Trong lịch sử, rất nhiều nhân nghĩa chi sĩ “trọng nghĩa khinh lợi”, vì muốn thủ vững lương tri và chính nghĩa mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích bản thân. Nhưng cũng có rất nhiều kẻ tiểu nhân vô sỉ “gặp lợi quên nghĩa”, vì lợi ích bản thân mà không tiếc bán đứng lương tâm và đạo đức của bản thân mình. 

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Quan Vũ trọng nghĩa khinh lợi. Tuy rằng thân bị vây hãm, lại được Tào Tháo đối đãi hơn người, dùng tiền tài để dụ dỗ nhưng ông không bị tài vật ấy làm cho động tâm, trái lại vẫn thủy chung không quên nghĩa. Việc trọng nghĩa của Quan Vũ trở thành hình mẫu trong đối nhân xử thế, được người đời ca tụng. Lã Bố tuy rằng dũng mãnh vô song, võ nghệ được đánh giá là cao cường hơn Quan Vũ nhưng lại “đứng núi này trông núi kia”, nhân cách ấy bị thế nhân khinh thường.

Văn hóa truyền thống bao gồm rất nhiều thành ngữ, lời giáo huấn rất sâu sắc. Ẩn chứa sau những lời giáo huấn, những thành ngữ cổ ấy đều là những điển cố lịch sử. Trong rất nhều thành ngữ cổ của người xưa, có câu: “Kiến lợi vong nghĩa” tức là nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên hết cả đạo nghĩa. Kiểu người này cũng được cổ nhân xếp vào hạng tiểu nhân, không nên kết thân.

Câu thành ngữ “Kiến lợi vong nghĩa” này có xuất xứ từ cuốn “Hán thư. Cao hậu kỷ”. Nội dung điển cố kể rằng:

Sau khi Lưu Bang mất, đại quyền rơi vào tay Hoàng hậu Lữ Hậu (hay còn gọi là Lã Thái Hậu). Lữ Hậu muốn bắt hết các đại thần, tướng quân trong triều để cho gia tộc họ Lữ nắm giữ thiên hạ. Vì thế, trong di chiếu của mình, Lữ Hậu phong cho cháu là Lữ Sản lên làm Tướng quốc, Lữ Lộc thống lĩnh cấm vệ quân ở Kinh đô, nắm giữ đại quyền quân chính trong triều đình. Sau khi Lữ Hậu mất, lão thần khai quốc, thủ hạ của Lưu Bang là Chu Bột và Trần Bình đã bí mật mưu tính, muốn diệt trừ gia tộc họ Lữ.

Nhưng lúc ấy, Lữ Lộc quản lý bắc quân, Chu Bột và Trần Bình không thể tiếp cận. Cuối cùng họ bàn bạc và nghĩ ra kế giam lỏng lão thừa tướng Lịch Thương. Bởi vì con trai của Lịch Thương là Lịch Ký vốn là bạn rất thân của Lữ Lộc, có thể lợi dụng mối quan hệ đó để gạt Lữ Lộc xuất hiện, sau đó sẽ trừ khử đi. Lịch Thương đang bị giam lỏng nên con trai ông nghe theo kế hoạch đó để làm, lừa gạt Lữ Lộc xuất đầu lộ diện.

Lữ Lộc không rõ chân tướng, nên rất do dự nhưng cuối cùng tin tưởng bạn bèn nghe theo Lịch Ký. Chu Bột đem quân khống chế bắc quân, sau đó tru diệt toàn bộ gia tộc họ Lữ. Cũng trong năm đó, Lịch Thương qua đời, con trai là Lịch Ký được Hoàng đế phong làm tướng quân.

Về sau, “Hán thư” khi ghi chép về sự kiện này, cho rằng hành vi của Lịch Ký là bán đứng bạn bè. Kẻ bán đứng bạn bè khi nhìn thấy điều lợi là quên ngay đạo nghĩa cũng là hạng tiểu nhân. Người xưa giảng: “Quân tử coi trọng nghĩa, tiểu nhân chỉ coi trọng lợi ích” quả không sai!

lương tâm
(Hình minh họa: Kknews.cc)

Trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta thường coi trọng lợi ích hiện thực trước mắt. Thậm chí rất nhiều người dùng lợi ích để khẳng định giá trị sự nghiệp, có lợi thì làm, không lợi thì không làm.

Nếu trong một đất nước, một công ty từ trên xuống dưới đều coi trọng lợi ích mà xem nhẹ đạo nghĩa thì tất sẽ không thể tồn tại lâu dài. Người có quyền thế ra sức vì lợi ích bản thân mà tham ô hối lộ, làm việc trái pháp luật, người không có quyền thế sẽ vì lợi ích mà giết người hại mệnh. Bạn bè hay người thân vì lợi ích của mình mà bán đứng lẫn nhau.

Bởi vậy, cho dù là trong một phạm vi lớn như quốc gia hay nhỏ như gia đình thì việc coi trọng nghĩa hơn lợi là điều vô cùng quan trọng. Cho dù xã hội phát triển như thế nào, kỹ thuật hiện đại ra sao thì chính nghĩa và lương tri vẫn vĩnh viễn không thể dùng tiền tài để đánh giá được. Cho dù là đoàn thể hay cá nhân mà “thấy lợi quên nghĩa” thì đều là hành vi vô sỉ, bị người người lên án. Người ham lợi mà quên nghĩa, xét cho cùng cũng là mất nhiều hơn được mà thôi.

An Hòa (dịch và t/h)