Trên đất Pháp, chưa bao giờ tôi thấy một sân khấu đông phụ nữ ta mặc đồng phục khăn áo vàng, mỗi người ngồi sử dụng một cây đàn tranh, như hôm lễ kỷ niệm 40 năm đoàn Phuợng Ca ngày 17.01.2009 ở thính đường Nhạc học viện Antony, miền nam Paris.

Đoàn Phượng Ca. Ảnh Võ Quang Yến

Quang cảnh rực rỡ trước mắt một người Việt tha hương như tôi trong khoảnh khắc đã đưa tôi bay bổng lên mấy tầng mây. Khi mấy chục nữ nhạc công đồng loạt bắt đầu hòa tấu với những bản thu hồ, tam pháp, ngũ điểm mai, tôi tưởng như đang trở về lại đất nước mến yêu xa lánh hơn một nửa thế kỷ. Người thành lập ra đoàn Phượng Ca nầy là chị Đỗ Thị Phương Oanh, sinh năm 1945 ở Đà Lạt, tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1962. Gần đây, cùng với cô bạn một nửa dòng máu Việt Dominique Hardy, Giám đốc nghệ thuật Hội Giao lưu Văn học Pháp-Á, chị đã thực hiện một đề án về tìm những nét đặc sắc trong tâm hồn người Việt qua những chuyện kể, bài hát của người dân ở thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi. Ở Huế, nơi đã chiếm một phần thân thể của chị như chị nói, chị và cô bạn đã ghi được những gì liên quan đến tập tục, những quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng, mối dây liên hệ giữa người sống và cõi chết, những điều kiêng kỵ trong đời sống hằng ngày,…. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây hai năm, chị nói dân tộc ta có truyền thống thờ ông bà lâu đời nên tâm linh là chuyện đã ăn sâu vào trí thức người dân. Chị khẳng định phải luôn giữ tiếng nói, âm nhạc, phong tục tập quán ngày Tết cũng như ngày thường mới giữ được tinh thần Việt Nam. Tôi nghĩ nếu ta còn biết rung động với nhạc điệu Việt Nam thì tinh thần luôn còn giữ đó. Thật ra, đã từng sống ở bên quê nhà, đã từng biết thưởng thức những giọng hát, tiếng đàn, nhất là tiếng đàn tranh thánh thót, tiếng đàn bầu não nùng, tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng đàn đáy tế nhị thì không làm sao quên được một nền văn hóa bền vững từ nhiều ngàn năm.

Dẫn đầu phong trào Về nguồn cùng với những đoàn Du Ca, Hoa Sim,… chị Phương Oanh, nguyên chuyên môn về nhạc Huế, thành lập trường dạy nhạc Phượng ca Dân ca Quốc nhạc tại Sài Gòn năm 1969 sau một chuyến Tây du. Hồi ấy, Trường tọa lạc ở số 614/4 đường Phan Đình Phùng, quận 3, Sài Gòn, có gần 200 học sinh, chia làm 8 lớp. Giảng dạy ở Trường của chị có những cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, Lê Ngọc Thanh, Phạm Thị Lê Hà đảm nhận. Là một trong những giáo sư (1964-1975) hiếm có ở Nhạc viện Quốc gia Cao đẳng Sài Gòn, chị đã cộng tác với các đài phát thanh, truyền hình. Cùng với các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, chị đem nhạc dân tộc vào học đường, đại học và được các vị khoa bảng hòa mình hưởng ứng. Bắt đầu từ 1976, chị tiếp tục hoạt động ở Âu châu, mở trường, lập hội trong 8 nước, thành công phổ biến rộng rãi âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn Phượng Ca trở thành một tổ chức phi chính phủ: chị luôn theo dõi một tôn chỉ “bảo tồn, phát triển và chuyển giao sự hiểu biết của mình về âm nhạc truyền thống dân gian Việt Nam đến mọi tầng lớp trong xã hội, giúp cho họ bất chấp tuổi tác có thể chơi được những nhạc cụ hay hát những bài dân ca Việt nam”. Theo chị, vì âm nhạc giúp con người sáng tạo và phát triển nhân cách con người và, trong các loại âm nhạc, chị chọn âm nhạc truyền thống vì chị mong muốn giới trẻ Việt Nam biết rõ nguồn cội, văn hóa của mình, từ đó mạnh bề lưu truyền. Định cư ở Tây phương, chị tự tạo thêm một trọng trách nhắc nhủ nền nhạc dân tộc cho những kiều bào sống tha hương, một công việc xem như đơn giản, thật ra đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và hy sinh. Chị xem tổ quốc ngày nay không còn chỉ giới hạn trong mảnh đất hình chữ S mà vượt qua mọi đại dương, lan khắp ra bốn phương. Tôi đã may mắn được dự những cuộc biểu diễn của chị và học trò trong nhiều buổi Tết của Hội Giúp đỡ Trẻ con Việt Nam trong vùng quanh Paris. Cách đây hơn mười năm, tôi cũng có mặt ở Trung tâm Mandapa giữa kinh thành ánh sáng hôm chị cùng hòa tấu với hai chị Thúy Hoan, Quỳnh Hạnh và anh Giáo sư Trần Văn Khê.

Vì âm nhạc truyền thống lấy văn hóa tổ tiên làm căn bản, biểu hiện toàn thể dân tộc, mọi phát triển xã hội đều có lợi. Thêm vào kiến thức lượm lặt được ở xứ người, âm nhạc ngày chỉ càng thêm phong phú.  Một điều kiện cần được tôn trọng là phải luôn bảo vệ truyền thống như một cây đem bứng trồng thì phải chăm lo gốc rễ không thì dù có thân vạm vỡ, cây cũng không thể sống lâu. Đằng khác biết giữ gìn vốn hiểu biết văn hóa của mình, cuộc hội nhập vào nơi mình định cư mới dễ dàng và có kết quả tốt. Và chị kêu gọi mọi người thiết tha đến nền văn hóa tổ tiên, góp sức hầu mong để lại cho con cháu sau nầy một vốn liếng dân tộc chắc chắn tránh được quên nước, mất gốc. Chỉ riêng vùng Ile-de-France, đoàn đã tiếp nhận hơn một trăm học viên, một con số ngày càng tăng. Đoàn đi biểu diễn khắp nơi, từ Tòa thánh Vatican qua Viện Bảo tàng Boston, từ Nouvelles Orléans qua Trung Phi,… Hiện nay chị Phương Oanh là Giáo sư quốc gia tốt nghiệp ở Strasbourg và giảng dạy ở những Nhạc viện Antony và Sevran. Năm 1988 chị đoạt Huân chương Vàng Viện Hàn lâm Nghệ thuật Á châu đặc biệt trong những công tác về nhạc Việt Nam. Năm 1994, chị được tặng thưởng Huân chương Công trạng Hoa Kỳ nhờ những thành công trong cuộc truyền bá nhạc dân tộc Việt Nam ở giới trẻ. Và chắc rồi chị còn được thưởng nhiều nữa vì chị hoạt động thường xuyên, mạnh mẽ: theo chị, văn hoá là một thiên hướng theo dõi suốt đời, mình không có quyền nghỉ ngơi, mệt mỏi, chán nản,… Qua tháng 1.2006, “Phượng ca II” ra đời, bắt đầu với 7 học viên, số nầy tăng dần đến 20 và hy vọng còn tăng lên nhiều nữa. Cô giáo chủ nhiệm lúc ban đầu Nguyễn Đài Ngọc Dung (Phượng ca Lognes) nay được cô giáo Trương Hạnh Dung lại tiếp sức. Các cô cũng như cô Đỗ Duy Nguyệt Ánh đều tốt nghiệp khoá học về Âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp với chứng chỉ hạng giỏi. “Nhóm Văn hóa cổ truyền Nhạc học và Giáo dục Octave” của “thầy đờn” Nguyệt Ánh ở Orsay, ngoài lớp đàn tranh còn có những lớp dạy ngôn ngữ tiếng Việt và nấu ăn món Việt, nhắm mục đích tăng cường giao hảo giữa hai nền văn hoá qua những buổi sinh hoạt và những cuộc biểu diễn, đổng thời góp phần vào những hoạt động nhân đạo và xã hội như cấp học bổng cho học sinh và sinh viên ở Việt Nam.

Hôm lễ kỷ niệm 40 năm, đông đủ bạn bè, các Cánh Phượng khắp nơi đã lại họp mặt nên sân khấu mới đông đúc như vậy : các trường Antony, Orsay, Lognes, Sevran, Taverny, Paris, Giáo Xứ, Bruxelles, Oslo,… Sau lời cám ơn của Phương Oanh, lễ trao quà tri ơn cho các anh Trần Quang Hải, Từ Nguyên, Phạm Văn Chương, chị Lan Phương là những người bạn đã có mặt với Phượng Ca từ những năm đầu tiên chập chững ở Việt Nam cũng như ở Pháp, móng tay vàng cho nhà giáo Ngọc Dung, khán giả đầy chật thính đường được nghe tiếng đàn của 12 em “Ngón tay nhỏ”. Tuy còn trẻ tuổi, cách chơi đàn khá điêu luyện của các em chỉ rõ công lao giảng dạy của các cô giáo và nhất là dấy lên một mối hy vọng tràn trề cho tương lai, cho các em đã đành mà còn cho nền nhạc Việt ở đất nước xứ người. Bên phần các cô giáo thì góp phần với những ca sĩ, nhạc công lần lượt cho thưởng thức những bài nhạc cổ điển lưu luyến, quen thuộc. Ngọc Dung, Nguyệt Ánh, Hạnh Dung đàn đệm lời ca Phương Oanh trong một bản nhạc lễ Xàng xê, nhạc điệu thường hay nghe trong chương trình bài bản đàn ca tài tử. Đặc biệt Nguyệt Ánh đệm nhạc đàn tranh cho Nguyễn Đức trong những bài Vọng cổ rạo rực, một thời đã làm mê mẩn tuổi trẻ của biết bao thế hệ khán giả trước khi đất nước lâm vào cảnh chiến tranh. Trên một nền nhạc gõ đồng đều, tiếng sáo ngang của Elise Battais bay bổng cống hiến khán giả một bài Lý hoài nam nhí nhỏm miền nam. Mạnh Hùng với tiếng đàn bầu trầm lắng qua bài Se chỉ luồn kim ru ngủ khán giả trong một điệu nhạc quyến rũ du dương gây lên một nỗi buồn nhớ mông lung trong lòng người xa xứ. Quỳnh Như, Mỹ Ly, Pierre cùng với tiếng trống Ngọc Dung và toàn thể đoàn Phượng Ca trái lại “chơi” bài điệu bắc Bình bán náo động hơn, một điệu nhạc Huế có lẽ đã được Tả quân Lê Văn Duyệt đem vào Nam đóng góp vào bài bản nhạc điệu tài tử, hay cùng với các em nhỏ biểu diễn bài Bà mẹ quê nhắc nhở tình thương gia đình luôn nặng trĩu trong lòng nguời Việt. Còn để nhắc nhở tình thương đất nước, Như Khánh, Phương Khanh, Phượng Oanh, Nguyễn Đức trình bày bài Tình hoài hương đầy tình cảm của Phạm Duy với tiếng đàn tranh của Ngọc Dung, tiếng đàn nhị (đàn cò) của Quang Long, tiếng sáo ngang của Elise Battais đệm thêm tiếng đàn dương cầm của Jinna Jang.

Hôm nay là lễ kỷ niệm một đoạn đường dài của đoàn Phượng ca nên nhiều hội bạn đã lại góp phần giúp vui. Đại Hàn có đoàn bộ gõ trống Olsou với Hyun Uok Lee biểu diễn Arirang với Jinna Jang (dương cầm), Margaritta (múa) và Phương Oanh phụ họa đàn tranh. Trung Quốc cho nghe tiếng đàn sắc guquin với Luca Bonvini và Xu Hong. Diana xứ Lào trình bày điệu nhảy Dok Champas trên tiếng đàn tranh hoà tấu của Ngọc Dung và Hạnh Dung. Đến lượt các bạn Nhật Bản bắt đầu với Ritsuko Calier thực hiện một buổi trà đạo với các phụ nữ đất Phù Tang trong tiếng đàn của Nguyệt Ánh và tiếng sáo của Bertrand Blondet, tiếp theo là tiếng hát hùng mạnh của ca sĩ Kawashima. Vùng Occitanie ở Pháp góp phần với tiếng đàn cithare cổ đầm ấm của Françoise Miramont.  Còn Việt Nam thì có Võ Quang Long cùng với Ali và Tarik biểu diễn những điệu võ của Việt Quyền Thuật nhịp nhàng qua bài điệu bắc Lưu thủy trong tiếng đàn tranh của toàn thể nhóm. Nhóm nầy cũng kết liễu buổi lễ với màn Đoản xuân ca, qua tiếng trống của Vũ Kim, giọng hát của Phương Oanh và Véronique Tricon, có cô vũ công Margaritta từ bên nước Nga xa xôi lại, mặc áo tím dài, tóc xỏa ngang vai, tay mang nón lá, uyển chuyển uốn lượn một điệu múa biết bao khêu gợi. Và với hình ảnh cô gái linh động nầy, khán giả rời thính phòng qua đại sảnh bên cạnh thưởng thức những món ăn đặc biệt Việt Nam do bạn bè đem lại, từ nhiều năm nay trở thành rất quen thuộc đối với người Âu Tây. Cùng với âm nhạc, ẩm thực đã góp phần vào việc truyền bá văn hoá nước nhà ra bốn phương, một hoài bảo của chị Phượng Oanh khi hết lòng xây dựng đoàn Phượng ca.

Khi dấn thân vào một công tác lớn lao như muốn bảo tồn, truyền đạt đồng thời phát triển, cải tiến nền nhạc truyền thống ông cha ta ở đất nước người, chắc chị Phương Oanh biết trước sẽ đứng truớc một nghịch biến vừa là một thử thách cần phải vượt qua. Nhạc truyền thống theo nguyên tắc phải là một nền nhạc bất di bất dịch, nhưng làm sao chống lại được ảnh hưởng của sự tiến triển trong nhạc cụ từ đấy phương cách sử dụng các nhạc cụ ấy, của sự chung đụng thường xuyên với các nền âm nhạc khác luôn có mặt quanh ta và luôn sẵn sàng hòa mình vào. Rút cuộc, dù muốn dù không nền âm nhạc cổ truyền dần dần buộc phải biến chuyển. Công tác của chị Phương Oanh đã bắt đầu và rồi đây sẽ rất là tế nhị. Chị phải tiếp tục dạy chơi đàn theo truyền thống nhưng cũng không thể chống lại được cuộc cách tân. Nói như Joseph-François Kremer trong bài diễn văn nhân 30 năm Phượng Ca, không còn phải là chuyện lưu truyền một tử ngữ mà phải làm cho nó sống động trong thực tế hiện tại thời buổi ta đang sống. Trước đây tôi cũng từng được nghe anh Giáo sư Trần Văn Khê nhiều lần đề cập đến vấn đề nầy và giải thích, theo mức hiểu biết của tôi, cuộc cách tân cần thiết không thể tránh nhưng nhạc sĩ phải luôn cố gắng đừng quên nguồn cội, như vậy nền nhạc dân tộc mới tồn tại được. Tôi tin chị Phương Oanh đã biết chọn đúng đường đi, với phương châm “bảo tồn, phát huy, phát triển” và với tài năng của chị, chị đang mạnh dạn tiến lên trên đuờng thành công. 13 pho sách giáo khoa để giảng dạy đàn tranh là một công trình lỗi lạc cần thiết sau nhiều năm miệt mài khảo cứu. 40 năm tuy dài mà ngắn, công việc của chị đã bắt đầu làm thì chị còn sức đi xa hơn và sau đó con em đã được huấn luyện ắt có đủ điều kiện để nắm đuốc tiếp tục con đường chị đã vạch.