Sự biến mất của dải màn hình cảm ứng Touch Bar nơi cụm phím function hiện diện trên những thế hệ MacBook trước đồng nghĩa với việc, Apple đã ngầm thừa nhận thử nghiệm của họ không thành công. Và với thừa nhận ấy, Apple không chỉ đem cụm phím function quay trở lại, mà còn cho cụm nút ấy có kích thước ngang với những nút bấm khác trên bàn phím, đổi lại là touchpad có diện tích nhỏ hơn một chút. Thực tế thì trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí Wired, phó chủ tịch marketing toàn cầu của Apple, Greg Joswiak cũng đã xác nhận điều này:
“Điều rõ ràng là khách hàng chuyên nghiệp của chúng tôi yêu mến cái cảm giác cơ học của những nút bấm function kích thước lớn, và đấy là quyết định chúng tôi đã đưa ra trong thế hệ MacBook mới.”
Khi MacBook Pro với Touch Bar ra mắt, nhiều người cho rằng dải màn hình cảm ứng này có thể mở ra nhiều giải pháp hơn phụ thuộc vào phần mềm và ứng dụng họ đang làm việc, từ đó giúp quá trình sử dụng máy tiện lợi hơn. Quan điểm đó trên lý thuyết không sai, vì màn hình cảm ứng luôn có khả năng hiển thị những thông tin đa dạng hơn nhiều so với cụm nút function. Để bước chuyển “cải lùi” trở nên ổn thỏa, thì trên cụm phím function của MacBook Pro mới, Apple vẫn để shortcut của nhiều tính năng như Siri, Spotlight Search, v.v…
Nhưng thực tế sử dụng thì đa số đều cho rằng, Touch Bar là cải tiến độc đáo nhưng thừa thãi, những ngày đầu mới mua máy dùng thì thích, nhưng dùng lâu mới nhận ra không phải ai cũng thích tập trung cùng một lúc vào hai màn hình trong quá trình làm việc. Nếu còn những anh em thích Touch Bar, thì tính năng này vẫn sẽ hiện diện trên mẫy MacBook Pro M1, chí ít là cho tới khi Apple ra mắt chiếc laptop 13.3″ thế hệ mới, đem nguyên cụm bàn phím trông rất chất lượng của bản 14 và 16 inch sang.
Ở một khía cạnh khác, hoàn toàn không thể lờ đi một thực tế, một khả năng của việc Apple cho Touch Bar nghỉ hưu, đó là vấn đề chi phí sản xuất.