Văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa đầu tiên của người Việt tại miền Bắc Việt Nam, khi văn minh sông Dương Tử sụp đổ. Trong văn hóa này, thì nha chương là một vật biểu tượng quyền lực rất quan trọng, từ việc đi tìm hiểu về vai trò của nha chương, chúng tôi nhận thấy có một ngôi mộ có thể là ngôi mộ của một vị vua Hùng nào đó.

Nha chương là vật biểu tượng quyền lực quan trọng trong vùng Đông Á, nó đại diện cho quyền lực nhà nước, theo Chu lễ, thì: “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”. Như vậy, chúng ta thấy được rằng nha chương đại diện cho quyền lực chính trị. Từ đầu mối này, chúng ta có thể thử đi tìm người có quyền lực cao nhất trong văn hóa Phùng Nguyên thông qua ngôi mộ có nha chương.

Trong văn hóa Phùng Nguyên, cũng đã có một ngôi mộ rất nổi bật, với việc tìm thấy 2 chiếc nha chương, 4 chiếc vòng chữ T, 85 khoanh và ống hạt chuỗi, 19 mảnh vòng tai bằng ngọc,các cổ vật này được đúc bằng ngọc trắng ngà, đây là loại ngọc được ưa chuộng bởi các tầng lớp quý tộc trong các văn hóa Đông Á. [1] Đây là ngôi mộ đặc biệt nhất của văn hóa Phùng Nguyên từng được tìm thấy.

Ngôi mộ với các cổ vật nhiều nhất của văn hóa Phùng Nguyên. [2]

Thố gốm tìm thấy trong mộ Xóm Rền. [2]

Với vai trò quan trọng của nha chương, cũng như vị trí đặc biệt của ngôi mộ Xóm Rền, chúng tôi cho rằng đây hoàn toàn có thể là một ngôi mộ của một vị vua Hùng trong thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, với những chiếc nha chương được chôn cùng biểu trưng cho quyền lực tối cao của vua. Quyền lực thường được thể hiện cùng với những cổ vật được chôn cùng người chết, chiếc nha chương lớn nhất được chôn trong mộ này, cũng như nhiều cổ vật tinh xảo, cho thấy giả thuyết đây là ngôi mộ của một vị vua Hùng là có cơ sở.

Nhưng có lẽ bạn đọc cũng có chút băn khoăn, tại sao ngôi mộ một vị vua lại không thực sự nhiều cổ vật như vậy? Văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ văn minh Dương Tử, di cư về phía Nam theo các nghiên cứu di truyền [3][4], nên không có lý do gì để nghi ngờ về trình độ của cư dân tộc Việt văn hóa Phùng Nguyên trong vùng miền Bắc Việt Nam. Nhưng nếu so sánh về số lượng cổ vật của ngôi mộ này với những ngôi mộ giàu có nhất của các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, chúng ta sẽ thấy được sự chênh lệch rất lớn. Tại sao lại như vậy? Chúng ta hoàn toàn có thể tìm những lý giải phù hợp với thực tế lịch sử thời kỳ đó.

Đầu tiên, đó là khi di cư về Việt Nam vào 4000 năm trước, trước mặt cư dân tộc Việt văn hóa Phùng Nguyên là một vùng đất nhỏ hẹp, bởi vùng đồng bằng sông Hồng nhiều nơi đang còn dưới mực nước biển, nên vùng canh tác lúa nước là rất nhỏ, lương thực là nền tảng cốt lõi của văn minh cổ đại, việc không có một đồng bằng lớn để canh tác như vùng Dương Tử, khiến cho lượng cư dân có thể sinh sống ở đây cũng hạn chế, việc gia tăng dân số cũng rất chậm chạp, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc chế tác ngọc và các sản phẩm bằng ngọc, nghệ thuật cũng không thực sự phát triển, bởi chế tác ngọc yêu cầu một lượng nhân công cực lớn, việc dân số không phát triển, cũng như một lượng lớn nhân công phải làm nông nghiệp, nên các cổ vật văn hóa Phùng Nguyên không được nhiều và giàu có như trong vùng Dương Tử. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, khi các cổ vật trong ngôi mộ giàu có nhất của văn hóa này lại có hiện vật chưa thực sự nhiều như các văn hóa trong vùng Dương Tử. Bên cạnh đó, đồ ngọc của Đông Á tới giai đoạn này đã cạn kiệt, nên việc phát triển đồ ngọc không còn dễ dàng như khi còn trong vùng Dương Tử. Việc thiếu nguồn lương thực, giảm thiểu khả năng phát triển dân số, khiến việc phát triển văn minh không thực sự thuận lợi, nhưng văn hóa Phùng Nguyên vẫn là một văn hóa lớn, là tiền đề cho sự hình thành của văn hóa Đông Sơn.

Chính vì những nguyên nhân đó, nên việc ngôi mộ của một vị vua lại không thực sự giàu có như vậy cũng là điều có thể hiểu được, bên cạnh đó, có lẽ một phần nguyên nhân cũng tới từ sự giản dị của người Việt, vốn là truyền thống từ ngàn xưa, những ngôi mộ các vị vua các triều đại thời tự chủ đa phần cũng rất đơn sơ và giản dị, nên vua khi chết cũng chôn giống như thường dân, chứ không phải là lăng mộ to lớn, nguy nga như các triều đại Hoa Hạ.

Bản đồ thể hiện mực nước biển trong đồng bằng sông Hồng theo nghiên cứu năm 2018 của nhóm Phùng Văn Phách, chúng ta có thể thấy được thời Phùng Nguyên thì đồng bằng sông Hồng mới mở ra tới Hưng Yên. [5]

Còn rất nhiều vấn đề về nguồn gốc dân tộc cần làm rõ, nhưng chúng tôi cảm thấy thực sự vui mừng và xúc động, vì một phát hiện rất ý nghĩa này, khi lần đầu tiên được biết tới một ngôi mộ có vai trò quan trọng nhất trong văn hóa Phùng Nguyên. Chúng tôi hy vọng rằng, các nhà khảo cổ Việt Nam sẽ tích cực khai quật các di chỉ tại Việt Nam, trước khi các địa tầng văn hóa bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, điều đó sẽ có ý nghĩa vô cùng với đối với việc tìm hiểu và nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển của dân tộc Việt trong giai đoạn sau này.


Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Việt, Hà Nội Thời Tiền Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, 2010.

[2] Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: “Trở lại vấn đề nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên”, trong tạp chí Khảo cổ học, số 5 năm 2010, tr. 50-63.

[3] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[4] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[5] Phùng Văn Phách (chủ biên), Sự hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng trong giai đoạn Holocene, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ.