Truyền thống của dân tộc cũng như mỗi dòng họ, mỗi gia đình luôn gìn giữ và duy trì là: nhớ ơn tiên tổ, nhân hậu thuỷ chung, thương người như thể thương thân, đoàn kết tương thân tương ái, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, lao động cần cù sáng tạo. Bên cạnh đó đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn có trong tâm tưởng của mỗi người dân Việt. Bất kể ở nơi đâu, dù giàu hay nghèo thì trong nhà cũng có một bàn thờ để thể hiện lòng thành với ông bà hay cha mẹ đã khuất. Đối với dòng họ, ngôi từ đường (hay còn gọi là nhà thờ họ) là nơi thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh của họ tộc. Đây là nơi chốn tâm linh để lớp hậu sinh luôn hướng về nguồn cội.

Từ đường đã có từ xa xưa, có lẽ từ khi chúng ta có nghĩa gia tộc và có tục thờ cúng tổ tiên. Nó luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng tộc, bởi đó là nơi giúp mọi người nhớ lại những gương sáng trong dòng họ, những điều tốt đẹp của tổ tiên; đồng thời những ước vọng của mỗi con người được nguyện cầu tại đây.

Mỗi họ tộc có một từ đường, phần nhiều các từ đường xưa đều được xây dựng bằng gạch, theo lối kiến trúc đình miếu: chạm trổ ở nóc (thường là hình mặt Nhật hay hình mặt Nguyệt), góc mái hình lưỡi đao; phía trước có sân gạch, hàng rào, cổng ngõ; phía sau có công trình phụ và vườn tược. Nội thất của từ đường rộng rãi với nhiều đồ chạm trổ và sơn son thếp vàng rực rỡ. Không gian đó được đóng mở bằng hàng cửa bàn khoa, hay hàng cửa ván gỗ sơn nâu hoặc đỏ. Từ đường khác với nhà ở là phía trước có hàng cột vôi vữa đắp liễn đối. Quanh sân trồng nhiều bụi hoa trang, hoa điệp đủ mầu sắc. Cửa ngõ thường đóng để tạo vẻ thâm nghiêm cho ngôi nhà thờ.

Bên trong thường cấu trúc theo nhà ba căn hai chái, hay nhà vuông một căn hai chái, nhưng cách bài trí thờ tự vẫn giống nhau. Bên trên chính cửa giữa nhìn lên là bức hoành đề tên của tộc họ, xung quanh chạm rồng mây, hai đầu rồng chầu mặt nguyệt. Có lạc khoản ghi rõ thời gian từ đường được tạo dựng. Ở các cột đều có treo câu đối; tất cả đều có ý nghĩa về đạo lý uống nước nhớ nguồn; đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…

Ngoài sân, phía tay trái kể từ trong nhìn ra, họ nào cũng có làm am, miễu để thờ “Bà Cô” trong họ. Có các loại cây tán lớn như nhãn, vãi, xoài…trồng bên cạnh để che am. Trước sân có bình phong, hồ nước với hòn non bộ. Cổng vào uy nghi hai bên cột có khắc câu đối. Hàng rào xây gạch. Các cây cảnh trồng trong sân từ đường thường biểu lộ niềm tin trường thọ.

Từ đường là nơi diễn ra các cuộc họp dòng họ bàn về các vấn đề của họ tộc, nơi đưa ra các quyết định mà các thành viên trong dòng họ phải thi hành. Hằng năm, từ đường nào cũng có một số ngày tế tự thường niên như: ngày giỗ ngài thủy tổ, các vị tiền tổ và ngày hiệp tế (giỗ chung cho hết thảy các vong linh của những người quá cố trong tộc họ). Cứ đến ngày giỗ, con cháu về tụ họp đông đủ tại nhà thờ, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Người trong làng tất bật lo toan, người làm ăn phương xa cũng gắng về chuyện trò, chia sẻ tình cảm, bàn cách giúp đỡ người gặp khó khăn. Vì thế, từ đường có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn; vừa là nơi tiến hành nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết tổ tiên, vừa là nơi các thành viên họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau.

Ở đồng bằng Bắc bộ, nhiều dòng tộc ngày cúng tế diễn ra như hình thức lễ hội: trong sân có cắm nhiều cờ đuôi nheo, cờ lồng, treo băng, biểu ngữ (mang tên ngày tế tự). Các cụ bà, các cô gái đội trên đầu lễ vật dâng cúng là những hương hoa trà quả… Khi tế tự có kèn trống, văn tế kể công nghiệp tổ tiên, các trình tự lễ lạy; tất cả đặt dưới quyền điều hành của Chủ tế là tộc trưởng. hoặc người cao niên nhất trong họ và vài người trung niên làm bồi tế. Kết thúc tế tự là lễ hóa vàng mã và bắt đầu tiệc ẩm thực. Người ngồi mâm cỗ nhà từ đường luôn tuân theo tôn ti trật tự: ông bà, bác, chú ngồi trên, con cháu ngồi dưới. Có gia đình con cháu học giỏi thành đạt cũng được phép ngồi trên để làm gương hiếu học cho cả họ.

Những ngày Tết cổ truyền hay các ngày sóc vọng hằng tháng, từ đường luôn hương khói và cúng kính. Người giữ việc hương khói thường là một người trong tộc họ, có điều kiện hơn các người khác ở chỗ có nhà ở gần từ đường.

Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng của gia đình người Việt. Gia đình từ tổ tiên, ông bà cha mẹ đến con cháu đều chung một mối dây liên hệ hết sức chặt chẽ về huyết thống, máu mủ. Do đó việc hướng về nguồn cội chính là hướng về thế giới tâm linh trong sáng, thiêng liêng với những cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng của nhiều thế hệ.

Hàng ngàn năm qua, xã hội Việt Nam gồm các cư dân nông nghiệp được kết cấu theo mô hình làng xã. Do ở thời điểm ban đầu, việc hình thành làng xã phần lớn là sự phát triển đi lên từ một dòng họ, hoặc một vài dòng họ. Bởi thế, mối quan hệ gia tộc là yếu tố cơ bản để kết nối một đơn vị xã hội như làng thôn.

Cách tư duy “Một giọt màu đào hơn ao nước lã” cũng xuất phát từ đó. Và trong suốt chiều dài lịch sử, kết cấu gia tộc – cũng như những mối quan hệ phát sinh từ kết cấu ấy luôn được đề cao, xây dựng, phát triển và trở thành một giá trị bền vững của nông thôn, cũng như trong nền văn hóa Việt Nam. Có thể nói rằng quan hệ dòng tộc trong văn hóa làng xã ở Việt Nam là điểm đặc trưng mà không phải dân tộc nào cũng có. Mặc dù có mặt hạn chế, nhưng nhìn chung, nó vẫn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ xa xưa…