Thẩm Thúy Hằng mấy năm trước trở lại với sân khấu không bằng những vai diễn mà bằng 2 kịch bản do chị sáng tác: “Người hạnh phúc”, “Nụ cười và nước mắt”. Là một người đẹp nổi tiếng và là một trong những gương mặt điện ảnh gặt hái nhiều thành công ở những năm của thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20, Thẩm Thúy Hằng trở lại sân khấu với vai trò tác giả đã tạo được sự chú ý của giới sân khấu và những người quan tâm.
Trả ơn cuộc đời
Không hẹn mà gặp, cả 2 kịch bản Thẩm Thúy Hằng viết đều chọn đề tài hạnh phúc, bởi chị quan niệm: “Hạnh phúc là được lao động và cống hiến”. Nữ nghệ sĩ Hồng Vân xúc động cho nói: “Cô Hằng lâu nay ăn chay trường, sống khép kín, nhưng lúc nào cũng quan tâm đến hoạt động sân khấu và điện ảnh. Tất cả những trang viết của cô đều xuất phát từ trái tim nhân ái, muốn mỗi người đều trân trọng hạnh phúc đang có. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa lên sàn tập kịch bản của cô”. Đạo diễn Văn Thành cũng cho biết sẽ giao kịch bản “Người hạnh phúc” cho một đạo diễn trẻ dàn dựng tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ trong thời gian tới.
Từ ngày chồng Thẩm Thúy Hằng (tiến sĩ kinh tế học Nguyễn Xuân Oánh) qua đời (thọ 82 tuổi), các con chị dù định cư ở nước ngoài vẫn thường xuyên về nước thăm mẹ. Công việc hiện nay của chị là tham gia các hoạt động từ thiện. Chị lấy việc ăn chay niệm Phật làm niềm vui. Khi có cảm hứng sáng tác chị ngồi vào bàn để viết.
Trả lời thắc mắc vì sao chị lại quan tâm đến đề tài hạnh phúc, trong khi sân khấu kịch đã có hàng trăm vở khai thác thành công đề tài này. Chị cười, nụ cười nhân hậu: “Tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong nghệ thuật”.
Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh
Ngược thời gian, chị kể về cái tên Thẩm Thúy Hằng của mình. Tên thật của chị là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng. Theo gia đình vào Nam sinh sống, lớn lên tại tỉnh An Giang. Năm vừa tròn 16 tuổi, độ tuổi còn cắp sách đến trường, cũng như biết bao cô gái thích mơ mộng, Kim Phụng khao khát gắn mình với nghệ thuật. Biết tin về cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân với một dòng tít lớn: Giải nhất sẽ được sang Hồng Kông tham dự lớp đào tạo diễn xuất. Thông tin này hấp dẫn Kim Phụng, nhưng cô không dám bộc lộ với cha mẹ. Kim Phụng lén ghi danh và giấu chiếc áo dài vào cặp để đi thi.
Không ngờ Kim Phụng đã vượt lên hơn 2.000 gương mặt khả ái khác để giành giải nhất. Và nghệ danh Thẩm Thúy Hằng do ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân đã đặt ra đời từ đó.
Sau lần xuất hiện với vai Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương, đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần (vai hoàng tử), cái tên Thẩm Thúy Hằng nhanh chóng đi vào trí nhớ của người xem: “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng (tên của chị gắn liền với tên bộ phim đầu tiên). Từ một cô bé nhút nhát, chị bước lên ngôi vị nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50.
“Người đẹp Bình Dương” lừng danh
Hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc, những hợp đồng đóng phim đua nhau chào đón. Thẩm Thúy Hằng lập kỷ lục là nữ minh tinh đóng nhiều phim nhất của thập niên 50 – 60. Năm 1969, đứng ra lập nhóm làm phim mang tên Thẩm Thúy Hằng và đây là tiền thân của Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn. Phim đầu tay chị thực hiện với vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm, có sự tham gia của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi… Bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng.
Danh tiếng của Thẩm Thúy Hằng được nâng cao hơn khi chị xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia… tham dự các cuộc liên hoan phim. Đối với các diễn viên điện ảnh quốc tế như: Creg Moris, Wen Tao, Địch Long, Khương Đại Vệ… chị là bạn.
Không dừng ở điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thử sức mình ở lãnh vực sân khấu. Chị tham gia đóng kịch, diễn cải lương, hát tân nhạc… Năm 1960, tại Sài Gòn xuất hiện nhiều ban kịch như: Dân Nam, Tân Dân Nam, ban kịch Kim Cương, ban kịch Mộng Tuyền, ban kịch Thẩm Thúy Hằng với những câu chuyện kể sau 0 giờ luôn được khán giả yêu mến.
Vào Tháng Năm 1965 minh tinh Thẩm Thúy Hằng tham dự Đại Hội Điện Ảnh Á Châu kỳ 12 tổ chức tại Kyoto Nhật Bản. Trên đường phố, một số nữ sinh viên Nhựt đón đường người đẹp Bình Dương xin chữ ký và chụp hình kỷ niệm..
Với vai trò làm trưởng ban, chị viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Khán giả trước năm 1975 chắc không thể quên những vai diễn của chị trong các vở kịch như : Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ… Ở lĩnh vực cải lương, chị có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga… Sau năm 1975, chị tham gia những bộ phim như : Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Ngay cả lĩnh vực sân khấu kịch nói chị đã cùng với Nguyễn Chánh Tín tạo nên những đêm diễn tuyệt vời cho sân khấu đoàn Bông Hồng qua những vở như : Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn… Vai diễn cuối cùng trước khi từ giã hoạt động nghệ thuật là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.
Với vai trò tác giả kịch bản của 2 vở diễn được dàn dựng, Thẩm Thúy Hằng tâm sự : “Tôi muốn góp phần với các nghệ sĩ sân khấu mang đến công chúng yêu kịch những thông điệp chứa đựng giá trị nhân ái, để mọi người hiểu và nâng niu hơn hạnh phúc đang có của mình. Cuộc đời tôi đã có quá nhiều hạnh phúc. Tất cả những tâm sự của tôi xin được gửi vào những sáng tác mới này”.
Thẩm Thúy Hằng… người đẹp Bình Dương
Hồi còn đi học lớp diễn xuất điện ảnh, có lần nghe Phạm Thùy Nhân nói về các diễn viên điện ảnh mà ông yêu thích, ông có nhắc đến nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Trong cách nói chuyện với các học trò của mình, ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình trước một ngôi sao về sự ảnh hưởng trong lòng của công chúng Việt. Ông còn nói những diễn viên sau này, chưa có tìm ra một gương mặt nào có sự ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng như nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng…
Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của một trong những gương mặt diễn viên điện ảnh nữ vang bóng một thời tại miền Nam. Có thể nói chưa có một gương mặt diễn viên nữ nào tại Việt Nam được “tổ đãi” và danh tiếng như chị, kể từ khi chính thức vào nghề năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã tạo được tiếng vang và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của nước ta đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á Châu suốt các thập niên 60-70. Là biểu tượng một thời của sắc đẹp.
Hành trình nghệ thuật
Sau khi cô bé Nguyễn Kim Phụng từ từ bỏ đi chiếc áo dài trắng nữ sinh để bước vào thế giới của đèn huỳnh quang, thế giới của sự nổi tiếng với nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng. Từ vai diễn đầu tiên : Tam nương trong bộ phim “Người Đẹp Bình Dương”. Nhân vật đã hòa nhập vào cuộc đời, sống bền lâu trong ký ức người xem, đưa Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60…
Vẻ đẹp mỹ miều của Thẩm Thúy Hằng là đại diện của biểu tượng sắc đẹp miền Nam. Hình ảnh của nàng Chức nữ liễu yếu đào tơ vừa hát vừa bay về trời trong nhạc cảnh “Chức nữ về trời” của nhạc sĩ Phạm Duy sọan nhạc trong bộ phim “Ngưu Lang Chức Nữ” cũng do hãng Mỹ Vân sản xuất và đạo diễn bởi NS Năm Châu; vai diễn đó của Thẩm Thúy Hằng đến nay vẫn còn in đậm những ký ức đẹp trong lòng khán giả lớn tuổi.
Rồi những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao của nghệ thuật, nhanh chóng đưa tên tuổi của chị trở thành ngôi sao số một, và đã giữ được kỷ lục về số đầu phim tham gia trên dưới hơn 60 phim truyện nhựa.
Những phim mà Thẩm Thúy Hằng tham gia nổi tiếng thời đó là : Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Nửa Hồn Thương Đau, Đôi Mắt Huyền (đóng với La Thoại Tân, Kim Cương, Thanh Thanh Hoa…), Oan Ơi Ông Địa (đóng chung với các nghệ sĩ Cải Lương như Bảy Xê, Ba Vân…), Dang Dở (đóng chung với Trần Quang), Tơ Tình (đóng chung với La Thoại Tân, Mai Ly, Thanh Thúy..), Nàng (đóng cùng Trần Quang, Xuân Dung, Phương Hồng Ngọc…), Bóng Người Đi (đóng chung với Thành Được, Út Bạch Lan, Túy Hoa, La Thoại Tân..), Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…
Thời rực rỡ và sung sức nhất của chị là khoảng thời gian 1965-1972, những bộ phim có Thẩm Thúy Hằng tham gia đều đạt doanh thu cao.
Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng. Trong lĩnh vực này, Thẩm Thúy Hằng rất nhậy bén. Phim đầu tay chị chọn làm là phim Chiều Kỷ Niệm, thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Các diễn viên tham gia diễn xuất cùng gồm NS Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi… Nhờ một lực lượng hùng hậu những tên tuổi nổi tiếng như thế mà bộ phim đen trắng Chiều Kỷ Niệm đã tạo nên một kỷ lục gây nên sự ngạc nhiên trong giới nghệ thuật miền Nam thời đó bởi sự thành công ngoài mức tưởng tượng:
“Ngay ngày chiếu cho khán giả xem, khán giả đã chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa Dakao để giành vé. Chỉ trong ngày đầu chiếu, rạp Rex đã thu về được hơn một triệu tiền tiền vé, còn Văn Hoa thu về hơn bảy trăm ngàn đồng. Sau đó, suốt trong một tuần lễ chiếu, ngày nào cũng đông như vậy. Thành công này đã giúp cho Thẩm Thúy Hằng thừa thắng xông lên đóng tiếp phim Như Hạt Mưa Sa.
Như Hạt Mưa Sa là bộ phim đen trắng, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do cố đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971. Hợp diễn với Thẩm Thúy Hằng là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều… Người nữ nghệ sĩ khả ái này đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị thì dịu dàng và nữ tính còn cô em thì trẻ trung, hiện đại. Bộ phim này cũng có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp phần 2 là Như Giọt Sương Khuya bằng phim màu.
Thẩm Thúy Hằng kinh doanh nghệ thuật xốc vác và có nhiều tâm huyết, chị từng hợp tác cùng nhiều nhà làm phim thực hiện những phim đa quốc tịch như : Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ (với Đài Loan do Mỹ Vân hợp tác), Vàng (với Thái Lan do Việt Ảnh hợp tác)… Cuối năm 1974, Thẩm Thúy Hằng với cương vị là giám đốc hãng Vilifilms đã gặp gỡ và bàn kế hoạch để thực hiện bộ phim Hòn Vọng Phu dựa theo kịch bản của soạn giả Hoàng Khâm, ngoài ra còn khởi quay bộ phim chiếu tết năm 1975 Chàng Ngốc Gặp Hên, cùng thể nghiệm với đạo diễn Lê Hoàng Hoa trong bộ phim kinh dị Giỡn Mặt Tử Thần…
Ở lĩnh vực cải lương, Thẩm Thúy Hằng đã có dịp biết đến khi tham gia những phim được sân khấu hóa như: Đò Chiều, Đôi Mắt Huyền, Oan Ơi Ông Địa, nhưng vai diễn trên sân khấu ấn tượng nhất khi Thẩm Thúy Hằng hát cải lương chính là vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga… Người nhiệt tình giúp đỡ Hằng trên sân khấu cải lương chính là soạn giả Lê Khanh. Sau vở này, Kịch sĩ Anh Lân và Túy Hoa có mời Hằng tham gia vở hát dã sử Việt Chiêm của soạn giả Mộc Linh là “Đồ Bàn Di Hận”, Thẩm Thúy Hằng diễn vai Phàm Lan, cô gái Chiêm, một vai diễn thành công trước nay của sầu nữ Út Bạch Lan.
Xuất hiện trong những chương trình đại nhạc hội, Thẩm Thúy Hằng còn hát tân nhạc “khá mùi” như nhạc phẩm “Hai Chuyến Tàu Đêm” của Nhạc sĩ Trúc Phương hay “Tình lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình.
Sau tháng 4.1975 Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuỵền, Bạch Tuyết,… tiếp tục đóng phim, diễn kịch. Những bộ phim như Như Thế Là Tội Ác, Ngọn Lửa Krông Zung, Hồ Sơ Một Đám Cưới, Đám Cưới Chạy Tang, Cho Cả Ngày Mai, Nơi Gặp Gỡ Của Tình Yêu… với những nhân vật hoá thân là cô Diệp, Hơ Doan, thím Ba Xoay… cũng một phần nào minh chứng cho quyết tâm hoà nhập vào đời sống mới, vai diễn mới.
Bên lĩnh vực kịch nói chị cùng với Nguyễn Chánh Tín tạo nên những đêm diễn tuyệt vời. Sân khấu đoàn Bông Hồng của chị sáng đèn hằng đêm với những vở diễn như Cho Tình Yêu Mai Sau, Đôi Bông Tai, Hoa Sim Gai Trắng, Biệt Thự Hoang Tàn… Một trong những vở kịch hay của Thẩm Thúy Hằng rất được yêu thích là vở Đôi Mắt của tác giả Vũ Dũng Minh. Nguyễn Chánh Tín sắm vai một bác sĩ quân y, Thẩm Thúy Hằng cũng là một bác sĩ quân y mới ra trường, Bích Thủy là một y tá quân y, và Bạch Lan Thanh trong vai cô gái Vân Kiều.
Vai diễn cuối cùng trước khi từ giã lĩnh vực nghệ thuật là vai Phồn Y trong vỡ diễn Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.
Thời vang bóng của Thẩm Thúy Hằng đã đem về cho chị những giải thưởng điện ảnh quốc tế như : Hai lần đạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972,1974). Liên bang Xô viết lại đón chào chị, và Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông âu, Nhật bản, Trung quốc, Mông cổ vào năm 1982.
Những kỷ niệm khó quên
Nghề và nghiệp diễn đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Có những kỷ niệm vui mà cũng có những kỷ niệm buồn. Có cả những kỷ niệm “xém” chết người vì yêu nghệ thuật.
Vào năm 1970, khi quay bộ phim “Xin đừng bỏ em” của Thăng Long điện ảnh do Lê Mộng Hoàng đạo diễn, Thẩm Thúy Hằng đã bị tai nạn liên quan đến phần đầu và mặt khi ngọn đèn Sunlight rout xuống trúng ngay đầu trong khi “người đẹp Bình Dương” đang “say mê” diễn xuất một cảnh tình cảm rất mùi. Tai nạn đã làm ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác của chị và “xém” làm cho người đẹp của chúng ta trở thành “độc thủ mỹ nhân”.
Trên thị trường đĩa DVD có bày bán bộ phim S.T.A.B của Đạo diễn Chalong Pakdivijit dàn dựng. Phim do hãng Colombia Mỹ phát hành, với sự diễn xuất của các ngôi sao “đa quốc tịch” như Greg Moris, Anoma Palalak, Krung Srivilai… và có cả sự tham gia với tư cách “minh tinh quốc tế” Thẩm Thúy Hằng. Ngay trong phần giới thiệu bộ phim, tên của chị được nêu lên trân trọng, xem như là một sự xuất hiện thật đặc biệt. Và bộ phim này khi phát hành tại Thái Lan và Việt Nam có tên là “Thoong” (Vàng). Đây là bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Thái Lan (trước năm 1975). Ở bộ phim này Hằng có rất nhiều kỷ niệm như kỷ niệm khó quên nhất mà “Minh Tinh” nhà ta đã phải chịu là những trận mưa giả liên tục hơn 3 ngày, 3 đêm.
Người ái mộ Thẩm Thúy Hằng thuộc đủ thành phần trong xã hội. Khi khán giả ái mộ xin chữ ký cũng có nhiều chuyện ly kỳ ! Chị ký ảnh đề tặng cho người hâm mộ phía sau ảnh nhưng cũng có những trường hợp chị ký luôn vào áo của người hâm mộ. Khi Thẩm Thuý Hằng xuất hiện đi chợ. Con nít, người lớn hiếu kỳ theo rần rần như đám rước đèn vậy !
Trong đời nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, có những tên tuổi như NS Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, Ba Vân, nhạc sĩ Thẩm Oánh là những bậc thầy mà chị không bao giờ quên ơn. Chính những tên tuổi bậc thầy này đã có công dạy dỗ, hướng dẫn và tạo điều kiện để khán giả biết đến một Thẩm Thúy Hằng.
… Và hiện nay
Hiện nay Thẩm Thúy Hằng không còn tham gia hoạt động nghệ thuật, một phần là do sức khoẻ, một phần là do muốn khán giả luôn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp về một Thẩm Thúy Hằng của quá khứ…
Chị có một đam mê khi tuổi tác đã cao là nghiên cứu về Thiền, hằng ngày chị dành nhiều thời gian cho việc ngồi thiền, ăn chay trường… Sau khi sang nhượng lại ngôi nhà thân thương số 608 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nơi đã gắn bó với mình suốt một quảng thời gian dài, chị cùng gia đình dọn nhà đi nơi khác. Chồng chị là Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã mất ngày 29/08/2003 do mắc bệnh về tim mạch (thọ 82 tuổi).
Bây giờ Thẩm Thúy Hằng sống giản dị trong ngôi nhà mới, yên tỉnh ở khu vực Bình Quới. Gặp bạn bè đến thăm, chị vẫn vui vẻ khi được khơi gợi lại ký ức về cuộc đời nghệ thuật. Còn cuộc sống riêng chị càng lặng lẽ và âm thầm hơn. Thỉnh thoảng khán giả chỉ thấy một số vở kịch được dàn dựng tại các sân khấu nhỏ với tên tác giả là Thẩm Thúy Hằng. Ngoài ra Thẩm Thúy Hằng thường xuyên tham gia công tác từ thiện để cố gắng trong khả năng của mình đem lại phần nào no ấm hạnh phúc cho người kém may mắn hơn mình trong xã hội.
Về cuộc sống gia đình Thẩm Thúy Hằng rất vui khi thấy các con đều yêu thương mình. Niềm đam mê nghệ thuật thì vẫn còn mãi trong Hằng, lúc nào Hằng cũng suy nghĩ đến kịch, đến phim, đến những bạn bè, khán giả tri âm tri kỷ. Thẩm Thúy Hằng tham gia viết kịch bản. Chẳng hạn như kịch bản phim Chuyện Tình Của Em từng được nhà sản xuất phim Đào Thu thực hiện năm 1995, và sáng tác những vở kịch như Nụ Cười Và Nước Mắt, Người Hạnh Phúc được dàn dựng trên sân khấu nhỏ.