Cứu hộ cứu nạn trên biển từ góc nhìn “văn bản”

Sử sách từ thế kỉ XVII đã nhắc đến việc bị nạn trên vùng biển xa bờ là quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, chưa thấy thư tịch nào nhắc đến việc cứu nạn cứu hộ trên biển một cách chính thống. Tìm kiếm ở bộ luật Hồng Đức thời Lê và luật Gia Long thời Nguyễn, cũng không thấy điều nào liên quan đến việc cứu giúp người trên biển, mặc dù đây là những bộ luật được xem là đầy đủ và bao quát nhiều lĩnh vực thời bấy giờ. Vậy, thực tế việc cứu hộ cứu nạn đã từng diễn ra trên vùng biển Việt Nam hay chưa? Chính quyền đương thời có động thái như thế nào đối với vấn đề này?

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đề cập đến vấn đề “Tuất nạn” (cứu giúp khi hoạn nạn). Trong đó nêu một số trường hợp điển hình như năm Gia Long thứ hai, chuẩn y lời bàn cho các thuyền buôn bị gió hoặc có bị gió bão trôi giạt phá vỡ ván thuyền hàng hóa mất hết quả là thuyền buôn bị nạn, quan sở tại nên chiếu nhân khẩu trong thuyền ấy đều cấp gạo lương mỗi người một phương cho thuyền ấy sinh sống, đợi hôm gió thuận cho tùy tiện đáp theo thuyền buôn về nước. Như vậy để tỏ ý thương xót người buôn bị nạn[1].

Thời Minh Mạng năm thứ 17 (1836), cũng có chỉ về việc giúp đỡ những thuyền viên trên thuyền buôn nước Anh bị gặp nạn. Ngoài cấp phát áo quần, chăn bông, ván gỗ đệm chiếu, thuốc men, còn lệnh đưa người tới bến khẩu Hạ Châu để về nước[2].

Châu bản triều Nguyễn về việc cứu hộ, cấp gạo cho những người trên thương thuyền Thanh bị mắc cạn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Châu bản triều Nguyễn cũng đề cập đến việc cứu hộ những người không may gặp nạn trên biển. Ví như bản tấu ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 22[3] (1869) của Bộ Hộ cho biết, có 01 chiếc thuyền sam bản của ngoại quốc (gồm 04 người Tây dương và 07 người nước Thanh) trôi dạt vào hải phận cửa tấn Đà Nẵng xin cứu nạn. Theo đó, bọn họ có tổng cộng 540 tên đi từ tỉnh Phúc Kiến đi đến Hạ Châu làm thuê kiếm sống, đi nhầm đến Vạn lý Trường Sa thì thuyền bị mắc cạn, trôi dạt trên biển, sau đó lên được bãi cát. 11 người trong số này ngồi lên thuyền sam bản thuận theo sóng lên bờ cầu xin cứu giúp. Sau khi khám xét thuyền và người, viên Hải phòng Quảng Nam đã lệnh trích tiền gạo cấp phát, hai ngày sau, thuyền của họ thuận gió đông nam quay trở về.

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình, nói đến việc cứu nạn cứu hộ trong luật lệ các triều đại quân chủ. Như vậy, đến thời nhà Nguyễn, việc cứu người và hàng hóa trên biển được đề cập khá chi tiết với tần suất nhiều hơn so với trước đó. Tuy nhiên, nó chỉ nằm ở phần lệ, mà không được “luật hóa”.

Cứu hộ cứu nạn trong thực tế

Tai nạn trên biển thường đến từ hai nhóm nguyên nhân. Một là yếu tố khách quan đến từ tự nhiên như gặp địa hình bất lợi (đá ngầm, rạn san hô, bãi cạn), bão tố, vòi rồng, sóng thần .v.v; hai là yếu tố chủ quan liên quan đến con người như cướp biển, va chạm tàu thuyền, ốm đau bệnh tật của thuyền viên. Trong hai nhóm trên, yếu tố tự nhiên được ghi nhận nhiều nhất trong các thư tịch thời Nguyễn trở về trước, thậm chí đến thế kỉ XX, những tai nạn này vẫn là mối nguy đáng lo ngại đối với các tàu thuyền cỡ lớn của Tây dương khi qua lại trên Biển Đông.

Thư tịch nhà Nguyễn không ghi chép rõ về các loại tàu thuyền dùng trong việc cứu nạn. Chúng ta chỉ có thể đoán rằng thuyền sử dụng cho công vụ có khả năng giống như thuyền đánh bắt thủy hải sản của ngư dân. Dư địa chí và Hoàng Việt địa dư chí dùng từ “tiểu thuyền”, tức thuyền nhỏ; Phủ biên tạp lục gọi là “tiểu điếu thuyền”, Hải ngoại kỉ sự gọi là “điếu xá thuyền”. Còn trong Châu bản triều Nguyễn thường nhắc đến loại thuyền sam bản ví như châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1831). Trong các bản dịch, dịch giả thường dùng từ “thuyền tuần tiễu” (gọi theo chức năng). Tuy nhiên, sau khi đối chiếu nguyên văn thì thấy rằng đó là thuyền sam bản (gọi tên dựa theo chất liệu). Một số châu bản khác cũng ghi nhận thuyền thực hiện cứu nạn là thuyền sam bản. Trong bản tấu của quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi Đặng Đức Thiệm về việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công còn nhắc đến một loại thuyền khác là “bản chinh thuyền” 板征船 (tức thuyền làm bằng gỗ, có thể đi xa). Như vậy, cho đến hiện tại chưa xác định được cụ thể thuyền công vụ trên biển chính xác là loại thuyền gì, hoặc có thể sử dụng nhiều loại khác nhau, nhưng hình dáng cụ thể ra sao rất khó biết được.

Việc gặp nạn không chỉ xảy ra đối với tàu thuyền người Việt mà ngay cả những tàu thuyền cỡ lớn của Tây dương, hoặc nhà Thanh (Trung Quốc) cũng không ngoại lệ.

Tháng 3 năm 1809, tàu Discovery của công ty Đông Ấn Anh trong lần khảo sát quần đảo Hoàng Sa đã vô tình cứu được 600 thuyền nhân Trung Hoa bị đắm tại nhóm đảo An Vĩnh. […] một chiếc thuyền buồm lớn, có vẻ như bị đắm trên một mỏm đá ngầm ngoài rìa phía đông của những hòn đảo này, trên đó có một số người Trung Hoa đang chạy dọc theo bờ biển vẫy cờ và ra hiệu cho chúng tôi, mà chúng tôi đoán là để đến cứu giúp họ[4]. Trong 20 ngày sau đó, 600 người này mới được cứu thoát, chấm dứt chuỗi ngày chỉ có thể ăn ít trái cây khô và không có một giọt nước ngọt nào.

Tương tự, năm 1860, con tàu Europe chở 1.100 lính Tây Ban Nha gốc Phi Luật Tân cùng sĩ quan, thủy thủ Pháp trên đường trở về Manila đã bị đắm ở gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Dù những người trên tàu biết đến sự lợi hại của các đợt gió, luồng nước lẫn hiểm trở của địa hình, nhưng sau khi đánh giá tình trạng có thể gặp phải, thuyền trưởng đã chuyển hướng đi, cuối cùng va phải đá ngầm và vỡ tan. Một cuộc tìm kiếm cứu nạn đã được bốn tàu Norzagaray, Marne, Saône và Tien-Shang thực hiện trong 14 ngày đêm liên tục với nhiều nguy hiểm, khó khăn. Cả quá trình tìm kiếm về sau đã được ghi chép lại và đăng trên tuần báo Le Monde Illustré vào năm 1862[5].

Ngoài những trường hợp trên, một yếu tố khác có tính đe dọa nghiêm trọng đối với những tàu thuyền đi lại trên biển, đó là nạn hải tặc (cướp biển). Vào các thế kỉ XVII-XVIII-XIX, nạn cướp biển diễn ra nhiều đến nỗi triều đình phải có các quy định nghiêm sức truy bắt và xử tội nặng những người tham gia; đội ngũ truy bắt được trang bị đầy đủ các vũ khí cũng như tàu thuyền tuần phòng trải dọc các tỉnh ven biển. Tính riêng dưới thời vua Tự Đức (1847-1883), có 851/11.984 thuyền công vụ bị gió bão và cướp biển[6]. Đây là con số lớn cho thấy tai nạn trên biển diễn ra rất phổ biến. Thực tế cho thấy nạn hải tặc rất khó dẹp yên, bởi không những được ngụy trang kĩ (thành dân buôn, ngư dân, công sai…) mà còn có vũ khí, tàu thuyền hiện đại, đội ngũ thậm chí có thâm niên và kinh nghiệm trên sông nước.

Để nâng cao hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển, không biện pháp nào hiệu quả và thiết thực hơn ngoài việc đặt công tác phòng ngừa tai nạn lên hàng đầu. Ý thức rõ điều này, gần 190 năm trước, vua Minh Mạng từng chỉ thị Bộ Công nên chuẩn bị tàu thuyền đến năm sau ra xây miếu lập bia ở đó, lại cho trồng nhiều cây, sau này cây cối rậm rạp, người ta dễ nhận biết, may ra tránh khỏi mắc cạn. Đó cũng là việc lợi để lại cho muôn đời[7]. Đến thế kỉ XX, với việc xây dựng hệ thống hải đăng, nơi trú ẩn, trạm quan trắc khí tượng .v.v. dọc ven biển và các đảo xa bờ, tai nạn trên biển đã được giảm bớt.

Kết luận

Từ các thế kỉ trước, các triều đại đã có nhiều lệ định để thực hiện cứu nạn cứu hộ trên biển. Mặc dù phương tiện thô sơ nhưng đã có những hiệu quả nhất định. Thêm vào đó, nhà nước đã nắm bắt được những biện pháp phòng tránh sự cố đáng kể như trồng cây, xây dựng miếu, đèn biển… làm dấu hiệu nhận biết. Điều này cho thấy, cứu người là sứ mệnh quan trọng, cao cả, mang tính nhân văn, nhân đạo, thể hiện đạo lý làm người được nhà nước thực hiện và đảm bảo.


[1] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế , tập 4, quyển 48, tr.437.

[2] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, sđd, tr.438.

[3] Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[4] Nguyễn Quang Trung Tiến (2022), Cuộc khảo sát thủy văn của Công ty Đông Ấn Anh tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1809 dưới sự chấp thuận và hỗ trợ của vua Gia Long (Qua hồ sơ châu Á hằng năm và biên niên sử hải quân của Vương quốc Anh giai đoạn 1802-1820), tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 154/10.2022, tr.34.

[5] Nguyễn Đức Hiệp dịch, Vụ đắm tàu Europe ở quần đảo Hoàng Sa, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (138).2017, tr.103-122.

[6] Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (2019), Nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.220.

[7]Quốc sử quán triều Nguyễn (2008), Đại Nam thực lục chính biênđệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a