quân Pháp bắt bố chánh cũ là Nguyễn Cao. Nguyễn Cao không chịu khuất bèn tự tử. Ở Nghệ An quân Pháp bắt được Đốc học Nguyễn Xuân Ôn. Tháng tư năm sau bị giải về kinh, nhưng các quan ta thương với viên khâm sứ Pháp nên được ở ngoài khỏi bị giam. Nhưng được ít lâu Nguyễn Xuân Ôn bị bệnh mất.

Ở Bình Định quân Pháp bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận và tám cừ mục nữa, cả thảy là mười một người đều đem chém cả.

Tháng năm, quan tỉnh ta ở Thanh Hóa bắt được tú tài Nguyễn Phương và con là Nguyễn Quỳnh. Nguyễn Phương liền tự tử.

Tháng sáu ở tỉnh Quảng Nam tại núi An Lâm, Nguyễn Thân đánh phá quân của Nguyễn Hiệu, chém nhiều người kỳ mục, lấy được khí giới tiền lương nhiều lắm. Nguyễn Hiệu nguyên đậu phó bảng hàm hồng lỗ tự khanh. Bị thua, Nguyễn Hiệu lui vào miền thượng nguyên miền Phước Sơn. Nguyễn Thân về tháng bảy dò được nơi trú, liền bắt sống tám người cứ mục và thân quyến. Chính Nguyễn Hiệu cũng bị bắt. Nguyễn Thân cho người chạy cờ đỏ về báo tiệp với triều đình (chỉ có tin thắng trận mới cho phu trạm chạy ngựa, ngày đêm, có hiệu cờ đỏ). Còn Nguyễn Hiệu thời bị đóng cũi giải về sau. Nguyễn Thân lại khoản cho cừ mục phải ra đầu thú trong hạn là mười ngày. Vì Nguyễn Thân có tài đánh giết như thế nên tỉnh Quảng Nam trở nên yên lặng. Triều đình biết công gia cho làm thượng thư sung Nghĩa Định tiểu phủ sứ, lại thưởng thêm một cái kim khánh hạng lớn khắc bốn chữ “Lao năng khả tướng”. Nguyễn Thân nguyên khi trước sung chức khâm sai. Nguyễn Thân giỏi thật!

Vậy để kết luận trong đoạn này, ta nhận thấy là nghĩa Cần Vương khởi đầu nổi lên ở Quảng Nam về tháng tám năm Ất Dậu (1885). Nhưng sau khi mà phần đông các tỉnh hưởng ứng, nghĩa Cần Vương đã bị đánh dẹp. Nhưng Quảng Nam vẫn còn chống cự quân xâm lăng. Sự chống cự của Cần Vương và sự chinh phạt của triều đình Huế, một triều đình đã bị quân xâm lăng chi phối, tất cả các cuộc binh đao này đã làm cho dân phải chịu nhiều điều khổ sở… Nên sau khi Nguyễn Thân đã bắt được Nguyễn Hiệu, vua Đồng Khánh phái Nguyễn Thuật sung chức tả trực kỳ tuyên úy xử trí đại thần tới Quảng Nam, Quảng Ngãi xem tình hình nhân dân như thế nào.

Sử chép rằng Nguyễn Thuật đem tình hình điêu háo t tỉnh Quảng Nam tâu lên và xin rằng trong năm Hàm Nghi tỉnh ấy còn thiếu thuế định điền và thuế các hạng bao nhiêu thời gia ận tha hết. Nhưng thuế nha phiến, thuế yến sào, thuế mỏ than và thuế rượu phải chiếu lệ nạp đủ.

Vua Ðồng Khánh y cho.

Vậy vua Đồng Khánh đã nhận rằng sự tàn sát của Nguyễn Thân đã đưa đến sự điêu háo toàn tỉnh Quảng Nam, vả lại dân cư hữu tình hay vô ý, hay vì không đủ năng lực, nay không có thể nộp thuế cho chính phủ được, chỉ có mấy thứ thuế phụ do mấy nhà giàu nộp là trả cho nhà vua mà thôi.

Trong khi đó, ở Nghệ An, có lẽ vì tình hình kiệt quệ về người, về gạo, sử chép là “thân hào dần dần ra đầu thú đến bốn trăm bốn mươi hai người”. Những vị kháng cự xâm lăng “đều được cho về làm ăn”.

Đến cuối năm Đinh Hợi (1887), ta có thể nói được rằng nghĩa Cần Vương hoàn toàn bị dẹp yên ở khắp các tỉnh Trung kỳ và cả ở Bắc kỳ nữa. Nghĩa đó khởi lên, không phải là hoàn toàn hưởng ứng với vua Hàm Nghi đâu. Nào dân có biết vua là ai? Đây là sự kháng cự của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của những nho sĩ, hoặc xuất sĩ, hoặc xử sĩ, của từng địa phương một. Đây là ngọn lửa thiêng của toàn thể dân tộc, định bùng lên trong khi mà nước nhà lâm vào cảnh đêm tối của xâm lăng.

Dân ta, hồi đó, chỉ biết có nền quân chủ cho nên phò vua Hàm Nghi là vua đương ngôi đã thân ra khỏi kinh thành ban hịch Cần Vương. Chính Tôn Thất Thuyết, phụ chánh đại thần đã phò ngài. Chính nghĩa rõ ràng. Vậy ai đã nghĩ tới nước, tới dân, thứ nhất là tới chữ trung, chữ ái thời phải trung quân, ái quốc. Cho nên giai cấp lãnh đạo Cần Vương là các nho sĩ, các văn thân trước hết. Nhưng giai cấp đã tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà là nông dân, tranh đấu bằng xương máu. Nhưng thực dân đã có một số nho sĩ khác hoặc vì lý do quốc gia, hoặc vì lý do cá nhân đã đi theo thực dân. Cho nên có sự đàn áp của triều đình vua Đồng Khánh: các nho sĩ này “bết” lắm. Họ giỏi thật! Lịch sử ghi tên.

Tình hình về mùa đông năm Đinh Hợi (1887) như thế nào?

Nghĩa Cần Vương đã yếu lắm.

Tổn Thất Thuyết để vua Hàm Nghi ở lại cho hai con mình phò tá, còn đã theo đường Sơn La, Lai Châu sang Tàu cầu cứu. Nhưng nước Tàu không cứu ta và Tôn Thất Thuyết gần như bị giữ lại ở bên Tàu, không về được nữa dù ý có muốn về. Đã có những cuộc mà người Pháp áp bức hay mua chuộc người Tàu. Dù sao vua Hàm Nghi vẫn ở miền thượng du tỉnh Quảng Bình. Tháng mười, năm Mậu Tý (1888), quân Pháp ở Quảng Bình bắt được vua Hàm Nghi.

Tôi chép đúng nguyên văn trong sử của ta.

“Nguyên khi trước tên Trương Quang Ngọc và tên Nguyễn Đình Trình tới đồn quân Pháp đầu thú, xin dẫn quân Pháp qua miền thượng nguyên huyện Tuyên Hóa, gọi là xứ Thằng Cuộc (tên nôm) bắt vua Hàm Nghi.

Quân Pháp đưa ngài về cửa Thuận An rồi viên toàn quyền thương xin đưa ngài qua xứ khác ‘đợi khi nào trong nước yên lòng rồi sẽ đưa về”.

Vua Đồng Khánh truyền Cơ mật viện đại thần là Đoàn Văn Bình tới cửa Thuận An thăm vua Hàm Nghi rồi tàu thủy nhổ neo đi ngay.

Uy tín của vua Đồng Khánh ở đâu?

Tàu thủy đưa vua Hàm Nghi sang xứ Anh-xê-nhi (Algérie) là một thuộc địa Pháp ở Phi châu.

Sau quan toàn quyền là ông Lê-na (Rheinart) thương rằng tiên chi phí về khoản vua Hàm Nghi ở nước người thời ta cứ mỗi năm chịu bốn nghìn chín trăm tám mươi đồng bạc và một tên bồi hầu, mỗi năm cấp lương hai trăm chín mươi chín đồng. Đã nhiều người Việt Nam ta chết trong vụ vua Hàm Nghi bị bắt. Trong số người chết có hai con Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm.

Cụ Trần Trọng Kim có cho biết cảm tưởng của cụ như sau này:

“Ông Tôn Thất Thuyết làm đại tướng mà cư xử ra một cách rất hèn nhát, không đáng làm người trượng phu chút nào. Nhưng hai người con thì thực là bậc thiếu niên anh hùng có thể che được cái xấu cho cha vậy”.

Câu này tôi trích trong bản in năm 1953 do Nhà xuất bản Tân Việt in ở Sài Gòn.

Cụ Trần Trọng Kim là người trượng phu, ngài đã là thủ tướng trong thời gần đây. Cụ nghĩ như thế nào? Tôi là một người dân, đâu dám bàn tới ý kiến của ngài. Tôi chỉ nhắc lại thôi. Tôi đâu có dám bảo một vị phụ chánh kháng chiến đến cùng, rồi bị người Tàu lừa, gần như bị bắt ở bên Tàu, sống một mình trong một cái chùa, là một người hèn nhát. Cho đến khi chết, ngày ngày đem thanh kiếm cũ ra sân chùa chém đá, người Tàu gọi Tôn Thất Thuyết là “Đả thạch nhân”.

Thật là cả ba đời đều chết về người Pháp xâm lăng.

Vì thấy vua Hàm Nghi đã bị bắt, đề đốc Lê Trực, nguyên tấn sĩ võ, đem hơn 100 quân và khí giới tới đồn Thuận Bài tỉnh Quảng Bình đầu thú.

Về việc Lê Trực ra đầu thú, sử có cho ta biết chi tiết sau này:

“Các quan cơ mật thấy biên lời khẩu cung, Lê Trực nói nhiều câu vô phép, liền thương hỏi quan toàn quyền xử trí thế nào.

Các quan cơ mật đã xử trí có lễ. Quan toàn quyền thương rằng:

Khi Lê Trực ra thú, quý quan trót đã hứa tha tội mà lại hậu thưởng. Nay nên đừng thưởng nữa nhưng tha nó khỏi tội để khiến nó dụ giặc ra thú, chắc rằng nó cũng hết lòng gắng sức. Quan cơ mật đem việc ấy tâu lên, ngài cho”.

Cử chỉ của các quan cơ mật có lễ và rất chính trực. Cá nhân hay quốc gia chính trị? Tôi không biết các quan cơ mật này là các quan nào. Dù sao cử chỉ của viên toàn quyền Pháp thì thật là chính trị! Y khôn và các quan cơ mật chắc cũng đã suy nghĩ. Thế là nghĩa Cần Vương hoàn toàn thất bại.

Đối với quân Pháp, vua Đồng Khánh và các quan to như Cao Xuân Dục, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân công không phải là ít.

Đối với quân Pháp, vua Đồng Khánh đã tỏ ra một thái độ rất trung thành trong sự hòa hợp để người Pháp lập cuộc “bảo hộ”.

Nhà vua thường phong tặng cho nhiều người Pháp những tước rất to của triều đình ta.

Ngay sau khi lên ngôi báu, ngài truyền làm quốc thư đưa qua Đại Pháp cảm ơn và tặng viên Toàn quyền Cô-ra-xy tước Bảo hộ quận vương, Khâm sứ Sâm-bộ tước Bảo hộ công. Rồi sau quyền khâm sứ là Ba-duy-đam được tặng tước Bảo quốc công, thượng thư Đại Pháp là Sanh-bích tước Vệ quốc công…(tôi theo chữ Hán đã phiên âm tiếng Pháp ra, nên rất tiếc không biết tên khai sinh các vị Pháp này).

Công việc trả ân người Pháp xong xuôi, về phương diện chức, vua Đồng Khánh phong riêng năm Bính Tuất (1886) cho Nguyễn Hữu Độ làm toàn quyền đại thần, Nguyễn Thuật làm phó toàn quyền đưa tờ hòa ước về việc khai khoáng qua lầu sứ cùng viên Khâm sứ Hách-tô, hai bên giao nhận với nhau. Khi hòa ước xong, ngài truyền làm quốc thư, sắm phẩm vật, tặng hảo đức giám quốc Đại Pháp và các “quan Đại Pháp ở Bắc kỳ”. Ngài lại sai Nguyễn Hữu Độ ra Hà Nội tuyên ý ngài cho các quan Pháp rõ.

Sử ta chép rõ ràng như thế, tôi không thêm bớt một chi tiết hay thay đổi một chữ gì.

Công việc khai khoáng ở trên là việc nhượng cho “chính phủ bảo hộ” nghĩa là cho nước Pháp đã thắng nước ta về quân sự những quyền lợi tối cao của chính phủ ta đối với kinh tế quốc gia. Ta đã thất bại về quân sự. Sau đây tôi sẽ trình mấy thiển kiến của tôi. Dù sao đã có một hiệp ước nghĩa là một sự thất bại của triều đình, thất bại do quân sự chính quy phải chịu. Lại còn sự thất bại thứ hai do du kích địa phương phải chịu: ấy là sự thất bại của toàn dân kháng chiến, do nho sĩ lãnh đạo, dù là xuất sĩ hay xử sĩ.

Đó là ở trên phạm vi từ chính phủ này tới chính phủ khác. Phạm vi này có rộng không?

Đối với người Pháp thời họ coi ta như là hoàn toàn bị thất bại và họ có nhiều yêu sách. Ngay những tên thường dân Pháp cũng yêu sách Nam triều. Có những người Pháp đã từng giao thiệp với triều đình vua Ðồng Khánh để xin lãnh trưng thổ sản.

Tôi lấy mấy thí dụ sau đây, do sử ta ghi một cách rất vắn tắt. Như tháng sáu năm Mậu Tý (1888), người Tây buôn tên là Đô Phối trước đã lãnh trung thuế gỗ, nứa, mây thuộc về tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ nay xin trung hạn trong ba năm hết thảy các thuế sản vật trên rừng. Vua Đồng Khánh xuống chỉ giao Bộ Hộ bàn định điều lệ giao cho Đô Phối làm. Đô Phối tức là Bogaert có nhà máy làm đá ở gần Huế.

Cũng năm Mậu Tý (1888), tháng tám, vua Đồng Khánh

đem xứ Hàn (thành phố Tourane), thành phố Hà Nội và Hải Phòng, định rõ chu vi rộng rãi làm nhượng địa cho nước Pháp: không biết người Pháp có trả tiền bán đất này cho ngài không và là bao nhiêu bạc bà đầm xòe.

Tháng mười hai, ngày hai mươi bảy, vua Đông Khánh băng, sau khi trị vì được ba năm bốn tháng. Ngài thọ hai mươi lăm tuổi. Lăng ngài ở gần thành Huế, gọi là Tư Lăng. Tôi đã tới chiêm bái lăng vị thanh niên thiên tử này.

Ngài tuy trẻ tuổi nhưng khi băng để lại tới sáu ông hoàng tử và ba bà công chúa. Không biết ngài có bao nhiêu là phi. Mấy ông hoàng còn nhỏ không nối ngôi được. Triều đình mới rước con thứ bảy Cung Huệ hoàng đế (Dục Đức) vào nối ngôi, tức là vua Thành Thái vậy.

Ngài được truy tôn là Cảnh Tôn Thuần hoàng đế.

Sự chết non, chết yểu của vua Đồng Khánh là một sự không may cho người Pháp. Dù sao vua Đồng Khánh đã giup người Pháp một cách rất đắc lực trong công cuộc người Pháp đánh giặc Cần Vương. Cần Vương là sự quật khởi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

KẾT LUẬN

Bây giờ, tôi theo nguyên tắc khảo cứu lịch sử, căn cứ vào các tài liệu xác đáng của Quốc sử quán, tài liệu rõ ràng mà không ai phải kiểm điểm lại nữa, tôi trả lời mấy câu hỏi sau đây.

1. Câu hỏi thứ nhất: Định nghĩa thế nào là Cần Vương hay Văn Thân.

Trả lời: Cần Vương hay Văn Thân là sự kháng chiến của ta, chống lại quân xâm lăng Pháp, sau khi kinh thành Huế thất thủ. Sau ngày hai mươi ba là ngày Ất Mão, tháng năm, năm Ất Dậu (1885). Còn ngày cuối cùng là ngày mà ta có thể cho là ngày vua Đông Khánh băng, tức là ngày hai mươi bảy tháng mười hai năm Mậu Tý (1888).

Nhưng định nghĩa như thế có thể bị xét như hẹp hòi lắm.

Nghĩa Cần Vương, còn gọi là nghĩa Văn Thân là sự chống cự của cả dân tộc Việt Nam ta, chống với quân xâm lăng đất nước. Dù cho giới nho sĩ hay giới nông dân lãnh đạo mặc lòng tôi không tham gia ý kiến gì về vấn đề giai cấp này. Dù sao, dẫn tộc Việt Nam ta đã đánh Pháp sau khi mà quân đội chính của triều đình đã thất bại. Nghĩa Văn Thân là cuộc chiến tranh du kích của nhân dân; tuy sự chỉ huy là do các nho sĩ, dù là các quan cũ của triều đình hay là các nhà nho đã chưa ra làm quan. Tính đại khái thời nghĩa Văn Thân độ bốn mươi ba tháng. Tôi đã trả lời câu hỏi thứ nhất: Bao giờ?

2. Câu hỏi thứ hai: Ở đâu?

Trước hết là ở Quảng Nam rồi đến Hà Tĩnh, Phú Yên, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Đông, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Thuận.

asb Nói tóm lại, toàn cõi Trung Việt trừ miền Thừa Thiên đều nổi dậy. dněl sb gno Trung châu Bắc Việt thời là miền hạ bạn (miền bể) mà thôi. Nhưng ta đừng quên Hoàng Hoa Thám, người anh hùng áo vải đã hoạt động ở miền Vĩnh Yên, Bắc Giang, Tuyên Quang. Miền núi đã là một chiến khu quan trọng. Và cụ Phan Bội Châu đã cho tôi biết, khi đương thời cụ, là cụ có đến gặp cụ Hoàng Hoa Thám ở chiến khu. Đồng bằng sông Cửu Long đã hưởng ứng với nghĩa Cần Vương như thế nào? Sử không chép gì cả. Vậy tôi không được biết.

3. Câu hỏi thứ ba: Như thế nào?

Câu hỏi này, tôi đã trả lời rồi, ấy là tất cả các binh sự, tùy theo tháng, năm và tùy địa phương mà đã xảy ra.

Nhưng còn một ý kiến mà tôi phải nói ra, tuy tôi không được là nhà quân sự. Ấy là Cần Vương đã đánh theo lối du kích, đã chiếm nhiều thành, đã đóng ở nhiều địa điểm (như Ba Đình). Sự chiếm thành tỉnh, đem xử các quan của triều đình vua Đồng Khánh cử ra là một xử trí chính trị. Nhưng đóng quân ở trong thành hay một địa điểm mà địch đã biết là một xử trí nguy hiểm: quân đội Cần Vương chỉ là bia đỡ đạn mà thôi. Nhưng cái tai hại là có lẽ quân đội Cần Vương đã bị dồn vào những địa điểm để nhận những đạn trái phá của Pháp hay bị vây (như ở Ba Đình).

Dù sao, Cần Vương đã đánh Tây bằng đủ mọi cách: đánh lén, đánh bằng dao, súng, đã chiếm thành, đóng thành, đã bị dồn vào nhiều địa điểm và đã kháng cự ở những địa điểm đó, đánh ở bùn lầy, đánh ở đồng bằng, đánh ở trên núi, có kh thắng, có khi bại. Cuộc kháng chiến của nhân dân, tùy theo từng địa phương, với những điều kiện eo hẹp thô sơ, không có một sự điều độ tối cao, ấy thế mà kéo dài hơn bốn mươi tháng, tôi nhận thấy đây là một chứng cớ của sự anh dũng của dân tộc ta, chống lại xâm lăng, dù triều đình theo quân xâm lăng mặc lòng.

4. Câu hỏi thứ tư: Tại ai (mà có Cần Vương)?

Như trên tôi đã trình, nghĩa Cần Vương là tại nhân dân đem xương máu ra giữ nền độc lập. Sự lãnh đạo là do các nho sĩ, tức là do giới trí thức; nhưng giới nông dân (như Hoàng Hoa Thám) cũng đã lãnh đạo một cách rất anh hùng. Lịch sử nhà Nguyễn không ghi Hoàng Hoa Thám! Có lẽ muốn làm hài lòng quan bảo hộ chăng?

Người lãnh đạo tối cao và tượng trưng là Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

Những vị mà lịch sử đã ghi tên, ấy là Trần Văn Dư, Lê Minh, Nguyễn Chánh, Hà Văn Mao, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Phạm Tuân, Trần Xuân Soạn và Phan Đình Phùng. Hoàng Tá Viêm ở vào một tình trạng đặc biệt: đã chống nhau với Tây sau lại đi phủ dụ anh em kháng chiến, nhưng rất “láo” đối với Tây và triều đình, cũng như Lê Trực vậy. Hai con Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm đã xứng đáng với cha (về vua Hàm Nghi, tôi sẽ nói mấy câu phụ chép).

Đã giúp người Pháp lập chính phủ “bảo hộ”, đắc lực nhất là Cao Xuân Dục, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải. Quan to ở triều, tức là người lãnh đạo sự chống Cần Vương ấy là Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Trọng Hiệp. Hai vị này chắc đã có rất nhiều ảnh hưởng tới một thanh niên là Chánh Mông, tức là vua Đồng Khánh. Ta nêu tên các vị này nhưng ta cũng đừng quên rằng các vị đó chỉ là tay sai của quân Pháp xâm lăng mà thôi.

5. Câu hỏi thứ năm: Tại sao lại có Cần Vương?

Câu này đã trả lời rồi ở chỗ định nghĩa thế nào là Cần Vương.

PHỤ CHÉP

Tôi chép ra đây mấy tài liệu về vua Hàm Nghi. Các tài liệu này, ta có nên tin không? Dù sao đây là tài liệu của nhà Nguyễn. “Tháng năm, ngày hai mươi ba là ngày Ất Mão (năm Ất Dậu 1885) kinh thành hữu sự. Tôn Thất Thuyết đem ngài (vua Hàm Nghi, và tam cung tới tỉnh Quảng Trị, đóng tại hành cung. Ngày hai mươi bảy, ngài ngự tới sơn phòng Quảng Trị. Còn tam cung thời cư trú tại hành cung. Nguyễn Văn Tường tàu xin tam cung ngự về thiêm cung để cho yên lòng thần dân. Khi ấy, Nguyễn Văn Tường ở lại thương thuyết với quan Đại Pháp, hẹn hai tháng xin rước ngự giá về kinh. trong Tháng sáu, ngày ba, tam cung từ Quảng Trị ngự về. Ngày năm tới khiêm cung. Tôn Thất Thuyết phò ngài ở lại sơn phòng Quảng Trị. Thuyết thiện tiên truyền ban ngài dụ khắp trong nước khởi nghĩa Cần Vương, lại truyền một tờ dụ cho Nguyễn Văn Tường, một tờ dụ cho các hoàng phái ở kinh, đều phát trạng đưa về kinh cả. Mấy việc ấy đều là từ ngày bảy tháng sáu trở về trước”.

Sử còn chép tiếp như sau này:

Tin “Tam cung truyền dụ chỉ sai người tới sơn phòng Quảng Trị rước ngài về kinh”. Vậy tam cung đã không muốn cho vua Hàm Nghi chống Tây. Đây có phải là sự áp bức của Tây hay không?

Dù sao, hành trình của vua Hàm Nghi như thế nào? Sử cho ta biết mấy chi tiết sau đây:

“Ngày chín tháng sáu năm Ất Dậu, ngài ngự tới Bửu Đài. Nghe tàu Đại Pháp đóng ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), đạo ngự liền trở lại sơn phòng để đi đường thượng đạo. Ngày mười một tới thành cũ, phủ Cam Lộ.

Ngày mười lăm, ngài ngự đường thượng đạo Mai Lãnh tới Lao Bảo.

Ngày hai mươi, ngài ngự tới sách Bạn Cạn (sách là một làng Mọi) rồi ngự tới sứ Hàm Tháo (Hàm Tháo ở gần phía bắc sông Cửu Long” (Đúng ra là sông Mê Kông. Sông này đến khi vào khu vực miền Nam Việt Nam mới có tên là Cửu Long. [B7]) mà sử chép là sông Khôn) từ đó tới sơn phòng Hà Tĩnh đường đi bảy ngày. Ngài truyền các quan sơn phòng Hà Tĩnh chở lương lên và dọn đường rước ngài trở về sơn phòng.

Vậy vua Hàm Nghi ở vào tình trạng là ngài, và lẽ tất nhiên là do sự hướng đạo của Tôn Thất Thuyết, đã phải tránh để cho Tây khỏi bắt. Ngài đã không thể đi đường thủy để ra Hà Tĩnh. Ngài đã phải đi đường núi, qua Lao Bảo, trải nhiều nỗi vất vả mới tới được xứ Hàm Tháo. Xứ này là một làng nhỏ ở trên dãy núi Hoành Sơn, thuộc về một vùng đất hẻo lánh, phải mất bảy ngày mới đi tới sơn phòng Hà Tĩnh.

Ấy thế mà việc bại lộ. Địa điểm ngài đóng đã bị “quan ta” biết, sử chép như sau này:

“Các quan tỉnh Hà Tĩnh đem việc ấy (việc chở lương) tàu vào Huế. Tam cung phê rằng: mừng lắm và truyền ý chỉ ai mà rước ngài về được sẽ được hậu thưởng tiền bạc để cho họ đua nhau rước ngài mau về, khỏi điều quản ngại”.

Vậy chính tam cung khuyến khích người đi bắt vua Hàm Nghi?

Sử chép tiếp:

“Quan khâm sai là Tôn Thất Khoan đem ba trăm năm mươi quân Hà Tĩnh và một quan lãnh binh tới sơn phòng nước ngài. Người ta đồn rằng quân Đại Pháp tới quyết phò ngài nơi khác. Nên rước ngài không được”.

Vậy địa điểm ngài đóng đã do quân Pháp và lẽ tất nhiên quân Nam triều (vua Đồng Khánh chưa lên ngôi) tới đánh.

Nguyễn Văn Tường ở kinh, cả với tam cung. Còn Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy trốn vì chiến khu đã bị tiết lộ.

Quân Pháp không bắt được vua Hàm Nghi bèn khủng bố. Đô thông Pháp Cô-ra-xy (De Courcy) “bắt Nguyễn Văn Tường xuống tàu chở vào Gia Định”. Rồi chở Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật, Lê Đỉnh (tức là thân phụ Tôn Thất Thuyết) qua nước Đại Pháp. Nhưng đi giữa đường Phạm Thận Duật bị bệnh mất, thầy bị ném xuống biển. Nguyễn Văn Tường sau bị đi đày ở đảo Tahiti.

Rồi ngày Đinh Sửu tháng tám, cũng năm Ất Dậu, hoàng tử thứ hai, Chánh Mông lên ngôi vua, tức là vua Đồng Khánh.