Trong tác phẩm “Tôn giáo xứ Nam Kỳ” tập 2, P. Launay cho rằng trong số công trình tôn giáo tại thuộc địa, nhà thờ Sài Gòn chiếm vị trí hàng đầu.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nhìn từ đại lộ Norodom nay là đường Lê Duẩn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Thật vậy, vào thời kỳ mà quan hệ giữa Đông Dương và chính quốc vẫn diễn ra tốt đẹp, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh đối với người Pháp ngay khi đặt chân tới vùng đất này không phải là nhà thờ này hay sao? Tì tay lên lan can tàu khi ngược sông Sài Gòn, những người mới đến và những người trở lại từ Pháp không khỏi bồi hồi khi ngắm nhìn hai ngọn tháp như hai mũi tên nhú trên những bãi vẹt đước và đồng ruộng. Họ cảm thấy nước Pháp thật gần gụi biết bao. Họ còn nhớ như in những kỷ niệm thân thương về quê hương Pháp, hình ảnh tượng Đức Mẹ đang canh giữ trên đỉnh đồi trông xuống cảng Marseille rộng lớn. Ở đây, họ nhìn thấy một gác chuông khác, biểu tượng của nước Pháp Cơ đốc tại châu Á để mọi người biết Chúa và yêu Chúa. Họ hạnh phúc vì cảm thấy như được ở trong chính ngôi nhà của mình vậy.

Công trình mà tôi muốn giới thiệu sơ lược về lịch sử của nó được khánh thành vào năm 1880, khi đó, còn chưa có hai ngọn tháp. Mãi tới năm 1894, người ta mới xây dựng hai ngọn tháp này.

Trước khi có Nhà thờ, Đức cha Lefèbre rời bỏ Xem Chiêu [Xóm Chiếu-ND] về thành phố và sống trong căn nhà khá đẹp của một viên quan An Nam bỏ đi khi người Pháp tới. Sau này, ngôi nhà trở thành nhà thờ của Tòa giám mục tại 180, phố Richaud. Cha Lefèbre được chính quyền Pháp bố trí cho một ngôi chùa cũ để làm nhà thờ đầu tiên của thành phố.

Ba năm sau, nghĩa là vào năm 1864, đô đốc Bonard cho xây nhà thờ trên khu đất trũng của thành phố, bên bờ kênh tại vị trí đại lộ Charner [nay là đường Nguyễn Huệ). Thật không may, do làm hoàn toàn bằng gỗ nên sau khoảng 10 năm, nhà thờ đã bị mối mọt phá hỏng.

Năm 1874, một giải pháp bất ngờ đã được đưa ra, đó là từ thời điểm này về sau, mọi hoạt động tôn giáo được tiến hành tại gian khánh tiết trong ngôi nhà cũ của Thống đốc.

Đô đốc Duperré là người đầu tiên hiểu rõ rằng không thể để tình trạng như vậy kéo dài thêm nữa và đề xuất tổ chức cuộc thi thiết kế nhà thờ sao cho tương xứng với Nam Kỳ và thủ phủ của nó. Sau khi bản thiết kế của kiến trúc sư Bourard ở Paris được lựa chọn, người ta bắt tay ngay vào việc xây dựng Nhà thờ.

Ngày 07/10/1877, Đức Cha Colombert đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ tương lai. Công trình được xây dựng trên một khu đất có vị thế tuyệt vời, ở đầu đường Catinat [đường Đồng Khởi ngày nay] và tại điểm cao nhất Sài Gòn.

Tuy nhiên, phải nói thực là vào thời điểm đó, một số người Pháp di cư khó tính đã cực lực phản đối dự án cũng như việc thi công nó. Họ bị cuốn vào các cuộc tranh luận như đã làm đối với các công trình xây dựng khác do Chính phủ thực hiện. Họ bàn tán về những khoản tiền khổng lồ trong khi số tiền thực tế dành cho nhà thờ không vượt quá 2.500.000 phơ-răng.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Nhà thờ Sài Gòn mang phong cách kiến trúc La Mã, từ cổng vào tới mặt ngoài gian giữa dài 93m, cánh ngang rộng 35m, chiều cao từ sàn tới đỉnh vòm là 21m. Nhà thờ có hai tháp chuông, mỗi tháp cao 36,6m tính từ nền và 57m nếu tính cả chóp tháp làm thêm về sau. Mỗi chóp lại đỡ một cây thập tự cao trên 2m. Hai tháp chuông này chứa một bộ chuông gồm sáu chiếc nặng tổng cộng 28.850kg, mà theo như P.Launay mô tả, bộ chuông này“chắc chắn không có đối thủ ở Viễn Đông và thậm chí nhiều nhà thờ ở Pháp phải thèm muốn”.

Vào trong nhà thờ – tác giả nhận xét thêm – ta vẫn thấy nội thất được bài trí một cách giản dị nhưng mang tính thẩm mỹ cao. Phía trên hành lang gác, một loạt ô kính mô tả cho khách tham quan cảnh tượng các vị thánh đến bái lạy Nữ Hoàng, Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, chủ nhân số 1 của Thánh đường, tượng của Người ngự trên chính điện. Chính điện làm bằng đá hoa cương quý giá, có 3 bức phù điêu đắp nổi tuyệt đẹp, đặt trên 6 thiên thần mang các dụng cụ khổ nạn. Đối với những hàng kính ghép màu, theo truyền thống, các nghệ sĩ phải phác họa các vị thánh mang nét mặt của những nhân vật nổi tiếng ở xứ thuộc địa. Còn về đàng thánh giá, mỗi chặng được dùng làm bàn thờ cho các nhà nguyện hai bên.

Mặt sau của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau khi đặt viên đá đầu tiên khoảng 2,5 năm, với sự trợ giúp của giới giáo sĩ, Đức Cha Colombert làm lễ ban phúc lành và khảnh thành nhà thờ với sự có mặt của Thống đốc Myre de Vilers. Dưới đây là một vài chi tiết:

5 giờ sáng ngày 11/4/1880, cùng với người trợ tế, Đức Cha Colombert làm lễ ban phúc lành cho công trình, sau đó sáu chiếc chuông vang lên hết cỡ và theo lễ trình, người ta tiến hành rước tượng Đức Thánh Tâm [Saint-Sacrement] từ ngôi nhà thờ cũ và khiêm tốn sang nhà thờ mới và tráng lệ.

Sáng chủ nhật hôm đó, người ta đua nhau tới nhà thờ và cả ngày hôm ấy nhà thờ lúc nào cũng chật kín khách người Âu và người Á.

Đúng 8 giờ, thánh lễ của giáo hoàng bắt đầu với bài hát “Veni Creator”. Khi bài thánh ca kết thúc, Đức cha Colombert đứng lên phát biểu. Sau khi tạ ơn Thiên Chúa về việc cho lập nhà thờ này, Đức cha cảm tạ tất cả những người đã tham gia vào việc xây dựng nhà thờ. Sau đó, ngài so sánh công trình với vố số các nhà thờ lớn được xây dựng ở châu Âu vào thời Trung cổ, Đức Giáo hoàng không quên nhắc lại vai trò đáng tự hào của nước Pháp Cơ đốc và nói thêm: “Khi thiết lập sự thống trị của mình tại những vùng biển xa xôi, nước Pháp luôn trung thành với ơn thiên triệu, cũng như không quên truyền thống Ki-tô giáo của mình. Nước Pháp đã cho người An Nam thấy sự vĩ đại của nền văn minh Pháp…”.

Như đã trình bày ở trên, mấy năm sau hai chiếc chóp nhọn mới được thêm vào hai chiếc tháp. Về vấn để này, Cha xứ R.P. Soullard, người phụ trách nhà thờ Sài Gòn hiện nay [năm 1943 – ND] kể rằng hai chiếc chóp tháp đó được khánh thành vào năm 1874, ít lâu sau khi Cha tới Nam Kỳ. Trong một số báo năm 1895 của tờ Thư tín Nam Kỳ, tác giả bài viết còn tìm thấy một bài báo liên quan tới hai chiếc chóp tháp này. Theo đó, có hai bản thiết kế chóp tháp và thiết kế của ông Garden đã được chọn. Bản thiết kế còn lại bị loại do quá cầu kỳ.

Đương nhiên chưa thể coi nhà thờ Sài Gòn là một kỷ quan bởi nó được xây dựng trong một giai đoạn khó khăn, nghĩa là trong giai đoạn kiến trúc tôn giáo không còn giữ vị trí độc tôn đối với các tín đồ nữa. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì nó rất xứng đáng và nhất là đã thực hiện được vai trò như tác giả đã trình bày ở trên.

Thật không gì cảm động hơn khi nhìn thấy, trong gian giữa rộng lớn của Nhà thờ Sài Gòn, tại buổi lễ chính ngày chủ nhật, đông đảo tín đồ thuộc đủ các chủng tộc đã tụ hội về đây để cùng nhau cầu Chúa, đấng duy nhất tạo ra sự công bằng, trao cho con người phẩm cách ban đầu và hi sinh để chúng ta được sống.

Nguồn: Tuần báo Đông Dương số 148 ngày 01/7/1943, tr. 13-16, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.