Tìm được thợ nail giỏi đã khó và giữ chân được họ lại càng khó hơn. Chủ tiệm nail nào cũng đau đầu tìm cách giữ lại nhân viên lâu năm, tay nghề cao trong khi họ có những lựa chọn sang chỗ khác tốt hơn và nâng cao mức lương hơn.

Bạn là chủ tiệm nail và bạn đang có đội ngũ nhân viên giỏi về kỹ thuật làm móng, kinh doanh lại rất tốt? Nhưng thực tế sắp bước vào giai đoạn nghỉ đông và những ngày lễ nhộn nhịp như Halloween, Giáng Sinh, tiệm của bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng có nhiều nhân viên xin nghỉ phép cùng lúc, hay họ có thể hợp tác cùng người bạn để mở tiệm riêng… Và bạn bận rộn tìm người thay thế dù thực sự không có nhiều thời gian để tìm kiếm nghiêm túc.

Trong lúc đó, bạn yêu cầu các thợ còn lại nhận thêm phiên dịch vụ và làm thêm giờ, điều này khiến một số thợ, đặc biệt là thợ giỏi và tâm huyết với nghề, cảm thấy không hài lòng. Viễn cảnh bạn mất đi nửa số nhân viên giàu kinh nghiệm và phải đào tạo số lượng thợ nail hoàn toàn mới là không tránh khỏi.

Nhiều nhân viên bị sa thải mà không được quan tâm đến hiệu suất làm việc hay tiền lương khiến họ không thể trang trải khoản chi phí tăng vọt của cuộc sống. Sự hoài nghi gia tăng và thiếu lòng tin đối với người chủ, đó là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ tan vỡ giữa chủ tiệm và thợ nail.

Tuy nhiên, nhiều người quản lý tiệm nail vẫn giữ được đội ngũ thợ trung thành và tâm huyết. Họ đã làm điều đó như thế nào? Bằng cách đưa ra những đặc quyền, ưu đãi, các cam kết đảm bảo có lợi cho nhân viên giúp thợ luôn cảm thấy thoải mái khi làm việc mỗi ngày. Theo các chuyên gia đã giữ chân nhân viên thành công thì tất cả những gì cần có là sự sẵn lòng của bạn để thực hiện 6 điều kiện sau đây một cách vui vẻ và nhất quán.

Cho thợ thấy được mục đích khi làm việc ở tiệm

Chủ tiệm nên cho thợ thấy được nét đặc biệt của tiệm mình. Sứ mệnh của người chủ là giúp nhân viên của mình hiểu rõ hơn về định hướng và dịch vụ của tiệm. Phải cho thợ thấy được những gì bạn muốn đạt được khi thuê họ. Nhiều chủ cho riêng từng thợ nhận trách nhiệm và công việc riêng để họ làm hết mình. Ngoài ra, chủ còn có thể tìm một khu vực hay lĩnh vực nào đó để những người thợ có thể làm chung với nhau.

Đề ra những quy tắc, chính sách và sự kỳ vọng rõ ràng

Công việc của người chủ là thể hiện thành công vai trò đào tạo các nhân viên của mình, trau dồi tay nghề cho thợ nail. Bạn phải giới thiệu cơ cấu tổ chức ở tiệm cho thợ biết, đề ra chính sách làm việc, những nguyên tắc rõ ràng và kỳ vọng thợ đạt được những gì cho họ nắm rõ.

Bạn phải đánh giá khả năng làm việc của các thợ một cách rõ ràng. Điều gì có thể giúp họ thành công trong nghề thì bạn nên nói ra tường tận cho họ biết.

Chú ý đến thợ và công nhận thành tích

Bạn phải quan sát nhân viên khi họ làm thì mới biết được các thợ làm gì trong một ngày. Chú ý đến thợ cũng là cách quan tâm của chủ tiệm dành cho thợ, biết được họ làm việc ra sao. Nếu thợ có tay nghề giỏi, phục vụ khách hàng tốt thì nên khích lệ bằng tiền khen thưởng hay bữa ăn. Đặc biệt với thợ giúp chủ tiệm tăng cao doanh thu sau mỗi đợt khách hàng thì có thể xem xét tăng lương tháng cho họ.

Minh bạch rõ ràng

Chủ tiệm cần nói chuyện rõ ràng với nhân viên, nhiều người bị mất thợ chỉ vì thiếu sự liên lạc với thợ của mình. Bạn càng chia sẻ nhiều thông tin về mục tiêu phát triển của salon thì nhân viên càng hiểu được tình trạng làm ăn của tiệm, chi phí tốn bao nhiêu mỗi tháng…, từ đó có những sự đầu tư kỹ lưỡng hơn vào việc họ đang làm.

Đó gọi là sự cởi mở trong cách quản lý. Bạn đang mở ra cuốn sách tài chính và giúp đào tạo thợ có được những kỹ năng tốt, cũng là giúp cho công việc kinh doanh của bạn. Sự minh bạch rất quan trọng vì nó giúp nhân viên hiểu được những gì bạn đã trải qua trong quá trình kinh doanh và cố gắng duy trì được lợi nhuận cho tiệm.

Có thái độ quan tâm đến thợ

Nhiều nhân viên nghỉ việc chỉ vì chủ tiệm không nói gì với họ trong lúc làm việc, không chỉ ra những chỗ sai để họ sửa. Để tránh những trường hợp như vậy, chủ tiệm nên cho họ biết họ phụ trách công việc gì ngay từ lúc mới bắt đầu. Chủ nên cho thợ thấy mình cũng quan tâm đến công việc và nhân viên, hỏi họ có cần giúp đỡ gì hay không… Ngoài ra, bạn là chủ thì cần giữ sự thoải mái trong tiệm. Nếu thấy không khí căng thẳng, phải họp với nhân viên để tìm nguyên do, và giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn nhất có thể.

Tạo động lực cho nhân viên

Ai làm việc cũng có nguồn động lực hướng theo một trong hai phía: trong và ngoài. Những người làm việc với “động lực trong” thường rất yêu nghề, hay suy nghĩ về bản thân và luôn muốn nâng cao tay nghề của mình. Với thợ dạng này, chủ tiệm phải quan sát họ nhiều, khen họ vì lúc nào cũng có sự rèn luyện tay nghề, tạo động lực cho họ học hỏi thêm những cái hay trong nghề.

Những người làm việc với “động lực ngoài” thường hay muốn phần thưởng có giá trị vật chất. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên biết được động lực làm việc của từng thợ nail để có thái độ đối xử và đào tạo phù hợp với mỗi thợ.

Ngoài những bí quyết giúp giữ thợ nail giỏi ở trên thì cũng còn một số tuyệt chiêu hữu ích khác mà chủ tiệm có thể xem xét như: tạo cơ hội để thợ cân bằng cuộc sống và việc làm, cho thợ đóng góp ý kiến trong công việc, trả lương hấp dẫn hơn… Hãy nhớ giữ được đội ngũ thợ giỏi là bạn đã duy trì được sự kinh doanh thành công cho cửa tiệm!

Thepronails