Tài liệu quan trọng bậc nhất trong việc tìm hiểu về mối quan hệ giữa nước Nam Việt với Giao Chỉ và Cửu Chân là cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên hoàn thành năm 91Tcn. Bởi cuốn sử này được viết gần với thời gian nước Nam Việt tồn tại nhất và được nhiều sử gia đánh giá là có giá trị cao, đáng tin cậy.

Xem xét cuốn sử này đặc biệt là phần Nam Việt Úy Đà liệt truyện thì có một điều gây ngạc nhiên là không thấy có ghi chép nào về việc Triệu Đà chiếm Giao Chỉ và Cửu Chân.


Tư liệu về ngón chân cái giao nhau trong thời Pháp thuộc của người Việt và người dân tộc. [Nguồn: Trường Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Chẳng hạn như: Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Quân của Qua thuyền tướng quân – Hạ lệ tướng quân và quân của nước Dạ Lang mà Trì Nghĩa Hầu đem đi chưa xuống đến nơi thì đã bình nước Nam Việt rồi. Bèn đặt thành chín quận. Từ lúc quan  Úy tên là Đà làm vua về sau là năm đời được chín mươi ba năm thì mất nước”.

Hay

Sử ký – Bình chuẩn thư chép: “Nhà Hán dùng binh ba năm liền (từ năm Nguyên Đỉnh thứ sáu đến năm Nguyên Phong thứ hai), đánh người Khương, diệt nước Nam Việt, từ thành Phiên Ngu về phía tây đến phía nam quận Thục đặt ra mười bảy quận mới tạm theo tục cũ của họ để trị, không thu tô thuế. Các quận Nam Dương-Hán Trung trở đi đều tùy theo gần quận mới nào mà cấp tiền lương, đồ dùng, đồ xe ngựa cho quan quân của quận mới đó”.

Đáng chú ý nhất là:

Sử ký – Hóa thực liệt truyện chép: “Các quận Hành Sơn, quận Cửu Giang, đất Giang Nam, quận Dự Chương, quận Trường Sa, là miền Nam Sở. Tính nết người dân phần lớn giống người miền Tây Sở. Sau khi dời đô từ thành Dĩnh đến thành Thọ Xuân, cũng là một nơi đô hội. Mà huyện Hợp Phì hai phía nam, bắc kề sông là nơi tụ góp da thú, cá ướp, gỗ. Người dân có tính nết xen lẫn với người đất Mân Trung, Vu Việt. Cho nên người miền Nam Sở ưa biện luận, khéo nói mà kém tín. Miền phía nam sông Giang ẩm ướt, đàn ông chết sớm. Có nhiều tre, gỗ. Quận Dự Chương có vàng ròng; quận Trường Sa có quặng chì, thiếc, nhưng những thứ này có ít ỏi, thu lấy không đủ để bù phí tổn. Từ núi Cửu Nghi, quận Thương Ngô về phía nam đến quận Đam Nhĩ, tính nết người dân giống với phía nam sông Giang, mà có nhiều người Dương Việt. Thành Phiên Ngu cũng là một nơi đô hội, là nơi thu góp ngọc trai, sừng tê, đồi mồi, trái cây, vải”.

Những phần trong Sử ký được cho là có thể ghi chép về Giao Chỉ và Cửu Chân thì đều không có ghi chép gì.

Tìm hiểu kỹ thì có một đoạn trích trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện mà từ đó chúng ta kết luận: Nam Việt thôn tính Giao Chỉ và Cửu Chân. Nay bàn luận thêm về đoạn trích ấy, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Hơn một năm thì Cao Hậu chết(năm 180Tcn), liền rút quân. Đà nhân đó đem quân uy hiếp nơi biên giới, dùng tiền của trao tặng cho vua các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc, bắt vua các nước ấy theo phục”.

Sau đây là các chú giải của đoạn trích trên: “Tập giải: Hán thư âm nghĩa chép: “Là người Lạc Việt.” Họ Diêu xét: Quảng châu kí chép: “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, người dân trông nước dâng lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy gọi là người Lạc, có Lạc Vương-Lạc hầu. Các huyện tự xưng là Lạc tướng, đeo ấn đồng dây xanh, là quan Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau con của vua Thục đem quân đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở huyện Phong Khê. Sau vua nước Nam Việt là Úy Đà đánh diệt An Dương Vương, lệnh hai sứ giả làm chủ dân hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” Như vậy người Lạc là người Âu Lạc”.

Như vậy là các sử gia từ thời Ban Cố trở đi đều chú Tây Âu Lạc là Tây Âu và Lạc. Lạc là chỉ vùng Giao Chỉ và Cửu Chân, do đó mà họ xem Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc Nam Việt. Tuy nhiên cách hiểu Tây Âu Lạc là Tây Âu và Lạc đã bộc lộ những mâu thuẫn. Trong bài này tôi xin đưa ra giả thuyết Tây Âu Lạc trong Sử ký là Âu Lạc ở phía tây, nói chính xác hơn là chứng minh giả thuyết trên.

* Luận cứ thứ nhất là đoạn trích trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện: “Thái sử công nói: Quan Úy tên là Đà làm vua vốn bắt nguồn từ Nhâm Ngao. Gặp lúc nhà Hán mới định, được xếp vào bậc chư hầu. Long Lư Hầu gặp khí ướt bệnh, cho nên Đà được thế càng kiêu. Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động. Quân Hán vào cõi thì Anh Tề vào chầu. Sau đó mất nước là có gốc từ người con gái họ Cù; Lữ Gia giữ lòng trung nhỏ mọn, khiến cho Đà không còn dòng dõi. Lâu thuyền tướng quân theo ý muốn riêng mà khinh nhờn lầm lỗi; Phục ba tướng quân bị khốn cùng mà tỏ rõ trí khôn, biến họa thành phúc. Sự biến chuyển của thắng thua ví như tơ vò”.

Nam Việt Úy Đà liệt truyện là truyện về Triệu Đà và nước Nam Việt, toàn bộ truyện có cấu trúc gồm 2 phần là:

Phần chi tiết từ đầu truyện tới đoạn “Từ lúc quan Úy tên là Đà làm vua về sau là năm đời được chín mươi ba năm thì mất nước”. Và

Phần tóm tắt từ đoạn “Thái sử công nói: Quan Úy tên là Đà làm vua vốn bắt nguồn từ Nhâm Ngao” đến hết truyện.

Nếu như trong phần chi tiết, Tư Mã Thiên viết những truyện chi tiết xảy ra ở nước Nam Việt thì ở phần tóm tắt, ông chỉ tóm tắt những sự kiện chính xảy ra. Theo như đó, thì tất cả những sự kiện được ghi trong phần tóm tắt đã được Tư Mã Thiên viết chi tiết ở phần chi tiết. Nên sự kiện “Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động” được ghi trong phần tóm tắt hẳn là đã được tác giả viết rõ hơn trong phần chi tiết. Xét mạch truyện thì sự kiện ấy chính là sự mô tả của Tư Mã Thiên về cuộc binh biến diễn ra ở Mân Việt hoặc là cuộc xung đột giữa Mân Việt với Đông Âu hoặc là cuộc xung đột giữa Mân Việt với Nam Việt. Và dù nó là gì thì chắc chắn rằng: Âu Lạc được tác giả dùng là để chỉ Mân Việt, phía đông Phan Ngu.

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Quan Giám quận Quế Lâm của nước Nam Việt tên là Cư Ông [Tập giải: Hán thư âm nghĩa chép: “Quan Giám ở quận Quế Lâm họ Cư tên Ông.”] dụ người Âu Lạc theo nhà Hán [Sách ẩn: Xét: Hán thư chép là hơn ba chục vạn người Âu Lạc hàng nhà Hán]”.

Sự kiện Cư Ông dụ dân Âu Lạc theo nhà Hán diễn ra năm 111Tcn, sau khi nhà Hán diệt nước Nam Việt, do đó mà dân Âu Lạc này là dân bản địa ở quận Quế Lâm, có thể cả ở Tượng quận. Vậy là tác giả cũng dùng Âu Lạc để chỉ vùng đất phía tây Phan Ngu.

Kết luậnÂu Lạc được tác giả cuốn Sử ký dùng để chỉ toàn bộ vùng Lĩnh Nam.

* Luận cứ thứ hai: Sử ký – Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu chép: “Hạ Li Hầu vì làm Tả tướng của nước Âu Lạc chém Tây Vu Vương có công được phong hầu”.

Đoạn trích này cung cấp một thông tin quan trọng là: Tồn tại một nước có tên là Âu Lạc. Tuy nhiên không cho biết thêm nước Âu Lạc này nằm ở đâu.

Xét thêm Hán thư đặc biệt là Mân Việt truyện có đoạn trích: “Kịp lúc đó tướng của nước Đông Việt là Đa Quân, nghe tin quân Hán đến, bèn bỏ quân hàng, được phong làm Vô Tích Hầu. Có viên tả tướng của nước Âu Lạc là Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương, được phong làm Hạ Phu Hầu”.

Vậy là đã rõ: Sự kiện Hoàng Đồng chém Tây Vu Vương diễn ra ở Mân Việt, do đó mà nước Âu Lạc có thể là Mân Việt hoặc là Nam Việt.

Việc tồn tại một nước tên là Âu Lạc, là cơ sở để chúng ta khẳng định Tây Âu Lạc là nước Âu Lạc ở phía tây. Tuy nhiên có một tài liệu khác, cùng thời với Sử ký lại cung cấp cho chúng ta cách hiểu Tây Âu Lạc là Tây Âu và Lạc. Đó là tác phẩm Hoài Nam Tử của Lưu An.

Hoài Nam Tử chép: “Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt  vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh”.

Theo như đoạn trích của Hoài Nam Tử thì phía tây Phan Ngu có nước Tây Âu, là cơ sở cho việc tách Tây Âu Lạc thành nước Tây Âu và Lạc.

Kết luận: Chúng ta đều có căn cứ để khẳng định Tây Âu Lạc là Tây Âu – Lạc và Tây Âu Lạc là Âu Lạc ở phía tây.

* Luận cứ thứ ba: Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Kì đông Mân Việt thiên nhân chúng hiệu xưng vương, kì tây Âu Lạc lỏa quốc diệc xưng vương”.

Để trách những tranh cãi, tôi xin trích nguyên đoạn văn bằng tiếng Hán Việt. Đoạn trích này có nhiều bản dịch ra tiềng Việt là: Phía đông, Mân Việt dân chúng ngàn người cũng xưng vương; phía tây, Âu Lạc nước cởi trần cũng xưng vương.

Theo như đó thì ở phía tây Phan Ngu cũng có một nước tên là Âu Lạc, vậy là có hai nước tên là Âu Lạc được Tư Mã Thiên nhắc đến. Phía tây có nước Âu Lạc, đây là căn cứ quan trọng khẳng định Tây Âu Lạc trong Sử ký là Âu Lạc ở phía tây.

Kết luậnÂu Lạc được Tư Mã Thiên sử dụng trong Sử ký không những được gọi chung cho toàn vùng Lĩnh Nam mà còn được dùng để gọi tên hai nước, một nước ở phía tây Phan Ngu và nước còn lại có thể là Mân Việt hoặc Nam Việt.

Nước Âu Lạc ở phía tây còn có tên gọi nào khác nữa không? Xét thêm Hán thư có đoạn trích: “Vả lại đất phía nam ẩm ướt, ở giữa Man Di, phía tây có nước Tây Âu, dân chúng ở đây nửa yếu, ngoảnh mặt về phía nam xưng Vương; phía đông có nước Mân Việt, dân chúng ở đây có vài nghìn người, cũng xưng Vương; phía tây bắc có nước Trường Sa, dân chúng của nước ấy một nửa là người Man Di, cũng xưng Vương”(Thư Triệu Đà gửi vua Hán).

Xét về nội dung của 2 đoạn trích, một trong Sử ký một trong Hán thư, cho phép chúng ta kết luận: Tây Âu Lạc trong Sử ký chính là Tây Âu trong Hán thư(và cũng rất có thể là Tây Âu trong Hoài Nam Tử).

Vậy là: Từ những trích dẫn trong chính cuốn Sử ký đã cung cấp căn cứ cho chúng ta hiểu Tây Âu Lạc trong cuốn sử ấy là Âu Lạc ở phía tây chứ không phải Tây Âu và Lạc. Việc chúng ta hiểu thành Tây Âu và Lạc là do chúng ta sử dụng các cuốn sử khác (Hoài Nam Tử và Hán thư) để chú giải Tây Âu Lạc trong Sử ký(Tây Âu trong Hoài Nam Tử, Hán thư khác với Tây Âu trong Tây Âu Lạc của Sử ký). Trong khi xem xét nội dung của Sử ký và Hán thư cho phép chúng ta kết luận Tây Âu Lạc chính là Tây Âu(tức là Tây Âu trong Hoài Nam Tử, Hán thư tương đương với cả Tây Âu Lạc trong Sử ký).

Tóm lạiKhông có bằng chứng trong Sử ký khẳng định rằng: Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc Nam Việt.

Về các ghi chép trong các cuốn sử khác như Hán thư, Giao Châu ngoại vực ký được trích dẫn lại trong Thủy Kinh Chú và Hậu Hán thư thì tôi đã trình bày khá chi tiết trong bài: Cổ Việt trước khởi nghĩa Hai Bà. Trong bài: Cổ Việt trước khởi nghĩa Hai Bà cũng có để cập tới một số ý như đã trình bày trong bài viết này, tuy nhiên nhận thấy sự cần thiết nên đã viết chi tiết, tập trung và bài viết được xem như Phụ lục.