Đây là tên hiện tại của thủ đô nước ta, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc của nó.
Dễ dàng thấy được, Hà Nội có Hán tự là 河内, trong đó Hà (河) là sông và Nội (内) là “bên trong”. Chính vì lối viết Hán tự này mà nhiều học giả đã lập luận: Hà Nội là “thành phố nằm bên trong sông”, sở dĩ có tên gọi vậy vì căn cứ theo bản đồ Hồng Đức năm 1490, kinh thành thời bấy giờ được bao quanh bởi sông Hồng và sông Tô Lịch.
Đây là một lập luận hết sức sai lầm. Thứ nhất, tên Hà Nội là do vua Minh Mạng đặt ra năm 1831, không thể nào dùng địa hình thời Hồng Đức mà giải thích được. Thứ hai, Hà Nội ban đầu là tên của một tỉnh rộng lớn, trong đó bao gồm 4 phủ và 15 huyện, Thăng Long chỉ là một phần trong đó mà thôi. Sau này khi thực dân Pháp vào Việt Nam, có lẽ do phát âm Thăng Long không được nên đã đổi tên Hà Nội sang đặt cho kinh thành này, và đặt làm thủ phủ Đông Dương. Như vậy, mảnh đất Hà Nội xưa kéo dài ra đến tận sông Đáy, chứ không gói gọn trong sông Tô Lịch.
Tới đây, lại có người cho rằng, ừ thì không phải sông Tô Lịch mà là sông Đáy, tóm lại Hà Nội vẫn là thành phố nằm trong sông mà thôi! Nhưng dù thế nào đi nữa, việc bao quanh bởi 2 con sông mà gọi là “nằm trong sông” thì thực sự rất vô lý, và trước giờ các văn tự cả Tàu lẫn Việt chưa thấy ai dùng như thế bao giờ. Chữ “nội” đó giờ chỉ có hai cách dùng:
1. Chỉ phần nằm trọn bên trong một thứ gì. Nếu xét nghĩa này, thủ đô phải ở giữa lòng một con sông, hay chìm nghỉm dưới đáy sông thì mới có thể gọi là Hà Nội.
2. Khi một vùng bị chia làm đôi, phần chính hơn được coi là “nội”, phần khác là “ngoại”. Như Trung Hoa có Nội Mông, Ngoại Mông, xứ Thanh Hoá xưa có Thanh Nội và Thanh Ngoại, hay làng Vĩnh An có hai vùng: vùng đông dân cư là Vĩnh An nội và vùng thưa thớt người sinh sống là Vĩnh An ngoại.
Cứ cho là vua Minh Mạng muốn sáng tạo ra một cách dùng mới thì ít nhất phải có tài liệu ghi nguyên văn của ông, ví dụ như: “Trẫm thấy vùng đất này nằm giữa sông Hồng và sông Đáy nên gọi là Hà Nội”, nhưng chúng ta không thấy bất cứ lời nào như vậy, dù các văn tự thời Nguyễn còn được lưu giữ rất nhiều cho đến nay. Ở đây, chúng tôi thiên về cách hiểu thứ hai của chữ “nội”, và có Hà Nội chắc chắn có Hà Ngoại. Đây là cách gọi của Trung Hoa, lấy sông Hoàng Hà làm mốc, từ Hoàng Hà trở về Bắc là địa bàn tập trung của người Hán, cũng là vùng đất mà người Tàu vẫn tự đắc là cái nôi của văn minh phương đông, là phần chính hơn, nên gọi Hà Nội.
Còn từ Hoàng Hà về Nam, có cả Việt Nam, bị Tàu coi là mọi rợ, nên đặt Hà Ngoại. Vua Minh Mạng vốn là một người khá thần phục Trung Hoa, điều này có thể thấy rõ trong lễ nhận sắc phong của nhà Thanh, ông cất công mang từ Huế một lượng lớn văn võ bá quan lên đến 6936 người, dù không được yêu cầu. Căn cứ vào điều này, rất có thể khi thấy người Trung Hoa gọi Hà Nội là địa bàn văn minh nước họ, ông cũng hí hửng mang tên này về Việt Nam để đặt cho vùng đất bao quanh thành Thăng Long. Ở Việt Nam có Hà Nội mà không có Hà Ngoại là vì vậy.
Ngoài Hà Nội, ở Việt Nam vẫn còn nhiều địa danh khác trùng với những địa danh bên Trung Quốc như Thái Nguyên, Sơn Đông, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Trường Sa, Thiên Thai… Những tên gọi này, có thể cũng do các vua quan chịu ảnh hưởng Trung Hoa như Minh Mạng đặt mà có.
(Tham khảo Culture Magazine và Rong chơi miền chữ nghĩa 1)