Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Ngự tiền chi bảo – con dấu vàng đặc biệt của Hoàng đế nhà Nguyễn

Triều Nguyễn đúc hai chiếc Kim bảo Ngự tiền chi bảo 御前之寶 bằng vàng với hình rồng: Một ấn có mặt hình bầu dục đúc thời Vua Gia Long; một ấn có mặt hình bát giác đúc thời Vua Đồng Khánh. Từ nguồn sử liệu – Châu bản triều Nguyễn, có thể thấy: Họa tiết trang trí viền ngoài của 2 Kim bảo này giống nhau và trong dấu cùng một kiểu tự dạng: chia làm 2 hàng và khắc chữ theo lối Chân thư, nét chữ đậm nhạt như chữ viết trên giấy.

Kim bảo Ngự tiền chi bảo 御前之寶, đúc năm Gia Long 16 (1817) đóng trên bản phụng thượng dụ ngày mồng 9 tháng Giêng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) của Bộ Lại về việc phái cử quan viên. © TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi chép rằng: “Đinh Sửu, Gia Long năm thứ 16 (1817), tháng 12, đúc ấn Ngự tiền chi bảo (dùng vàng 10 tuổi để làm)”[1]. Bản chiếu ngày 23 tháng Chạp năm Gia Long 16 (1817) của nhà Vua ban cho văn võ bách quan tại Kinh rằng: “Nay chế định Ngự tiền chi bảo và sẽ khai bảo từ tháng Giêng sang năm”[2]. Như vậy, thời gian sử dụng Kim bảo Ngự tiền chi bảo với hình bầu dục, kích thước 2,5 cm x 3,0 cm, viền ngoài 0,4 cm được bắt đầu từ năm 1818.

Kim bảo Ngự tiền chi bảo đúc thời Vua Gia Long hiện nay không còn, nguyên do là vào năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi rời khỏi Kinh thành đã mang theo bảo ấn này. Sau đó Vua Đồng Khánh cho đúc lại bằng vàng 2 cấp hình bát giác, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, mũi cao, lưng cong, đuôi uốn, 4 chân choãi. Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Chân trong ô bát giác, diềm khung là băng hồi văn nổi, kích thước 3,3 cm x 3,6 cm, viền ngoài 0,7 cm. Minh chứng nguồn thông tin ghi chép trên bản phụng thượng dụ ngày 12 tháng Tư năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) của Nguyễn Phúc Dĩnh rằng: “Ấn Ngự tiền chi bảo đã được sắc chuẩn dùng vàng để đúc… Ngày trước do có chiến sự, nghịch thần Lê Thuyết đã tự tiện đem theo ấn Ngự tiền chi bảo. Các khoản đó đã lệnh cho thần Bộ Lễ hội đồng thay đổi mẫu mới. Bản ấn ngự tiền chi bảo hình bát giác, dài 8 phân 5 ly, rộng 7 phân 5 ly, đã chế tạo xong. Chuẩn cho giờ Bính Thân ngày mai là giờ tốt giao cho Nội các bắt đầu sử dụng”[3].

Châu bản triều Nguyễn ghi chép quy định vào năm Tự Đức 13 (1860) về việc đóng dấu Ngự tiền chi bảo trên: “các dụ chỉ về việc thường” [4].

Nghi thức đóng dấu kim bảo của triều Nguyễn rất trang nghiêm và quy củ chặt chẽ, mang tính chất nghi thức của quốc gia. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm phiến tâu trình lên Hoàng đế để xin phép định ngày “hầu bửu”. Đúng ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại Điện Cần Chánh. Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra, vệ binh cầm kiếm tuốt khỏi vỏ đứng hầu ở hai bên đàn. Quan Nội các và bộ quan đang trực mặc phẩm phục, bước vào chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, Bảo tỷ được đặt lại vào tráp. Quan Nội các niêm phong rồi Nội thần nhận thỉnh vào cất. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, hội đồng phải lập biên bản và ghi vào sổ. Bản tấu ngày 12 tháng Tư năm Bảo Đại thứ 10 (1935) của Bộ Lễ – Công về việc đóng dấu lên sắc văn: “chiếu theo văn thức soạn chép đã xong, xin chọn ngày 15 tháng này phụng đóng dấu Sắc mệnh chi bảo, Ngự tiền chi bảo, việc xong niêm phong cẩn mật do bộ thần phụng giữ” [5].

Vị trí đóng dấu Kim bảo Ngự tiền chi bảo: trên chữ “khâm thử”; chỗ giấy bỏ không dưới lời phê phụng chữ son; trên chữ số dòng đề niên hiệu của các sách tâu kê việc chi tiêu. Trên bản tấu ngày 12 tháng Chín năm Minh Mệnh thứ 6 (1827) của thành Gia Định ghi chép về việc đóng dấu trên công văn: “Bên dưới chữ đề niên hiệu có phê ngày mỗ, tháng mỗ, thần là mỗ. Phụng chỉ: Tri đạo liễu. Khâm thử và sử dụng dấu Ngự tiền chi bảo lên trên mặt hai chữ Khâm thử”[6].

Kim bảo Ngự tiền chi bảo 御前之寶, đúc năm Đồng Khánh nguyên niên (1886). © Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ngoài đóng trên văn bản hành chính, Kim bảo Ngự tiền chi bảo còn được đem theo khi tổ chức Tế lễ Đàn Nam giao hay tiết Thanh minh. Một minh chứng cụ thể là bản tấu ngày 17 tháng Hai năm Thành Thái thứ 6 (1894) của Nội các về việc đem các bảo tỷ theo làm lễ tế Nam giao: “Ngày 24 tháng này có đại lễ tế ở đàn Giao, trước lễ 1 ngày Ngự giá đến trai cung để ngày hôm sau làm lễ, lễ xong hồi loan. Chúng thần có dự hộ giá, theo lệ có xin đem theo hòm đựng Hoàng đế chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Văn lý mật sát chi bảo, sắc mệnh long kỳ, bảo kiếm và sắc mệnh vương bài, xin chuẩn bị trước” [7].

Từ năm 1837, mỗi năm cứ vào hạ tuần tháng Chạp âm lịch tại Hoàng cung, nhà Nguyễn cử hành lễ phất thức. Từ ngày này trở về sau, không được dùng những ấn này để đóng nữa mà phải đợi đến năm sau làm lễ Khai ấn mới dùng lại. Nghi thức của Lễ Phất thức được ghi chép cụ thể trên bản phúc ngày 24 tháng Chạp năm Duy Tân thứ 2 (1909) của Phủ Phụ chính: “Hôm nay lau chùi bảo tỷ. Chúng thần kính tới điện Cần Chính. Bọn Thái giám Nguyễn Phượng kính đưa tới các tráp thực lục tôn đồ Phả diệp, bảo tỷ, kim bài, ngọc bài, nha bài, quan phòng, phù tín, cờ kiếm. Chúng thần vâng đưa thư sách đối chiếu kiểm tra. Chúng thần hội đồng kính kiểm. Vâng lau chùi, mọi việc đã xong, vâng đưa hoàng phong niêm phong đánh dấu cẩn mật. Trong đó có dấu Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát cùng trữ vào một hòm, hai tráp vương mệnh bài, năm tráp môn bài giao Thái giám vâng giữ. Ngoài ra các hòm tráp giao cho Hiệp lãnh Hà Văn Luân ở Thị vệ xứ chiếu theo số hòm tráp mà đặt tại Điện Cần Chính mà canh giữ, sẽ do Phủ Phụ chính thần tuân lệ kính làm hai bản A.B tiếp tục tiến vào”[8]. Chính bởi triều Nguyễn luôn gìn giữ những kim ngọc bảo tỷ, nên hiện nay số hiện vật này đã được tập hợp tương đối đầy đủ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bộ sưu tập này được chế tác từ thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và đầu đời Vua Gia Long đến đời Vua Đồng Khánh.


[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, H.2007, tr.1021.

[2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[6] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[8] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

Lịch sử China town Chợ Lớn

Nằm cách trung tâm Quận 1 chỉ 6km, Chợ Lớn từng là trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam bộ, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế...

Cha mẹ có để tang con không?

Tang phục là thể hiện tình nghĩa, có phân biệt thân sơ "Họ đương 3 tháng, láng giềng 3 ngày", thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất người còn....

Nguồn gốc của mười hai con giáp

Nguồn gốc của 12 con giáp thường được xem như một sản phẩm của nền văn minh Trung Hoa, từ văn minh Trung Hoa lan tỏa và ảnh hưởng tới...

“Văn hóa không tên” tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa

Buổi sáng thứ sáu tuần vừa qua, tôi được một ông bạn điện thoại đến rủ ra Givral uống cà phê. Tôi rất ngạc nhiên vì từ mấy năm nay...

Số phận của nước Việt thời Xuân Thu – Chiến Quốc

Nhà nước Việt vụt hiện thành một quầng sáng trong huyền sử Trung Hoa vào cuối thời Xuân Thu – Chiến Quốc dưới triều đại của vị chủ tể truyền...

Hình ảnh khó quên về Vũng Tàu năm 1967-1968

Xem những hình ảnh đời thường cực kỳ sinh động về Vũng Tàu năm 1967-1968 do cựu nhân viên quân sự Mỹ Terry Maher thực hiện. Từ bến cá Bãi...

Mấy lần thất thủ Kinh Đô

Tròn hai hoa giáp xoay vòng, 120 năm chẵn, một trăm hai mươi năm không phải chỉ một lần mất Huế. Mỗi lần như thế, đều lưu lại một dấu...

Hoài niệm về đường sắt Việt Nam thập niên 1980

Cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 là thời hoàng kim của ngành đường sắt Việt Nam. Cùng xem loạt ảnh đặc sắc về những chuyến tàu năm...

Thái bình Thiên quốc – cuộc nổi dậy vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc

Lịch sử phát triển và suy vong của Thái Bình Thiên Quốc gắn liền với cuộc đấu tranh của người dân Trung Quốc chống lại sự cai trị của nhà...

Bức tranh toàn cảnh về tiến trình lịch sử của vương quốc Champa

Dựa vào một số tư liệu cổ của Trung Quốc, Việt Nam, những bia đá tìm thấy ở Champa (mặc dù một số chưa được qui định rõ rệt ngày...

Nghề luyện kim đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ thứ 8 – 7 trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 1 – 2 sau Công Nguyên) là một nền văn...

Những con đường học trò của Sài Gòn ngày xưa

Trong muôn vàn nỗi nhớ rong rêu xưa cũ về Sài Gòn, có một miền nhớ thiết tha tôi dành cho những con đường Sài Gòn rợp bóng me xanh....

Exit mobile version