Trong hơn 140 năm, 1802- 1945, nhà Nguyễn là triều đại đầu tiên thống nhất Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Các vua Nguyễn nếu không là minh quân thì cũng chẳng có ai là hôn quân bạo chúa, có điều vua Gia Long kết nối với Âu Tây trong lúc tìm cách lấy lại cơ đồ, nên rất khó chặn được làn sóng tôn giáo và thực dân rất mạnh của thế kỷ 19. Ðấy là khó khăn bên ngoài mà liên tiếp ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức đã không gỡ được, trong lúc nội bộ thống nhất chưa xong, quy tập toàn dân không được vì toàn dân chưa thành một một khối thuần nhất:

Vua Bảo Đại và con số 13 bí ẩn gắn liền với cuộc đời

a- Khó khăn về quần chúng: nước Việt mới, rộng lớn, triều đình Huế khó lan tỏa quyền lực nhất là ra miền đất cũ, dân chúng và triều đình chưa tin cậy nhau, dân Việt còn trong giai đoạn phân hóa: nhà Lê cũ, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn mới, lại thêm dân tộc chia ra làm lương với giáo, với sự hiện diện đông đảo, dù có cấm, của các giáo sĩ Tây phương rất quyết tâm và giàu phương tiện. Một ông vua anh tài như Minh Mệnh trong 20 năm cố gắng vẫn chỉ biết noi theo đường lối phong kiến cũ: bành trướng đất đai, triệt hạ nền cũ (như phá thành Thăng Long cũ, xây thành nhỏ hơn, đổi tên mới Hà Nội, Bắc Ninh… xử tội Lê Văn Duyệt, 1832 lấy hết đất của người Chàm ở Phan Rang Phan Rí..) mà không khôn khéo thu phục nhân tâm, lại không nhìn xa thấy rộng, không lượng thế mình và thế Tây phương.

Về nghi vấn trong việc vua Minh Mạng xử tử cha vợ
Chân dung Minh Mạng theo minh họa trong sách của John Crawfurd. (Ảnh từ wikipedia.org)

b- Ðến đời Tự Ðức thì nhà Nguyễn bị suy tàn, sự suy tàn của chính hệ thống vua quan Á Đông nói chung, của chính tầng lớp cai trị do khoa bảng Nho giáo suy thoái tạo nên, không giúp được dân mà cũng chẳng giữ được địa vị, nghĩa là không đóng được vai trò lịch sử của thế kỷ mới. Tính ra có tới hơn 350 cuộc dấy loạn của dân chúng, xã hội từ Nam chí Bắc đầy bất công tham nhũng, nghèo đói, dịch bệnh (1826 ở Nam bộ bệnh dịch làm chết 18.000 người, năm 1820 và 1840 hai trận dịch làm dân Bắc Thành chết khoảng 200.000 người), lưu tán (nạn đói 1858 ở Hà Nội làm dân bán mình bán con, cả 3 vạn người đi ăn xin!) miền Nam đào kênh Vĩnh Tế năm 1819, làm 7.000 ngàn phu phen chết, triều đình thì lại lo xây lăng tẩm, đồn lũy, làm hao hụt công quỹ và kiệt quệ sức dân. Phản ứng của Cao Bá Quát nói lên ý thức canh tân của trí thức Việt Nam vào thời Tự Ðức, đồng thời phản ảnh sự co cụm của triều đình hủ lậu từ chương vào quanh kinh đô Huế, khiến cả nước thiếu hẳn sinh khí dân tộc thống nhất để chống trả ngoại xâm.

Hảo ý của vua Minh Mệnh thời đầu, chiêu dụ nhân sĩ miền Bắc, như mời Phạm Ðình Hổ làm tế tửu Quốc Tử Giám, thâu thập sách vở tư gia… bình dị đón tiếp mấy ông già Ba Tri đi bộ ra Huế kiện cáo (về vụ chợ búa kênh đào – theo truyền thuyết)… không được tiếp tục về sau, đến đời Tự Ðức, thì việc cai trị dẹp loạn ở miền Bắc hầu như trao hẳn cho các quan quân xuất thân vùng Thanh Nghệ Tĩnh (như quân Thanh Nghệ ra dẹp Cao Bá Quát, dẹp giặc Tạ Văn Phụng…), tạo ra mặc cảm nghi kỵ nhau giữa các địa phương, mãi tới thời Bảo Ðại mới thấy có một nhân vật miền Bắc là Phạm Quỳnh vào làm tới trụ cột triều đình ở Huế, mà cũng do áp lực xếp đặt của Pháp! Sự chống đối triều đình Huế của dân chúng và sĩ phu miền Bắc khởi nguồn từ chính sách đối nội vụng về thiên lệch ấy. Hệ quả tai hại là nước đục thả câu, Tây phương gậm nhấm dần dần quần chúng nghèo đói miền Bắc cần “lấy gạo mà ăn”, họ xây dựng cứ địa, tạo làng xóm riêng, dễ trở thành bàn đạp cho thực dân sau này.

c- Ở Á Ðông, chỉ có Thái Lan và Nhật Bản đứng vững trước bão táp Thực dân nhờ biết uyển chuyển đổi mới. Thái Lan sẵn có gốc rễ Phật giáo thuần hòa lại biết lợi dụng hai thế lực mâu thuẫn nhau là Anh và Pháp để đứng giữa, nhất là Anh luôn luôn luôn ngăn chặn Cơ đốc giáo từ Pháp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha. Nhật Bản có sẵn căn cơ bản lĩnh văn hóa, có sẵn một lớp Võ Sĩ đạo quyết liệt yêu nước, không bị tê liệt hủ lậu tự cao tự đại với Tống Nho đã suy tàn, cho nên đổi mới kịp thời thành một cường quốc. Trong lúc ấy, ta và Tàu khinh khi Tây phương là Bạch quỷ, tự đắc với quá khứ “đầu tiên chế ra thuốc súng” mà không chịu nhìn nhận tình trạng lạc hậu chậm tiến!

d- Nói như trên, có chê trách là chê trách giới sĩ phu hủ lậu Việt – Tàu thế kỷ 19, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn lên đầu các vua nhà Nguyễn là những ông vua tương đối tốt, không có ai giống vua heo vua quỷ như đời Hậu Lê, không có ai bán nước cho Tàu cho Tây. Việc thống nhất nhân tâm toàn quốc đòi hỏi thời gian và đòi hỏi một triều đình tài giỏi. Các vua Nguyễn không tạo dựng được một triều đình mức ấy và cũng không đủ thời gian để kiến quốc. Tương tự nhà Mạc 66 năm gặp 47 năm loạn, nhà Nguyễn cũng 60 năm thì vừa nội loạn vừa ngoại xâm, khiến mọi việc xây dựng bị phá đổ trong ngoài. Làm sao chống Pháp khi Hoàng Diệu bị bọn phản quốc nội ứng đưa 200 quân Tây vào hạ thành Hà Nội? làm sao giữ được nước khi giới sĩ phu chỉ trông vào Tàu mà chính Tàu cũng đang bị Tây phương chèn ép đánh phá?

e- Ông vua chót, Bảo Ðại, hơn hẳn Phổ Nghi (1906-1967) vua cuối nhà Thanh, và công nghiệp của ông cần được chuẩn định lại. Sử sách chỉ nhìn thấy khúc thất bại của ông mà quên khúc thành công. Không có Bảo Ðại thì không có một Quốc Gia Việt Nam chính đạo cờ vàng, nối tiếp Ðinh Lê Lý Trần Mạc Nguyễn… ông là người duy nhất có tư cách pháp lý lãnh đạo Việt Nam thời 1940 – 50 và ngay cả về sau. Ông đã tạo được một chính quyền từ Hà Nội đến Sài Gòn, chính quyền Việt Nam đầu tiên có mặt ở Liên Hiệp Quốc với thế giới tự do, không có ông thì toàn quốc đã bị nhuộm đỏ và cơ đồ dân chủ tự do không có cơ nhen nhúm để bùng lên khá mạnh, thêm 30 năm nữa.

Nhà Nguyễn và những ông vua tốt
Vua Bảo Đại.

Sự thất bại của phe quốc gia, giống như thời Tự Ðức, nghĩa là vua thì không tệ, nhưng tả hữu thì thiếu người có khả năng cao để đáp ứng với thời cuộc quốc tế mới. Những nhân sĩ như Trần Trọng Kim, Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu… các vị Thủ Hiến, rồi Ngô Ðình Diệm… không đủ tài ba để giúp một ông vua trẻ cỡ trung bình chống trả với những thế lực quốc tế, quá mạnh, quá lớn. Bảo Ðại đã làm với sức của ông, ông đã dành được độc lập dù là độc lập bước đầu với Pháp, không thể trách ông sao không chống được thời cuộc, vì chính Pháp, Mỹ, và Tây phương còn để mất cả Ðông Âu cho Stalin! Tưởng Giới Thạch làm mất cả Hoa lục! Giả dụ không có sự biến đổi quá mạnh mẽ ấy, thì giải pháp quốc gia từ 1949 dần dần có thể hoàn chỉnh, tránh được bạo lực quốc tế gieo họa lên đất nước.

Có điểm đáng bàn thêm, là giả dụ ông Ngô Ðình Diệm áp dụng lời khuyên của Trạng Trình “ở giáo đường, thờ Chúa, được ăn bánh thánh”, thì rất có thể miền Nam quốc gia, với uy tín của Chúa Nguyễn Bảo Ðại, đã có thể tránh được tranh chấp và vững vàng hơn không? Những điểm chê trách Bảo Ðại và chê trách phe quốc gia như: tham nhũng thối nát, phong kiến, xa dân, độc tài… đều có phần đúng, nhưng đem so tương đối với các nước chậm tiến khác, với các chế độ khác, ở thời điểm ấy, thì cũng không thấy tệ hơn, và riêng việc đấu tố giết người hàng triệu, có chính sách hệ thống triệt hạ giai cấp quy mô thì Bảo Ðại và chính quyền quốc gia chắc chắn không ghê gớm bằng Stalin, Mao, Pol Pot… và Bảo Ðại rõ ràng không tham quyền cố vị như Castro, Mao, Kim… hay so ngay với Tưởng, Marcos….

Bảo Ðại tuy thiếu ý chí nhưng là người khá khôn ngoan: không phe nào lợi dụng được ông, từ thực dân tới cộng sản, tới cả Mỹ, lẫn cả những kẻ thân cận giá áo túi cơm. Ông giữ tư cách khi làm vua và làm quốc trưởng, không xin xỏ quỵ lụy ngoại bang, không thấy ông ra lệnh thủ tiêu ai, giai nhân mỹ nữ thì nhiều nhưng chưa từng thấy ông sai khuyển mã sát hại phi tang, ông xứng đáng là vị Chúa Nguyễn cuối cùng của nhà Nguyễn và có lẽ là nhân vật lịch sử rất triết lý (philosophe) của thời đại: ông nhìn ra ma lực chính trị thế giới, ông nhìn ra ma giáo trong và ngoài, ông không hám danh, biết thế mình yếu nên lánh ra một bên. Có ngôi báu mà dám bỏ đi vì dân vi quý, có cờ quạt mà không múa may như phường tuồng, ông là ông vua không làm nhục nhà nhục nước.

Rốt cuộc, không mấy ai phá chấp nhìn ra chân trời phát triển kinh tế nhân bản thực tế của Anh Mỹ nở rộ quanh Úc, Tân Tây Lan, Hương Cảng, Thái Lan, Tân Gia Ba, Nhật, Ðài Loan, Ðại Hàn… Rốt cuộc người Việt phải lan ra hải ngoại mà trì phục. Và sau hàng triệu mạng người phí hoài, từ 1990 người ta lại quay trở lại xã hội tư hữu, tư bản, tư doanh, với cái đuôi thị trường tự do “định hướng”… Người ta thường trách vua Gia Long cõng rắn cắn gà nhà mà quên rằng ý thức của họ còn đang phải cõng một thứ nặng nề hơn thế…

Hạ Long Bụt Sĩ
Trích đăng có chỉnh sửa từ bài viết cùng tên