Ở nông thôn Việt Nam, mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ của làng nào, xã nào thì gọi theo tên của làng ấy; đó là loại chợ quê.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại cho biết chợ quê đã hình thành từ rất sớm.Trong cuốn An Nam tức sự, Trần Phu; một sứ giả của nhà Nguyên sang Việt Nam vào cuối thế kỷ XIII đã quan sát và ghi lại về cảnh sinh hoạt xã hội Việt Nam vào năm 1293 như sau:

“Trong các xóm làng thường có chợ, cứ 2 ngày họp 1 phiên, hàng trăm thứ hàng la liệt. Hễ cách 5 dặm dựng một ngôi nhà 3 gian 4 phía đặt chõng để họp chợ…”.
Trong sử cũ, lệ lập chợ dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1470-1497) đã được ghi:

“Nơi nào muốn mở chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ huyện, châu khám xét quả thực tiện lợi cho dân thì tâu lên (…) trong dân gian hễ có dân thì có chợ (…) một xã đã lập chợ thì không được cản trở sự thành lập các chợ mới khác. Miễn là các phiên họp của chợ mới không được họp chung với chợ đã có trước, hoặc lại họp trước ngày phiên của chợ đó để tranh khách”.

Có thể nói chợ quê là một phần đời sống của người dân quê Việt Nam. Ngoài ý nghĩa trao đổi mua bán, chợ còn là nơi mọi người gặp gỡ thăm hỏi, nói chuyện gia đình, làm ăn sản xuất…

Chợ quê thường nhóm từ sớm tinh mơ đến 9 -10 giờ sáng. Từ sáng sớm, trên các nẻo đường làng đã nhộn nhịp người gồng người gánh, tay xách nách mang đi về phía chợ. Địa điểm họp chợ có thể là sân đình làng, cạnh một cái quán, cây cầu, hoặc trên mặt đê. Có khi chợ họp dưới bóng râm của cây đa cây đề cổ thụ, dưới những mái che tranh tre nứa lá.

Chợ của mỗi làng đều mang tính tự cung tự cấp. Người dân trong làng đem bán mớ tôm, mớ tép, mớ rau vườn nhà; con gà con vịt mới nuôi hay các loại hoa quả, cũng có khi thêm ít hàng xén như cây kim sợi chỉ. Chợ lớn hơn thì luôn có các mặt hàng quan trọng là nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cày, bừa, móng, cuốc, dao, liềm… Bên cạnh chợ bao giờ cũng có cái lò rèn, người đi chợ có thể mua những sản phẩm bán sẵn của lò rèn, hay đặt hàng theo yêu cầu riêng, hoặc cũng có thể sửa chữa, chuyển đổi đồ cũ đang sử dụng.

Hàng hóa thì lúc ít lúc nhiều, nhưng hàng quà thì không lúc nào thiếu; bánh tét bánh chưng, bánh giò bánh cuốn ..,vừa ngon vừa rẻ, hợp với túi tiền của mọi người, ai cũng thấy dễ mua làm quà, dễ sà xuống để ăn. Mua thiếu cũng không sao vì tất cả đều coi trọng tình làng nghĩa xóm.

Các bà mẹ đi chợ bao giờ cũng có quà mang về cho lũ trẻ ở nhà. Quà chợ của mẹ mộc mạc và đơn sơ, khi thì gói cốm, trái bắp, lúc thì quả na, trái ổ…, nhưng luôn là những thứ mong đợi của con trẻ. Bởi nó thành “cái lệ” nên khi mẹ bắt đầu đi chợ là con ở nhà cũng bắt đầu mong; “mong như mong mẹ về chợ !”.

Đa số dân làng quê có tính tự cung tự cấp cao, thóc lúa trong bồ, lợn trong chuồng, rau ngoài vườn, cá dưới ao, gà ngoài sân,… Có thể cả năm không cần ra ngoài mà vẫn sống khỏe. Cái thiết yếu nhất từ chợ đối với người dân quê có lẽ là muối và mắm. Phần lớn trong thúng của các bà đi chợ về luôn có một dúm muối, một dúm mắm đựng bằng lá chuối khô và buộc bằng một sợi rơm.

Hình như người dân quê ai cũng thích đi chợ, không mua gì vẫn cứ đi ngắm, đi chơi. Đông người nhất thường là ở quán nước chè đầu chợ. Mọi người gặp nhau, vừa uồng nước chè vừa hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện trên đời. Đến chợ là biết đủ mọi chuyện trong họ ngoài làng; vừa mua bán, vừa trao đổi thông tin về cuộc sống gia đình, cuộc sống đời thường.

Ngày trước, chợ quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ có nghệ nhân hành nghề hát xẩm rất độc đáo và hấp dẫn, chẳng khác gì phiên chợ ở các tỉnh miền núi có biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ngoài việc trao đổi và mua sắm hàng hóa, chợ quê còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó gắn kết và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã ở Việt Nam.

Chợ quê lại có hai loại; chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên có phiên chính và phiên phụ, họp vào những ngày theo một chu kỳ nhất định. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám mỗi tháng (theo âm lịch). Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người, hàng hóa cũng phong phú hơn. Ngoài những sản phẩm địa phương, chợ còn có nhiều mặt hàng thủ công, hàng tiêu dùng… Vào những dịp phiên, chợ đông vui hẳn, không khí thân mật, hiền hòa bởi phần đông là người quen với nhau, hay bạn bè cùng rủ nhau ra vui chơi. Đi từ đầu đến cuối chợ toàn là người quen, tạo cho phiên chợ không khí ấm áp, gần gũi.

Chợ phiên thường họp sớm và tan muộn hơn ngày thường. Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa, chợ cũng là nơi chốn hẹn hò, không hiếm những cặp trai gái nên vợ, nên chồng cũng bắt đầu từ những phiên chợ quê.

Ở chợ hôm, người mua người bán ít hơn, mỗi ngày chỉ họp vài tiếng đồng hồ. Họ trao đổi những thứ cần thiết như hoa quả, dầu, muối, rau, tôm cá, trứng…Có nơi nhóm họp vào buổi chiều nên còn gọi là chợ Chiều.

Hằng năm, chợ quê ngày giáp Tết luôn nhộn nhịp và tấp nập. Ngày thường, chợ chỉ họp buổi sáng, ngày Tết chợ họp từ sáng sớm kéo dài đến tận chiều với đủ loại hàng hóa. Dù mưa bay lất phất hay trời lạnh buốt da vẫn không thể ngăn cản dòng người nô nức đổ ra chợ để sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều gia đình có “cây nhà lá vườn” tranh thủ đem ra chợ bán để kiếm tiền sắm Tết. Từ mớ lạt, ống giang, bó lá dong lá chuối làm bánh chưng, bánh tét; đến các loại thịt cá, tranh dân gian, tranh thờ, hoa giấy…Tất cả đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất và để rồi như cất lên lời mời giao duyên trao đổi…

Dọc theo chiều dài đất nước, làng xã nào cũng có những phiên chợ quê thú vị. Tất cả đã cộng hưởng, hòa điệu góp phần tạo nên bề dày văn hóa và lịch sử của dân tộc. Đó không chỉ biểu thị nét văn hóa làng xã, mà còn là bức tranh văn hóa về con người Việt Nam.

Qua năm tháng, hiện nay hầu hết chợ quê đã được xây dựng quy mô và to lớn hơn. Hàng hóa không kém chợ phố với đủ loại hàng bắt mắt. Vì thế, những cái chợ quê “tự phát” đã không còn nữa. Con đường quê đã được rải nhựa, không còn những lều quán tranh tre dựng tạm bợ bên đường. Thế nhưng hình ảnh của cái chợ quê hồn hậu, chân tình, vẫn luôn lưu dấu kỷ niệm trong ký ức mỗi người, nhất là đối với những người xa xứ. Nơi đó đầy ắp những hình ảnh tuổi thơ theo mẹ đến chợ để được nhìn ngắm, tung tăng trong muôn trùng sắc màu thấm đẩm hồn quê; ở đó luôn có những con người cần cù, thủy chung và nhân hậu như trong câu ca dao rất mộc mạc, hiền hòa:

Anh về hái đậu trẩy cà,
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên.
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của,
Miệng tiếng người cười rỡ sao nên.
Lấy chồng phải gánh giang sơn,
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì ?