Vì họ cho tà ma hay ghen ghét và xảo quyệt gây hết các thứ bệnh và tai họa xảy đến cho con cái họ, nên họ thường lấy những tên xấu xí bẩn thỉu đặt cho con.

Đặt tên dơ bẩn để tránh tà ma

Thật là kỳ dị, người Đàng Ngoài còn theo dị đoan trong việc đặt tên và đổi tên gọi của mình.

Nếu có đứa con nào chết, thì họ tránh không lấy tên đó đặt cho người con khác vì sợ tà ma, họ cho là tà ma đã giết đứa bé mới chết, nay nghe thấy cũng tên đó đặt cho đứa trẻ mới sinh thì lại đến giết như đã giết đứa trước đó. Cũng vì họ cho tà ma hay ghen ghét và xảo quyệt gây hết các thứ bệnh và tai họa xảy đến cho con cái họ, nên họ thường lấy những tên xấu xí bẩn thỉu đặt cho con. Họ tưởng rằng với tên dơ bẩn này họ làm cho tà ma hay hãm hại không dám động tới bản thân con cái họ, họ không biết rằng kẻ công khai ghen ghét sự lành mạnh, khỏe khoắn của họ, chính là những thứ rác rưởi.

Rồi vì điên dại tưởng tượng như thế nên họ để cho bản năng tà ma đưa họ tới một thói kỳ quặc lạ thường, làm người cha trở nên hung ác giết con. Nếu đứa con thứ nhất chết, theo họ tưởng, vì tà ma ghen ghét và sau đó đứa con thứ hai lại ngã bệnh vô phương cứu chữa thì trước khi đứa bé này chết, họ đưa nó ra ngoài đồng và dùng dao hung ác chặt làm hai, tưởng làm cho tà ma sửng sốt vì hành động vô nhân đạo này và làm cho nó sợ, không còn tiếp tục hãm hại những trẻ khác sẽ sinh sau này nữa. Do đó tà ma đã làm cho họ trở nên vô nhân đạo viện lý là nhân đạo và vì họ điên dại sợ nên đã cho phép người cha tồi tệ phạm tội giết con. Cũng vì thế, ngày nay giáo dân tân tòng rất sợ, nên rất ân cần can ngăn lương dân phạm tội hung ác hoặc ít ra rửa tội để cứu linh hồn, khi thấy trẻ con lâm bệnh nặng hoặc không thể cứu sống được.

Sự nhiệt thành này làm xúc động một giáo dân lành thánh tên là Antôn. Ông trao phó mọi việc nhà cho vợ để rảnh rỗi chuyên lo về việc này, không mệt nhọc rảo khắp tỉnh, không để trẻ con chết mà không được chịu phép thánh tẩy. Ông chịu khổ nhưng thành công lượm được kết quả. Trong một năm ông rửa tội được hai trăm, ông còn cẩn thận ghi tên và đem sổ về cho chúng tôi.

Đổi tên gọi cả dòng tộc

Còn một tục lệ khác nơi người nước này, đó là khi sinh đứa con thừa kế và nối nghiệp nhà, thì người ta đặt tên cho con (vào đúng ngày sinh), rồi không những người cha mà cả ông nội và tất cả những người trong gia đình đều đổi tên. Thí dụ, khi người con được đặt tên là Đồng thì người cha bỏ cái tên chính của mình, dẫu đẹp, dẫu đáng kính đến thế nào đi nữa, để từ nay sẽ gọi là cha Đồng, còn người ông nội của đứa bé thì gọi là ông Đồng, cũng vậy người mẹ và bà nội. Chỉ khác điều này là ông nội và bà nội thì không còn đổi tên khi có chắt. Còn người cha và người mẹ, khi con trưởng có con thì bỏ tên là cha là mẹ và lấy tên ông, bà đứa cháu. Còn bác chú cô dì, nếu chưa có con thì lấy tên cháu và gọi là bác Đồng, cô Đồng. Và người con thừa kế này cũng sẽ không mang tên là Đồng do cha mẹ đặt cho khi mới sinh, nếu có một em trai. Lúc đó bỏ cái tên thứ nhất và sẽ gọi là anh của người em, cho tới khi chính mình có con và lấy tên là cha của người con cả mình sinh ra.

Thực ra phải nhận ở đây là tục lệ này chỉ giữ nơi thường dân, còn về người quyền quý thì vì muốn tôn trọng mà người ta tránh không xưng chính tên của họ. Không ai dám gọi họ bằng tên đã đặt khi họ sinh ra, gọi là tên tục, có nghĩa là tên xấu, mà không xúc phạm đến họ và làm cho họ bực tức. Cũng vậy phải cẩn thận chớ xưng tên họ khi nói trước mặt họ hay trước mặt con cái họ, cả khi trong bài diễn văn nếu nhắc tới thì lúc đó phải dùng một chữ khác hoặc xoay trở tiếng đó để khỏi mất lòng những người này. Cũng có một tục lệ phổ thông nơi người quyền quý là khi họ chết thì con cháu, để ghi nhớ công ơn họ, đặt cho họ một tên mới có ý tâng địa vị mà họ tỏ nguyện vọng muốn trở nên người quyền quý như vương, hầu, bá, tước và tương tự, hoặc tỏ công trạng họ có hay chưa có. Và tên đó bao giờ cũng được ghi bằng chữ vàng ở tấm trướng, được long trọng đặt trong đám tang.

Nguồn: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch