Các kiến trúc sư sử dụng kỹ thuật tra mộng để xây nên nhà thờ bằng gỗ cao nhất thế giới vào thế kỷ 18.
Công trình tổ hợp Kizhi Pogost ở trên đảo thuộc Cộng hòa Karelia, Nga, bao gồm hai nhà thờ bằng gỗ và tháp chuông bát giác xây vào thế kỷ 18. Trung tâm của tổ hợp là nhà thờ Hiển dung với 22 mái vòm và một bức tường gỗ lớn bao gồm 102 bức tranh Thánh. Nhà thờ đồ sộ này cao khoảng 37m và xây hoàn toàn từ gỗ, nằm trong số những kiến trúc gỗ cao nhất thế giới.
Nhà thờ Hiển dung, tháp chuông và nhà thờ Chuyển cầu. (Ảnh: Amusing Planet).
Nhà thờ Hiển dung được xây vào tháng 6/1714, sau khi nhà thờ cũ bị cháy rụi do sét đánh. Cấu trúc chính của nhà thờ là những lõi gỗ thông tròn đường kính khoảng 30cm và dài 3 – 5m. Hàng nghìn khúc gỗ để xây dựng được chuyển tới từ đất liền, công việc khá phức tạp ở thời đại đó.
Theo truyền thống nghề mộc ở Nga đương thời, nhà thờ Hiển dung không sử dụng chiếc đinh nào. Toàn bộ cấu trúc đều được thực hiện bằng cách lắp ghép tra mộng với lõi gỗ theo chiều ngang, lồng khớp vào nhau ở các góc. Nền móng của nhà thờ là một khung 8 mặt cùng 4 sàn ở các mặt gọi là “prirub”. Prirub phía đông có hình ngũ giác và là nơi đặt bệ thờ. Hai cấu trúc nhỏ hình bát giác được đặt trên cấu trúc chính có hình dạng tương tự. Nhà thờ được bao phủ bởi 22 mái vòm có hình dạng và kích thước khác nhau trải dài từ đỉnh đến các mặt. Mái nhà thờ được làm từ những tấm gỗ vân sam và phần vòm ốp gỗ cây dương lá rung. Thiết kế phức tạp này cũng cung cấp hệ thống thông gió hiệu quả giúp duy trì tuổi thọ cho gỗ.
Nhờ thờ Hiển dung được xây để sử dụng vào mùa hè nên không có hệ thống sưởi. Nằm liền kề trong quần thể Kizhi Pogost là nhà thờ Chuyển cầu với 9 mái vòm, ra đời năm 1764. Vào thế kỷ 19, hai nhà thờ được trang trí bằng tấm gỗ và một số bộ phận bọc phép. Sau đó, công trình được khôi phục như thiết kế ban đầu vào thập niên 1950.