Người ta hay nói về tính cách đàn ông Sài Gòn với đầy đủ tính tốt, tật xấu chứ không mấy ai nói về diện mạo của đàn ông thành phố này.

Kể từ thời Pháp thuộc, khi Sài Gòn thuộc về Cochinchine là xứ thuộc địa, người Sài Gòn, nhất là giới làm việc cho Tây nhanh chóng thay bộ áo dài khăn đóng để bận âu phục cho phù hợp với công việc. Rồi xuất hiện lớp thợ cắt tóc theo đúng kiểu Tây cho giới quan chức, lính thuộc địa Pháp và cho cả giới quan chức Việt cũng như người làm ăn kinh doanh. Thanh niên Sài Gòn bắt đầu cắt tóc ngắn trong khi miền Trung và Bắc vẫn phổ biến tóc dài búi tó và ít ra cho đến giữa thập niên 1920 vẫn còn ảnh hưởng Khổng giáo từ cách ăn mặc, nói năng.

Dan-ong-Sai-Gon
Nghệ sĩ Trần Quang (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn bè nghệ sĩ Sài Gòn

Đầu thập niên 1920, khá đông công chức Sài Gòn lương tháng 6 đồng hoặc 4 đồng “đã đua nhau diện âu phục: áo “bành tô” cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng, mang dép da. Các bậc “ông” – như commis, thì mang giày tây do từ bên Tây gửi sang bán với giá đắt, thường thường là loại giày bottin da đen, cao cổ” (theo Nguyễn Vỹ – Tuấn chàng trai nước Việt tập 1, tác giả tự xuất bản 1969).

Thập niên 1950, nhìn chung đàn ông Sài Gòn biết chú ý đến hình thức vẫn cố giữ nét lịch lãm ảnh hưởng của giới quan chức Pháp ở thuộc địa với tóc chải để lộ vầng trán cao. Hình ảnh giới nghệ sĩ phản ánh điều đó, trong chân dung lưu lại của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ca sĩ Duy Khánh, hai nghệ sĩ Hoài Trung và Hoài Bắc Phạm Đình Chương với gương mặt sáng trưng, thông tuệ như giáo sư đại học.

Từ thập niên 1960 cho đến 1975, phim Tây, Mỹ trở nên phổ biến. “Đẹp trai như Alain Delon!” là câu thành ngữ mới để đánh giá trai đẹp. Và sau này khi Nguyễn Chánh Tín lần đầu xuất hiện trong phim Đời chưa trang điểm với vai Tuấn, một chàng đẹp trai con nhà giàu thì dân gian sửa lại là “Đẹp trai như Nguyễn Chánh Tín”. Khi Trần Quang diễn xuất với bộ ria mép, người Sài Gòn không thể không liên tưởng tới Clark Gable hay sẽ nghĩ đến Charles Bronson khi xem diễn viên Tâm Phan đóng phim.

Thời trước 1975, đang có chiến tranh, cũng là thời sản xuất mạnh, hàng hóa nhiều, đàn ông có giá không còn là thầy ký, thầy thông sáng cắp ô đi tối cắp về nữa mà là thầy Hai làm sở Mỹ bận áo montagut sáng lấp lánh, lái Vespa vào cuối tuần hoặc ông thầu khoán cười lóe răng vàng…

Dan-ong-Sai-Gon1
Trang phục phổ biến thập niên 1950 – 1960

Những vẻ đẹp thời thượng

Xem lại tập ảnh cũ sưu tầm được, diện mạo của các nam nghệ sĩ Sài Gòn xưa khá đa dạng. Họ xuất xứ từ khắp các vùng miền nên mỗi người mỗi vẻ: mạnh mẽ, rắn rỏi, đôn hậu, sáng trong hay bí ẩn, đểu giả hay chân thật…

Họ có nét chung là thích chải tóc theo kiểu thời thượng, kiểu tango, chải tóc vuốt lên rồi vẹt ngang cho bồng cao. Một số nam nghệ sĩ chải đầu tém phía sau gáy, ai không có tóc ép tự nhiên thì dùng gel ép cho thật kỹ. Có nghệ sĩ dù mỗi ngày ăn quán ngủ đình, ở nhà trọ, ăn cơm hội nhưng vẫn sáng rực trên sân khấu với vẻ hào hoa uy dũng.

Khi còn nhỏ, tôi thích vẻ đẹp trai tươi tắn của ban Tam ca Sao Băng. Tươi sáng nhất vẫn là gương mặt của ca sĩ Thanh Phong. Anh là người gốc Hoa, trắng trẻo, biết ăn diện, tóc chải bảy ba. Nụ cười của anh được nhà văn Hồ Trường An gọi là “cười cầu tài” khiến cái nhìn của anh thân thiện và cuốn hút.

Hùng Cường là ngôi sao nam sáng nhất trên sân khấu cải lương và ca nhạc miền Nam. Anh có chiều cao lý tưởng thời đó. Nhớ hồi nhỏ trong một chương trình ti vi, tôi thấy anh trả lời phỏng vấn rất dõng dạc: “Tôi, Hùng Cường, tên thật là Trần Kim Cường, cao một mét bảy, nặng bảy chục ký!”. Đã vậy, anh còn tập thể hình nên giữ dáng rất tốt.

Dan-ong-Sai-Gon2
Nghệ sĩ Hùng Cường

Tuy có lúc anh ăn diện hơi lố, theo như Hồ Trường An: “Vào thập niên 1960, anh diện theo lứa choai choai đợt sóng mới với áo da, tóc chải gie trước trán”. Theo nhà văn này, vốn là ký giả kịch trường trước 1975, Hùng Cường thích đeo dây chuyền vàng to, mề đay lớn, cườm tay đeo lắc vàng, ngón tay áp út đeo nhẫn nạm kim cương. Anh là vẻ đẹp phổ thông cuốn hút của đa số người miền Nam.

Một ngôi sao ca nhạc nổi bật ở Sài Gòn là Chế Linh, rất được giới bình dân yêu thích với giọng ca da diết rên rỉ. Nhìn ảnh hồi trẻ, ta thấy anh khá bảnh trai với mái tóc dày, đôi môi tươi và đôi mắt đẹp của dân tộc Chăm luôn linh hoạt. Anh thường diện những bộ complet màu tối cho hợp với nước da mình.

Nhiều người cho là đẹp trai lâu nay trong giới nghệ sĩ vẫn là Trần Quang, Hùng Cường hay Nguyễn Chánh Tín. Họ có vẻ đẹp hiện đại, gần với phương Tây hơn không chỉ vì vóc dáng cao ráo mà còn ở nét diễn xuất, thể hiện qua cái nheo mắt, chau mày, cái nhìn nghiêng, đảo mắt… Bên cạnh đó là những nét đẹp lạ, chân phương hơn của những nghệ sĩ như Bảo Ân, Thanh Tú, Tâm Phan, La Thoại Tân.

Bao nhiêu năm đã qua từ khi những nghệ sĩ nói trên cất giọng, diễn xuất trên sân khấu, màn ảnh. Hầu hết họ đã ra đi hoặc đã già yếu. Còn lại thứ ánh sáng đã cũ, trong những tấm ảnh lưu giữ được. Ánh sáng từ nửa thế kỷ trước, khó phai mờ, những vẻ đẹp nam tính mà họ đại diện, của một thời ở thành phố này.

Dan-ong-Sai-Gon3
Ca sĩ Chế Linh

Phạm Công Luận