“Double Dragon II: The Revenge” do hãng Acclaim Entertainment phát hành năm 1990. Nội dung trò chơi bắt đầu với việc Marian – nữ thành viên của băng Double Dragon (Song Long) bị thủ lĩnh của băng Black Warriors bắn chết. Hai anh em Billy và Jimmy Lee đã được giao nhiệm vụ trả thù cho cái chết của Marian.

“Antarctic Adventure” (Khám phá Nam Cực) do Konami phát hành năm 1983 là một trò chơi có vẻ đơn giản nhưng không dễ chơi. Người chơi phải điều khiển chú chim cánh cụt “chạy marathon” trên mặt băng, tránh bị rơi xuống hố hoặc va phải voi biển để có thể về đích đúng thời hạn.

“Excitebike” hay “đua xe máy” do Nintendo phát hành năm 1985 là trò chơi rất phù hợp với dân “tổ lái”.

“Nekketsu Kakuto Densetsu” là trò chơi đánh nhau “cực nhộn”, do hãng Technos Japan phát hành năm 1992.

“Kunio Kun Soccer League” là môt trò chơi đá bóng cũng “nhộn” không kém của Technos Japan, phát hành năm 1990.

“Ice Climber” hay “đập băng” là trò chơi do hãng Nintendo phát hành năm 1985. Nhiệm vụ của người chơi là điểu khiển hai đứa trẻ Eskimo, gồm cậu bé Popo (áo xanh) và cô bé Nana (áo hồng) chinh phục các đỉnh núi băng giá và đầy kẻ thù.

“Circus Charlie” thường gọi là trò “xiếc”, được hãng Konami phát hành năm 1990. Để vượt qua cả 6 màn của trò này, người chơi phải cực kỳ khéo léo và kiên nhẫn.

“Kung-Fu Master”, còn có tên khác là “Spartan-X” do hãng Nintendo phát hành năm 1985, lấy cảm hứng từ bộ phim Quán ăn lưu động (Wheels on Meals) do Jackie Chan thủ vai.

Trò chơi “Battletoads” được hãng Tradewest phát hành năm 1991 như một đối thủ của trò “Ninja rùa” (Teenage Mutant Ninja Turtles). Nội dung trò chơi xoay quanh cuộc chiến giữa 3 chú “siêu cóc” có tên Rash, Zitz and Pimple với lực lượng của Nữ hoàng Hắc ám (Dark Queen) ở ngoài không gian. Trò này ở Việt Nam được gọi bằng cái tên rất “chối tại”: Song long ếch.