Có lẽ một trong những người gây nhiều tranh luận nhất trong lịch sử Việt Nam là ông Petrus Trương Vĩnh Ký (“Petrus Ký”). Hơn một trăm năm sau ngày ông mất (1898), đến giờ này người Việt trong và ngoài nước vẫn còn bàn cãi về ông. Nhưng có một điều về ông Petrus Ký mà hình như tất cả hai phía khen và chê đều đồng ý là câu “sic vos non vobis”. Đây là một câu bằng chữ Latin được cho là phương châm hay tôn chỉ trong cuộc sống của ông và thường được dịch ra là “ở với họ mà không theo họ”.
Không biết chính xác từ lúc nào, nhưng hiện nay hầu như trong tất cả các bài viết về ông Petrus Ký đều có dẫn “sic vos non vobis” và cho rằng ông Petrus Ký đã dùng câu Latin này để tự bào chữa cho sự hợp tác với Pháp của ông. Vì, theo tất cả các bài viết nói trên, “sic vos non vobis” có nghĩa là “ở với họ mà không theo họ” hoặc “theo họ nhưng không lệ thuộc họ”. Tuy có khác nhau chút ít về hình thức, nhưng tất cả những câu dịch đều có nội dung giống nhau, đại ý là Petrus Ký chỉ miễn cưỡng mà làm việc cho Pháp thôi chứ không hề “theo” hay “lệ thuộc” người Pháp.
Một thí dụ tiêu biểu nhất là bài viết về Petrus Ký trong Wikipedia hiện nay (2017): “Pétrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh ‘Ở với họ mà không theo họ’ (“Sic vos non vobis“), để biện minh cho việc nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry.”1
Bài Wikipedia nói trên cho biết đã dẫn câu này từ bài viết “Ở Với Họ Mà Lòng Không Theo Họ – Châm Ngôn Và Bi Kịch Cuộc Đời Trương Vĩnh Ký” của tác giả Phan Thứ Lang trong Tạp Chí Xưa & Nay tháng 12 năm 1997. Nguyên văn như sau:
“Và Pétrus Ký đã đem câu châm ngôn Latinh ‘Ở với họ mà không theohọ ‘ (“Sic vos non vobis“), để biện minh cho sự hợp tác của ông với Pháp. Rồi mặc những lời thị phi, ngày 20/12/1860, ông đã nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry.”2
Một tác giả khác, Hồng Lê Thọ, trong bài “Trương Vĩnh Ký – Một Trí Thức Buồn” (1/9/2008) đang được lưu hành rất nhiều trên mạng, viết như sau về “sic vos non vobis” và Petrus Ký trong chú thích số 27 của bài viết:”(27) ngạn ngữ la tinh, biện minh cho việc ra nhận lời làm thông ngôn cho Trung tá Hải quân Jauréguiberry. Trong một thư khác viết bằng chữ La-ngữ gửi cho bạn là bác-sĩ Chavannes, ông cũng bày tỏ rõ quan-điểm của mình: “Đây là việc tôi ở với các anh chứ không phải vì theo các anh, đó chỉ là phận sự tôi phải làm và điều này làm tôi an lòng”, ông nói: “sic vos non vobis, hoc (sic) est mea sors et consolatio.” (Nguyễn Văn-Tố, Tựa cuốn Trương Vïnh Ký của Lê Thanh, Bằng Giang, Sương Mù Trên Tác phẩm Trương Vïnh Ký, Văn Học tb, 1994. tr.71)”.3
Gần đây nhất, trong Lời Giới Thiệu viết ngày 5/7/2016 cho cuốn “Petrus Ký – Nỗi Oan Thế Kỷ”4 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Phan Huy Lê viết:
“Theo đó, cuối đời, Trương Vĩnh Ký cũng tự thấy những mâu thuẫn trong cuộc sống của mình khiến hậu thế khó hiểu khi căn dặn chôn mình trong một nhà mồ đơn sơ với dòng chữ Latin “Sic vos non vobis” (Ở với họ mà không theo họ) …”5
Có lẽ giáo sư Phan Huy Lê bị ảnh hưởng bởi những dòng sau đây của tác giả Nguyễn Đình Đầu trong cùng cuốn sách Nỗi Oan Thế Kỷ:
“Trước khi rời cõi thế, Petrus Ký tự xây cho mình một nhà mồ vững chãi nhưng đơn sơ. Trên cửa chính có ghi câu thành ngữ bằng tiếng Latin Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ)…”.6
Cả hai tác giả Nguyễn Đình Đầu và Phan Huy Lê đều không cho biết lấy nguồn từ đâu cho câu dịch này.7
Như vậy, tạm gác qua những dị biệt nhỏ về cách dịch, gần như tất cả mọi tác giả viết bằng tiếng Việt hiện nay đều cho rằng Petrus Ký đã tự bào chữa cho sự hợp tác với Pháp của ông bằng một câu tiếng Latin “sic vos non vobis” có nghĩa là “ở với họ mà không theo họ”.
Nhưng sự thật có phải vậy không? Sau khi tìm hiểu, người viết bài này xin thưa rằng không. Câu “sic vos non vobis” này có thể đúng là một phương châm hay triết lý trong cuộc sống của Petrus Ký. Nhưng nó không hề là một câu dùng để tự biện minh cho việc hợp tác với Pháp của ông. Lý do sẽ được trình bày trong bài viết này.
1. Nghĩa Đen Của “Sic Vos Non Vobis” Không Phải Là “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”
Lý do đầu tiên và đơn giản nhất là vì “sic vos non vobis” chữ Latin theo nghĩa đen hoàn toàn không có nghĩa “ở với họ mà không theo họ”.
“Sic vos non vobis” là một nhóm chữ (cụm từ) đúng hơn là một “câu” Latin.
“Sic” có nghĩa là “như vậy” (so, thus, trong tiếng Anh). Đó là lý do tại sao khi trích dẫn một chữ viết sai chính tả hay sai sự thật, “sic” thường được dùng trong ngoặc đơn để cho biết chính tác giả đã viết sai “như vậy”, chớ không phải do người trích dẫn sai.
“Vos” là đại danh từ ngôi thứ hai số nhiều (you, các anh, các chị, các người), thường được dùng trong các “case” hay “cách” sau đây trong văn phạm Latin: nominative (danh cách), accusative (đối cách) hoặc vocative (hô cách).
“Non” là không.
“Vobis” là dạng dative (tặng cách) hoặc ablative (ly cách) của vos (ngôi thứ hai số nhiều). Trong “sic vos non vobis”, chữ vobis được dùng theo “tặng cách” hay dative case. Và phải được dịch ra là “cho các anh (chị)” (for yourselves).
Do đó, theo nghĩa đen từng chữ của nhóm chữ này, hoàn toàn không có động từ “ở” và “theo”, cũng như chẳng có “họ”. Có thể tạm dịch là:
“như vậy … các anh (chị) không phải cho mình ….” (so you … not for yourselves).8
2. Nguồn Gốc “Sic Vos Non Vobis” Và Nghĩa Bóng Thông Dụng Ngày Nay
Nhưng để hiểu rõ và chính xác hơn về “sic vos non vobis”, hãy tìm về quá khứ huy hoàng của chúng và nghĩa bóng thông dụng ngày nay.
a) Từ Thơ Virgil
Chỉ cần bỏ dăm ba phút trên google, ta có thể thấy ra ngay”sic vos non vobis” có một nguồn gốc rất thú vị chứ không phải chỉ đơn giản là một câu “cách ngôn”, “châm ngôn”, hay “ngạn ngữ” Latin như phần lớn bài viết tiếng Việt về Petrus Ký cho biết. Nó không phải là một câu hoàn chỉnh, mà là một phần trong những câu thơ của thi hào Virgil thời đế quốc La Mã.
Theo truyền thuyết, Virgil, vào khoảng năm 41 B.C., lúc đã nổi tiếng, có làm hai câu thơ (distich) để ca ngợi hoàng đế Caesar Augustus (cháu của Julius Caesar), và để hai câu thơ đó trước cổng cung điện của Augustus vào một đêm mưa trước một ngày lễ hội của ông ta như sau:
Nocte pluit tota; redeunt spectacula mane:
Divisum imperium cum Jove Caesar habet.
Tạm dịch:
Trọn đêm mưa bình minh cùng lễ hội
Quyền Caesar chia sẻ với thần Du. 9
Vì là một người khiêm nhường, Virgil đã không viết tên mình là tác giả hai câu thơ. Sau khi đọc được hai câu này, hoàng đế Augustus rất thích thú và quyết tìm cho ra tác giả. Tuy nhiên, Virgil vẫn không nhận là của mình. Cho đến khi một nhà thơ khác tên là Bathyllus thừa cơ hội nhận là của mình và được Augustus khen thưởng thì Virgil mới tức mình viết thêm những câu sau đây trên cánh cổng cung điện, trong đó ông cố tình để trống phần sau của 4 câu có “sic vos non vobis”:
Hos ego versiculos, tulit alter honores:
Sic vos non vobis, ________________
Sic vos non vobis, ________________
Sic vos non vobis, ________________
Sic vos non vobis, ________________
Tạm dịch:
Tôi làm thơ, nhưng kẻ nào hưởng lợi
Chẳng vì mình, __________________
Chẳng vì mình, __________________
Chẳng vì mình, __________________
Chẳng vì mình, __________________
Thắc mắc không biết ai viết những câu trên, Augustus ra lệnh cho Bathyllus làm tiếp phần để trống, nhưng Bathyllus không làm được. Đến lúc đó Virgil mới ra mặt và hoàn tất các câu bỏ trống như sau:
Hos ego versiculos, tulit alter honores:
Sic vos non vobis nidificatis aves;
Sic vos non vobis vellera fertis oves;
Sic vos non vobis mellificatis apes;
Sic vos non vobis fertis aratra boves.
Tạm dịch:
Tôi làm thơ nhưng kẻ nào hưởng lợi
Chẳng vì mình, lũ chim làm tổ mới
Chẳng vì mình, đàn cừu phải mang lông
Chẳng vì mình, làm mật những đàn ong
Chẳng vì mình, giống trâu bò cày cấy
Không cần phải nói, sau đó trắng đen rõ rệt, Virgil càng được Augustus mến trọng hơn.
b) Cách Dùng Thông Dụng Về Sau Hay Nghĩa Bóng Của “Sic Vos Non Vobis”
Và sau đó theo thời gian, “sic vos non vobis” từ nguồn gốc ở những câu thơ của Virgil đã thường được dùng để chỉ trường hợp:
i. Người này làm nhưng bị kẻ khác hưởng lợi, nhất là trong hoàn cảnh bị đạo văn như Virgil.
ii. Người làm điều lợi cho người khác chứ không cho chính mình. 10
Và nghĩa chính xác của “sic vos non vobis” sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh mà nó được xử dụng.11
Nhưng hoàn toàn không có trường hợp nào mà “sic vos non vobis” có thể được dịch ra là “ở với họ, mà không theo họ” như các bài tiếng Việt đã viết.
Và cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thông dụng sau đó của “sic vos non vobis” đều không phải là “ở với họ mà không theo họ”.
Muốn biết “sic vos non vobis” của Petrus Ký thật sự có nghĩa gì, ta phải xem chính xác trong thời gian và hoàn cảnh nào ông Petrus Ký đã dùng nó. Muốn vậy, phải trở lại với thời gian vài mươi năm khi câu này được dịch ra tiếng Việt. Đó là thập niên 50 của thế kỷ trước.
3. Nguồn Gốc Câu Dịch “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”
Tác giả Phan Thứ Lang trong bài “Ở Với Họ Mà Lòng Không Theo Họ – Châm Ngôn Và Bi Kịch Cuộc Đời Trương Vĩnh Ký” đã không cho ta biết nguồn gốc của câu dịch này khi cho rằng Petrus Ký đã dùng nó để “biện minh cho sự hợp tác của ông với Pháp” và rồi sau đó, mặc “thị phi”, làm việc với Pháp từ năm 1860.
Và tác giả Hồng Lê Thọ trong bài “Trương Vĩnh Ký – Một Trí Thức Buồn” thì có dẫn đến hai nguồn là Nguyễn Văn Tố trong Lời Tựa cho cuốn “Trương Vĩnh Ký –Biên Khảo” của Lê Thanh và Bằng Giang trong “Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký”.
Nhưng trong bài Tựa của Nguyễn Văn Tố được in lại trong cuốn NOTK của Nguyễn Đình Đầu, trang 361, không hề có một lời nào về “sic vos non vobis”. Thêm nữa, trong cả một bài rất dài về Petrus Ký của Nguyễn Văn Tố trong Bulletin de la Société d’enseignement Mutual du Tonkin (Tập San Trí Tri) năm 1937 (in lại trong NOTK, trang 371-410), cũng không thấy ông Tố nói gì về câu này.
Và Bằng Giang trong “Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký”12 hoàn toàn không nói gì về “sic vos non vobis”.
Gần đây nhất, cả hai ông Phan Huy Lê và Nguyễn Đình Đầu cũng không cho biết lấy nguồn câu này từ đâu.
Do đó, mặc dù câu “ở với họ mà không theo họ” được sử dụng lan tràn trong các bài viết về Petrus Ký, các tác giả của những tác phẩm này dường như đã không chú ý lắm về nguồn gốc của nó. Điều này làm cho người đọc có cảm tưởng rằng đây là một sự thật đã được chấp nhận, và làm cho việc đi tìm nguồn gốc của nó thêm phần khó khăn.
a) Từ Sách “Chữ, Văn Quốc Ngữ” Của Nguyễn Văn Trung
Tuy vậy, người viết bài này có thể đoán ra là Hồng Lê Thọ đã lấy nguồn từ giáo sư Nguyễn Văn Trung trong cuốn “Chữ , Văn Quốc Ngữ – Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc”13 , vì một lý do khá đơn giản: khác với Phan Thứ Lang, Hồng Lê Thọ đã hoàn tất nhóm chữ “sic vos non vobis” của Petrus Ký bằng cách dẫn thêm một nhóm chữ Latin khác theo sau: “sic vos non vobis, hoc est mea sors et consolatio” (người viết nhấn mạnh chữ hoc, vì đây là một chữ trích dẫn sai sẽ được nói đến sau).
Và đây là câu phê bình của giáo sư Nguyễn Văn Trung về Petrus Ký trong cuốn sách trên:
“Còn đối với chính ông, ông cho rằng thái độ cộng tác với Pháp chỉ là ở với họ nhưng không phải cho họ như ông đã bày tỏ trong những lá thư viết bằng Latinh cho một bạn thân của ông, bác sĩ Chavane (Sic vosnon vobis, Hoc est mea sors et consolatio)”14 (người viết nhấn mạnh chữ Hoc).
Trong chú thích cho những dòng trên, giáo sư Trung cho biết ông đã dẫn câu này từ tài liệu ở cuốn “Trương Vĩnh Ký, 1837-1898” của Khổng Xuân Thu.15
Điều cần lưu ý là giáo sư Trung đã trích dẫn sai câu Latin này từ sách của Khổng Xuân Thu, bởi nguyên bản trong sách là Haec est mea sors et consolatio chứ không phải Hoc est … Và vì Hồng Lê Thọ đã viết sai chữ Hoc này y như giáo sư Trung, ta có thể đoán là ông đã dẫn câu này từ cuốn “Chữ, Văn Quốc Ngữ” của giáo sư Trung chứ không phải từ Khổng Xuân Thu.16
Nhưng cũng từ đó, ta có thể qui nguồn gốc câu dịch tiếng Việt “ở với họ mà không theo họ” về một nơi duy nhất, đó là cuốn “Trương Vĩnh Ký, 1837-1898” của Khổng Xuân Thu. Hay nói cách khác, Khổng Xuân Thu chính là người đã dịch “sic vos non vobis” ra tiếng Việt thành “ở với họ mà không theo họ” – câu mà tất cả sách báo tiếng Việt từ hơn nửa thế kỷ nay đã dùng trong những bài viết hay nghiên cứu về Petrus Ký – để cho rằng ông đã tự bào chữa cho việc hợp tác với Pháp.
Hãy xem tác giả Khổng Xuân Thu dịch “sic vos non vobis” thành “ở với họ mà không theo họ” như thế nào.
b) Từ Sách “Trương Vĩnh Ký 1837-1898” Của Khổng Xuân Thu
Đây là một trong những cuốn sách xưa nhất về Petrus Ký bằng tiếng Việt sau “Trương Vĩnh Ký Hành Trạng” của Đặng Thúc Liêng17 và “Trương Vĩnh Ký – Biên Khảo” của Lê Thanh18 . Tác phẩm này độc đáo ở chỗ có những lá thơ tâm tình bằng tiếng Latin của Petrus Ký gởi cho bạn ông là bác sĩ Alexis Chavanne và tiến sĩ Albert Kaempfen trong hai năm 1887-1888 khi Petrus Ký đã “về hưu” ở Chợ Quán sau cái chết đột ngột của Paul Bert.
Đây là phần Khai Từ của tác giả Khổng Xuân Thu:
“Suốt cuộc đời của Trương Vĩnh Ký, ta thường nghe tiên sinh nhắc đến câu cách ngôn Latinh sau đây: sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ). Trong bức thư thắm thiết của tiên sinh gửi cho một người bạn văn hóa – bác sĩ Chavanne – đề ngày tháng 10-1887, Trương công vẫn còn nhắc lại với tất cả ý niệm chân thành của mình đối với thời cuộc. (Dẫn kỹ ở chương “Chán Nản Chính Trị” ở đoạn sau)”.19
Và trong chương “Chán Nản Chính Trị” ở đoạn sau, trang 60, Khổng Xuân Thu cho biết:
“Tham vọng của ông là tìm đủ cách để cho ích quốc lợi dân, dù có hy sinh đến địa vị, quyền lợi của mình đi chăng nữa. Viết thư cho bác sĩ Chavanne, có đoạn: Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ). Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi. Nguyên văn: Unum et uticum quaero, esse scilicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis … Hae (sic) est mea sors et consolatio”20
Và cuối cùng, trong phần Phụ Lục, trang 125, là bản dịch chính thức của lá thơ Petrus Ký gởi cho Alexis Chavanne tháng 10, 1887:
“Điều độc nhất mà tôi tiến đến là làm sao giúp ích, làm sao để thực hành câu “theo họ, nhưng không lệ thuộc họ” (Sic vos non vobis). Đó là số phận của tôi, là điều an ủi cho tôi”.
Như vậy, trong cùng một cuốn sách, Khổng Xuân Thu đã ba lần nhắc đến “sic vos non vobis” và dịch ra hai lần là “ở với họ mà không theo họ” và một lần là “theo họ, nhưng không lệ thuộc họ”21.
Theo Khổng Xuân Thu cho biết, ông đã “may mắn” tìm được những lá thơ của Petrus Ký trong ấn phẩm của Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises) và đã dịch những lá thơ này từ tiếng Latin ra tiếng Việt với sự trợ giúp của những linh mục (không cho biết tên). Với một thái độ khiêm tốn rất đáng quí trọng, tác giả cho biết công việc dịch thơ của Petrus Ký rất khó khăn vì trong những lá thơ bằng tiếng Latin thỉnh thoảng ông còn dùng cả chữ … Hy Lạp22. Và chúng ta cũng cần nhớ rằng đây là công trình làm việc một mình vào 60 năm trước. Do đó có những sai sót là điều không thể tránh khỏi.23
Trở lại với những lá thơ của ông Petrus Ký và câu “sic vos non vobis”. “Câu” này, chỉ được thấy một lần duy nhất trong lá thơ Petrus Ký gởi cho Alexis Chavanne tháng 10 năm 1887. Đây là nguyên văn tiếng Latin và hai phiên bản dịch của Khổng Xuân Thu:
“…. Unum et unicum quaero, esse scilicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis … Haec est mea sors et consolatio.”
“Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ). Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.”
“Điều độc nhất mà tôi tiến đến là làm sao giúp ích, làm sao để thực hành câu “theo họ, nhưng không lệ thuộc họ” (Sic vos non vobis). Đó là số phận của tôi, là điều an ủi cho tôi”.
Cả hai câu dịch, theo thiển ý của người viết bài này, đều không chính xác, nếu không nói thẳng là sai ý của tác giả.
Trước nhất, dịch giả Khổng Xuân Thu đã thêm vào trong câu dịch những chữ và ý tưởng không có trong nguyên văn . Ở câu đầu, đó là phần “đúng như câu châm ngôn La tinh” và ở câu sau là phần “để thực hành câu”. Trong nguyên văn tiếng Latin không hề có những dòng trên .
Thứ hai, và cũng quan trọng nhất, như đã giải thích trong phần trên của bài viết này, Khổng Xuân Thu đã dịch hoàn toàn sai nhóm chữ “sic vos non vobis”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thay vì phải dịch với ý nghĩa thông dụng là “chẳng phải vì lợi ích của mình” hay “chẳng phải cho tôi” thì Khổng Xuân Thu lại dịch là “ở với họ mà không theo họ”, làm cho hai phần trước và sau của câu không ăn khớp với nhau. Trong khi phần trước nói về sự hữu dụng (có ích), thì phần sau theo Khổng Xuân Thu lại nói về một thái độ chính trị. Và vì dịch sai “sic vos non vobis” như vậy, cả câu dịch thành ra rất tối nghĩa.
Thứ ba, và có thể là lý do làm cho Khổng Xuân Thu dịch sai “sic vos non vobis”, là vì Khổng Xuân Thu đã không chú ý và bỏ qua phần tối quan trọng trong câu là “quamvis dicendum sit”, có nghĩa là “tuy nhiên, cần phải nói (thêm) rằng”. Đó chính là nhịp cầu nối tiếp giữa “có ích” (utilem) (useful) và “không phải cho tôi” (sic vos non vobis). Với nhịp cầu đó, tác giả đã bổ túc cho ý chính của câu và làm cho hai phần trong câu hoàn toàn ăn khớp với nhau.
Câu dịch gần đúng ý tác giả nhất, theo thiển ý người viết, phải là như vầy:
“Điều duy nhất mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phần và là niềm an ủi của tôi.”
Câu dịch này cho thấy sự liên kết chặt chẻ giữa phần đầu (muốn thành có ích) và phần sau (nhưng không phải cho mình). Nó nói lên triết lý sống vị tha, bất vị kỷ, của Petrus Ký.
Trong khi đó, như trên đã viết, hai câu dịch của Khổng Xuân Thu không có liên hệ gì giữa “có ích” ở phần đầu và “ở với họ nhưng không theo họ” ở phần sau của câu. Và rõ ràng nhất là đại danh từ “Họ” trong trường hợp này được đem vào trong câu một cách rất bất chợt, tùy tiện, và không có chút gì dính líu với cả câu văn.
Như đã có nói trong phần trên, “sic vos non vobis” thường được hiểu với một trong hai nghĩa chính, tùy theo trường hợp mà chúng được sử dụng. Trong trường hợp này, nghĩa thứ hai, là “tôi làm nhưng không phải cho lợi ích của tôi” là hợp lý nhất. Nghĩa thứ nhất không phù hợp vì cả câu không nói gì về hoàn cảnh bị đạo văn hay bị cướp công — và cũng vì nếu bị đạo văn hay cướp công thì không ai nói rằng đó là số phần và niềm an ủi của mình được.
c) “Sic Vos Non Vobis” Trong Tài Liệu Tiếng Pháp Về Petrus Ký
Để kiểm chứng là câu dịch của Khổng Xuân Thu không đúng với ý của ông Petrus Ký, người viết đã tìm đến tài liệu chính gốc là những lá thơ bằng tiếng Latin của ông Petrus Ký gởi cho hai bạn hữu Alexis Chavanne và Albert Kampfen đã được giáo sư Raphael Barquissau sưu tập và dịch lại bằng tiếng Pháp trong tác phẩm “Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương –vĩnh-Ký”24
Điều đáng chú ý là khi dịch lá thơ tháng 10, 1887 của Petrus Ký ra tiếng Pháp, Barquissau đã để nguyên văn “sic vos non vobis” trong câu văn như sau:
“La seule et unique chose que je cherche, c’est de pouvoir être utile, quoiqu’il faille dire: ‘sic vos non vobis’. Tel est mon sors et ma consolation.”
Khác với Khổng Xuân Thu, Barquissau đã dịch đúng như nguyên văn Latin và giữ phần “quamvis dicendum sit” tức “tuy nhiên phải nói rằng” thành “quoiqu‘il faille dire”. Barquissau cũng đã không thêm vào phần “đúng như câu” hay “để thực hành câu” như Khổng Xuân Thu. Và nếu hiểu “sic vos non vobis” theo nghĩa thông dụng là “không phải cho tôi”, thì câu của Barquissau hoàn toàn hợp lý.
Một điều thú vị mà người viết đã để ý tìm kiếm là trong các tài liệu bằng tiếng Pháp về Petrus Ký không hề có bóng dáng “sic vos non vobis” với ý nghĩa “ở với họ mà không theo họ” như trong sách báo tiếng Việt! Lý do có lẽ rất đơn giản là vì như đã nói Petrus Ký chỉ dùng câu này để tâm tình với một người bạn về triết lý sống của mình, chứ không phải để bào chữa hay tự biện minh.25
4. Triết Lý Sống Hay Phương Châm “Không Phải Cho Tôi” Trong Những Lá Thơ Khác Của Petrus Ký
Tóm lại, khi dùng “sic vos non vobis” trong lá thơ gởi cho Alexis Chavanne tháng 10 năm 1887, Petrus Ký cho Chavanne biết triết lý sống hay phương châm của ông là làm việc giúp ích cho xã hội chớ không phải cho tư lợi. Hay nói cách khác, chúng cho thấy tinh thần bất vị kỷ của ông.
Muốn kiểm chứng và thấy rõ hơn triết lý này của Petrus Ký, ta có thể tìm thấy nó ngay trong những lá thơ khác của ông gởi cho Chavanne bằng tiếng Latin.
Trong lá thơ tháng 2 năm 1887, Petrus Ký cho Chavanne biết là hiện tại ông hơi chán ngán cuộc đời vì những sự ganh tị.26 Chavanne trả lời vào ngày 1 tháng 3 năm 1887, khuyên nhủ Petrus Ký nên trở lại giúp vua Đồng Khánh để vừa giúp nước mà vừa giúp Pháp.
Petrus Ký hồi âm ngày 8 tháng 4, 1887 và cho Chavanne biết ông đã chán ngán danh vọng, vì nó không còn cám dỗ được “con sư tử già và mất hết sức mạnh” là ông. Chavanne lại một lần nữa khuyên Petrus Ký trong lá thơ đề ngày “20 quintili mense 1887”27: “Tổ quốc và nhất là nhân loại phải đi trước tất cả”.
Trong thơ ngày 6 tháng 8 năm 1877, Petrus Ký viết cho Chavanne rằng ông không đồng ý với Chavanne, vì:
“Thật tình thì ta phải sống theo cuộc đời đã định; ta chỉ có thể có ích cho chính chúng ta, cho những người tương tự, cho vạn vật trong thiên nhiên; và như vậy ta mới hoàn thành được trách nhiệm đầu tiên của cuộc đời.”
“Vita enim qualis in se est sumenda est talis; tantummodo sit fructuosa sive nobis ipsis, sive nostris similibus, sive aliis Naturae entibus; sicque finem primordialem adimpleret”.28
Rồi sau đó, như ta đã biết, trong lá thơ tháng 10, 1887, Petrus Ký cho Chavanne biết ông chỉ muốn làm một người có ích cho xã hội mà thôi. Cũng ngay trong lá thơ đó, bên dưới câu “sic vos non vobis” là câu sau đây để chúc cho Chavanne, mà có lẽ cũng là điều ông muốn cho mình:
“Cầu Chúa cho ông giữ sức khoẻ để ông luôn có ích cho chính ông, cho bạn hữu và cho xã hội, và để ông phục vụ hữu hiệu cho chính phủ để cuối cùng vào một ngày nào đó ông có thể nói rằng: Tôi đã đóng trọn vai trò của mình, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình”
“Te ergo Deus conservet in potestate ut tibi, tuis amicis et societati diu ac semper prosis, et Gubernio utiliter ac efficaciter servias ut tandem tibi ipsi possis quodam die dicere: meas partes bene egi, officium meum adimplevi”29
Tóm lại, nếu đọc tất cả những lá thư giữa Petrus Ký với Chavanne, ta sẽ thấy những ý tưởng của hai người nhất quán và xuyên suốt dưới ngòi bút của họ. Trong lúc Chavanne, một nghị viên Pháp, khuyên bạn Petrus Ký hãy trở lại giúp cho Pháp và Đồng Khánh, vì “tổ quốc và nhân loại” vẫn còn cần ông, thì Petrus Ký lại chỉ muốn trở về triết lý sống của ông là làm một người có ích cho xã hội bằng cách làm tròn vai trò của ông trong đời mà thôi.
Điều cần ghi nhận là trong tất cả những lá thơ giữa Petrus Ký và Chavanne không hề có trạng huống nào có thể đưa đến việc Petrus Ký phân bua hay tự bào chữa với Chavanne rằng ông … “ở với họ mà không theo họ”. Và nếu nghĩ cho cùng thì tại sao Petrus Ký lại phải đi biện minh về việc cộng tác với Pháp cùng một chính trị gia Pháp đang làm việc trong chính phủ Pháp và khuyến khích Petrus Ký giúp Pháp?
Nếu thật tình Petrus Ký muốn bào chữa cho việc hợp tác với Pháp của mình, chắc ông đã chọn đối tượng là người Việt với một câu tiếng Việt. Và câu nói cũng sẽ có điển tích gì đó kèm theo cho người Việt hiểu. Chứ có đâu lại đi viết một câu bằng chữ Latin với điển tích La Mã trong một lá thơ tâm tình bằng tiếng Latin cho một ông bạn bác sĩ người Pháp đang là một nghị viên Pháp!
Do đó, sau khi đọc tất cả các lá thơ giữa Petrus Ký và Chavanne, những tài liệu thuộc loại đáng tin tưởng nhất vì đây là những lá thơ tâm tình giữa bạn bè không có mục đích nào khác, ta chỉ có thể kết luận rằng Petrus Ký đã dùng “sic vos non vobis” với ý nghĩa là làm điều ích lợi cho người khác chứ không phải cho mình. Và điều chắn chắn là không thể nào có thể hiểu ra thành “ở với họ mà không theo họ” như lời dịch của Khổng Xuân Thu.
5. Lý Do Tại Sao Có Câu Dịch “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”
Nếu “sic vos non vobis” có ý nghĩa “không phải cho mình” như ta đã thấy, thì tại sao Khổng Xuân Thu lại dịch là “ở với họ mà không theo họ”? Có phải đơn thuần chỉ là dịch sai mà thôi chăng ?
Khó trả lời cho câu hỏi này, nhưng nếu nhìn cách câu này được những người ủng hộ ông Petrus Ký đón nhận nồng nhiệt thì ta có thể đoán được phần nào lý do. Đó là vì họ muốn ông Petrus Ký phải nói câu này cho hợp với tâm lý của họ. Xin được gọi đây là “mặc cảm Tôn Thọ Tường”.
Theo thiển ý của người viết, quan điểm “ở với họ mà không theo họ” không khỏi bị ảnh hưởng bởi một thi sĩ tài hoa cùng thời và cùng làm việc với Pháp như Petrus Ký là Tôn Thọ Tường.
Bởi vì trước năm 1958 là năm mà câu “ở với họ mà không theo họ” ra đời với tác giả Khổng Xuân Thu, hai bài thơ nổi tiếng sau đây của Tôn Thọ Tường chắc chắn đã đi vào lòng nhiều người Việt:
Tôn Phu Nhơn Qui Thục
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam vầy gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
Từ Thứ Qui Tào
Hiếu đâu dám sánh kẻ cày voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Ở Hán đã đành trang cội cả
Về Tào chi sá một cây còi
Chạnh lòng nhớ mẹ không nâng chén
Tấc dạ thương vua biếng giở roi
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy
Thân này xin gác ngoại vòng thoi
Qua hai bài thơ này, Tôn Thọ Tường đã tự bào chữa cho việc theo Pháp của mình với các bạn sĩ phu ngày xưa mà nay ở phía đối nghịch là: 1) thân gái phải theo chồng, ông vì việc làm phải trung thành với chủ Pháp; 2) vì hoàn cảnh gia đình, ông phải theo Pháp, nhưng hứa sẽ không giúp ích gì cho Pháp, cũng như Từ Thứ đã hứa và đã không hiến kế gì cho Tào Tháo trong suốt thời gian ở phe Tào.
Với hai bài thơ nổi tiếng trên, thật quá dễ dàng và tiện lợi để đem so sánh hoàn cảnh của Từ Thứ “hàng” Tào nhưng không “giúp” Tào — tức hoàn cảnh tự nhận của Tôn Thọ Tường — và trường hợp Petrus Ký “ở” với Pháp nhưng không “theo” Pháp. Nếu trong bài thơ của Tôn Thọ Tường chỉ có Lưu và Ngụy, thì trong thế giới của Petrus Ký qua quan điểm này, cũng chỉ có họ (Pháp) và ta. Vậy nên nếu Tôn Thọ Tường đã hứa “Thân này xin gác ngoại vòng thoi” thì Petrus Ký cũng nên hứa rằng “Ở với họ mà không theo họ”.
Thế nhưng chẳng những Petrus Ký không bao giờ nói vậy, như ta đã thấy, mà Petrus Ký cũng không phải là Tôn Thọ Tường! Mọi sự so sánh giữa hai người do đó đều khập khiễng.
Tôn Thọ Tường là một nhà nho, một cậu ấm xuất thân từ thế gia vọng tộc, được nuôi dưỡng với ý niệm “trung quân” là điều tối thượng. Cũng vì cái ý niệm “trung thần bất sự nhị quân” này mà Tôn Thọ Tường suốt đời phải tự bào chữa, phải biện minh cho mình – mà rồi vẫn bị các bạn nhà nho đồng thời đả kích không thương tiếc, từ Phan Văn Trị đến Huỳnh Mẫn Đạt.
Petrus Ký là một chủng sinh, sống từ nhỏ trong những tu viện ở bên ngoài Việt Nam với đủ loại người từ các quốc gia khác, và lớn lên với đạo Thiên Chúa cùng văn minh La Mã, Hy Lạp. Khi trưởng thành lại được đọc và biết đến những tư tưởng dân chủ cũng như làm bạn với những nhà tư tưởng tiến bộ hàng đầu thế giới thời bấy giờ. Cùng làm việc cho Pháp, nhưng Petrus Ký thì không hề bị một nhà nho đồng thời nào đả kích.30 Cũng như sau đó được dân chúng Nam Kỳ góp tiền đúc tượng đồng và tôn vinh là bậc thầy của cả miền Nam.
Cho nên không thể nào so sánh Petrus Ký với Tôn Thọ Tường.
Thế nhưng vì cả hai đều là người Nam Kỳ, đều hợp tác với Pháp khoảng cùng thời gian, cùng tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp năm 1863, cùng viết trên Gia Định Báo sau đó, nên sự so sánh và rồi đồng hóa về tư tưởng chính trị là điều không thể tránh khỏi cho những người ủng hộ Petrus Ký.
Hơn nữa, vì “ở với họ mà không theo họ” là một câu nghe rất thuận tai nên những người ủng hộ ông đã nắm ngay lấy câu này để biện minh cho việc hợp tác với Pháp của ông Petrus Ký và phát tán rộng rãi như đã nêu trên.
Điều đáng tiếc là cũng vì câu dịch này mà ông Petrus Ký càng lúc càng bị hiểu lầm nhiều hơn. Hay nói cách khác, ông đã bị những người ủng hộ vô tình vu oan là ông đã tự bào chữa với một câu mà ông không hề nói.
6. Hậu Quả Của Câu Dịch “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”
Một cách rất trớ trêu, câu nói về triết lý sống đầy ảnh hưởng Tây Phương “sic vos non vobis” của Petrus Ký lại được dịch ra thành một câu đầy màu sắc chính trị Đông Phương là “ở với họ mà không theo họ”. Từ câu dịch này đã sinh ra không biết bao nhiêu là dị bản cũng như những sự thêu dệt, làm cho hậu thế ngày càng hiểu lầm ông hơn nữa. Hãy nhìn lại những hậu quả của câu dịch đó.
a) Biến Petrus Ký Thành Người Có Mặc Cảm Phạm Tội Phải Tự Bào Chữa
Những tác giả dùng câu “Ở với họ mà không theo họ” đều là những người hết lòng kính phục Petrus Ký. Tất cả đều dựa vào câu này để bào chữa cho việc ông hợp tác với Pháp mà dưới cái nhìn của họ là một việc làm hoàn toàn sai trái. Giống như nhau, họ đã cho rằng Petrus Ký tự cảm thấy phạm tội khi nhận lời làm việc với Pháp, và vì mặc cảm phạm tội đó, nên đã phải tự bào chữa cho mình bằng câu nói trên .
Nhưng câu “ở với họ mà không theo họ” là câu đã đồng hóa Petrus Ký với Tôn Thọ Tường. Và nó đã biến Petrus Ký thành một kẻ có mặc cảm phạm tội phải tự bào chữa cho mình như Tôn Thọ Tường đã làm. Trong khi đó, Petrus Ký không bao giờ nói câu này và chắc chắn sẽ không bao giờ tự bào chữa kiểu đó. Hãy đối chiếu câu dịch này với một trong những triết lý sống của Petrus Ký để thấy tại sao ông sẽ không bao giờ làm vậy:
“Hể làm người mở ra làm việc gì thì phải làm cho hết sức hết lòng, được ấy là nhằm, mà không được ấy là sái. Trong việc lớn cả thể, trước khi làm, phải xét trước xét sau cho kỉ-cang cho cùng lý rồi hãy làm; làm thì làm cho sấn sước đừng có dụ dự, làm cho hết sức mình; mà không được thì thôi, thì biết là Trời chưa cho mần nên: tận nhơn lực, tri thiên mạng. Việc lớn hơn nữa, thì lại càng phải suy xét trước sau, tìm gốc ngọn, coi mòi coi gièo cho chí-lý rồi đã hãy làm …”31
b) Biến Petrus Ký Thành “Quan Vân Trường” Hay Chế Biến Lịch Sử
Hậu quả kế tiếp của câu dịch “ở với họ mà không theo họ” là do tính chất không rõ ràng của nó với những chữ như “ở”, “theo”, “họ”, các tác giả bào chữa cho Petrus Ký đã tự động đi xa hơn bằng cách phóng tác và cho Petrus Ký làm những việc mà ông không hề làm.
Như Hồng Lê Thọ đã thêm chi tiết cho câu văn thêm đậm đà và đầy kịch tính: “Đây là việc tôi ở với các anh chứ không phải vì theo các anh”. Y như một câu đối đáp rất cứng cỏi của Petrus Ký với một thượng cấp người Pháp, trong khi thực tế là ông đang tâm tình với một người bạn. Mới nghe thì rất hào hùng nhưng suy nghĩ kỹ thì câu này không có mấy ý nghĩa.
Trong khi đó, tác giả Phan Thứ Lang đã vô tình chế biến lịch sử bằng cách viết thêm là Petrus Ký đã dùng câu này để biện minh cho việc nhận lời làm thông ngôn cho Jaureguiberry từ tận năm 1860: “Và Pétrus Ký đã đem câu châm ngôn Latinh ‘Ở với họ mà không theo họ ‘ (“Sic vos non vobis“), để biện minh cho sự hợp tác của ông với Pháp. Rồi mặc những lời thị phi, ngày 20/12/1860, ông đã nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry.”32
Nhưng có lẽ đi xa hơn cả là nhà văn Hoàng Lại Giang trong cuốn tiểu thuyết “Trương Vĩnh Ký – Bi Kịch Muôn Đời”33 . Giống như Hồng Lê Thọ và Phan Thứ Lang, ông cho rằng khi Petrus Ký gặp Jauréguiberry, ông đã có những dằn vặt, và “… cuối cùng thì anh cũng tìm ra cho chính mình một phương châm hành động, một con đường đi riêng: Cộng tác với họ, nhưng không theo họ” (trang 279).
Và rồi ông cho nhân vật Petrus Ký trong sách tự biện minh với Phan Thanh Giản như sau: “Vậy mà có lúc Quan Vân Trường đã về với Tào Tháo. Nhưng trong con người trung nghĩa này, luôn ý thức “hàng Tào Tháo mà không theo Tào Tháo” (trang 377). Ông cũng cho luôn Petrus Ký nói với vua Đồng Khánh rằng: “Thần hứa với mình, phải học Quan Vân Trường: Theo họ nhưng không lệ thuộc họ” (trang 547).34
Đến đây chắc ta cũng đã thấy hậu quả của câu dịch này! Từ một câu dịch sai, những người đi sau càng lúc càng thêm thắt chi tiết, càng thêu dệt cho câu nói càng lúc càng đi xa với câu dịch cũng như tạo ra những tình tiết tưởng chừng là lịch sử. Điều đáng sợ là những tình tiết này càng lúc càng được đem vào những bài viết tưởng chừng rất nghiêm túc về Petrus Ký, khiến những người đọc về sau càng lúc càng khó phân chân giả.
c) Biến Petrus Ký Thành Một Người Tự Mâu Thuẫn
Hậu quả kế tiếp của câu “ở với họ mà không theo họ” là biến Petrus Ký thành một người tự mâu thuẫn. Hãy nhìn xem những việc làm tiêu biểu của ông Petrus Ký mà cả hai phe ủng hộ và chống đối đều dùng để biểu hiện sự mâu thuẫn này.
i) Về Những Hành Động “Không Theo” Pháp
Trước nhất, ông đã sưu tầm và cho in rất nhiều tác phẩm thuộc loại “không có lợi” cho Pháp như Cổ Gia Định Phong Cảnh Vịnh, Trung Nghĩa Ca, Hịch Văn Thân … vì trong đó Pháp được gọi là “giặc”.35
Sau đó, ông đã sẵn sàng phê bình những lãnh đạo Công Giáo ở Bắc Kỳ trong bản báo cáo năm 1876 là họ đã lạm dụng quyền hành để hiếp đáp những người không có đạo, tạo nên một không khí thù nghịch ở Bắc Kỳ.36
Với những người Pháp, ông không bao giờ khúm núm rụt rè. Ông đã ăn miếng trả miếng với thượng cấp Paulin Vial sau khi người bạn Paul Bert qua đời37, cũng như đã yêu sách với đại tá hải quân D’Ariès từ những ngày đầu mới làm cho Pháp38. Ông cũng đã gởi cho Đồng Khánh năm 1887 một tập tấu 24 điều về cách đối phó với Pháp.39
Nhưng có lẽ điều nổi bật nhất là ông đã nhất quyết từ chối không vào công dân Pháp dù được thúc đẩy nhiều lần.40
Những việc làm trên đây cho thấy ông không khuất phục người Pháp và sự hợp tác của ông với Pháp không phải lúc nào cũng suôn sẻ – như nhiều tác giả về ông đã nhận xét – kể cả những sử gia miền Bắc là những người đã gay gắt lên án ông là tay sai cho Pháp.
ii) Về Những Hành Động “Theo” Pháp
Thế nhưng, theo nhiều tác giả khác, điển hình là linh mục Trương Bá Cần, nhận xét, Petrus Ký “đã nhận cộng tác với Pháp một cách hình như không đắn đo, không day dứt, không hối tiếc …”41
Và đó là sự thật, vì trong các tác phẩm của ông, bên cạnh những bài gọi Pháp là giặc, là những bài viết, những lá thơ khen ngợi nước Pháp và nền văn minh Pháp hay sự rộng lượng của chính phủ Pháp. Cũng như song song với những đối kháng với Paulin Vial, với D’Ariès là sự giúp sức hết lòng với Paul Bert, với Jauréguiberry.
Do đó, với những hành động có vẻ trái ngược hay mâu thuẫn trong suốt đời mình, dường như Petrus Ký không có một lập trường thống nhất, khi theo “họ”, khi lại về “ta”. Nếu phân chia ra rõ rệt tất cả những gì thuộc về Pháp hay liên hệ với Pháp là “họ” và tất cả những gì liên hệ tới Việt là “ta” thì có lẽ câu “ở với họ mà không theo họ” của Khổng Xuân Thu có thể áp dụng được cho Petrus Ký.
Thế nhưng nếu như Petrus Ký đã không bao giờ nói câu “ở với họ mà không theo họ” thì ông cũng đã không bao giờ sống và làm như vậy, vì trong cuộc đời của Petrus Ký không có “họ” và “ta” mà chỉ có con người và xã hội mà thôi.
7. Phương Châm Cuộc Đời Của Petrus Ký Không Có “Họ” Mà Chỉ Có Xã Hội Và Con Người Với Vai Trò
Phương châm trong đời hay triết lý sống của Petrus Ký mà ông đã nói ra và lập lại rất nhiều lần trong những lá thơ gởi cho Chavanne như ta đã thấy ở phần trên là: ông chỉ muốn làm một người có ích cho xã hội bằng cách làm tròn vai trò hay số phần của ông mà thôi. (Unum et unicum quaero, esse scilicet posse utilem, quam vis dicendum sit: sic vos non vobis. Haec est mea sors et consolatio). Tuy chữ dùng có lúc khác biệt, ý tưởng của ông lúc nào cũng rõ ràng: mỗi người phải làm tròn vai trò hay số phần trong đời để làm cho xã hội của mình tốt đẹp hơn.
Với một triết lý bất vị kỷ như vậy, không thể có sự phân biệt giữa “họ” và “ta” trong thế đối đầu để rồi đi đến một chọn lựa là “ở với họ mà không theo họ”. Mà triết lý đó chỉ có hai yếu tố chính là xã hội và những con người với vai trò riêng biệt trong xã hội đó.
a) Xã Hội Của Petrus Ký
Vậy, “xã hội” của ông Petrus Ký là xã hội nào ?
Qua một lá thơ cũng bằng tiếng Latin gởi cho Albert Kaempfen được Raphael Barquissau đăng lại trong tập “Correspondance inédite en latin de Pétrus Trương –vĩnh-Ký” nói trên, xã hội lý tưởng mà ông Petrus Ký hướng đến là một xã hội không có biên giới, một xã hội chung của cả nhân loại (societatem humanam universalem), một xã hội duy nhất mà khoa học công nhận.
Petrus Ký đã viết như sau:
“Scientiarum enim imperium limites non cognoscit, montibus maribusque separatos ac remotos unit, communis laboris socios ex quatuor partibus mundi arcte admovet, societatem nullam aliam quam Humanam (universalem) admittens. Hae sunt verae personae ac partes suscipiendae viris eruditionis utiles sese reddere societati cujus membra sunt.”
“Lãnh vực khoa học thật tình không có biên giới; dù ngăn cách bởi núi và biển, từ bốn góc trời nó đã liên kết những người cùng chung việc làm đó, nó không chấp nhận một xã hội nào khác ngoài xã hội chung của loài người. Đây là vai trò thật sự phải làm của những người thông thái, làm người có ích cho xã hội mà trong đó họ là những phần tử”.42
Nhưng ta có thể thấy ngay rằng Petrus Ký cũng rất thiết thực: đó cũng là xã hội mà trong đó ông là một phần tử (societati cujus membra sunt). Và đó không gì khác hơn là xã hội “An Nam” của ông thời bấy giờ, trong đó có những đồng bào của ông không phân biệt Bắc Trung Nam, không phân biệt lương giáo. Chính những người đồng bào này mới là mối quan tâm lớn nhất trong đời ông.
Hãy đọc những gì Petrus Ký viết trong bản báo cáo sau chuyến đi Bắc Kỳ năm 1776:
“trên thực tế, tôi luôn cảm thấy nhức nhối vì tấn thảm kịch mà nhân dân Bắc Kỳ bất hạnh đang phải gánh chịu … tôi cho rằng, họ không đáng phải chịu bất hạnh hơn bất cứ dân tộc nào khác43
Thêm nữa, trong một cuốn bản thảo viết tay của Petrus Ký đóng dấu Cơ Mật Viện đề ngày 15/4/1886 có một bài viết đầu đề là “Trương -Vương Vấn Đáp” đề cập đến một cuộc trao đổi chính kiến giữa Petrus Ký (Trương) và Đồng Khánh (Vương). Theo bài viết đó, cách giải quyết cho tình hình chính trị của Việt Nam mà Petrus Ký đề nghị với Đồng Khánh là như sau:
“ngoài thì xử trí đối với ngoại quốc cho êm, trong thì đâu đó cho bằng yên, nhân dân an cư lạc nghiệp thì là gốc, ấy là hữu nhân, ấy là đắc chúng”.44
Tương tự, năm 1887, sau khi đã về lại Sài Gòn và dù không còn làm trong Cơ Mật Viện, Petrus Ký vẫn gởi cho Đồng Khánh một tập tấu 24 điều, trong đó có điều 23 như sau:
” … Lo làm sao cho dân siêng năng làm giàu, không để người Pháp làm gầy nước ta, thu phục lòng dân ta, thời cái chính sách tự cường há chẳng nghiêm du ?”45
Thậm chí khi viết cho người bạn Pène Siefert vào tháng 4 năm 1886 với những nhận xét về vua Đồng Khánh, Petrus Ký vẫn cho ta thấy sự quan tâm của ông với người dân:
“Sống giữa những người dân, ông ta (Đồng Khánh) bằng sự quan sát của mình đã có thể thông cảm được tình trạng khốn khổ của dân chúng trong nước”.46
Do đó, qua những câu viết này, và qua những việc làm của ông mà ta sẽ thấy, cái xã hội của người dân An Nam hay đồng bào của ông là những người mà Petrus Ký quan tâm đến chứ không phải là triều đình Huế hay chính phủ thuộc địa Pháp. Mục đích tối hậu của ông luôn luôn là làm cho đời sống của người dân hay xã hội An Nam của ông tốt đẹp hơn.
b) Vai Trò Của Petrus Ký
Cũng theo Petrus Ký thì mỗi phần tử trong xã hội đều có một vai trò. Đó là số phần mà tạo hóa đã định đoạt:
“Số mạng người ta hay tin là việc Trời đã tiên định rồi, không ai đổi đặng. Mà chính nghĩa nó là làm vầy: Khi sinh mỗi người ra, thì đấng Tạo-hóa đã tùy bổn tánh mà liệu cho sau sẽ làm những việc vừa bổn tánh nó…. Hãy nhớ lại hôm trước tôi có lấy con cờ tướng cùng vai tuồng con hát mà ví cho mà nghe . Vậy thì biết mỗi con cờ đều có việc hay việc giỏi nấy cả, mỗi con hát đều có phiên thứ vai tuồng khác nhau, đều có cái sở trường riêng cả”.47
Và vai trò của ông để làm cho xã hội tốt lên, như ông đã tự nhận rất nhiều lần, là làm cầu nối giữa hai dân tộc Pháp và Việt:
“Tôi không làm gì khác ông viết, ngoài việc trở thành cầu nối giữa hai dân tộc vừa gặp gỡ nhau trên đất Nam Kỳ . Tôi không thể làm gì khác ngoài giúp cho hai dân tộc này hiểu nhau và thương mến nhau, cũng chính vì thế mà tôi tiếp tục chuyển ngữ từ tiếng An Nam sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng An Nam, tôi bị thuyết phục rằng một ngày nào đó, phía sau các con chữ sẽ là các tư tưởng và sớm thôi, chúng tôi sẽ đến được với nền văn minh đẹp đẽ của các ông.”48
“Tôi tính sẽ tiếp tục nghiên cứu và phụng sự cho sự thông tuệ của hai đất nước – hai mối lo duy nhất trong đời tôi”49
“Về phần mình, tôi chỉ chuyên chú vào những ấn phẩm nào mà theo tôi là có thể góp phần đem lại lợi ích cho cả người Pháp và người An Nam đang cùng chung sống, và tôi tự lãnh lấy nhiệm vụ thắt chặt mối quan hệ này bằng sự hiểu biết, khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên nhanh chóng và hấp dẫn; tôi hy vọng rằng rồi họ sẽ yêu mến lẫn nhau …”50
Chẳng những chỉ nói những điều này với người Pháp, Petrus Ký còn viết bằng tiếng Việt trong thơ gởi cho Trần Tử Ca về chuyến ra Huế tham chính của ông:
” … Nên tôi mới lãnh đi ra điều đình việc cả hai nước. Ấy là cái phận cái chức khó nhứt trong đời; vì làm việc như mai dong, đứng giữa gánh cả hai vai nặng nề hết sức ..”51
Tóm lại, ta có thể thấy phương châm sống khiêm nhường và bất vị kỷ của Petrus Ký là làm tròn vai trò của mình trong xã hội để giúp ích cho xã hội chứ không phải cho mình, theo đúng như câu “sic vos non vobis” mà ông đã viết cho bác sĩ Chavanne bạn ông.
8. Đối Chiếu Việc Làm Trong Đời Của Petrus Ký Và Phương Châm Làm Tròn Vai Trò Trong Xã Hội
Và nếu ta nhìn lại cuộc đời của Petrus Ký và đối chiếu với phương châm trên, ta sẽ thấy rằng ông đã sống và làm đúng như vậy. Thay vì nhìn dưới lăng kính thù địch “họ” và “”ta” theo câu “ở với họ mà không theo họ”, nếu nhìn những việc làm của Petrus Ký với mục đích làm cho xã hội của ông tốt đẹp hơn thì ta có thể lý giải được hầu như tất cả những gì ông đã làm trong đời.
Trước nhất, về chính trị, Petrus Ký đã có một chọn lựa rõ ràng minh bạch là cộng tác với Pháp, dựa vào Pháp để học hỏi từ họ, với mục đích cuối cùng là đưa nước nhà ra khỏi những bế tắc dưới thời Nguyễn và đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho đồng bào ông.
Cần phải phân biệt rõ ràng xã hội hay người dân Việt Nam với triều đình nhà Nguyễn.52 Phải thấy rằng triều đình nhà Nguyễn không phải là một đại diện cho người dân hay xã hội An Nam thế kỷ 19. Vì không phải là một nhà nho, và vì hấp thụ tư tưởng dân chủ Âu Châu, Petrus Ký đã nhìn thấy triều đình nhà Nguyễn — với chế độ cai trị thối nát, với tệ nạn tham nhũng, giặc giả liên miên — mới chính là kẻ thù của người dân Việt Nam, như ông đã viết trong Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi.
Trong khi đó, Petrus Ký lại có được cái may mắn là thấy tận mắt một xã hội dân chủ, văn minh vào bậc nhất thế giới thời đó tại nước Pháp với chuyến đi theo sứ bộ Phan Thanh Giản năm 1863. Ở đó, Petrus Ký đã có cơ hội làm bạn và học hỏi thêm về những tư tưởng dân chủ, dân quyền – từ những nhà trí thức tiến bộ hàng đầu thế giới như Émile Littré, như Victor Hugo, như Léon Gautier – những tư tưởng mà trước đó ông đã được đọc trong sách của Rousseau, Montesquieu, Voltaire.53 Ông chắc chắn đã thấy ra rằng ngoài sức mạnh khoa học, nước Pháp và xã hội Pháp còn có được sự tự do, sự tôn trọng quyền con người mà những xã hội Á Châu chưa hề có.
So sánh xã hội Pháp với xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn, ông Petrus Ký đã chọn việc dựa vào Pháp để học hỏi nhằm tiến tới một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Và ông đã chọn chính phủ Pháp thay vì những ông vua nhà Nguyễn.
Đương nhiên, “chính phủ Pháp” hay chính quyền thuộc địa Pháp có khác nhau, cũng như chính sách thuộc địa có lúc này lúc khác, như Paul Bert có khác Paulin Vial, hay Jauréguiberry không phải là D’Ariès. Và do đó, ta có thể hiểu được tại sao Petrus Ký ủng hộ Paul Bert nhưng chống lại Paulin Vial, tại sao ông đồng ý làm việc với Jauréguiberry nhưng yêu sách với D’Ariès. Tất cả đều vì mục đích tối hậu là làm cho đời sống người dân và xã hội của ông tốt đẹp hơn.
Vậy, về chính trị, Petrus Ký rõ ràng đã chọn mô hình của Pháp thay vì mô hình quân chủ phong kiến nhà Nguyễn. Nếu có khi ông tỏ vẻ chống đối Pháp thì đó là vì ông chống đối những chính sách hay những cá nhân đem lại những điều bất lợi cho xã hội An Nam chứ ông chưa bao giờ chống lại chế độ bảo hộ của Pháp.
Muốn biết rõ ràng hơn về quan điểm chính trị này của Petrus Ký, hãy đọc đoạn văn mà ông tự thú nhận là đã “lạc đề” trong cuốn Cours d’Histoire Annamite:
“… chúng tôi không thể quên rằng, người An Nam của nước Pháp hay người An Nam của Nam Kỳ và của Bắc Kỳ chúng tôi đều có cội nguồn chung. Dầu cho có bị rẽ phân bởi vận mạng chính trị, chúng tôi cũng sẽ mạnh dạn chống lại cái cơ chế chính trị sai lầm, trái nghịch với nền kinh tế chánh trị lành mạnh, cái cơ chế chánh trị coi dân như đàn trâu, bầy bò, của những ông vua. Cái cách cai trị ấy chỉ là một sự khoét đẽo vụng về và tội lỗi của bọn quan lại tham nhũng và hám chức, đối với một dân tộc.
Chúng tôi không ngại thú nhận là trong khi đó, sự tổ chức chánh trị tốt đẹp của những dân tộc Tây Phương mà đứng đầu là dân tộc Pháp, đã cám dỗ tâm trí chúng tôi, đã chinh phục lòng yêu chuộng kính mến và trung thành của chúng tôi, cũng như nó biết gây cảm tình với những sắc dân mà nước Pháp đã sáp nhập vào bá quyền của nó. Những dân chúng ấy bắt phải sững sốt mà thấy mình được tự do như vậy, được bình yên như vậy, được bảo bọc như vậy, là nhờ những người chủ mà trước kia mình coi là những kẻ thù (kể cũng là lôgich).
(Tôi xin lỗi về cái nghị luận lạc đề này mà sự khảo sát những sự kiện lịch sử đã dẫn đến. Người ta đâu nỡ trách tôi, nếu một cảm giác u buồn, chua chát xâm chiếm lòng tôi, khi tôi nhìn thấy xứ sở này đã ra thân như thế nào, mà đáng lẽ nó đã có được như thế nào rồi).54
Trong khi đó, về văn hóa hay chính xác hơn về đạo đức ông đã chọn đời sống đạo đức của phương Đông. Đó là lý do ông đã không ngừng dạy dỗ phổ biến văn hóa đạo đức phương Đông qua những sách vỡ của ông cũng như sống một cuộc đời hoàn toàn phương Đông từ cách ăn mặc đến việc từ chối vào dân Tây .
Tóm lại, với mục đích tối hậu là làm cho xã hội của ông tiến bộ hơn, Petrus Ký đã chọn những gì tốt đẹp nhất theo ông nhận xét từ cả hai phía Đông Tây. Với mục đích đó, ông đã ủng hộ những người Pháp tiến bộ muốn làm điều tốt cho nước ông như Paul Bert và sẵn sàng đối phó với những người có máu thực dân như Paulin Vial hay D’Ariès. Với mục đích đó, ông đã sẵn sàng đả kích những người cùng đạo với ông trong khi lại bênh vực những kẻ khác đạo. Với mục đích đó, ông đã ủng hộ những quan lại nhà Nguyễn có óc cải cách như Phạm Phú Thứ trong khi sẵn sàng lên án những kẻ khuynh loát triều đình nhà Nguyễn như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường . Với mục đích đó, ông đã chép lại tội ác của thực dân Pháp khi dân chúng gọi là giặc, trong khi lại ca tụng đất nước Pháp văn minh và những người bạn trí thức Pháp. Với mục đích đó, ông đã khuyên Paul Bert vây quanh Đồng Khánh với các nhà nho, trong khi trong sớ tấu cho Đồng Khánh ông khuyên vua nên đề phòng người Pháp.
Nếu ta hiểu cái mục đích tối hậu của Petrus Ký là làm cho xã hội của ông tốt đẹp hơn bằng cách đóng trọn vai trò gạch nối hay trung gian của ông thì ta sẽ hiểu được tại sao ông làm những việc có vẻ như là mâu thuẫn. Ở thời nay, ta có thể phê bình sự lựa chọn của ông là đúng hay sai, nhưng ta không thể nghi ngờ được cái mục đích tối hậu này của ông.
Và mục đích tối hậu của Petrus Ký là cho xã hội chứ không phải cho chính ông hay gia đình ông. Lịch sử đã chứng minh là ông làm việc cho Pháp với mức lương cao nhất thời đó, nhưng ông đã chết nghèo vì tiền làm ra được ông dùng để in thêm sách học. Ông đã từ chối làm giàu dù học trò của ông, những người làm việc cho Pháp cùng thời hay sau ông đều phát lên giàu có nhờ dựa vào thế của Pháp. Ông cũng đã từ chối không làm quan chức gì mà chỉ nhận là thầy giáo mà thôi, cho đến khi chết trên phần mộ cũng chỉ đề đơn giản là Giáo Sư Ngôn Ngữ Đông Phương.
9. Kết Luận
Người viết bài này bắt đầu khởi sự tìm hiểu về “sic vos non vobis” với một mục đích rất đơn giản là tìm hiểu nghĩa đen của chúng. Và ở thời đại internet ngày nay, người viết đã không mấy khó khăn để nhận ra rằng “sic vos non vobis” hoàn toàn không có nghĩa “ở với họ nhưng không theo họ” như ta vẫn thường biết. Từ khám phá đó, người viết đã tìm đọc thêm nhiều tài liệu về Petrus Ký cũng như của Petrus Ký để đưa đến bài viết này. Quả nhiên Petrus Ký đã dùng “sic vos non vobis” để nói lên triết lý sống của ông với một người bạn, nhưng đó là một ý nguyện cao đẹp bất vị kỷ để phụng sự xã hội, chứ không phải là một câu để tự bào chữa như chúng ta đã tin tưởng từ bao lâu nay.
Điều may mắn là Petrus Ký đã viết rất nhiều, và những sách báo viết về ông cũng rất nhiều, nên người viết có thể tham khảo trực tiếp những nguồn tài liệu quí báu đó. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là rất khó khăn để tìm hiểu con người thông thái này. Ở vào thế kỷ 19, trong khi những người có học thức cùng thời với ông, những nhà nho, còn miệt mài với sách đèn thi cử, thì Petrus Ký đã là bạn tâm giao với những trí thức lớn nhất thời đại. Ở vào thời mà “trung quân” mới là “ái quốc” và vẫn còn là mục đích cho các người cùng thời thì ông đã đàm luận về nhân loại, xã hội, khoa học bằng Latin, bằng Pháp Văn, bằng Anh Văn, với các bạn trí thức người Pháp của ông. Sự hiểu biết của ông càng rộng thì những gì ông viết đòi hỏi rất nhiều thì giờ để hiểu và suy ngẫm.
Nhưng cũng chính vì sự “đi trước thời đại” hàng trăm năm này mà ông Petrus Ký đã rất cô đơn ở ngay chính trong xã hội của mình. Nếu đến hơn trăm năm sau mà những người thương mến ông nhất còn chưa hiểu được ông, còn cho là ông đã tự biện minh, tự bào chữa, thì quả nhiên ông đã không lầm khi viết rằng:
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai