Tôi cho rằng, mục tiêu của giáo dục là giúp cho người học vượt thoát khỏi những giới hạn do chính giáo dục mang lại. Học lại là hoạt động trọng tâm của giáo dục. Vì thế, câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi “Học để làm gì?” sẽ là: Học để trở thành con người tự do, trong đó quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do trở thành, tự do kiến tạo.

Học để làm gì? là một câu hỏi cơ bản nhưng nhiều khắc khoải. Trong mấy năm vừa rồi, mỗi khi có dịp, tôi lại tiến hành những khảo sát bỏ túi với học sinh, sinh viên về câu hỏi nghe qua rất đơn giản này. Hầu hết các em không trả lời được.Nếu gặng hỏi thì thường sau một hồi suy nghĩ, các em sẽ đưa ra một trong các câu trả lời khuôn mẫu: Học để làm người, học để phát triển bản thân, học để có công ăn việc làm, học để sau này đỡ khổ, học để thi v.v.

Ngay cả sau khi đã suy nghĩ như vậy thì phần lớn những câu trả lời này đều là một sự đối phó. Khi được hỏi đây là câu trả lời các em vừa nghĩ đến, hay đã nghĩ trước đó rồi, thì trên 80% cho biết vừa mới nghĩ đến. Và cũng trên 80% các em cho biết, chưa bao giờ tự mình đặt ra câu hỏi “Học để làm gì?” cho chính bản thân mình.

Chưa kể, nếu hỏi sâu hơn một chút, rằng: học để làm người, nhưng đó là con người nào, hoặc học để phát triển cá nhân, nhưng là phát triển cái gì, thì gần như 100% các em đều bí.

Điều này cũng hợp lý, vì trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng chưa bao giờ tự đặt ra những câu hỏi đó cho mình. Các thầy cô của tôi cũng không bao giờ nhắc đến. Đến lớp, học bài, về nhà, làm bài tập, đến lớp, học bài, về nhà, làm bài tập… là một chu trình khép kín mỗi ngày. Còn học, kiểm tra, thi, rồi lại học, kiểm tra, thi là một chu trình khép kín của mỗi năm học. Phần lớn chúng ta đi qua và thực hiện chu trình đó như một sự hiển-nhiên, không hề chất vấn ý nghĩa của nó đối với sự trưởng thành của chính mình. Cho đến một ngày ra trường, ta giật mình tự hỏi, và hoang mang khi biết rằng mình đã dành mười mấy năm đi học, nhưng không biết học để làm gì!

Học mà sau mười mấy năm vẫn không biết học để làm gì thì chưa gọi là học. Người học khi đó đã bị mắc kẹt vào chính những điều mình được học và bị học. Sự học như vậy chưa làm người học thức tỉnh, dám thoát ra khỏi những điều mình đã học, sàng lọc lại và sử dụng chúng như những công cụ phục vụ cho công việc và cho sự trưởng thành về trí tuệ của chính mình.

Chỉ dấu đầu tiên cho những người trưởng thành như thế là khả năng tư duy độc lập, và xa hơn là những con người tự do, có khả năng tự lãnh đạo cuộc đời mình, và dám chịu trách nhiệm với chính mình về sự tự lãnh đạo đó.

Vấn đề đặt ra: Con người tự do là con người nào mà lại được coi là đích đến của giáo dục?

Tự do tư tưởng

Con người tự do trước hết thể hiện ở khả năng tự do tư tưởng của người đó. Để làm được như vậy, người đó phải có khả năng sử dụng lý trí của mình để tư duy một cách độc lập hầu phát triển nhận thức của riêng mình, nhưng cũng lại tôn trọng nhận thức của người khác.

Biểu hiện thứ hai của tự do tư tưởng là khả năng dịch chuyển nhận thức, dịch chuyển các khung tham chiếu mà mình đang có; làm mới hoặc từ bỏ nhận thức đã có để đón nhận một khung nhận thức mới khách quan, toàn diện hơn. Một người không có khả năng dịch chuyển nhận thức thì sẽ mắc kẹt vào chính nhận thức của mình. Khi đó anh ta không sử dụng nhận thức mà đang bị nhận thức, đóng vai trò như một định kiến, sử dụng mình.

Biểu hiện thứ ba của tự do tư tưởng là khả năng diễn đạt ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng của mình một cách công khai cho đại chúng. Suy nghĩ, tư tưởng diễn ra trong đầu mỗi người, người ngoài không thể truy nhập được. Nếu anh không diễn đạt công khai cho người khác biết để cùng thảo luận, để được đón nhận hoặc bác bỏ, thì sự tự do tư tưởng đó không có ý nghĩa. Khi đó tư tưởng sẽ luôn bị giới hạn, thiếu kiểm chứng và phản biện khách quan, và như vậy tự do tư tưởng sẽ chỉ là che đậy cho một sự chủ quan và sợ hãi, chứ không phải là tự do tư tưởng đích thực.

Tự do lựa chọn

Sau khi đã có tự do tư tưởng thì con người tự do sẽ thực thi nó trong đời sống cá nhân và xã hội thông qua tự do lựa chọn. Nói cách khác, người đó phải có khả năng đưa ra lựa chọn của mình một cách chân thật, trong tự do và sau khi suy xét, chứ không vì một sự ép buộc hay a dua nào.

Khác với tự do tư tưởng có khi chỉ diễn ra trong tâm trí của mỗi người, tức trong thế giới chủ quan chỉ mình người đó biết, tự do lựa chọn tạo ra tác động đến bản thân chủ thể và thế giới xung quanh, và người đưa ra lựa chọn sẽ phải chịu trách nhiệm về tác động đó, với pháp luật hoặc luân lý xã hội.

Tự do lựa chọn sẽ luôn đi kèm với việc tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của bản thân. Một người tự do lựa chọn sẽ là chủ nhân đích thực của đời mình, sống cuộc đời của chính mình, do mình lựa chọn và tự chịu trách nhiệm, chứ không phải do thầy cô hay bố mẹ chọn thay, cũng không phải do một sự áp đặt nào khác.

Như thế, học để trở thành người có tự do lựa chọn là học cách lãnh đạo bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về các lựa chọn của mình, trong tự do và thấu hiểu.

Lưu ý rằng, tự do tài chính, một khái niệm đang được nói nhiều trong giới trẻ, chỉ là một biểu hiện cụ thể của tự do lựa chọn về mặt tài chính.

Tự do trở thành

Một cách hiển nhiên, sự trở thành của mỗi người là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài. Nếu tự do tư tưởng là thứ tự do có tính cách nội tại, thì tự do lựa chọn lại có tính ngoại. Chính sự tương tác giữa hai yếu tố bên trong và bên ngoài ở thời điểm hiện thời này sẽ tạo ra sự trở thành cho mỗi người ở thời điểm kế tiếp. Tự do trở thành vì thế chính là khả năng làm chủ sự trở thành của mình, thông qua việc thấu hiểu làm chủ những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình.

Vì những gì diễn ra bên trong mình không chỉ là suy nghĩ và tính toán, mà một phần rất lớn và quan trọng là cảm xúc. Một người thấu hiểu những gì đang diễn ra bên trong mình vì thế đòi hỏi không chỉ có trí tuệ của lý trí, mà còn thấu hiểu và phát huy được trí tuệ cảm xúc trong một sự cân đối, hài hòa.

Cũng lại vì những gì diễn ra bên ngoài mình, tức thế giới xung quanh, không thể chỉ đơn thuần gói gọn trong các mô tả và diễn giải có tính lý thuyết, nên một người muốn thấu hiểu những gì đang diễn ra trong thế giới xung quanh đòi hỏi trước hết ở trải nghiệm và khả năng kết nối với thế giới đó, sau đó là trí tuệ phân tích và trực giác, để thấu hiểu nó theo cách chân thật nhất.

Một người như thế là một người không chỉ có tự do, mà còn rất tỉnh thức, với những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, và với cả cách thức mà mình đang đi qua cuộc sống này. Nói cách khác, người đó đã trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?” và “Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình?”, và luôn tỉnh thức để có được sự trở thành nhất quán với các câu trả lời đó.

Một người như thế là một người lịch lãm tinh thông trong việc sống. Do tinh thông việc sống như thế, người đó sẽ có được bình an từ bên trong, luôn làm chủ bản thân và làm chủ cách đón tình huống mà mình đang đối mặt, theo cách tự nhiên và hiệu quả.

Tự do kiến tạo

Một biểu hiện quan trọng khác của con người tự do là ở khả năng tự do kiến tạo. Tự do kiến tạo cũng là điều kiện cần thiết cho một cuộc sống tự do đích thực và có ý nghĩa không chỉ với bản thân mà còn với xã hội.

Để có được tự do kiến tạo, trước hết một người phải có khả năng kiến tạo trong tâm trí mình điều mà họ mong muốn. Muốn vậy, trước hết phải có tự do tư tưởng, nếu không người đó sẽ mắc kẹt vào những điều đã biết và không có khả năng kiến tạo ra cái gì mới.

Sau đó, người ấy phải có tự do lựa chọn để có khả năng chuyển những điều mình đã kiến tạo trong tâm trí ra bên ngoài thông qua lựa chọn. Nhưng sau khi đã lựa chọn rồi, để không bỏ cuộc khi gặp khó khăn và cam kết với sứ mệnh mình đã đặt ra, người đó phải có khả năng thấu hiểu những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài mình, làm chủ sự trở thành của mình, tức làm chủ diễn tiến của cuộc đời mình, trong tự do và thấu hiểu.

Nhận thức của mỗi người có được là do trải nghiệm ở trong quá khứ của cá nhân người đó, vì thế để có được tự do kiến tạo, thì một người phải thấu hiểu các giới hạn do quá khứ mang lại, và sẵn lòng vượt thoát khỏi quá khứ để kiến tạo cái mới.

Ngoài ra, để hiện thực hóa một sự kiến tạo xứng đáng thường bao giờ cũng đòi hỏi nguồn lực và sự tham gia của nhiều hơn một người . Điều này đòi hỏi ở mỗi người năng lực phối hợp làm việc cùng người khác. Do đó, những kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy phê phán, chung sống trong sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt, cân bằng và điều phối lợi ích, thỏa hiệp để đạt đồng thuận… trở thành những yêu cầu bắt buộc.

Chỉ khi có được tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do trở thành, khả năng vượt qua được những giới hạn trong nhận thức của mình, và khả năng phối hợp làm việc cùng người khác trong một tâm thế chủ động, một người mới có được tự do kiến tạo để tạo ra một điều gì đó xứng đáng, quan trọng nhất là kiến tạo chính cuộc đời mình và mang lại cho nó một giá trị, một ý nghĩa, trong suốt hành trình sống.

Đến đây, hẳn bạn đã nhìn ra câu trả lời cho câu hỏi: Học để làm gì?

Với tôi, học là để trở thành con người tự do. Và tôi luôn nhất quán với câu trả lời xuyên suốt đó.

Theo GIÁP VĂN DƯƠNG / TẠP CHÍ TIA SÁNG