Nguyên Sa là một nhân vật đa diện, và những ai ở gần ông có lẽ cũng thấy ông là một nhân vật phức tạp. Quỳnh Giao chỉ thấy ở ông hình ảnh học trò của mình. Hình ảnh đó đang trở về và mấy chục năm kỷ niệm đã lại xanh mởn ở trong tôi. Ngày xưa và cho đến nay, tôi vẫn gọi ông là Thầy Lan vì đã từng theo học ông. Gặp ông năm ngoái, tôi còn ôn lại một kỷ niệm cũ…
Hôm đó, lũ học trò con gái chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó mình lại mau mắn qua sức mà hỏi giật các bạn:
“Lan Phệ” đến chưa?
Lan Phệ là hỗn danh lũ học trò chúng tôi vẫn dùng để gọi lén Thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của lũ bạn:
“Nó đây rồi!”
Người trả lời chính là thầy Trần Bích Lan, ông thày dạy môn triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì là khô cằn khắc khổ của một triết nhân như lũ học trò chúng tôi vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp, riêng tôi thì tự nhủ, từ đó đến giờ, là sẽ không bao giờ bạo mồm bạo miệng như vậy nữa. Tuổi học trò của tôi có những kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm nghệ sĩ và thi sĩ. Thơ Nguyên Sa đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó, và giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ của ông vẫn khơi dậy nơi tôi những cảm xúc học trò.
Tuổi ấu thơ của chúng tôi cũng trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hoà, của miền Nam tự do sau Genève.
Lúc đó, mọi người như đều khao khát những cái gì rất mới. Một phần có lẽ để đoạn tuyệt với một nửa đất nước đau thương bên kia Bến Hải, một phần nữa để tìm kiếm xây dựng một không khí mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó, không ít là du học từ bên Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó. Nhưng, ngoài bài thơ cho Nga ông viết trên thiệp báo hỷ, mà người ta nhắc tới quá nhiều, chúng ta không bắt gặp cái chất enfants terribles của các nhà thơ từ Paris có “ga Lyon đèn vàng” trở về.
Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sàigòn cái hương vị dịu mát của Hà Nội.
Bài Áo Lụa Hà Ðông của ông có tác dụng đến như vậy mà không là lạ lùng sao? Từ bài đó, Quỳnh Giao tin rằng tất cả những người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội, hoặc cái khí hậu tưởng như Hà Nội, khi nghe thơ Nguyên Sa. Và không mấy ai băn khoăn về Paris nữa, dù lúc đó rất thời thượng. Sau này, tôi mới biết rằng Paris có một ma lực rất lớn với những người làm thơ ở Sàigon, nhưng, lại không thấy ở Nguyên Sa nỗi ám ảnh đó. Paris, đối với ông có lẽ đã là tiền kiếp, chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và những kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ Nguyên Sa.
Hơn vậy, thơ Nguyên Sa còn làm người ta từ chỗ cảm thông với học trò di cư mà bước luôn vào sân trường, để thấy lòng mình mát rượi với mối tình đầu. Ðọc thơ Nguyên Sa – lúc đó, chúng tôi mới chỉ đọc thôi, riêng tôi thì chưa nghe và chưa hát – đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò chúng tôi đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò.
Giờ này, Qỳnh Giao vẫn nghĩ như vậy, và chỉ mong là thế hệ nào cũng có những cậu học trò pha mực làm thơ, làm các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.
Ðiều cũng đáng ghi nhớ là thơ tình của ông dù nhẹ nhàng và rất Tây, rất mới, mà vẫn khác ý thơ Paul Geraldy mà về sau tôi có thấy ở nhiều bài thơ tình của thời đó, như trong thơ Nhất Tuấn chẳng hạn. Thú thật là thời đó, lũ học trò con gái chúng tôi hầu như đứa nào cũng giấu trong cặp một vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Những nhà thơ đó đã làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sàigon còn thanh bình, và kỷ niệm ấm êm đó giờ đây vẫn là những gì tôi cho là đáng quý nhất của quê hương và tuổi thanh xuân của mình.
Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất. Giờ này, vừa rời Cali thì được tin ông mất, Quỳnh Giao hồi tưởng lại, là khi bắt đầu đi vào nghệ thuật ca hát, mình xa dần thầy Lan dạy triết mà gặp lại thơ Nguyên Sa trong âm nhạc.
Một điều có lẽ phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao. Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi.
Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vụ dìu dặt nhịp ¾. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó. Có lẽ, đây là lý do vì sao thơ Nguyên Sa không được đem vào nhạc nhiều hơn nữa.
Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Và nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, Quỳnh Giao tin rằng chúng ta nên cám ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đã đem nhạc của mình làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.
Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.
Những người quen ông thường nói rằng ông chính là một enfant terrible, một nhân vật võ hiệp Kim Dung (ông dùng bút danh Hư Trúc trong các bài phiếm của mình) mà làm gì cũng phải đi tới thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về những điều đó. Với tôi, Nguyên Sa đã đi tới thành công ở thơ.
Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và với Quỳnh Giao, điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra ngôi vườn, tôi thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn mãi mãi nuột nà không phai mờ.
Ông để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình. Mất ông như vậy, làm sao mà không tiếc?
—–
Nguyên Sa (1932-1998) qua nét vẽ của Nguyên Khai