Trong các bộ phim truyền hình, chúng ta thường thấy từ triều đại nhà Đường đến hết nhà Thanh, Long bào của Hoàng đế đều là màu vàng. Trong sử sách cũng có điển cố Triệu Khuông Dận khoác Hoàng bào. Điều này khiến người đời sau thường cho rằng Long bào của Hoàng đế chỉ là một màu vàng. Nhưng trong lịch sử, Long bào thực sự không phải chỉ màu vàng mà nó chịu ảnh hưởng của Ngũ hành.

long bào
(Hình minh họa qua SoundOfHope)

Người cổ đại cho rằng, con rồng là loài vật có khả năng ẩn hình, trừ khi chúng nguyện ý hiện hình cho con người chứng kiến ra thì con người sẽ không có khả năng nhìn thấy chúng. Cho nên, họ tin rằng mỗi lần rồng xuất hiện thì sẽ có đại biến đổi (thường là điềm lành) ở trong thế gian. Vì thế sử sách của địa phương hay triều đình phải kịp thời ghi chép, Hoàng đế và dân chúng cũng tổ chức tế lễ Trời đất để tỏ lòng kính ngưỡng của mình. Thời thượng cổ, rồng là loài động vật thần dị trong mắt mọi người, mang tính bình dân. Đến thời Minh, rồng trở thành biểu trưng độc quyền của Đế Vương, chính thức hình thành chế độ lễ nghi trên phục trang của Hoàng đế thêu hoa văn hình rồng. Cho nên, y phục của Hoàng đế được gọi là “Long bào”.

Trong sử sách có ghi chép điển cố Triệu Khuông Dận khoác Hoàng bào. Năm 960, khi Triệu Khuông Dận dẫn binh đến Trần Kiều, một số tướng lĩnh thủ hạ của ông dẫn binh sĩ xông thẳng vào tẩm thất. Triệu Khuông Dận vừa mới mặc xong y phục, còn chưa kịp phản ứng thì các tướng lĩnh đã ép ông cởi ra, đồng thời lấy Hoàng bào khoác lên người ông. Tiếp đó, mọi người quỳ xuống tung hô vạn tuế. Đây chính là điển cố “Hoàng bào gia thân”. Từ đó về sau, Hoàng đế mặc “Hoàng bào” được quảng đại quần chúng biết đến. Nhưng vào thời trước đó, màu sắc của Long bào của Hoàng đế được lựa chọn tuân theo Ngũ hành.

“Ngũ hành, ngũ đức” định màu sắc của Long bào

Trung Hoa từ thời đại nhà Hạ, Thương, Chu đến nhà Thanh, mỗi một triều đại đều lựa chọn một loại màu sắc làm Long bào và màu sắc cho Hoàng tộc. Mục đích của việc làm này là để phân biệt Hoàng tộc với các giai tầng khác trong xã hội. Đồng thời, nó cũng thể hiện ra sự cao quý của Hoàng tộc và Hoàng quyền là “chí cao vô thượng” (không gì cao quý hơn).

Vào những năm cuối của thời Chiến Quốc, nhà âm dương Trâu Diễn đã dẫn ra thuyết Ngũ hành và thuyết Ngũ đức chung thủy. Quy luật của Ngũ hành tương sinh là mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Quy luật của Ngũ hành tương khắc là mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Trâu Diễn cho rằng Trời Đất có Ngũ hành, xã hội nhân loại đều là tuần hoàn chiểu theo Ngũ đức (đức của Ngũ hành). Mà sự biến đổi của Ngũ đức là thuận theo quy luật của Ngũ hành tương sinh tương khắc của tự nhiên. Sự biến hóa của lịch sử xã hội nhân loại cũng là giống với sự biến hóa của tự nhiên, cũng chịu sự chi phối của năm loại vật chất: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sự xuất hiện của mỗi một Vương triều trong lịch sử đều thể hiện một loại tính tất yếu.

Học thuyết này của Trâu Diễn được Tề Mẫn Vương xưng là Đông đế, Yến Chiêu Vương xưng là lý luận trụ cột đặt định ra Bắc đế. Bởi vậy mà học thuyết này rất được các bậc Đế Vương trọng dụng. Loại học thuyết này về sau cũng được Hoàng đế Tần Thủy Hoàng lựa chọn sử dụng, phục vụ cho mục đích thống trị của mình.

Trước thời Đường Tống, Quân vương, Hoàng hậu đối với việc mặc bào phục màu gì, không hề có quy định rõ ràng. Trong “Lễ Ký” có ghi: Thời kỳ Đông Chu, Tây Chu ‘Thiên tử áo xanh’. Người thống trị thời kỳ Tần, Hán hầu như đều căn cứ vào thuyết Ngũ hành và thuyết Ngũ đức chung thủy để định ra màu sắc cho trang phục của Hoàng tộc, triều đình. Thời Xuân Thu, các chư hầu phân tranh, bào phục của các quốc quân cũng đa dạng đủ kiểu. Đến triều Tần, do bởi thịnh hành thuyết ngũ hành, Tần Thủy Hoàng cho rằng mình là “thủy đức”.

Dựa theo thuyết Ngũ hành của Trâu Diễn, Hoàng Đế là “thổ” đức, vì “mộc” khắc “thổ” nhà Hạ giành chính quyền, là “mộc” đức. Vì “kim” khắc “mộc”, nhà Thương giành chính quyền, là “kim” đức. Vì “hỏa” khắc “kim”, nhà Chu diệt nhà Thương nên là “hỏa” đức. Vì “thủy” khắc “hỏa”, nhà Tần diệt nhà Chu, nên nhà Tần là “thủy” đức.

“Thủy” trong Ngũ hành là màu đen, cho nên, Tần Thuỷ Hoàng mặc bào phục màu đen. Thậm chí khi ấy, màu đen chiếm vị trí thống soái, cả sông Hoàng Hà cũng được gọi là Hắc Thủy.

Sau khi nhà Hán tiêu diệt nhà Tần, ban đầu nhà Hán vẫn tuân theo chế độ cũ của nhà Tần lấy màu đen là màu sắc của triều đình. Nhưng về sau, nhà Hán cho rằng mình tiêu diệt được nhà Tần, mà nhà Tần chuộng thủy đức, “thổ” khắc “thủy” nên nhà Hán chuộng “thổ” đức. Bởi vì thổ ứng với màu vàng trong Ngũ hành, nên nhà Hán chuyển sang dùng màu vàng làm màu sắc Hoàng tộc. Thời nhà Tấn, do bởi chuộng “kim” đức, cho màu đỏ là tôn quý, cho nên, bào phục của Hoàng đế đời Tấn dùng màu đỏ.

Nguyên nhân trang phục triều đình có màu vàng

Thời cổ đại, màu vàng tượng trưng cho trung tâm (ở giữa) trong ngũ phương (đông, nam, trung, tây, bắc), là màu sắc được các vị Hoàng đế yêu thích. Ngoài ra, Hoàng Đế được xưng là người khai sáng văn minh Hoa Hạ, tên của ông vốn có chữ “Hoàng” (màu vàng). Cho nên, “Hoàng” (màu vàng) được xem là đại biểu cho màu da, địa vực, sự tôn quý trong lý niệm của người Trung Hoa xưa. Màu vàng là nhan sắc tôn quý nhất nên màu vàng được dùng làm màu sắc của Long bào.

Vào thời cổ đại, phục sức màu vàng lưu hành tương đối phổ biến, ai cũng có thể mặc không phải chỉ Hoàng tộc mới sử dụng. Đến thời Tuỳ Đường, “Hoàng bào” mới trở thành y phục chuyên dụng của Hoàng Đế. Nhất là vào triều Đường, Hoàng đế không muốn bản thân mình và dân thường mặc y phục màu vàng giống nhau, nên đã ban bố mệnh lệnh “sĩ thứ không được dùng màu đỏ màu vàng may y phục”. 

Thời Đường Cao Tông lại nhắc lại: “Nhất thiết không cho phép mặc màu vàng”. Nhưng quy định thời ấy chưa nghiêm khắc lắm, nhìn chung dân chúng mặc trang phục màu vàng vẫn còn tương đối nhiều.

Đến thời Bắc Tống, sau khi Triệu Khuông Dận lên ngôi, “Hoàng bào” chính thức tượng trưng cho Hoàng quyền. Thời Tống Nhân Tông còn quy định, các nhân sĩ mặc y phục, không được lấy màu vàng làm nền hoặc phối chế hoa văn. Từ đó, không chỉ “Hoàng bào” là độc quyền của Hoàng đế, mà ngay cả màu vàng cũng trở thành màu chuyên dụng của Hoàng đế.

An Hòa