Từ trước đến nay, có rất nhiều tác giả viết và bàn về hai chữ  Phong kiến. Họ  phân tích, đối chiếu với lịch sử để tìm cách minh định : Tại Việt Nam có chế độ phong kiến hay không ? 

Trong một bài viết đăng trên một Diễn đàn khoa học, ông Phạm Trọng Chánh, GS-TS Khoa học Viện Đại Học Paris V khi bàn về hai chữ “Phong kiến”  đã cho rằng:

Về chữ Phong Kiến, dịch từ chữ Fesodale của Pháp. Phong kiến là chế độ nhà vua phong đất cho chư hầu; chư hầu cha truyền con nối làm quan; dân trong vùng đất là nông nô, chư hầu có quyền sinh sát trên mọi người dân. Chư hầu có lâu đài, có quân đội riêng, khi nhà vua cần thì chư hầu làm tướng đánh giặc giúp vua. Chư hầu tốt thì nhân dân được nhờ, chư hầu tàn bạo thì vơ vét bóc lột, cướp của, cướp gái đẹp về làm hầu thiếp riêng. Trong gia đình chư hầu thường có một anh em đi tu, giữ chức cao trong giáo hội, thành Giám mục, Hồng y hay Giáo hoàng. Do đó các tranh chấp chính trị Tây phương thời Trung cổ thường lẫn lộn với tranh chấp phe phái tôn giáo, thậm chí tàn sát nhau như giữa Tin Lành và Công giáo; Giáo hội Rome và Giáo hội Avignon…

Cấp bậc quan lại trong xã hội phong kiến

Thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc có thể gọi là thời Phong kiến. Chế độ  “phong” cho các quan lang các bản Mường có vài đặc tính phong kiến. Nhưng đem chữ Phong kiến áp đặt vào toàn thể xã hội Việt Nam ngày xưa thì không đúng. Nhà vua Việt Nam không phong đất cho chư hầu, các quan được tuyển chọn qua ba Kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Các quan không cha truyền con nối, nhà vua trực tiếp bổ nhiệm hay cách chức các quan. Phật Giáo, Khổng Giáo không phải có thần quyền như Thiên Chúa Giáo, không có chiến tranh tôn giáo. Thượng thơ Bộ Lại giúp vua việc tổ chức bổ nhiệm. 

Cũng bàn về hai chữ Phong kiến, cách đây 85 năm, trên Tạp chí Phụ Nữ Tân Văn số 268 ra ngày 29-11-1934 xuất bản ở Sài Gòn, nhà văn Phan Khôi (1887-1959) có bài viết tựa là “Lịch sử Việt Nam không có chế độ phong kiến” ; trong đó có đoạn : 

‘’Trong sử Ngoại kỷ nói vua vua Hùng Vương chia nước ra 15 bộ, nhưng cũng nói đặt quan cai trị, chớ không nói để phong con, em, cháu hay là bề tôi có công.

Kể từ Đinh, Lê về sau, nước ta mới thành lập hẳn một nước, song cũng chưa hề đặt ra hay noi theo cái chế độ phong kiến. Triều thì chia nước ra từng lô, triều thì chia nước ra từng xứ, triều thì chia nước ra từng trấn, triều thì chia nước ra từng tỉnh, nhưng thảy đều đặt quan cai trị, thay quyền trung ương mà thống ngự thần dân. Nói tóm một lời, nước ta từ hồi lập quốc về sau, sự tổ chức về chính trị theo lối quận huyện chớ không theo lối phong kiến.

Trải qua các triều vua, vẫn có dùng năm tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam mà phong cho các bề tôi đồng tánh hoặc dị tánh, lại có phong đến tước Vương nữa. Nhưng những người chịu phong tước ấy có danh mà không có thiệt, chẳng hề có ai được đất phong lớn, được hưởng cả huê lợi, được cai trị dân như các vua chư hầu đời xưa dưới chế độ phong kiến.

Đại để mỗi người được phong tước thì vua tuỳ từng đẳng cấp mà ban cho ruộng đất ít nhiều, gọi là “thái địa”. Thái địa ấy tự người được phong muốn chọn nơi nào thì chọn, và được truyền tử lưu tôn như đất tư của mình. Thái địa ít thì chừng mấy mẫu, nhiều thì chừng mấy chục mẫu, nhiều lắm cũng đến choán lấy mấy làng là cùng, chớ không khi nào được đến một tỉnh hay một trấn mà có thể làm một nước nhỏ được. Vả lại người được phong chỉ có quyền về thổ địa mà không có quyền về nhân dân ở trên thổ địa ấy; bao nhiêu người dân từ trước lập nghiệp trên thái địa cũng vẫn trực tiếp chịu quyền cai trị của nhà vua.

Có phong tước, có thái địa, nhưng người được phong không hưởng các quyền cai trị dân chúng ở trong thái địa của mình: điều đó làm cho phân biệt với chế độ phong kiến.

Bởi đó nói rằng nước ta xưa nay không có chế độ phong kiến, cái chế độ ấy chưa hề xuất hiện trong lịch sử nước ta…’’

Tra cứu trong nhiều tài liệu, chúng tôi thấy hai chữ “phong kiến” xuất hiện sớm nhất trong sử sách ở cuốn Tả truyện bên Trung Quốc, rằng: “Xưa Chu Công đau buồn vì Nhị thúc không quy phục, nên đã phong kiến (phong đất, dựng lãnh địa) cho thân thích để làm phiên giậu che chắn cho nhà Chu”.

Và cũng giống như sự phân tích của hai tác giả trên, nhiều tài liệu đã ghi chép : “Phong kiến” có nghĩa là “Phong bang Kiến quốc”, tức là phong đất đai và tước vị vương, đứng đầu một vùng lãnh thổ, một nước nhỏ. Thiên tử đem các vùng đất ngoài vùng thiên tử trực tiếp cai quản ra, phân chia phong cho các chư hầu. Chư hầu dưới ân trạch của vị “chủ thiên hạ” (thiên tử), kiến lập quốc gia và quân đội riêng. Đến lượt các chư hầu cũng vậy, trong quốc gia riêng của họ, họ lại đem các vùng đất ngoài sự cai quản trực tiếp của mình ra phân phong cho các khanh đại phu. Mục đích phong bang kiến quốc để cho các chư hầu làm lá chắn bảo vệ lạnh thổ của lãnh chúa phía trong. Cũng có những chư hầu được phong ban có quân đội sức lực riêng, rồi tạo phản xâm lược lại lãnh chúa như thời nhà Chu.

Nhưng chế độ “phong kiến” chỉ tồn tại ba đời nhà Hạ, Thương, Chu ở Trung Quốc. Từ thời Tần Thủy Hoàng là đã “phế bỏ phong kiến, bắt đầu đặt ra các quận huyện”. Nhằm giới hạn lại quyền lực của các chư hầu hay vương hầu, tránh họ lập quân đội tạo phản.

Đến đời sau, cũng ngẫu nhiên cũng có phong bang kiến quốc cho hoàng thân quốc thích trong thời gian ngắn, nhưng đều không giống với ba đời triều đại cổ nói trên – nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn quyền lực. Có nghĩa là từ thời Tần Thủy Hoàng trở đi trong 2000 năm là không tồn tại “chế độ phong kiến” nữa.

Các nước Á Đông khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… đều theo mô hình quân chủ thống nhất của Trung Hóa từ đời Hán, Đường. Tuy trong lịch sử các nước này cũng có những giai đoạn ngắn cát cứ, nhưng đó là các thế lực tự cát cứ tranh hùng, chứ không phải phong kiến do hoàng đế, quân vương phong đất dựng nước, lãnh địa một cách hợp pháp như thời phong kiến.

Tuy nhiên, ở nước ta, trước 1975 vẫn có nhiều nhà văn, nhà chính trị hiểu rõ những thời mà vua chúa trị vì, và họ gọi đó là “chế độ quân chủ”. Trong tiểu thuyết dã sử “Nặng gánh cang thường” của nhà văn Hồ Biểu Chánh nói về bối cảnh thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) có đoạn:

Thấy câu: ”quân bất minh thần bất khả bất trung; phụ bất từ, tử bất khả bất hiếu ” với câu: ”Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu ” thì người đời nay, là đời tôn trọng nhơn quyền, ai cũng đều lắc đầu chắc lưỡi.

Thanh Tòng sanh trưởng trong vòng chế độ quân chủ ấy, học hỏi cũng trong nền giáo dục quân chủ ấy. Chẳng phải chàng không hiểu hễ từ hôn thì là khi quân; chẳng phải chàng không biết hễ cãi lời cha thì là nghịch tử. Chàng tự quyết thung dung để sa vào cái tội bất trung bất hiếu, ấy là vì chàng bị uất trong cái ái tình.”

Sau khi từ “phong kiến” được sử dụng rộng rãi ở bên Trung Quốc, từ những năm 20 của thế kỷ XX đến gần đây, tất cả các vấn đề liên quan truyền thống đều bị cho là “phong kiến” hay “tàn dư phong kiến”. Đã có một thời, các phong trào “chống phong kiến” đã phá hủy khá nhiều những tinh hoa văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, phá hủy tín ngưỡng vào Thần, Phật, Trời ; các Thần Đất, Núi, Sông, Biển, thậm chí phá hủy tín ngưỡng thờ Tổ tiên. Mất đi tín ngưỡng Thần Phật, Nhân Quả.. khiến cho con người không còn e dè sợ sệt điều gì, cái gì cũng dám làm, vì tiền tài danh lợi, vì tranh đoạt địa vị, danh tiếng mà tìm đủ thủ đoạn tàn sát nhau.

Chính vì không hiểu rõ từ “phong kiến” nên đã có một thời người ta đã hiểu sai, hành động sai, dẫn đến cực đoan, phá hoại hay tàn phá các di tích văn hóa lịch sử; bài xích những giá trị tinh hoa văn hóa, đạo đức truyền thống, vì quy hết thảy mọi thứ thuộc về quá khứ là “phong kiến” lạc hậu !

Từ ngữ cứ ngỡ đơn giản, dùng đúng sai cũng chẳng có ảnh hưởng gì, chẳng tác hại gì. Nhưng thực tế, từ ngữ là phản ánh nhận thức của xã hội, nhận thức không chuẩn sẽ làm cho con người hiểu sai lệch lịch sử, văn hóa, nhân văn…, có thể dẫn đến sự xuống cấp cho chính xã hội đó.