Tờ Le Temps (Thời đại) của Pháp số ra ngày 29.9.1883 trích đăng bản báo cáo của Đô đốc Pháp Amédée Courbet, chỉ huy lực lượng hải quân Pháp ở Bắc kỳ về cuộc tấn công cửa biển Thuận An ngày 16.8.1883, buộc triều đình Huế phải ký hiệp ước. Bài báo hiện đang được bảo quản tại Lưu trữ lịch sử của Bộ quốc phòng Pháp(i).
Tàu Pháp tại cửa Thuận An ngày 18.8.1883, nguồn Chiến tranh Bắc Kỳ của tác giả L. Huard, Paris 1887
Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An
Ngày 16.8.1883, Pháp cho quân tiến hành trinh sát các công sự phòng ngự của triều đình Huế tại cửa biển Thuận An. Theo thông tin tình báo quân Pháp gửi về, các công sự của triều đình Huế ở trong tình trạng tốt, ngoài ra còn có công sự phòng ngự trên đỉnh các ngọn núi hướng ra biển. Lính khố vàng cũng được lệnh đào các vị trí ẩn nấp trên bãi biểnvà đào hào lũy. Triều đình Huế cũng cho dựng đập phòng ngự nhằm chặn bước tiến của thủy quân Pháp ở cửa Thuận An.
Tối 16.8, tàu thiết giáp Bayard, tuần dương hạm Château Renaud, Annamite và Lynx tập kết tại cửa Thuận An. Ngày hôm sau, tiếp đến là các tàu thiết giáp Atalante, pháo thuyền Vipère và tàu hộ tống Le Drac. Tàu Annamite chở 600 lính hải quân đánh bộ từ Nam kỳ, 100 lính khổ đỏ Nam kỳ, một dàn pháo cùng 100 binh phu.Các tàu chiến của Pháp đã sẵn sàng tấn công, được lệnh néo im (tàu nằm theo một phương nhất định, thường bằng cách thả hai neo đằng mũi và đằng lái) trong suốt chiều ngày 18.8 trước cửa Thuận An.
Vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 18.8, lệnh khai hỏa được đưa ra. Quân lính triều đình Nguyễn ào lên tấn công nhưng vấp phải đạn đại bác của quân Pháp. Khói pháo và bụi bay mù mịt. Hải đồn của triều đình Nguyễn bốc cháy. Quân triều đình An Nam chống trả quyết liệt, nhiều đại bác của họ bắn đi quá xa, vượt qua cả vị trí tàu chiến Pháp, tàu Bayard bị trúng đạn nhiều lần. Tàu Vipère bị trúng đạn ở vị trí gần hải đồn phía Bắc, đạn quân triều đình bắn liên tiếp quanh tàu. Tàu này tuy bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục khai hỏa dưới sự chỉ huy của Trung úy Lejard (sau đó được phong Đại úy). Các đợt bắn pháo kết thúc khi đêm xuống.
Ngày 19.8, trận đánh tiếp tục và kéo dài trong 1 giờ. Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 20.8, quân Pháp tiếp tục tấn công và 15 phút sau, trong giai điệu của bài quốc ca LaMarseillaise, các toán quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đại úy hải quân Parrayon rời tàu đổ bộ lên bãi biển. Số quân đổ bộ gồm hai phân đội và một số đại đội lính đổ bộ của hải đội. Lúc 6 giờ 10 phút, dưới sự yểm trợ của hai tàu chiến Lynx và Vipère, được giao nhiệm vụ quét sạch bãi biển, lính Pháp đổ bộ lên bãi biển. Quân triều đình Huế từ dưới hào lũy xông lên chiến đấu quyết tâm đẩy lùi quân Pháp, nhưng bất chấp mọi nỗ lực của họ, các hải đồn tại cửa biển nhanh chóng bị quân Pháp bao vây.
Trung úy hải quân Poidloue dẫn đầu lính hải quân của tàu Atalante cùng dàn pháo gồm hai khẩu tiếp tục truy đuổi quân triều đình Huế. Với sự yểm trợ của một toán lính hải quân đánh bộ, chỉ huy Parayon hành quân tiến về hải đồn chính, nơi đặt khẩu pháo đại bác cỡ nòng 65 mm và bắt đầu cuộc tấn công.
Quân Pháp nhanh chóng giành chiến thắng. Ba đại đội gồm 250 lính cùng với 100 lính khố đỏ Nam kỳ đặt dưới sự chỉ huy của các Đại úy Radiguet, Mouniet và Sorin.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20.8, toàn bộ quân Pháp đã đổ bộ lên bờ, thủy thủ và lính hải quân đánh bộ tập hợp lại cùng với số lính Pháp đổ bộ trước đó hiện đóng quanh các hải đồn. 9 giờ sáng, Đại uý hải quân Parrayon chỉ huy toàn bộ quân Pháp, cùng với hai sĩ quan Gourdon, Olivieri thuộc tàu chiến Bayard và De la Bastide là những người đầu tiên đi vào các hải đồn và vào lúc 9 giờ 5 phút, cờ Pháp bay trên các công sự của quân triều đình Huế. Trung úy hải quân đánh bộ Curzon bị thương trong khi có đến 600 quân triều đình Huế bị chết. Chiều ngày 20.8, hai tàu Vipère và Lynx vượt qua bãi phòng ngự dựng chặn ở cửa Thuận An và vấp phải đạn pháo bắn trả của quân triều đình Huế đang cố thủ trong số hải đồn chưa bị chiếm tiếp tục chiến đấu ngoan cường. Cùng với hai chiến thuyền Bayard và Château Renaud, hai tàu Vipère và Lynx nhanh chóng dập tắt những loạt đạn bắn trả cuối cùng trong vô vọng của quân triều đình Huế. Đêm và sáng hôm sau (ngày 21.8), quân Pháp chiếm được toàn bộ hải đồn phòng thủ ở cửa biển Thuận An. Vài ngày sau, triều đình Huế cử đại thần phụ trách ngoại giao đến xin ngừng giao tranh và các thương lượng hòa ước bắt đầu.
Về cuộc tấn công cửa biển Thuận An, Đại Nam thực lục chép: “Nước Pháp phái đem tàu binh (8 chiếc) đánh lấy thành Trấn Hải cửa biển Thuận An. (Từ ngày 15 đến ngày 18, đánh bắn suốt ngày)[ii], quan giữ cửa biển là Lê Sỹ (Hữu quân), Lê Chuẩn (Thống chế), Lâm Hoành (Tham tri), Nguyễn Trung (Chưởng vệ) đều chết trận”[iii].
Sau khi hay tin quan quân thua trận, thành bị mất, triều đình Huế buộc phải nghị hòa. Vị đại thần được phái đi ngoại giao xin giảng hòa lần này là Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp. Thực lục chép: “Vua sai triệu gia Hiệp biện Đại học sĩ hưu trí là Trần Đình Túc (ở xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên) cho lĩnh Thượng thư Bộ Lễ sung chức Toàn quyền đại thần; Thượng thư Bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần là Nguyễn Trọng Hợp làm Phó, để đến sứ quán bàn định hoà ước”[iv]. Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Trọng Hợp từ cửa Thuận An về nói nước ấy hẹn đến sứ quán Kinh thành định hoà ước[v].
Tàu thiết giáp Bayard, nguồn Wikipédia
Hòa ước Harmand (hay còn gọi là Hòa ước Quý Mùi)
Tờ Le Temps (Thời đại) tiếp tục trích dẫn báo cáo của chuẩn bộ đô đốc Courbet trên tờl’Indépendant de Saigon (Người độc lập Sài Gòn) đề cập đến thương lượng hòa ước. Theo bản báo cáo của Courbet, khoảng 3 giờ sáng đêm 20 và rạng ngày 21.8, Harmand khi đó đã ở trên đất liền của cửa Thuận An được thông báo là triều đình Huế đã cử đại thần phụ trách ngoại giao đến gặp ông ta. Cùng đi với vị đại thần là một linh mục Cơ đốc giáo, giữ vai trò làm người thông ngôn. 6 giờ sáng ngày 21.8, hai người đến chỗ giàn pháo, nơi Harmand đang đóng quân và chứng kiến cảnh quân Pháp tấn công chiếm các hải đồn phía Nam.
Các thỏa thuận thương lượng bắt đầu, trước tiên là ngưng giao chiến trong vòng 48 giờ, bắt đầu từ ngày 22.8. Triều đình Huế xin thương lượng và đồng ý ký bản hòa ước với nước Pháp. Ngay từ ban đầu, Harmand tuyên bố không ký hòa ước ở bất kỳ nơi nào, ngoài nơi ở của phái đoàn Pháp tại Huế và ông ta muốn ký hòa ước với chính người kế vị vua Tự Đức. Ngày 22.8, Harrmand lên tàu hơi nước đi tới Huế, cùng với ông ta có Louis Eugène Palasne de Champeaux, đại diện ngoại giao của chính quyền Pháp ở Nam kỳ. Khi tới Huế, Harmand và Champeaux đến ở tại khu nhà của phái đoàn Pháp, thảo luận các điều khoản của hòa ước, nhằm đảm bảo quyền lợi của nước Pháp trước sự thuần phục hoàn toàn của triều đình Huế. Chính Harmand là người áp đặt các điều khoản của hòa ước, không một nhân vật ngoại giao nào của Pháp được tham vấn. Hòa ước được ký chóng vánh trong vòng vài ngày. Điều kiện đầu tiên là ngừng giao chiến, triều đình Huế phải rút quân hoàn toàn khỏi 12 đồn lũy dựng dọc sông từ Thuận An đến Huế. Các khẩu pháo phải bị tháo dỡ, súng đạn phải vứt xuống sông, hai tàu chiến D’Entrecasteaux và Scorpion mà Pháp tặng cho vua Tự Đức năm 1874 phải trả lại cho đô đốc Courbet.
Điều khiến cho thương lượng giữa triều đình Huế và quân Pháp diễn ra dễ dàng là do triều đình Huế, trước đó rất tin vào sự giúp đỡ của triều đình nhà Thanh nhưng nay đã hiểu ra rằng họ bị bỏ rơi. Những chiến hạm được hứa hẹn gửi từ Hương Cảng (Hồng Kông) đến cứu viện quân triều đình Huế đã không bao giờ xuất hiện. Một chú ý khác đáng quan tâm trong bản báo cáo của Đô đốc Courbet góp phần vào thành công của quân Pháp. Đó là quân Pháp đã chọn thời điểm tấn công vào những lúc trời không quá nóng (sáng sớm), trừ các đợt tấn công ngày 20.8 để tránh gây mệt mỏi và kiệt sức cho quân lính. Ngoài ra, theo ghi chép trong Đại Nam thực lục “Lúc bấy giờ tỉnh cũ tỉnh mới Hải Dương cũng bị mất, chợt báo tin đến, cho nên việc nghị hoà càng quyết định”[vi].
Sau khi chiếm được cửa Thuận An, toàn bộ số quân Pháp đóng trong các hải đồn chiếm được, được đặt dưới sự chỉ huy của Parrayon, Đại úy hải quân chỉ huy tàu Bayard.
[i] Hồ sơ 10 H 5, Lưu trữ Bộ quốc Phòng Pháp (SHD).
[ii] Tính theo âm lịch.
[iii]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.603.
[iv]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.604.
[v]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.604.
[vi]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 8, tr.604.