Nói đến “nam tôn nữ ti”, rất nhiều người cho rằng đây là Khổng Tử có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cho rằng thân phận của người nam thì cao quý còn người nữ thì thấp hèn. Nhưng kỳ thực, cách hiểu như vậy là không thỏa đáng!
Nguồn gốc của “Nam tôn nữ ti”
Sử sách ghi chép rằng, Khổng Tử từng nhiều lần hỏi các quốc gia chư hầu về Chu Lễ (bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu). Nhưng phải sau khi nghiên cứu “Kinh Dịch” (Chu Dịch), Khổng Tử mới tìm được đáp án cho mình. Lúc ấy ông mới chính thức hiểu được nội hàm bản chất của Chu Lễ là gì, vì thế ông viết tác phẩm “Khắc kỷ phục lễ”. Đồng thời ông cũng viết “Dịch Kinh – Hệ từ thượng hạ truyện” là những điều mà ông hiểu được về “Kinh Dịch”. Cho nên có thể nói, tư tưởng của Khổng Tử chịu ảnh hưởng nhiều bởi “Kinh Dịch” và thực sự hoàn thiện sau khi ông nghiên cứu “Kinh Dịch”.
Câu “Nam tôn nữ ti” được Khổng Tử viết có nguồn gốc từ “Kinh Dịch”. Trong “Hệ Từ” của “Kinh Dịch” viết: “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ …” càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ. Ý nói rằng, trời ở trên cao đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi … Cung càn tạo thành nam, cung khôn tạo thành nữ.
Trong văn hóa truyền thống, “Kinh Dịch” là tác phẩm kinh điển để nghiên cứu quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Nó giữ vai trò trọng yếu trong văn hóa truyền thống, nó ảnh hưởng rất lớn đến Nho gia, Đạo gia, trung y hay dưỡng sinh… Trong đó, Càn chỉ những đối tượng như trời, người nam, quân vương… Khôn chỉ những đối tượng như đất, người nữ, hoàng hậu, phi tần…
Để phù hợp với đạo, người phụ nữ phải có tấm lòng bao dung, khiêm tốn, có đức dày để nâng đỡ vạn vật, vô tư không oán hận giống như đại địa. Tương tự như vậy, người đàn ông để phù hợp với đạo thì phải cao xa, chính trực, không ngừng vươn lên giống như trời xanh vậy.
Thiên tôn là có ý nói bầu trời rộng lớn, cao vời vợi, công chính vô tư, không thiên vị, không có ý nói rằng tự bản thân trời là cao quý. Địa ti là nói đến sự kiên định, gần gũi của đất, bao dung hết thảy chẳng phân biệt sạch sẽ hay uế bẩn, cao quý hay hèn mọn ra sao. Trong “Kinh dịch” viết: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật.” (Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật).
Hàm nghĩa chân chính của “Nam tôn nữ ti”
Trong “Nam tôn nữ ti”, người nam có đặc tính của người nam, người nữ có đặc tính của người nữ. Chính sự khác biệt về đặc tính ấy quyết định sự phân công công việc của người nam và người nữ là ở nhà hay ngoài xã hội.
Người nam và người nữ một khi thuận theo đạo, tuân thủ nghiêm ngặt vị trí, địa vị của mình thì gia đạo tự nhiên sẽ hưng vượng. Đây là phù hợp với đặc tính tự nhiên của nam nữ và cũng là phù hợp với học thuyết âm dương.
“Nam tôn”, “tôn” ở đây là động từ, ý chỉ người đàn ông phải có phẩm chất cao thượng, chính trực, làm cho người khác phải tôn trọng, tôn kính mình. “Nữ ti” tức là người nữ phải luôn khiêm tốn, bao dung, khiến cho người khác cảm thấy gần gũi, dễ chịu. “Ti” ở đây cũng là động từ, trong cổ ngữ có nghĩa là khiêm tốn, dễ gần, thân thiết gần gũi.
“Nam tôn nữ ti” là an vị hợp với tự nhiên và âm dương hài hòa. Cho nên, “nam tôn nữ ti” là đạo lý để người đàn ông và phụ nữ trong cuộc đời hay trong hôn nhân nên sống như thế nào cho hài hòa, không có hàm nghĩa chỉ sự bất bình đẳng, coi trọng người nam mà khinh thường người nữ.
Một người đàn ông có phẩm chất cao thượng thì người phụ nữ tự nhiên sẽ tôn kính họ, thân cận với họ. Trong gia đình, người chồng chính trực cao thượng, người phụ nữ khiêm tốn khoan dung thì gia đình sẽ luôn hòa thuận. Trong một gia đình, một xã hội, nếu người nam và người nữ làm được như vậy thì cũng tự nhiên có được địa vị tôn kính tương ứng mà không bị phân biệt đối xử, cũng không cần đấu tranh mới có được.
Khổng Tử thông hiểu Kinh dịch
Khổng Tử sau khi học tập, nghiên cứu Kinh Dịch, đã viết tác phẩm “Dịch Kinh – Hệ từ thượng hạ truyện”. Trong đó, ông miêu tả: “Thiên tôn đích ti, kiền khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ.” ‘Kiền đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ. ’ Ý nói rằng, Trời ở trên cao Đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, địa vị cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi … Cung càn tạo thành nam, cung khôn tạo thành nữ. Điều này nói rõ, Khổng Tử hiểu thấu rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều được an vị theo tầm quan trọng của bản thân nó.
Tư tưởng cốt lõi của “Kinh Dịch” chính là nhấn mạnh sự cân bằng, hài hòa của âm dương. Phàm là những gì không cân đối, không hài hòa thì cuối cùng sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo. Mà vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều phải quy về hài hòa và cân bằng. Thông hiểu điều đó nên Khổng Tử cũng từng giảng: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, mối quan hệ phản ánh ra cũng chính là cái “địa vị” ấy. Ý tứ chính là làm Vua thì phải ra Vua, làm thần tử phải ra thần tử, làm cha phải ra cha, làm con phải ra con. Người ở vị trí nào thì đều phải xử thế sao cho phù hợp với đạo của vị trí ấy.
Thuận theo sự thay đổi của xã hội, ngày nay có rất nhiều nữ giới là đồng nghiệp của nam giới. Nhưng sự khác biệt thiên tính (đặc tính) giữa nam và nữ vẫn tồn tại một cách khách quan, nó không thay đổi theo ý nguyện của con người. Bởi vậy mà trong các cơ quan, doanh nghiệp, người lãnh đạo khéo léo vẫn ít nhiều căn cứ vào đặc tính ấy giữa nam và nữ mà phân công công việc cho phù hợp. Một số học giả đời sau, khi nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử có thể do ý nghĩa sâu xa của cổ ngữ nên trong lúc vô tình hay hữu ý đã áp đặt tư tưởng bất chính của mình cho Khổng Tử khiến người đời hiểu sai khác đi như vậy.
An Hòa (biên dịch)