Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Hội An những ngày phố vắng

Tết nào chúng tôi cũng làm vài vòng xuống Hội An, với ý niệm, tìm trong cái tấp nập chút lắng đọng, tìm những điều cổ xưa trong cái chuyển mình mới mẻ ngày đầu năm.

Trong ký ức của tôi, Hội An ngày tết là nhịp điệu rộn ràng của du khách khắp nơi rảo bước trên lối vào phố cổ. Họ vừa đi vừa trò chuyện, nhiều ngôn ngữ được dịp trộn lẫn vào nhau. Đâu đó, bắt gặp bóng dáng loắt choắt của mấy đứa nhỏ bán quà lưu niệm, cái miệng nhỏ liến thoắng thứ tiếng Anh không chuẩn mực. Giọng hát của những nghệ nhân bài chòi, khi trầm khi bổng, hòa cùng tiếng trống và tiếng người chơi nói cười hồ hởi.

Không chỉ có khách nước ngoài, nhiều người Việt tại các vùng miền khắp nơi trên đất nước cũng chọn Hội An là chốn dừng chân mỗi dịp Tết. Phố trìu mến, dang bàn tay ấm áp đón mừng du khách cùng hòa mình vào buổi tiệc đoàn viên. Như lời chào mời đầy thân thiện, phố bừng sáng hơn thường ngày bằng những chiếc đèn lồng vừa được thay mới, những chiếc thuyền trang hoàng lộng lẫy cờ hoa. Cả nét cười của người dân địa phương dường như cũng tươi tắn hơn.

Chúng tôi ghé Hội An vào một buổi chiều sau trận lũ. Một trận lũ “không mời mà đến” khi chỉ còn gần hai tháng nữa là nhà nhà đón tết Nguyên đán. Đi dọc sông Hoài, nước vẫn còn mấp mé như chực tràn lên đường. Tôi chọn cho mình một chỗ, nơi gánh tàu hủ quen thuộc, địa điểm tôi thường ngồi nghe mấy nghệ nhân gần đó hát bài chòi. Cô bán hàng đón chúng tôi bằng nụ cười vừa thân thiện, vừa rất đỗi thân quen với một người sống ở vùng ven Hội An như tôi. Cô kể, ngày hôm qua, ngay chỗ này, nước còn ngập đến tận cổ, rồi thì tặc lưỡi: “Không biết còn bão lụt chi nữa không, đã là trận lụt thứ tám rồi.”


Hội An vốn dĩ đã vì dịch bệnh mà vắng vẻ, nay lại vì mưa bão mà việc bắt gặp bóng dáng du khách càng thêm hiếm. Các hàng quán từng rộn rã kẻ ra người vào, mờ ảo lung linh dưới ánh đèn lồng, nay đã thay bằng cảnh cửa đóng, then cài. Ngang qua mấy cửa hàng thời trang, vài bộ quần áo bạc thếch còn treo ngoài cửa, không biết chủ nhân của nó bỏ sót hay chẳng buồn thu dọn. Mấy ngày này, đến Hội An vào buổi trưa có cảm giác, phố như một đứa trẻ vừa bị người ta đánh thức, hãy còn ngái ngủ. Đêm xuống, nhiều lối không mở đèn, các mảng tối hòa cùng lác đác vài ba mảng sáng. Thứ ánh sáng hờ hững ấy cứ như đang tế nhị bảo với người qua đường: “Hay mình về nhà ngủ sớm hè?”.

Mấy cô chú chủ thuyền rạng rỡ hẳn lên khi nhìn thấy chúng tôi, không quên đon đả mời chào du khách làm một vòng du ngoạn sông Hoài. Tôi làm việc trong ngành du lịch nên hơn ai hết thấu hiểu cái nỗi “thèm khách”. Hôm qua, chị đồng nghiệp còn hào hứng níu tay tôi kể, sáng nay chị nhìn thấy có khách đi bộ trên đường. Nếu là trước đây, tôi sẽ bật cười vì đó chẳng phải là điều hiển nhiên sao? Nhưng riêng năm nay, giữa dịch bệnh, mưa bão không ngơi nghỉ, thì mỗi vị khách xuất hiện đều thắp lên trong lòng những người làm du lịch một tia hy vọng. “Thèm khách” không chỉ vì có khách để phục vụ đồng nghĩa với có thu nhập. Đó còn là sự nhớ nhung da diết hình ảnh Hội An những ngày tháng cũ; nhộn nhịp, tươi vui với khách trong ngoài nước; hàng quán lúc nào cũng rộng cửa; đồ ăn, thức uống tưởng chừng bày bán bao nhiêu là hết bấy nhiêu.

Tôi đã từng mơ ước được đắm mình trong một phố cổ yên tĩnh hơn nên không tránh khỏi đôi lần than thở trước cảnh tượng đông đúc, ồn ã của Hội An, đặc biệt mỗi dịp xuân về. Nhưng làm gì có phố thị nào không tấp nập mà phồn vinh. Ngay cả bình yên cũng phải đánh đổi. Cái giá để đổi lấy một Hội An yên bình, trần trụi thay chính là sự nghèo khó, bấp bênh của những phận người mà thu nhập gắn liền với phố. Người dân từ trong lòng phố đến vùng lân cận đều vì cảnh phố vắng mà cuộc sống vất vả trăm bề. Cái Tết của họ đã đoán trước là khó ấm no sau bao nhiêu ngày thường chật vật. Nhớ năm ngoái, có tờ báo nọ viết về làng nghề bánh tráng truyền thống quê tôi với tiêu đề: “Tráng 1.000 bánh mỗi ngày vẫn không đủ bán, muốn mua phải đặt trước một tuần.” Mọi chuyện đã khác. Một thành phố du lịch thưa thớt khách kéo theo nhiều cửa hàng ngừng hoạt động, những làng nghề vốn dĩ đang mai một nay lại càng thoi thóp.

Chúng tôi thường rỉ tai bạn bè phương xa, muốn tìm về một phố cổ tĩnh lặng thì phải đến Hội An trước năm giờ sáng hoặc chơi đến sau mười một giờ đêm. Nhưng có lẽ riêng Tết năm nay thì chẳng cần phải nhọc công đến vậy. Bởi không có khách quốc tế thì Hội An sẽ còn giữ cái cảnh đìu hiu này lâu lắm. Dẫu chẳng mấy vui vẻ, chúng ta còn có thể làm gì ngoài tận hưởng một phố cổ trầm mặc và tiếp tục hy vọng. Một năm mới tươi đẹp đang ở phía trước, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Rồi những chiếc đèn lồng sẽ lại rực sáng, mái chèo sẽ lại khua nhịp nhàng trên bến sông Hoài, phố lại bừng tỉnh, hân hoan theo từng bước chân du khách…

Quyen Dinh

Giáo dục Việt Nam cổ (1075-1919) và việc kế thừa tinh hoa nền giáo dục ấy

1. Nếu xét giáo dục theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ này, thì phải khẳng định rằng, nền giáo dục Việt Nam bắt đầu từ thời các vua Hùng....

Nhạc Rock Sài Gòn xưa

Nhạc Rock xuất hiện trong bối cảnh Sài Gòn đang nằm bên bờ vực của cuộc chiến đang lên đỉnh điểm, phong trào nhạc trẻ có liên hệ mật thiết...

Tìm lại tác giả phù điêu chợ Bến Thành

Nằm ở trung tâm Sài Gòn, chợ Bến Thành đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dân Sài Gòn, cũng như đối với du khách trong và ngoài...

Ba Tàu nghĩa là gì?

Ba tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người gốc Hoa ở Việt Nam. Từ đầu thời kỳ Bắc thuộc (tức thế kỷ thứ 3 trước...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 16

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Sài Gòn có nói gì đâu

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, mối tơ duyên giữa tôi và Sài Gòn bắt đầu từ khi nào? Từ cái Tết đầu tiên tôi theo ba mẹ vô Sài...

Báo chí Sài Gòn thời xưa

Có tài liệu nói rằng, từ thời Minh Mạng, Việt kiều ở Thái Lan đã in một tạp chí xuất bản không định kỳ để thông tin những việc trong...

Nghịch lý giáo dục Việt Nam – Điểm thi là mục đích

Nếu lợi tức của giáo dục vẫn tập trung vào các kỳ thi, vào tấm bằng, thì người ta sẽ còn xoay xở ra trăm phương ngàn kế để “đầu...

“Grù” không phải là tiếng Việt

Báo Công an TP HCM ngày 16-4-2016 có đăng tại trang “Sáng tác” bài “Tiếng bồ câu “grù grù” ngoài cửa sổ” của Trương Thanh Thùy. Xin ông cho hỏi:...

Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt

I . Mở đầu Ví dụ ta lấy từ héo. Muốn làm giảm nghĩa của héo, ta có hai cách : - hoặc dùng cú pháp từ hơi, ta có hơi héo...

Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt

Khi tìm hiểu về nguồn gốc địa danh Đà Lạt, có ý kiến cho rằng tên thành phố này xuất phát từ việc lấy những chữ cái của câu tiếng...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 13

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Exit mobile version