Thời gian gần đây trên địa bàn TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) xảy ra nhiều ‘sự cố’ gây tai tiếng, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của thành phố du lịch cao nguyên. Nào là cò, nào là chặt chém. Cái tên Đà Lạt nghe dịu mát năm nào có còn đây?
Đơn cử như chuyện du khách nước ngoài không sử dụng thức ăn phải trả tiền tại chợ đêm Đà Lạt; nổi cộm nhất là vấn nạn “cò du lịch” chèo kéo và lừa đảo du khách đến tham quan vườn dâu để hưởng % hoa hồng cao ngất… những điều này đang làm xấu xí bộ mặt của Đà Lạt vốn được xem là hiền hòa, thanh lịch, hiếu khách.
Phóng viên Thanh Niên tìm gặp một số người gắn bó lâu năm với Đà Lạt, những người làm văn hóa, nhà giáo đã có những nghiên cứu về lịch sử Đà Lạt để có một góc nhìn đa chiều về các “vấn nạn” đang xảy ra, đồng thời gợi mở hướng giải quyết phù hợp để giúp Đà Lạt giữ được “cốt cách” và mãi là điểm đến hấp dẫn với xu khách thập phương.
Ông Nguyễn Ước, nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt (nay đã nghỉ hưu), trước làm nghề giáo đã có những nghiên cứu khá sâu về tính cách của cộng đồng cư dân Đà Lạt xưa và người Đà Lạt hôm nay. Ông Ước đã chia sẻ cùng Thanh Niên những nghiên cứu của mình sau đây.
Người Đà Lạt xưa sống hiền hòa- thanh lịch- mến khách
Ông Nguyễn Ước cho rằng tính cách của một cộng đồng cư dân chịu sự tác động và chi phối bởi điều kiện tự nhiên và xã hội. Với người Đà Lạt vốn được mệnh danh là hiền hòa, thanh lịch, hiếu khách chịu ảnh hưởng bởi 2 điều kiện trên rất rõ.
Về điều kiện tự nhiên, ông Nguyễn Ước lý giải có 3 yếu tố: khí hậu, địa hình và tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng trực tiếp và tạo nên tính cách người Đà Lạt.
Theo ông Ước, Đà Lạt quanh năm thời tiết lạnh lẽo khiến người ta sống “chậm” hơn những vùng khí hậu nóng nực. Do thời tiết lạnh nên cách ăn mặc của người Đà Lạt kín đáo hơn, chỉnh tề hơn.
Ban đêm nhiệt độ xuống thấp hơn, khiến người Đà Lạt “ngại” đi ra ngoài, chỉ thích quây quần ở nhà; do đó các thành viên trong gia đình có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi, sống thân tình với nhau hơn, cha mẹ có điều kiện giáo dục, chỉ dạy cho con cái nhiều hơn…
Yếu tố địa hình nhiều dốc núi, đồi cao không cho phép người ta đi nhanh, từ đó cách đi đứng cũng chậm rãi hơn, hình thành nên phong thái con người Đà Lạt có vẻ tao nhã và đĩnh đạc.
Với yếu tố tài nguyên sống, Đà Lạt xưa chỉ có 4 nghề chính: làm nông, công nhân, công chức- viên chức và thương mại du lịch.
Cách làm nông, trồng rau, hoa của người Đà Lạt không lấm lem bùn đất như cấy lúa, tỉa bắp…nên dù “làm nông” nhưng cách ăn vận, cách thao tác của người Đà Lạt có vẻ sạch, đẹp hơn.
Khi người Pháp quyết định xây dựng Đà Lạt trở thành “thủ phủ” của Đông Dương, là thành phố nghỉ dưỡng của người Pháp họ đã tuyển mộ rất nhiều công nhân từ các miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt. Các nhóm công nhân này ngày xưa được gọi là “đi phu” làm đường sắt, đường bộ, xây dựng các công sở, công trình công cộng… ngay từ buổi đầu đến Đà Lạt họ được qui tụ và làm việc có tổ chức, nên hình thành cái nếp có tính kỷ luật cao.
Với thành phần công chức – viên chức hầu hết họ là những trí thức, cán bộ, nhà giáo… nên khá chuẩn mực trong ứng xử và lối sống. Còn những người làm thương mại du lịch ở Đà Lạt ngày xưa không nhiều nên tính cạnh tranh không lớn, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp không nhiều…
Các thành phần công chức – viên chức, nhân viên du lịch, thương mại thường làm việc với người Pháp nên được hấp thụ cách ứng xử văn minh, lịch sự… trên môi họ không thiếu chữ xin lỗi, cảm ơn. Với các yếu tố tự nhiên như vậy đã góp phần tạo nên tính cách hiền hòa, thanh lịch của người Đà Lạt xưa.
Về điều kiện xã hội, Đà Lạt là vùng đất mới (đến nay mới hình thành được 124 năm). Buổi ban đầu các nhóm cư dân từ các vùng miền trong cả nước đến Đà Lạt làm việc, lập nghiệp đều có tổ chức. Các nhóm cư dân đó thường chọn các thung lũng sâu có suối nước chảy qua để định cư như Trại Hầm, Xuân An, Sanh Răng…ngoài giờ làm công nhân, viên chức họ còn tranh thủ trồng thêm ít luống rau để tự cung tự cấp.
Thời Đà Lạt là Hoàng Triều cương thổ, người Việt muốn đến Đà Lạt phải được chính quyền cấp giấy phép (visa). Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Ước, một người muốn nhập cư chính thức tại Đà Lạt phải có ít nhất 3 năm “thử thách” và phải được người có uy tín đứng ra bảo lãnh, và quan trọng nhất là phải được đánh giá là công dân tốt, không phạm pháp. Người đứng ra bảo lãnh phải ký cam đoan chịu trách nhiệm nếu người được bảo lãnh phạm pháp.
Cũng theo ông Nguyễn Ước, một yếu tố khác khiến người Đà Lạt xưa sống thân tình và hiếu khách bởi vì đa phần họ là những người sống tha phương, nên rất quí mến nhau, gắn kết với nhau “đồng cam cộng khổ”.
Ông Nguyễn Ước nhớ lại: “Ngày xưa nghe tin một người đồng hương từ miền Trung vào Đà Lạt, chú của tôi dắt tôi đi bộ từ Đa Thiện xuống tới Trại Mát, hoặc lên tận Phước Thành cách xa gần chục cây số để thăm hỏi và mời bằng được người đồng hương về nhà dùng cơm”.
Khi nghe tin nhà hàng xóm có khách là bà con chòm xóm kéo nhau tới thăm hỏi, trò chuyện; chủ nhà làm cơm thiết đãi cả xóm… đây là biểu hiện của sự hiếu khách.
Trong việc buôn bán, người Đà Lạt xưa cũng rất trân trọng khách hàng, lấy chữ tín làm đầu, không lừa lọc, hàng nào giá đó, bán đúng giá: “Có lần tôi đi mua hàng thiếu tiền, chủ tiệm đồ sắt ở chợ Đà Lạt vẫn đồng ý cho tôi lấy hàng về, lần sau tới mua hàng trả thêm”.
Theo ông Ước với cách hành xử như vậy, tình người được nhân lên, sự chân tình tỏa lan trong cuộc sống. Với các nhà vườn cũng vậy, khi tiểu thương (lái buôn) đến mua rau họ chẳng cần lấy tiền trước, sau khi tiểu thương đưa hàng về Sài Gòn bán, trừ chi phí xe cộ và ít tiền lãi họ mới gởi tiền cho nhà vườn, ít có chuyện tiểu thương chèn ép nhà vườn.
Qua nghiên cứu của ông Nguyễn Ước, Đà Lạt xưa đã có hình thức buôn bán như siêu thị ngày nay. Trước khi Đà Lạt xây Chợ Mới (Chợ Đà Lạt hiện nay) thì Rạp ¾ (Hòa Bình) hiện nay là Chợ Cây (chợ làm bằng gỗ), được qui hoạch thành 6 khu vực buôn bán theo từng ngành hàng.
Người mua cứ việc vào lựa chọn hàng hóa mang ra cửa chợ mới có người tính tiền. “Lúc đó đâu có camera giám sát như bây giờ, nhưng Chợ Cây Đà Lạt vẫn tồn tại trong thời gian rất lâu, chứng tỏ người Đà Lạt xưa thật thà, trung thực; tất nhiên không loại trừ một số ít tham lam”- Ông Nguyễn Ước nhận định
Khó khôi phục hình ảnh Đà Lạt xưa
Sau khi phác họa những điều kiện và yếu tố cùng những dẫn chứng để khẳng định tính cách người Đà Lạt vốn hiền hòa, thanh lịch và hiếu khách, ông Nguyễn Ước cho rằng các điều kiện tự nhiên và xã hội của Đà Lạt thời gian gần đây thay đổi quá nhiều, dân số Đà Lạt cũng tăng cao, người nhập cư mới ngày càng nhiều; kinh tế phát triển đa dạng đã tác động mạnh mẽ đến tính cách vốn có của người Đà Lạt xưa.
Với những scandal xảy ra gần đây ở Chợ đêm Đà Lạt, tại các cửa hàng đặc sản, quán ăn…, theo ông Nguyễn Ước, xem xét kỹ thì hầu hết các vụ scandal là do những người mới đến Đà Lạt gần đây kinh doanh, buôn bán gây ra.
Cách kinh doanh buôn bán mang tích cơ hội, chụp giựt thiếu tính bền vững, họ không lấy “chữ tín” làm đầu mà lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Có rất nhiều tiệm ăn uống của người Đà Lạt xưa nhưng nay vẫn giữ được thương hiệu và uy tín như Cà phê Tùng, phở Bằng, phở Thưng, mì Vĩnh Lợi…
Để chấn chỉnh và giảm bớt những vụ scandal trong kinh doanh dịch vụ du lịch ông Nguyễn Ước cho rằng Chính quyền cần lập lại kỹ cương chung, không thể để cho những con sâu làm rầu nồi canh. Cần có cách giáo dục, huấn luyện đội ngũ buôn bán văn minh, lịch sự, phát huy truyền thống hiền hòa, thanh lịch, hiếu khách vốn có của người Đà Lạt.
Một cách cụ thể, với Chợ đêm Đà Lạt được khẳng định là sản phẩm du lịch Đà Lạt theo ông Ước “Cần phải sớm tổ chức, sắp xếp lại. Theo tôi không nên bố trí quá nhiều quầy hàng nhìn rất xô bồ, nhếch nhác; cần sắp xếp theo từng ngành hàng, cần trang trí lại để Chợ Đêm Đà Lạt thực sự là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với du khách”.
Ông Nguyễn Ước cũng cho rằng, với điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội hôm nay rất khó để đòi hỏi phải khôi phục những điều Đà Lạt vốn có ngày xưa; nhưng nếu mỗi công dân Đà Lạt đều ý thức gìn giữ tính cách hiền hòa, thanh lịch, hiếu khách thì sẽ hạn chế bớt rất nhiều các tệ nạn và cách hành xử gây “sốc”với du khách như thời gian vừa qua.
Lâm Viên