Là một quốc gia với hơn 70 triệu dân, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua những khó khăn thách thức trước khi tiến hành cải cách hệ thống y tế một cách thành công và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một mô hình y tế đáng chia sẻ và học tập. Trong đó, mô hình bác sĩ gia đình là một điểm sáng của ngành y tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Mô hình bác sỹ gia đình được triển khai thí điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2005, sau đó từng bước được nhân rộng ra 81 tỉnh trên phạm vi toàn quốc vào năm 2010. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có 21 183 bác sỹ gia đình, tương đương với mỗi bác sỹ gia đình chăm sóc y tế cho 3500 người dân. Một bác sỹ gia đình khám trung bình 30-50 người bệnh một ngày. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bác sĩ gia đình được đào tạo theo hệ đa khoa và làm việc ở trung tâm y tế, trong số đó, 80% các bác sĩ gia đình làm việc cho các cơ sở y tế công lập, 20% làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập. Trung tâm bác sĩ gia đình có các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khá toàn diện, từ tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đến sàng lọc ung thư, giám sát dịch…. Tại các trung tâm này, bác sĩ gia đình khám bệnh, kê đơn thuốc, và yêu cầu xét nghiệm khi cần thiết. Các bệnh phẩm xét nghiệm được gửi đến các trung tâm xét nghiệm tập trung tuyến tỉnh/thành phố đối với các khu vực đô thị và gửi đến bệnh viện đa khoa tuyến huyện đối với khu vực nông thôn để phân tích và gửi lại kết quả trong ngày.
Các hoạt động khám chữa bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ được gắn kết chặt chẽ với hệ thống bảo hiểm y tế, các dịch vụ y tế được bảo hiểm y tế chi trả, do đó người dân được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Một điểm khác biệt đáng lưu ý trong hệ thống y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đó là không có nhà thuốc tại các bệnh viện. Đơn thuốc do các bác sĩ kê được gửi thẳng tới các hiệu thuốc qua hệ thống mạng kết nối trực tuyến, người bệnh sau khi được khám sẽ qua quầy thuốc gần nhất để nhận thuốc, chi phí sẽ do bảo hiểm thanh toán nên người mua cũng không phải trả tiền tại quầy thuốc.
Để triển khai mô hình bác sỹ gia đình, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung đầu tư cho y tế tuyến cơ sở đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin kết nối toàn bộ hệ thống bác sỹ gia đình và các cơ sở khám chữa bệnh khác. Bên cạnh đó, phát triển bảo hiểm toàn dân và có các chính sách tài chính y tế hợp lý khác để phát triển mô hình một cách bền vững. Nhờ triển khai mô hình này đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, cụ thể giảm 70% số người vượt tuyến trước khi triển khai mô hình bác sỹ gia đình xuống còn 20% sau khi triển khai toàn quốc.