Có thể nói, nghề nail đã trở thành một trong những nghề phổ biến nhất của người Việt khi sống tại Hoa Kỳ. Thời gian học nghề ngắn cùng với khoản thu nhập ổn định là lý do chính mà người Việt lựa chọn làm nail. So với đại đa số thợ nail là nữ như ngày xưa, hiện nay chúng ta có thể thấy rất nhiều thợ nail là đàn ông, hãy cùng trò chuyện với một số “thợ nam” lâu năm để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến xu hướng này cũng như những khó khăn mà các quý ông Việt gặp phải khi lựa chọn làm nail.

Anh Nguyễn Quốc Đạt, người theo nghề nail trên 8 năm cho biết, anh không cảm thấy công việc này quá khó khăn nếu ngay từ đầu đã xác định mình làm nail để nuôi sống gia đình. Không có gì phải xấu hổ nếu đó là công việc lương thiện và có thể tự mình kiếm tiền.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, 53 tuổi, làm nail hơn 15 năm, suy ngẫm, “Chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề nail này. Bây giờ tay nghề tôi đã khá, thu nhập không thấp. Tôi không biết bỏ nghề này thì tôi có thể tìm được công việc gì tốt hơn.”

Anh Nguyễn Quốc Đạt và ông Nguyễn Xuân Sanh là hai trong số nhiều người đàn ông Việt Nam chọn nail làm công việc mưu sinh khi sang định cư tại Hoa Kỳ.

Nếu chỉ giới hạn trong cộng đồng Việt Nam thì số lượng thợ nail là nam lên tới 28%, trong khi thợ nữ là 67% (có 5% không trả lời khảo sát này). Như vậy, tỉ lệ đàn ông gốc Việt đi làm nail cao hơn gấp 7 lần so với các sắc dân “Non-Vietnamese.”

Đàn ông chọn nghề nail

Một trong những nguyên nhân khiến đàn ông Việt chọn nghề nail là do trong gia đình đã có người theo nghề nail hoặc khi sang Mỹ định cư, muốn học làm nail để đỡ đần cho vợ cũng như bớt phần nhàn rỗi. Một số người còn có ý định học rồi làm vài năm cho có kinh nghiệm trước khi mở tiệm nail riêng cho mình.

Anh Đạt, 40 tuổi, cùng vợ vừa làm chủ vừa làm thợ tiệm nail Glamour Nail ở thành phố Murrieta, cách Little Saigon khoảng một tiếng lái xe. Khi mới qua đây, anh học làm thợ bạc nhưng bị lừa gạt mất sạch vốn liếng, sau đó theo vợ làm nail thử xem sao nhưng cảm thấy phù hợp nên hai vợ chồng đã gắn bó với nghề và tự mở tiệm riêng sau nhiều năm tích góp. Việc anh Đạt không tự ái, hay ít thấy kỳ kỳ khi đi học nail là vì khi đó trong gia đình, anh chị và cả bạn gái của Đạt cũng theo nghề nail.

Với ông Nguyễn Xuân Sanh, 53 tuổi, làm nail từ năm 1993, nhìn thấy cảnh nhiều gia đình tan vỡ vì chỉ lo kiếm tiền mà ông muốn kiếm việc gì đó làm chung với vợ, vừa có thể ở bên cạnh vợ san sẻ khó khăn vừa đỡ đần kinh tế. Bên cạnh đó, với vốn tiếng Anh có hạn, ông biết mình phải học làm nail thật tốt để có khách rồi học một ít để giao tiếp là được.

Hai mươi mốt tuổi, Hòa Vũ đến Mỹ được 2 tháng, nhưng đã vào lớp nail học được 1 tháng. Hòa là người Đà Lạt, sau khi học lớp 12 xong, Hòa phụ việc buôn bán với gia đình trước khi sang định cư ở Hoa Kỳ. Hòa nói, “mẹ em đã sang Mỹ trước, đang làm nail” nên chuyện “đi học nail để kiếm việc làm trước mắt” của Hòa gần như không có gì ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nếu cả Hòa cho rằng chuyện học nail để đi làm thợ chỉ là “chuyện tạm thời trong thời gian chờ đi học college vì tụi em còn trẻ” thì Việt Lê, 32 tuổi, gần như xác định sẽ gắn bó với nghề nail trong tương lai, bởi mẹ của anh cũng có tiệm nail.

Đàn ông làm nail khó hay dễ?

Những nghề như may vá, trang điểm, nấu ăn, cắm hoa, làm bánh… tưởng chừng như là nghề đặc thù dành cho phái nữ. Thế nhưng khi đàn ông chịu bước chân vào các lĩnh vực đó thì họ lại thành công nổi bật lên. Nghề nail cũng không ngoại lệ.

“Cái khó khi theo nghề nail là làm sao vượt qua được tư tưởng xưa nay của người Việt luôn coi nghề nail là thấp hèn,” ông Nguyễn Xuân Sanh, người đã làm nail qua nhiều tiểu bang khác nhau trước khi trở lại Cali, nêu suy nghĩ.

Anh Nguyễn Quốc Đạt, kinh nghiệm 8 năm theo nghề “giũa” cũng nói một cách hóm hỉnh, “Làm nail là dễ nhất rồi! Đàn ông người ta còn làm đến cái gì nữa không biết, mình chỉ có làm nail mà làm không được nữa thì thôi.”

Anh Đạt tâm sự, “Bộ móng tay đầu tiên tôi làm mất một tiếng rưỡi, vừa làm vừa run mà mồ hôi cứ tuôn xuống. Giờ thì chỉ cần 30 phút, có khi 20 phút là tôi làm xong rồi.”

Đạt kể sau một tuần đầu đi làm nail, anh nghĩ muốn giỏi thì phải có “móng để dợt.” Thế nên khi khách vô “fill” móng cũ, anh “offer” cho khách làm bộ móng mới luôn, nhưng chỉ trả tiền bằng tiền “fill” thôi. Cứ vậy, một thời gian sau, tay nghề Đạt lên thấy rõ.

Với kinh nghiệm 12 năm dạy nail cho rất nhiều lứa học trò, cô Nga Trần nhận xét, “Khi các em nam đã chịu theo học nghề này thì lại thành công hơn nữ.”

Lý do thành công mà cô Nga đưa ra là do “Các em nam, nhất là khi còn độc thân, có nhiều điều kiện dễ dàng bay ra khỏi California, nên cơ hội trau dồi nghề nhiều hơn. Sau nửa năm chịu đi như vậy, khi trở lại hầu như em nào cũng giỏi lên, kiếm tiền nhiều hơn.”

Đàn ông làm nail phải giỏi ‘bột’ (acrylic)

Những ai đã từng học nail, từng đi làm nail đều dễ dàng nhận ra một điều: đàn ông làm nail “bắt buộc” phải học bột (nail acrylic), phải giỏi bột và ít thợ đàn ông làm “pedicure” (chân nước) cho khách, trừ khi đó là “khách bột” của mình.

Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm mang đậm nét phong kiến Á Đông của người Việt Nam, như ông Nguyễn Xuân Sanh chia sẻ, “Đàn ông Việt Nam có quan niệm về danh dự của người Á Đông, nên họ nghĩ là nếu ngồi xuống làm chân cho phụ nữ thì bị đánh giá là thấp hèn.”

Không chỉ có tự thân nhiều thợ nail là nam cảm thấy như vậy, mà ngay cả chủ tiệm là phụ nữ cũng không muốn hoặc “cảm thấy ngại” khi gọi thợ nam đi làm chân, trừ khi khách yêu cầu hay chính người thợ nam “tự nguyện.”

“Đó chính là lý do khiến đàn ông học nail khó kiếm việc khi mới ra trường hơn là nữ, “cô Nga của trường thẩm mỹ ABC nhận xét.

Do vậy, để có thể “sống còn” với nghề nail, thợ nam chỉ còn cách là phải giỏi bột. Nhiều thợ nữ “chê bột” sợ hít hoài chất acrylic và liquid sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi thợ nam không có sự lựa chọn đó. Nghĩa là, người nữ có quyền chọn chỉ làm “thợ tay chân nước” còn thợ nam nếu không biết bột thì coi như không phải thợ nail.

Không có gì “kỳ”

Không ai có thể phủ nhận rằng nail là nghề làm thay đổi cuộc sống của biết bao người Việt tị nạn, không chỉ riêng ở Hoa Kỳ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Từ tháng 5/1975, khi bà Tippi Hedren (diễn viên nổi tiếng những năm 60s) dạy nghề nail cho khoảng 20 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ trong làn sóng di tản lúc đó, đến nay, nghề nail đã truyền cho biết bao gia đình người Việt Nam, trong đó có cả những người đàn ông Việt cũng dấn thân vào nghề này.

Không chỉ có những người vừa từ Việt Nam sang như Thành Trần, Hòa Vũ chọn nail như một “bước đệm” trước khi tìm một hướng đi tốt hơn trong tương lai, với thời gian làm việc có thể linh động cùng với thu nhập khá, sinh viên có thể làm thêm để trang trải cho các chi phí đắt đỏ khi sống và học đại học ở Mỹ.

Như anh Đạt chia sẻ, “Không có kỳ hay tự ái gì khi mình đi làm nail kiếm tiền để tự lo cho cuộc sống của mình và gia đình cả,” hay như ông Nguyễn Xuân Sanh nói về tương lai, “Tôi không biết bỏ nghề này thì tôi có thể tìm được công việc gì tốt hơn.”

Chính vì những điều đó, nghề nail vẫn sẽ còn đồng hành cùng người Việt trên bước đường mưu sinh trên xứ người, trong đó có cả những người đàn ông Việt.

(Nguồn ảnh: Nguoiviet)

Thepronails