Trong một đêm, tháng mười, năm Canh Ngọ (1870), ở thành Lạng Sơn, Tổng thống quân vụ Bắc kỳ, Trung quân Đoàn Thọ đã bị quân Tàu xâm lăng hại. Người đã hy sinh vì nước, cùng không biết bao nhiêu anh em binh sĩ sau khi đã oanh liệt chống quân Tàu xâm lăng.
Hiện giờ, ở cách Hà Nội độ bốn cây số về phía nam, cạnh con đường đi về Hà Đông, ở trên một cái gò gọi là gò Đống Đa có một cái đền. Đền này được vua Tự Đức đặt tên cho là đền Trung Liệt. Đền thờ ba vị Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, và Đoàn Thọ.
Hằng năm, vào ngày mồng năm tháng giêng, nhằm ngày giỗ trận Nguyễn Huệ thắng quân Tàu (vào năm 1789), dân chúng đến lễ ở đền Trung Liệt. Dân chúng tưởng nhớ tới ba vị anh hùng dân tộc đã chống quân xâm lăng Pháp, ấy là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, hay đã chống quân xâm lăng Tàu, ấy là Đoàn Thọ. Ba vị đều đã hy sinh tính mạng vì nước, nên đã được thờ. Sự thờ cúng đây được ghi là quốc tế. Ta nói tới Trung quân Đoàn Thọ mà ít người biết rõ những chiến công. Ta hãy kể ra hai chiến công:
Chiến công thứ nhất là sự dẹp cuộc đảo chánh quân sự ở kinh thành Huế năm Bính Dần (1866). Chiến công thứ hai là sự giữ biên thùy Cao Bằng, Lạng Sơn ngay vài năm sau. Đoàn Thọ đã tử trận. Tháng tám, năm Bính Dần (1866) ở Huế, có tên Đinh Dạo mưu một cuộc đảo chánh.
Đầu đuôi câu chuyện như sau này: Nguyên là vào năm 1847 vua Tự Đức được di chiếu vua Thiệu Trị lập lên nối ngôi. Vua Tự Đức thuộc về dòng chánh, nhưng sinh sau; khi lên ngôi, ngài mới có mười tám tuổi. Có người con vua Thiệu Trị, nhiều tuổi hơn, nhưng thuộc về dòng thứ, tên là Hường Bảo, không được lên làm vua. Sử ghi là “Hường Bảo ít học, ham chơi” còn vua Tự Đức là Hường Nhậm thời tánh “nhân, hiếu, thông, mẫn”.
Năm Giáp Dần (1854) tức là năm Tự Đức thứ bảy, Hương Bảo mưu một cuộc đảo chánh, vào tháng giêng. Cơ mưu không thành, Hường Bảo tự tử. Con trai, con gái đều bị xóa tên trong sổ tôn thất và phải đổi theo họ mẹ là họ Đinh. Đến tháng tám năm Bính Dần (1866), nghĩa là mười hai năm sau, con Hường Bảo là Đinh Dạo lại mưu một cuộc đảo chánh.
Đinh Dạo có sự ủng hộ của một số quân đội do ba anh em họ Đoàn là Đoàn Trung, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực chỉ huy. Quân phiến loạn xông xáo ở ngay cung điện nhà vua, họ cố tìm Trung quân Đoàn Thọ để giết, vì giết được Đoàn Thọ thời ai là người chỉ huy quân đội để đánh lại họ? Lúc đó, Đoàn Thọ ở điện Thái Hòa. Sử ta chỉ cho biết vắn tắt là người từ điện Thái Hòa đi ra… rồi các tên phiến loạn đều bị bắt, bị giết. Ta không biết rõ những chi tiết quân sự về việc đảo chính và về việc dẹp đảo chính, dù sao, ở trong một tình trạng nguy ngập Trung quân Đoàn Thọ đã không núng và đã thắng.
Đúng hai năm sau vì miền biên thùy Lạng Sơn, Cao Bằng bị quân Tàu xâm lăng, các quan quân địa phương chống lại không nổi, nhà vua bèn phái Trung quân Đoàn, Thọ ra lãnh trọng trách tổng thống Bắc kỳ quân vụ. Sử chép như sau này: “Tháng bảy, năm Canh Ngọ (1870), ngài cho hiệp hai đạo quân thứ Lạng Sơn và Bắc Ninh làm một, cho Đoàn Thọ làm tổng thống Bắc kỳ quân vụ, Đoàn Thọ trước đã được phong là bình khấu tướng quân”.
Giặc Tàu đây là giặc Tô Tử, giặc này có phải chỉ là giặc thổ phỉ, là những đảng cướp đại quy mô không hay giặc này là một cuộc xâm lăng trá hình của thực dân Tàu? Dù sao, họ đã hoành hành ở đất ta, có chỗ rút lui ở đất Tàu. Họ hoành hành dữ dội, đã đủ quân, đủ súng ống để đến vây thành Lạng Sơn. Thành này to, xây toàn bằng đá ong, giặc thế mạnh lắm, họ đánh ngày, đánh đêm. Ta cố giữ… rồi một đêm tháng mười, một đêm mà trời đã rét lắm rồi, Trung quân Đoàn Thọ, tổng thống quân vụ, đã hy sinh vì nước, quân Tàu chắc đã tràn được vào thành… Đoàn Thọ đã xứng đáng với tổ quốc.