Nam Kỳ, Pháp gọi là Cochinchine, vậy danh từ Cochinchine có từ đâu ra ?
Theo sách “Cochinchina: Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name” by Dinh D. Vu, Ph.D. [Vietnamese translation by Dr. Hoang Xuan Chinh] Meadows Place Texas, 2000, thì:
1 – Theo Ông Aurousseau (1924), cố Giám-đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ [École Francaise d’Extrême Orient], thì nước Viet Nam thời xưa không được người Bồ-đào-nha [Portugais] hoặc người Âu châu biết đến một cách trực tiếp trước năm 1515, do đó sự hiểu biết tên nước đó phải được người Arab giới thiệu với Tây Phương. Ông chứng minh rằng chữ Cochinchina là do chữ Bồ-đào-nha Quachymchyna , mà chữ này lại bắt nguồn từ chữ Arab “Kawci-min-cin”. Theo Ông thì “Kawci” là chữ Arab tương đương với chữ “Kiao-tche” là tiếng Tàu chỉ nước Việt Nam thời đó [Giao Chỉ]. Còn từ ngữ “min-cin” có nghĩa là thuộc Trung Hoa Nhưng Ông Aurousseau đã không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào về tên Cochin-china bắt nguồn từ chữ Giao-Chỉ. . Hơn nữa, Ông đã không có một bản đồ chính xác nào để hỗ trợ cho giả thuyết của Ông.
2 – Mọi người đều đồng ý là danh từ Cochinchina có hai phần là Cochin và China.
Chữ China thì không thành vấn đề vì nó được dùng để chỉ định một địa phương đã được biết rõ. Còn chữ Cochin thì đã đưa đến nhiều giải thích khác nhau.
Vì có điểm giống nhau giữa cách đánh vần chữ Chanocochin và danh từ chỉ một nơi trên bờ biển Malabar Coast của Ân-độ, mà mgười Bồ-đào-nha đã biết đến vào thế kỷ thứ 15 như Colchi, Cocym, hay Cochin, ta có thể dự đoán là các nhà vẽ họa-đồ Tây Phương đã mượn những từ ngữ trên. Nhưng sự tiếp xúc trực tiếp giữa Tây phương và VN sau này đã dẫn đến sự thay đổi từ ngữ đó. Trên bản đồ của Ribeiro năm 1529, người ta đã cố gắng chuyển tên Cửu Chân trong tiếng Việt sang ngôn ngữ Tây phương, Ông gọi vinh Bắc kỳ [Golfe du Tonkin] là Cauchechina. Cửu Chân là một trong chín quận được thiết lập bởi vua Hiếu Vũ năm 111 B.C. Danh từ này được đọc là Cẩu Chân theo tiếng Quảng Đông. Biên giới của Cửu Chân được thay đổi theo thời gian, nhưng tên gọi không thay đổi cho tới năm 1407 . Đó là tên độc nhất của một khu vực hành chánh lớn ở VN đã được biết đến suốt 15 thế kỷ.
Kể từ năm 1529 từ ngữ Cauchechina bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Nó được thấy trên bản đồ của Gastaldi, Ortolio, Homen và Luis dưới dạng Gauchi, Cauchy, hay Cauchin. Cho tới năm 1565 ta thấy có dấu hiệu trở lại cách viết ban đầu khi Berteli dùng chữ Cochinchina cho bản đồ của Ông. Trong nhiều thập niên hai tên kể trên xuất hiện thường xuyên , có khi đứng cạnh nhau cùng trên một bản đồ [hình 4]. Mãi tới thế kỷ thứ 17 thì từ ngữ Cochinchina mới vĩnh viễn thay thế địa danh Cauchinchina.
3 – Vậy, ta có thể dựa vào những bằng chứng nào để phủ nhận giả thuyết của Aurousseau cho rằng Cochin là từ Giao-Chỉ [Chiao-chih, Kiao-tche] mà ra?
Giao Chỉ không còn được xử dụng như một địa danh quan trọng ngay trong giai đọan đầu của lịch sử nước ta; Cửu Chân [Chiu-Chen] trái lại được dùng cho tới khi người Tây phương đến. Hơn nữa cách đánh vần tên cho thấy có sự liên hệ giữa Cửu Chân và Cochin [Cochin/china]
Kết luận: “Tóm lại, họa đồ và những kiến thức mới về sử địa của VN cho ta có một cái nhìn khác về nguồn gốc và sự xử dụng danh từ Cochinchina . Hình thức sớm nhất, Chanocochim, là sự phối hợp của hai tên: China và Cochin . Nó chỉ một vùng đất ở VN, giống như một miền ở bờ biển Malabar Coast, nhưng dân chúng ở Cochinchina đã có những đặc tính văn hóa giống như Trung Quốc. Nhờ ở những cuộc tiếp xúc giữa Tây phương và VN sau này, tên Cửu Chân đã được dùng để chuyển dịch sang tiếng Tây phương . Sự dùng từ ngữ Cauchinchina [Cửu Chân của Trung Hoa] được tiếp tục cho tới phần đầu của thế kỷ XVII. Sau đó nó được thay thế bởi từ Cochinchina, một tên mà các nhà truyền giáo thích hơn và sau cùng được chính quyền Pháp chính-thức-hóa để chỉ 20 tỉnh ở cực Nam của Việt Nam.”
Nói thêm: 20 tỉnh của Nam Kỳ hồi xưa có tên và được sắp xếp theo thứ tự như sau [thành một bài mà học trò lớp Tiểu Học trong Nam phải thuộc lòng] :
Gia, Châu, Hà, Rạch,Trà,
Sa, Bền, Long, Tân, Sóc,
Tây, Biên, Chợ, Mỹ, Bà,
Gò, Thủ, Vĩnh, Cần, Bạc.
Tức là:
1: Gia Định; 2: Châu Đốc; 3: Hà Tiên; 4: Rạch Giá; 5 : TràVinh; |
6: Sa Đéc; 7: Bến Tre; 8: Long Xuyên; 9: Tân An; 10: Sóc Trăng; |
11: Tây Ninh; 12: BiênHòa; 13: Chợ Lớn; 14: Mỹ Tho; 15: Bà Rịa; |
16: Gò Công; 17: Thủ Dầu Một; 18: Vĩnh Long; 19: Cần Thơ 20: Bạc Liêu. |
Tôi không biết tại sao có thứ tự đó; nhưng trong Nam sông lớn rạch nhỏ chằng chịt với nhau, nên hồi xưa dân thường hay dùng xuồng tam-bản, hay ghe thuyền, để di chuyển và chuyên chở. Người nào có ghe thì phải đóng thuế, nên phải lên tỉnh xin đăng bộ, thì tỉnh cho một cái thẻ có số bắt đầu bằng hai chữ HF [nghĩa là Hydrographie Fluviale] rồi số thứ tự kể trên của tỉnh [như tôi ở TràVinh thì là HF5-] rồi mới tới số thứ tự trong sổ của tỉnh [thí dụ như: HF5-1357] thì chủ ghe phải vẽ số đó trên ghe của mình.
Làm như vậy còn giúp cho việc giữ gìn an ninh, vì trong làng ông Hương Quản [lo về an ninh] hay ở tỉnh Ông Cò [Chef de police Tây] nhìn thấy số sau chữ HF là biết ghe đó từ đâu đến [như bản xe hơi bên Mỹ] để rồi, nếu thấy từ xa đến, thì kiểm soát kỹ lưỡng hơn.
BS Nguyễn Lưu Viên