Ngày nay rất ít học sinh thích học. Làm thế nào để đi học là niềm vui, học tập là hạnh phúc?
Hiện nay, trong giáo dục tồn đọng nhiều vấn đề đã từ lâu vẫn không giải quyết được, vấn đề cũ chưa xong lại nảy sinh vấn đề mới. Vậy giáo dục thời xưa có gì khác? Khác biệt chính nằm ở nội dung mà người xưa học tập. Đoạn mở đầu sách giáo dục trẻ em xưa “Phép tắc người con” (Đệ tử quy) như sau:
“Phép người con, Thánh nhân dạy:
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín;
Yêu rộng khắp, gần người nhân;
Có dư sức, thì học văn”.
Đây là nội dung Lý Dục Tú đời Thanh đã tóm tắt lại lời dạy của Thánh nhân Khổng Tử rằng: “Học trò ở nhà phải hiếu, ra ngoài phải đễ, cẩn thận và thành tín, yêu thương rộng khắp mọi người và thân cận với những người nhân đức. Thực hiện được tốt rồi vẫn còn dư sức thì mới học văn hóa“.
Tức là trước tiên cần hiếu thuận. Làm người thì hiếu đứng đầu, là thể hiện đầu tiên của “đức dày chở vật” và “cảm ân”.
Chữ Đễ (悌) gồm chữ Đệ (弟 – người em) và bộ Tâm (忄- cái tâm, tấm lòng), trong lòng người em có anh trai, kính anh, đó gọi là đễ. Trong lòng anh cũng có em, quan tâm em, đó cũng gọi là đễ.
Trẻ em đi học, đầu tiền là học hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương anh chị em, đến khi lớn thì làm việc cẩn thận, nghiêm túc, làm người thành thật, thủ tín. Tiếp theo là yêu thương rộng khắp mọi người xung quanh, mở rộng tình yêu thương hiếu đễ trong gia đình đến mọi người trong làng xóm, trong trường học, rồi rộng ra tới mọi người trong quốc gia, và mọi người trong thiên hạ.
“Yêu thương rộng khắp mọi người và thân cận với những người nhân đức”, việc này rất quan trọng. Thân cận với người nhân đức. Chúng ta nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức, bởi vì đạo đức xã hội hiện nay đã sa sút rất thấp, thậm chí có người học vị học hàm cao như giáo sư, tiến sỹ nhưng đạo đức lại rất thấp kém.
Người xưa nói: “Người thầy là người truyền Đạo, truyền thụ nghề nghiệp, giải đáp nghi hoặc“. Người thầy ngày nay có truyền Đạo không? Ở Đại học Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh có vụ sinh viên chém chết thầy. Chém thầy chết rồi mà sinh viên đó vẫn rất bình thản. Bạn thử nghĩ xem, người thầy đó đã dạy học sinh những gì? Có dạy những điều tốt đẹp không?
Nếu thực sự dạy những điều tốt đẹp, an hòa thì như Phép tắc người con dạy, thứ nhất là hiếu, thứ nhì là đễ, thứ ba là cẩn thận, thứ tư là thành tín, thứ năm là yêu thương rộng khắp tất cả mọi người, thứ sáu là gần gũi với người nhân đức. Cả sáu điều này đều không phải là tri thức, đều là đạo đức. Khổng Tử nói, học đạo đức, sau đó thực hành tốt rồi, có dư sức rồi mới học văn hóa (hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn), lúc đó mới học tri thức, kỹ năng.
Nếu ngày nay chúng ta cũng học những cái này, đầu tiên hiếu thuận: “Thân tổn thương, cha mẹ lo. Đức tổn thương, cha mẹ tủi“. Khi chúng ta đánh nhau tức là về phương diện này chúng ta học chưa đủ. Đánh nhau, bạn bị thương thì cha mẹ lo lắng, còn nếu bạn hành hung người khác thì phải vào tù, khiến cha mẹ tủi hổ.
Chúng ta còn học làm việc cẩn thận nữa. Ngoài ra Phép tắc người con còn dạy rằng:
“Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu
Uống say rồi, rất là xấu”.
Sinh viên hiện nay, không ít trường hợp uống rượu, say rượu cãi nhau, đánh nhau, hành hung… Nếu học sinh được học và thực hành những điều này, chúng sẽ không rượu chè bê tha, đánh nhau. Khi chúng học được “yêu rộng khắp” rồi thì chắc chắn sẽ chẳng đánh người, hành hung mà tập trung vào học tập, giữ gìn tiêu chuẩn đạo đức làm người. Nếu vi phạm những chuẩn mực này thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp cho bản thân và những người xung quanh.
Thế nên những điều chúng ta học là rất quan trọng, mà việc học ngày xưa và ngày nay lại khác biệt quá nhiều. Người xưa chủ yếu học tập đạo lý làm người. Học tập nghĩa là học và luyện tập, thực hành. Chữ Tập (習 – thực tập, thực hành) có chữ Vũ (羽 – lông vũ), ở dưới là chữ Bạch (白 – màu trắng), nghĩa là con chim nhỏ ban ngày tập bay lượn. Chúng ta học đạo lý làm người, là những điều tốt đẹp, sau đó thực hành, thực tập những điều đó trong thực tiễn cuộc sống, gọi là học tập, do đó quá trình học tập chính là hiểu và làm được những điều tốt đẹp, đó chính là hạnh phúc.
Học tập xưa là hạnh phúc vì những điều học và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày đều là những điều tốt đẹp, có ích lợi cho bản thân và người xung quanh. Học tập hạnh phúc còn bởi bạn bè cũng đều là người có đạo đức cao: “Có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm đó sao?“. Bạn xưa đều là người chí đồng đạo hợp. Bạn ngày nay đa phần là bạn rượu thịt, bạn nhậu, đó không phải là bạn thực sự. Ngày nay có những học sinh đánh nhau, còn có cả đánh hội đồng nữa, đó sao có thể gọi là bạn được, cùng học với nhau mà không phải là bạn mà coi nhau như kẻ thù, thế thì đi học chính là cực hình rồi.
Do đó kết giao bạn bè rất quan trọng. Người chí đồng đạo hợp về làm người, về truy cầu chân lý chân chính mới là người bạn tốt thực sự. Thế nên “người quân tử hài hòa, hòa hợp với tất cả nhưng không kéo bè kết đảng, còn tiểu nhân thì kéo bè kết đảng chứ không hài hòa, hòa hợp”. Người quân tử thân ái, hài hòa với mọi người nhưng không bè cánh mà người xưa gọi là “kết đảng doanh tư” (kết bè đảng mưu lợi riêng), một nhóm người bè cánh túm lại với nhau làm việc gian tà vì tư lợi, đó không phải là bạn bè thực sự.
Có một câu chuyện rằng, thời Chiến Quốc có người tên là Lâm Hồi. Một hôm có bọn cướp tràn đến. Lâm Hồi ôm con nhảy qua cửa sổ chạy trốn, không kịp đem theo bất kỳ vật gì. Nhà ông có một vòng ngọc bích, trị giá ngàn vàng. Ông ôm con chạy, cũng chẳng để ý gì đến ngọc quý nữa. Sau này có người hỏi ông: “Tại sao ông ôm con liền chạy? Tại sao ông không đem theo vòng ngọc?”
Lâm Hồi trả lời rằng: “Tôi và ngọc là sự kết hợp của lợi ích. Tôi và con trai là sự kết hợp của nghĩa. Kết hợp của nghĩa thì càng hoạn nạn càng trân quý, càng lúc khó khăn nguy hiểm thì càng thân mật. Khi con người kết hợp vì lợi thì sẽ do lợi mà hợp, cũng sẽ do lợi mà tan, lúc càng khó khăn nguy hiểm thì phân tán càng nhanh“.
Cá chết vì mồi, người chết vì lợi. Kết hợp vì lợi thì không lâu bền, còn có thể gây tai họa. Có thể thấy trí tuệ người xưa nhìn rất xa. Bạn bè chúng ta là những người chí đồng đạo hợp, mọi người tụ hợp với nhau vượt trên tiền bạc, chỉ cần gặp nhau là vui mừng lắm rồi. Những người bạn như thế này thì càng nhiều càng tốt.
Khổng Tử còn nói một câu rằng: “Người khác không hiểu mình mà mình không tức giận thì đó chẳng phải đã là quân tử rồi đó sao?“. Trong cuộc sống thường gặp chuyện là khi chúng ta làm một việc, người khác tức giận, nhục mạ mình, thử hỏi mình có thể không tức giận được không?
Nghiên cứu khoa học hiện nay đã chứng minh rằng: Khi con người tức giận thì thân thể sẽ sản sinh ra một loại độc tố khiến cơ thể khó chịu, có thể dẫn đến sinh bệnh. Điều đó có nghĩa là sự tức giận của bạn có hại cho thân thể bạn. Có người là quân tử, có người là tiểu nhân, mà tiểu nhân thì thường tức giận khi bị tổn hại lợi ích. Người quân tử thì không tức giận. Đó là hai cảnh giới của con người, khi người khác không hiểu mình, oán trách, nhục mạ mình, nếu mình lựa chọn tức giận thì chính là tiểu nhân, còn nếu lựa chọn kiềm chế, nhẫn nhịn, không tức giận, thì đó là người quân tử. Nhưng nếu mình không những không tức giận, trái lại vẫn cứ vui vẻ như thường, như thế còn là tiêu chuẩn cao hơn, là người quân tử cao hơn. Khi bạn gặp những sự việc mà người bình thường sẽ phiền não, giận dữ… mà bạn vẫn giữ được nội tâm vui vẻ, thản nhiên, thì bạn đã là người quân tử ở cảnh giới cao rồi.
Xưa có câu chuyện như thế này: Có một cụ già bán mì vằn thắn ở bên Tây Hồ, mỗi bát nhỏ giá 5 đồng, bát to giá 1 đồng. Thế là mọi người đều đến mua bát to. Bát nhỏ không ai mua cả, vừa ít vừa đắt.
Thực ra đó là một Đạo nhân đắc đạo tìm đồ đệ ở chốn nhân gian. Đạo nhân này coi trọng điều gì? Ông tìm người có thể buông bỏ lợi ích. Tức là người mà khi bị mất đi lợi ích vẫn có thể vui vẻ như thường thì đó chính là người quân tử, chỉ người như thế mới có thể vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ để thành tựu đại nghiệp.
Thanh Hà (biên dịch)
Tác giả: Đồng Hân – zhengjian.org