Lên chùa Bái Đính, chỉ thoáng nhìn qua những ban thờ Phật, nhiều người chắc cũng rầu lòng. Những tờ tiền lẻ xanh đỏ được nhét vội vàng vào bàn tay tượng Phật như ấn chứng của một sự suy thoái về tín ngưỡng, tâm linh.
“Hối lộ” Thần Phật
Từng dòng khách thập phương hành hương về ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, chen chân trên những bậc thang dẫn lên bảo điện. Tất cả nô nức, phấn khởi băng qua những hàng tượng Thần Phật, không quên nhét một đồng tiền lẻ vào kẽ ngón tay vị La Hán hay rối rít xoa chiếc đầu đã nhẵn bóng của chú rùa đá.
Già trẻ, gái trai cho đến nam thanh, nữ tú, mặt đều lộ rõ vẻ say mê, hào hứng, sẵn sàng để lại “dấu ấn” của mình tại bất cứ nơi nào: bệ tượng, đài sen, bụng Phật Di Lặc, đầu rùa… cốt sao xin được chút hơi may mắn.
Những đồng tiền lẻ rơi đầy bệ tượng, chân tượng. Lại có những người đi sau, tay vừa vơ tiền lẻ, miệng vừa lẩm nhẩm: “Con xin lộc ạ!”.
Màn kịch ấy đã diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần kể từ khi ngôi chùa nổi tiếng này chính thức mở cửa đón khách thập phương hành hương lễ Phật.
Những cảnh tượng không được đẹp mắt lắm ấy khiến chúng ta cảm thấy nhoi nhói trong lòng.
Giữa một nơi được tôn xưng là “thánh địa Phật giáo” của cả nước, thậm chí cả Đông Nam Á mà người ta đối đãi với Thần Phật chẳng khác gì ở chốn chợ búa.
Những nghệ nhân tạc tượng dẫu có nằm mơ cũng chẳng thể nghĩ ra được cái cảnh chiếc bát khất thực trên tay tượng La Hán nay trở thành đĩa tiền “công đức” bất đắc dĩ.
Chẳng nói đâu xa, bạn hãy nhìn vào những bàn tay, đầu gối, bụng tượng hay mai rùa, đầu rùa đang nhẵn thín từng ngày vì ma sát, mồ hôi của người hành hương. Người ta thậm chí còn khắc tên tuổi lên các bức tượng đá, hẳn là mong ông Phật ấy nhớ đến tên mình và chiếu cố cho.
Cũng không chỉ riêng Bái Đính, biết bao nhiêu đền chùa, miếu phủ ở dải đất hình chữ S này đang cùng chịu chung “kiếp nạn” đau khổ ấy. Chưa kể vội đến chuyện ảnh hưởng mĩ quan cảnh chùa, vốn là nơi thanh u tịch địa. Chỉ riêng cái thái độ xoa đầu, xoa tay, xoa bụng, nhét tiền kia cũng đã là một sự phỉ báng, báng bổ Thần linh quá ư nghiêm trọng.
Biết phật tử có lòng kính ngưỡng, công đức, nhiều đền chùa đã dựng sẵn rất nhiều hòm tiền công đức đặt trước bệ thờ Phật. Nhưng nào có ai muốn âm thầm cúng tiến như vậy? Người ta nhét tiền vào tay Phật như một sự đảm bảo: “Đây, con cúng cho Ngài tiền, Ngài phải bảo hộ con tai qua nạn khỏi, làm ăn phát tài nhé! Ngài nhận tiền rồi nhé! Vậy phải giúp con!”.
Câu chuyện càng kể ra có vẻ càng khiến quý độc giả buồn thêm…
Khủng hoảng tín ngưỡng
Hàng nghìn năm qua, trong văn hóa truyền thống Á Đông, đức tin Thần Phật đã là một trong những bộ phận chủ yếu nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đời sống xã hội. Người xưa tin vào Thần, hành xử theo các chuẩn mực đạo đức, lễ nghi mà Thần Phật răn dạy.
Thần nhìn thấy con người sống có đạo, chiểu theo lễ nghĩa mà hành xử, nên cũng nhiều phen ra tay bảo hộ sinh mệnh nhỏ bé của con người. Đó cũng là lý do vì sao ngày xưa rất nhiều người nhìn thấy Thần Phật đại hiển thần thông, cứu kẻ khốn khó, gặp nạn. Bạn chỉ cần lương thiện, Thần Phật tự khắc có an bài.
Tín ngưỡng vào Thần Phật không phải là “mê tín”, “dị đoan” như cái cách mà những người vô Thần ngày nay chụp mũ. Đức tin vào Thần linh chính là một sự ước thúc về đạo đức cho con người. Người ta tin rằng “thiện ác đều có báo”, vậy nên cũng không dễ làm việc xấu xa, không dễ trở thành kẻ ác, kẻ tha hóa.
Đức tin chân chính vào Thần Phật cũng không phải là theo kiểu trao đổi, buôn bán chợ búa, không phải là cái ý: “Tôi thành khẩn bái lạy, dâng lễ cho ngài, thế thì ngài phải bảo hộ tôi”. Trái lại, người ta chỉ cần tu tỉnh bản thân, làm nhiều việc tốt, sống có đạo thì tự khắc Thần Phật sẽ ban phúc lành.
Cúng tiến bạc vàng đầy mâm, xây nghìn ngọn tháp, đúc vạn quả chuông cũng chẳng bằng được cái tâm hướng thiện.
Vậy thì cái hành động nhét tiền lẻ vào tay La Hán, xoa tiền vào bụng Phật Di Lặc kia được tính là gì? Đó mới chính là “mê tín, dị đoan” đúng nghĩa. Bạn thử nghĩ xem, Thần Phật là những đấng giác ngộ, đã ra khỏi vòng danh lợi, liệu có thể động lòng trước mấy đồng tiền lẻ kia không? Người ta nghĩ rằng cúng tiến chút tiền, chút vật phẩm nhỏ mọn ấy là có thể sai khiến được Thần Phật, bảo gì làm nấy sao?
Xem ra chỉ có những thứ tà linh, loạn quỷ bát nháo mới giúp họ thôi. Vì những thứ ấy vốn cũng thường đi lại, ẩn nấp trong đền chùa, số nhiều vô kể. Chỉ có chúng mới động lòng tham với những món lễ vật kia mà thôi.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng về thời mạt Pháp. Đó là thời mà các ngôi đền, nhà chùa đều không còn giữ được sự thanh tịnh nữa. Các loại ma quỷ sẽ chiếm cứ đền chùa và tăng ni thì hầu như chẳng còn biết đến thực tu.
Đó cũng là thời kỳ mà con người mê loạn, chạy theo vật chất, đánh mất hết lòng tin chân chính. Chuyện “hối lộ” Thần Phật kia chẳng phải chính là biểu hiện rõ nhất của sự khủng hoảng tín ngưỡng ấy hay sao?
Tất nhiên, độc giả và chúng tôi, cùng với rất nhiều người khác đều không cảm thấy thoải mái lắm khi chứng kiến những cảnh chợ búa ấy diễn ra giữa nơi thờ tự Thần Phật tôn nghiêm. Buồn vì chúng ta đã tự mình chặt đứt đi tín ngưỡng chân chính mấy nghìn năm để giờ đây quay cuồng trong những thứ mê loạn.
Cả vùng Á Đông, suốt bốn, năm nghìn năm qua vẫn luôn coi trọng tín ngưỡng Thần Phật, hướng đến điều thiện, tự ước thúc mình trong đức tin Nho – Phật – Lão. Nói riêng Việt Nam, suốt hai triều đại Lý (1009 – 1226) và Trần (1226 – 1400), tín ngưỡng Thần Phật đã lên đến đỉnh cao. Ngay cả các nhà vua còn xuất gia tu hành. Vua Trần Nhân Tông thậm chí còn từ bỏ hoàng vị, lên non cao Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, rồi được tôn xưng là “Phật Hoàng”.
Vậy mà chỉ mới bước sang những thế kỷ 20, 21 này, tất cả đã lùi vào dĩ vãng, tan thành tro bụi trong ngọn lửa của những cuộc cải tạo tín ngưỡng đầy hăm hở mà cũng đầy tàn nhẫn. Cái gốc tâm linh gắn bó với Thần Phật một khi bị chặt bỏ, thử hỏi con người làm sao mà không chông chênh, chới với, không bấu víu vào những thứ mê loạn, dị đoan, tà thuật đây?
Ấy thực là:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng