Khi muốn nâng cao doanh thu, đặc biệt là trong kinh doanh ngành Nail thì những chiến lược quen thuộc mà ai cũng biết như học hỏi những kỹ thuật mới nhất hay lấy được càng nhiều lịch hẹn càng tốt nếu lịch làm việc cho phép. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều cách khôn ngoan hơn giúp các thợ nail của chúng ta có được thu nhập tốt hơn!

Có thể nói, thu nhập vẫn là một trong những yếu tố quan trọng khi lựa chọn nghề nghiệp. Với tư cách là một thợ nail và đặc trưng nghề nghiệp luôn bận rộn của mình, bạn vẫn luôn muốn có được khoản thu nhập tốt hơn nhưng vẫn không vượt quá giới hạn thời gian và sức khỏe của mình? Hãy cùng tham khảo một số lời khuyên từ các thợ nail chuyên nghiệp đang làm việc và áp dụng thành công 9 chiến lược không ngờ nhưng hiệu quả dưới đây để có thể tăng thu nhập cũng như thúc đẩy việc kinh doanh ngày một phát triển hơn.

1. Giới hạn danh sách dịch vụ

Có nhiều người cho rằng, càng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau thì thu nhập của bạn sẽ càng tăng. Nhưng thật ra quan niệm này hoàn toàn sai lầm, bởi vì không phải tất cả các dịch vụ đều mang đến lợi nhuận như bạn đã tính toán. Ví dụ, bạn thu được bao nhiêu với việc chỉ “tẩy móng” cho khách? Theo Jill Wright – một thợ nail lâu năm của một salon ở Bowling Green, Kentucky thì “việc này chỉ tốn thời gian nhưng lại không thu được bao nhiêu tiền”. Chính vì vậy cô đã quyết định “loại bỏ” dịch vụ này ra khỏi menu. Theo cô, những lịch hẹn ngắn chỉ có 15 phút như dịch vụ “tẩy sơn móng” sẽ tạo ra những khoảng trống khó mà “lấp đầy” nếu khách hủy hẹn. Mà chuyện này lại có xu hướng xảy ra thường xuyên vì khách thường không thấy “tội lỗi” khi phải hủy một cái hẹn ngắn và rẻ như vậy!

Quan trọng là bạn chẳng thể xếp được một lịch hẹn khác như làm pedi chẳng hạn nên đành phải bỏ phí thời gian quý báu của mình. 15 phút ngắn ngủi sẽ tốn của bạn một khoản tiền không hề nhỏ nếu tính gộp toàn bộ lịch hẹn bị hủy trong một năm! Thay vào đó, hãy “dính chặt” vào những dịch vụ mà bạn đang làm tốt với khoảng thời gian gần như là cố định để những lịch hẹn bị hủy và các khoảng thời gian trống không làm vỡ kế hoạch làm việc của bạn.

2. Xếp lịch hẹn có chiến lược

Việc tiếp cận và lấy được các lịch hẹn từ khách hàng cũng quan trọng như việc sử dụng các công cụ khác nhau để quản lý lịch làm việc của bạn vậy. Theo cô Celine Cumming – thợ nail ở tiệm Angel Nails (Middletown, Delaware) thì “hãy cẩn thận với lời nói của mình khi bạn đang xếp lịch hẹn cho khách hàng”. Đừng bao giờ tiết lộ rằng bạn đang có một ngày hoàn toàn trống và khách hãy đến bất cứ khi nào cô ấy muốn (cho dù sự thật là vậy). “Việc bận rộn sẽ hàm ý rằng bạn đang đắt khách và người ta thường có tâm lý ‘chạy theo’ những gì đang được yêu thích nên cũng sẵn sàng chi tiêu thoải mái hơn,” Wright cũng đồng ý với chiến lược này, “hãy giả vờ bận rộn một chút và hướng khách hàng theo lịch hẹn mà mình muốn”.

Trước khi Wright “full” lịch, cô ấy thường đưa ra hai lựa chọn khác nhau để khách đặt. Nếu khách đều không thể chọn được lịch hẹn phù hợp, cô nói với khách rằng cô sẽ thêm tên của vị khách này vào “waiting list” và gọi hay nhắn tin cho khách ngay nếu có trống giờ khách muốn – cô dùng “chiêu” này thậm chí khi lịch hẹn của mình vẫn đang trống hoàn toàn. “Sau đó, tôi sẽ chờ khoảng 2 tiếng sau rồi gọi cho khách để thông báo rằng giờ hẹn họ muốn đã có. Khách hàng sẽ cảm thấy vui vẻ và biết trân trọng lịch hẹn của mình hơn. Tất nhiên là bạn không nên ‘diễn lố’ khiến khách cảm thấy salon ‘chảnh’ hay quá bận rộn để có thể phục vụ họ chu đáo.”

3. Để khách tự đặt lịch hẹn

Mặc dù khách rất cảm kích việc bạn cố gắng sắp xếp lịch hẹn để họ có thể đến salon nhưng đôi khi những nỗ lực của bạn không phải lúc nào cũng đáng giá. Bạn nên tận dụng các phần mềm đặt lịch hẹn để khách hàng có thể tự “book” lịch phù hợp với lịch của bạn và tận dụng thời gian để tăng năng suất làm việc của mình. Theo Andrea Beight – chủ tiệm Chickettes Natural Nail Design Studio ở Cleveland thì “bạn hãy dành nhiều thời gian để ‘cung cấp dịch vụ’ và tìm cách giảm bớt các công việc ‘hành chính’ khác.”

Những dịch vụ được đặt trực tuyến cũng hạn chế tối đa việc lịch hẹn bị khách quên vì các phần mềm này sẽ tự động gửi tin nhắn hay email để nhắc nhở khách.

4. Đừng giải thích quá chi tiết khi tăng giá

Việc tăng thêm phí dịch vụ có vẻ như là cách đơn giản nhất để bạn “kiếm” được nhiều tiền hơn, nhưng chuyện tăng giá này không phải là nhiệm vụ dễ dàng với hầu hết các thợ nail. “Nếu có thể làm lại, tôi sẽ không bao giờ thể hiện quá rõ ràng với khách việc tôi cảm thấy không thoải mái khi tăng giá,” Darlene Donovan – thợ nail ở Nail Creations (Derry, New Hampshire) cho hay. Khi giá cả sản phẩm, “supply” (điện, nước..) và giá thuê nhà ngày càng tăng thì việc tăng giá dịch vụ cũng là chuyện hiển nhiên nếu bạn muốn duy trì khoản lợi nhuận của mình. Hãy chuẩn bị một bảng thông báo về việc tăng giá ngay quầy tiếp tân, ngay bên bàn làm việc hay gần khu rửa tay của salon để khách có thể chuẩn bị tâm lý. Và tốt nhất là chỉ chuẩn bị như thế. Wright nói: “Bạn không cần phải xin lỗi bất kỳ ai vì muốn duy trì công việc kinh doanh của mình. Mấy cửa hàng tạp hóa có xin lỗi bạn khi giá cả thức ăn tăng lên không?”.

Tuy nhiên, cũng có vài tip tăng giá “nhẹ nhàng” hơn như không tăng giá vào quý đầu tiên của năm khi các khách hàng còn đang chật vật với các chi phí đầu năm hay chuẩn bị đau đầu với chuyện đóng thuế. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc chuyện tăng giá vào cuối tháng Mười là hợp lý nhất. Đây là thời điểm các khách hàng bắt đầu chăm chút và làm đẹp cho bộ móng của mình để chào đón những ngày lễ lớn trong năm nên bạn sẽ không phải lo lắng về chuyện mất khách vì chẳng ai khó chịu khi phải trả thêm một chút nếu nhận được những dịch vụ hoàn hảo từ bạn.

5. Sử dụng ít sản phẩm hơn

“Tiền lời” (margin) hay sự khác biệt giữa số tiền bạn tính cho mỗi dịch vụ và chi phí mà bạn phải bỏ ra để thực hiện dịch vụ đó là yếu tố quan trọng quyết định lợi nhuận mà bạn sẽ có được, tuy nhiên các thợ nail lại thường hời hợt với vấn đề này. Hãy bắt đầu xem xét kỹ hơn chi phí thực cho mỗi dịch vụ (CPS); thường sẽ là số tiền đã bỏ ra ngay cả trước khi bạn bắt đầu dịch vụ. Cumming đã chỉ ra, như là việc cho khách thử các màu sơn trước mỗi lịch hẹn, vì nhiều khách sẽ thử hết màu này đến màu kia, thậm chí làm hỏng cọ sơn hay không đóng nắp kỹ khiến sơn mau bị khô. Rồi còn khoảng nước aceton và bông gòn được dùng khi khách tẩy các màu sơn thử.

Theo Cumming, bạn nên chuẩn bị sẵn các mẫu sơn, như vậy khách chỉ cần ướm thử lên móng của mình rồi chọn màu họ ưng ý thay vì làm lãng phí “kho” nước sơn đắt đỏ của bạn. Trong suốt dịch vụ, hãy sử dụng những cái khay đựng nhỏ để chiết sản phẩm thay vì lấy trực tiếp từ trong hộp hay chai lớn, rồi bạn sẽ nhận ra các loại lotion và “scrub” của mình dùng được lâu hơn nhiều.

6. Trở thành “brand educator” chuyên nghiệp

Các thợ nail thường được khuyên rằng hãy tập trung vào nghề và tránh bị phân tâm bởi những vấn đề khác. Nhưng việc trở thành một chuyên viên hướng dẫn thương hiệu (brand educator) chính là cách tuyệt nhất để tăng thu nhập cũng như phát triển bản thân. Những thương hiệu chuyên nghiệp trong ngành Nail luôn tìm kiếm những thợ nail nhiệt huyết và tài năng để giảng dạy trong các lớp học, tham gia các show thương mại và các buổi demo sản phẩm mới của họ. Thu nhập của bạn cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào tên tuổi của thương hiệu hay thời gian mà bạn đã bỏ ra, tính theo giờ tham gia demo hay lương cố định từ các lớp hướng dẫn.

Một vài chuyên viên hướng dẫn còn kiếm được “hoa hồng” từ các sản phẩm mà họ đã bán khi tham gia các hoạt động quảng bá thương hiệu này. Hơn nữa, tất cả các chi phí đi lại đều được thanh toán, bao gồm các chuyến đi quốc tế đến những vùng đất đầy mới mẻ và thú vị. Nhưng lợi ích thật sự của chuyện này chính là bạn càng “phô diễn” những kỹ năng mà mình đã học thì bạn càng gặt hái được nhiều kinh nghiệm và nổi tiếng hơn. Khi trở nên “quen mặt” trên các phương tiện truyền thông thì “danh tiếng” còn mang đến cho bạn nhiều khách hàng mới cũng như giá cả dịch vụ của bạn cũng được “đẩy” lên cao hơn nhiều!

7. Học những thứ thật khác biệt

Việc học hỏi không ngừng chính là lời khuyên khôn ngoan nhất nếu bạn muốn tồn tại trong ngành này. Nhưng các thợ nail thường chỉ tập trung học các kỹ thuật mới mẻ và “hot” nhất trên thị trường mà bỏ qua giá trị của việc “học kinh doanh”. “Cho dù bạn có tạo ra những bộ móng xuất sắc tới đâu thì nếu không giỏi kinh doanh, bạn vẫn chẳng thể đi xa được,” Wright nói. “Bạn sẽ mất nhiều tiền hơn số bạn kiếm được; lúc nào cũng phải lo lắng về chuyện tìm kiếm khách hàng và rồi ngày càng thấy áp lực và chán nản.” Nghệ sĩ vẽ móng Nina Park của một tiệm nail ở Boston cho rằng các lớp marketing (tiếp thị) sẽ có tác động rất lớn đến khả năng phát triển thương hiệu của bản thân bạn.

Các phương pháp marketing luôn có ích, bằng cách này hay cách khác. Vì vậy Park thường tham gia các lớp “social media marketing” bất cứ khi nào có thời gian. Những lớp kinh doanh phổ biến khác như kế toán, quản lý tài chính… có thể giúp các thợ nail có được những kiến thức cần thiết khi phải đưa ra một quyết định kinh doanh quan trọng nào đó, như khi đầu tư vào các loại máy móc, thiết bị hay nên mua loại quảng cáo nào cho salon. Nếu có thể lựa chọn đúng đắn thì các khoản đầu tư này tất nhiên sẽ mang đến cho bạn khoản doanh thu mà bạn mơ ước.

8. Thúc đẩy khách đặt lịch thường xuyên hơn

Mặc dù một lịch hẹn thường xuyên và “ổn định” có thể mang đến khoản thu nhập cũng ổn định nhưng nếu bạn mong đợi nhiều hơn thế thì phải bắt tay vào hành động. Một nguồn thu không có nhiều thay đổi sẽ khiến bạn cảm thấy “trống rỗng” nếu như một hay hai khách hàng thường xuyên đó bỏ hẹn và để lại khoảng thời gian trống đáng tiếc trong sổ hẹn của bạn. Hãy cố gắng “rà soát” danh sách các khách hàng ít ghé tiệm và tìm ra những cách thật hấp dẫn để họ trở lại với salon thường xuyên hơn.

9. Tập trung vào các gói dịch vụ cao cấp

Các thợ nail thường được khuyên nên đẩy mạnh việc bán sản phẩm và các dịch vụ bổ sung càng nhiều càng tốt để tăng thu nhập. Đây là một lời khuyên hữu ích nhưng Wright thì cho rằng, các thợ nail nên cân nhắc đến việc xây dựng những gói dịch vụ cao cấp rồi tăng giá chúng thay vì tập trung vào việc bán lẻ. “Bạn sẽ nâng cấp hình ảnh của salon và từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.” Wright giải thích rằng, cô đã dừng cung cấp các gói “regular manicure” mà chỉ tập trung vào các gói “spa manicure” – bao gồm việc tẩy tế bào chết ở tay (hand scrub) và nhúng paraffin, tất nhiên những gói dịch này sẽ có giá cao hơn nhiều.

Bằng chiến lược này, Wright có thể đảm bảo doanh thu thay vì để khách làm các gói cơ bản rồi phải thuyết phục khách chọn thêm các dịch vụ bổ sung khác. Tuy nhiên, không phải việc “gộp” các dịch vụ bổ sung vào một dịch vụ “spa” lúc nào cũng thành công. Bạn phải xem xét thị hiếu của khách hàng hay cố học được một vài kỹ năng “nail art” đơn giản nào đó để bạn có thể thực hiện chúng thật nhanh và “thu” thêm tiền từ nó.

Cuối cùng, lời khuyên quan trọng nhất mà các thợ nail lành nghề dành cho bạn chính là, phải tăng tối đa lợi nhuận của mình bằng cách làm việc thông minh hơn chứ không phải làm việc chăm chỉ hơn!