Ngày chưa có con, tôi gọi nhà tôi là mình xưng anh.

Ngày có con rồi, tôi gọi nhà tôi là mẹ xưng ba.

Mười mấy năm từ ngày yêu rồi thành chồng thành vợ, tôi vẫn giữ thói quen chỉ tâm sự những điều tốt đẹp với nhà tôi. Rất ít khi, tôi kể về những mỏi mệt mà tôi gánh chịu, tôi không muốn nhà tôi phải lo lắng. Hãn hữu lắm, tôi mới nói vài câu rồi thôi.

Trước mặt các con, tôi không bao giờ nói chuyện công việc, cơ quan hay là về một ai đó. Tôi hay nói với các con về sự chia sẻ, tôn trọng, không nói dối và giữ lời hứa. Thi thoảng cao hứng, tôi sẽ nói với các con về tình hình của đất nước, về quan chức hiện tại, về nhân dân… Và sự quan trọng của việc đọc và học. Các con của tôi chưa biết về tiền, không quan tâm đến các phương tiện hiện đại, áo quần hay bất cứ điều gì khác.

Tôi không thích Trung Quốc, cả cuộc đời tôi sẽ không tốn một xu nào cho quốc gia này bằng con đường du lịch. Tôi không muốn họ mạnh hơn từ số tiền ít ỏi mà tôi đã tiêu tốn cho dịch vụ du lịch của họ.

Nhà tôi rất chìu tôi điều này, nhà tôi chưa bao giờ nhắc đến cụm từ đi du lịch Trung Quốc với tôi. Mặc tôi vẫn biết, tôi cực đoan quá mức.

Tôi ra đường giao hảo bằng hữu, nhà tôi chưa bao giờ can thiệp. Nhà tôi chỉ khen những ai mà thông qua câu chuyện kể, tôi khen họ dân chơi. Thi thoảng nhà tôi có nhắc, “Bạn này cũng tội”.

Những đứa em của tôi đều biết, tôi cao hứng lật trời làm bàn, tôi tức giận không cần biết hậu quả. Ra đường thiên hạ yêu cũng lắm mà ghét cũng nhiều, duy có về nhà là thay đồ xong quét nhà lau nhà. Tiếp khách khuya mấy mai sớm cũng đưa con đi học, bận việc đến mấy cũng đón con về.

Gia đình tôi minh bạch về phần việc của các con, phần việc của vợ, phần việc của chồng.

Tôi nhà quê, rất hay mắc cỡ và lạ lẫm trước các ngày 8-3, 20-10… Những năm lớn, tôi chìu má tôi nên tặng hoa cho má. Tội nghiệp nhà tôi biết bao nhiêu.

Nhà tôi học, tốt nghiệp trường Tây, làm ở HSBC rồi VIB rồi KPMG. Cái gì không biết về kinh tế, tôi đều hỏi nhà tôi.

Một hôm nhà tôi nói, mẹ không muốn đi làm nữa, mẹ muốn ở nhà.

Tôi rất lo lắng nhà tôi sẽ buồn, nhưng rồi nhà tôi thích nghi rất nhanh, nhà tôi đọc sách, tập yoga, đọc kinh Dược Sư, có lúc đọc Địa Tạng…

Má tôi mất, nhà tôi ngồi cạnh bên hộ niệm đợi sư thầy đến. Ai cũng mệt nhiều, nhà tôi cũng mệt, nhưng tiếng “Nam mô A di Đà Phật” cất ra từ miệng của nhà tôi chưa bao giờ nhỏ đi. Đọc kinh Địa Tạng cho má, nhà tôi chưa bao giờ hụt hơi.

Tôi vẫn nghĩ, mỗi người đàn ông luôn vay từ hai người phụ nữ món nợ mãi mãi không bao giờ trả hết. Đầu tiên là mẹ, về sau là vợ. Và khi cần thiết để bảo vệ, những gã đàn ông sẽ không điều gì mà không dám làm.

Năm xưa tôi có viết loạt bài về cậu bé ẩu đả đâm chết người, vì người ấy đánh vợ cậu lúc vợ cậu mang thai khi họ va chạm giao thông. Tôi đã nghĩ rất nhiều sau khi báo in, bởi nếu là tôi – biết đâu tôi cũng chọn cách ấy.

Tôi chuyển công việc, độ này đi nhiều quá, thương nhà tôi mà viết vậy.

“ Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà tôi! Tôi gọi mình là nhà tôi
…”(Bùi Giáng).

NGÔ NGUYỆT HỮU