Loại nước mắm có thương hiệu lâu đời nhất Việt Nam chính là nước mắm Liên Thành. Sự khởi đầu của thương hiệu này gắn với lòng ái quốc của những con người một lòng vì dân, vì nước. “Có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy có lỗi với tiền nhân vì chưa thể khôi phục vị trí xứng đáng của Liên Thành trong thị trường nước mắm cũng như trong lòng người tiêu dùng Việt Nam như trước đây”. Bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành, đã mở đầu cho buổi nói chuyện về một thương hiệu nước mắm từng một thời vang bóng…
Hiến tặng xong chết luôn công ty
Tại số 243 Bến Vân Đồn, trên lầu một của ngôi nhà cổ đã được dùng làm trụ sở của Liên Thành suốt 90 năm qua có một bàn thờ thường khói hương nghi ngút. Đấy là bàn thờ sáu cụ tổ sáng lập của Liên Thành. Ngoài ra còn có hình ảnh của ông Huỳnh Văn Dậu và bà Hồ Thị Tường Vân là hai người lãnh đạo cuối cùng trước khi Liên Thành giải thể.
Chính ông Dậu và bà Tường Vân vào năm 1976 đã ra điều kiện để hiến tặng công ty nước mắm nổi tiếng cho Nhà nước quản lý với điều kiện: Không được thay đổi thương hiệu Liên Thành và phải giữ bàn thờ tổ sáng lập nên thương hiệu.
Lời hứa đã được thực hiện, thương hiệu và bàn thờ đã được giữ đến ngày nay. Thế nhưng giá trị của Liên Thành đã chết ngay từ lúc áp dụng cung cách quản lý mới. Thậm chí có những giai đoạn Liên Thành đã phải sản xuất nước mắm xá (tức là nước mắm vào can không nhãn hiệu – còn gọi “no name” hay vô danh) là đáy sâu nhất trong quá trình phát triển 110 năm.
Sản phẩm xuất phát từ lòng yêu nước
Cách đây đúng 111 năm, sáu nhà nho, trí thức Tây học, quan lại ở Phan Thiết có cùng chí hướng đã tập hợp lại để hưởng ứng lời kêu gọi phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh. Đó là Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (cả hai là con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, sáu người sau này trở thành cụ tổ của nước mắm Liên Thành.
Ban đầu họ lập nên Liên Thành thư xã nhằm tuyên truyền các sách báo có nội dung yêu nước. Để có ngân quỹ cho các hoạt động “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” của phong trào Duy Tân và cũng để tạo nên việc làm cho người lao động, qua năm sau vào ngày 6-6-1906, nhóm lập nên Liên Thành thương quán (nhưng lại đăng ký với chính quyền thực dân dưới danh nghĩa một công ty nặc danh với thời hạn hoạt động trong 10 năm), rồi đến năm 1907 lập nên Dục Thanh học hiệu để dạy học cho con em lao động nghèo những tư tưởng tiến bộ yêu nước.
Vào thời điểm đó, phần lớn ngành nghề trong nước cả sản xuất và thương mại đều bị người Pháp, người Hoa, người Ấn… nắm giữ hoặc chiếm ưu thế. Người Việt có rất ít cơ hội cạnh tranh với họ. Do đó Liên Thành thương quán quyết định đầu tư vào sản xuất nước mắm vì nhiều lẽ. Trước hết, nước mắm vốn là một sản phẩm truyền thống, là nước chấm quốc hồn quốc túy của Việt Nam, lại chỉ được sản xuất nhỏ lẻ, ngoại kiều chưa tham gia vào nên khả năng bị cạnh tranh, kèn cựa thấp. Thứ nữa, nguồn nguyên liệu sản xuất ra nước mắm là cá biển vốn rất sẵn ở Phan Thiết, do ngư dân Việt khai thác nên chủ động hoàn toàn.
Liên Thành nghĩa là tòa thành hoa sen, vốn là tên cũ của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận. Hoa sen tượng trưng cho người quân tử giữ được cái tâm trong sạch từ bùn lầy. Nước mắm Liên Thành không dùng biểu tượng con cá mà chọn con voi, bởi voi là loài chuyên sống bầy đàn, tụ tập theo quần thể. Biểu tượng con voi đỏ như để thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trước khó khăn, nguy hiểm.
Trong giai đoạn đầu, việc sản xuất nước mắm mới ra còn khó khăn, Liên Thành hội quán duy trì nhờ những hoạt động kinh doanh khác như bán thuốc Bắc, kinh doanh khách sạn, bán máy móc… nhờ sự ủng hộ của những người tham gia phong trào Duy Tân, cũng như sự hỗ trợ của Công sứ Pháp tại Bình Thuận là Claude Garnier vốn có tư tưởng dân quyền nên Liên Thành có điều kiện phát triển trong những năm đầu tiên, càng về sau việc kinh doanh nước mắm thuận lợi hơn và là nguồn thu chủ yếu của hội.
Sau khi phong trào Duy Tân bị đàn áp, thực dân Pháp bắt đầu truy tìm những cơ sở đã hỗ trợ cho phong trào, trong đó có Liên Thành. Tuy nhiên, Pháp đã không tìm được bằng chứng gì để buộc tội vì Liên Thành có hệ thống sổ sách kinh doanh rất rõ ràng, minh bạch. Những khoản tiền mà Liên Thành ủng hộ cho phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du đều được hợp thức hóa là khoản tiền chia cho các cổ đông.
Trong 10 năm đầu tiên, Liên Thành hoạt động có hiệu quả khi đã mở rộng được các phân cuộc ở Đức Thắng, Huy Long, Phú Hào, Mũi Né và Phan Rí thuộc Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết đã vươn ra mở các phân cuộc tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Cao Lãnh và Bến Tre. Cảm thấy Bình Thuận là đất còn có sự quản lý của triều đình, chưa có một môi trường kinh doanh thuận lợi nên vào năm 1917, tức là sau khi mãn hạn 10 năm đăng ký hoạt động, công ty chuyển về Sài Gòn xây dựng tổng cuộc ban đầu tại đại lộ Kitchener (cầu Ông Lãnh) và sau đó chuyển qua trụ sở tại 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm), rồi cuối cùng dời đến 243 Bến Vân Đồn, quận 4 đến nay…
Những yếu tố mang lại thành công
Thành công của Liên Thành được đúc kết ở những yếu tố chính:
Thứ nhất, đó là tinh thần duy tân, hướng về cái mới nên ngay từ khi thành lập đã nhanh chóng nghiên cứu đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nước mắm, phân cá, lập phòng hóa nghiệm, bảo quản chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quan hệ với hãng Kubota (Nhật Bản) để được giúp đỡ trang bị máy móc, huấn luyện kỹ thuật viên, mở phân xưởng sửa chữa thủy động cơ, làm đại lý bán động cơ thuyền hộ ở Bình Thuận.
Thứ hai là năng động nắm bắt được cách thức marketing, tận dụng quảng bá thương hiệu, như gửi sản phẩm ra hội chợ Hà Nội năm 1918, tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Marseille, Pháp vào năm 1922. Nhờ tạo ra tiếng vang lớn tại đây, sau đó Liên Thành dần mở rộng mạng lưới các phân cuộc ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, phủ qua cả Campuchia và châu Âu.
Thứ ba, khác với tư duy “con buôn” làm ăn chụp giật, tủn mủn dễ gặp, với quan niệm chữ tín của những nhà Nho, Liên Thành đã luôn giữ uy tín của mình với khách hàng và cổ đông.
Dưới đây là một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện về chữ tín của Liên Thành: Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc ở Hà Nội bất ngờ nhận được thư của hãng Liên Thành mời vào Sài Gòn nhận cổ tức và cổ phần mà ông nội của ông Quốc đã mua từ… gần 70 năm trước, do điều kiện chiến tranh thất lạc cổ đông và công ty phải giải thể để chuyển sở hữu sang nhà nước. Khi ông Quốc vào đến nơi thì đại hội cổ đông đã kết thúc ba ngày trước, dẫu vậy đại diện công ty vẫn ân cần mời ông ngồi lại để tính toán sổ sách và cổ phần nhận lại dù chỉ đủ mua một chiếc tivi trắng đen và một chiếc màn tuyn nhưng ông Dương Trung Quốc vẫn đánh giá rất cao chữ tín mà Liên Thành giữ vững chừng ấy năm cho đến ngày giải thể. “Trong phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ 20, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam thời bấy giờ với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã giữ được chữ tín và điều này đã đưa nhiều nhà buôn Việt Nam trở thành các chủ tư bản dân tộc có sản phẩm, dịch vụ sánh ngang với các nhà buôn Hoa kiều, Ấn kiều, Pháp kiều đương thời” – ông Dương Trung Quốc nhận xét.
Được cổ phần hóa và trở lại thị trường từ năm 2001, dù những người lãnh đạo đã rất quyết tâm và đã áp dụng rất nhiều phương cách khác nhau nhưng chặng đường trở lại đỉnh cao của Liên Thành còn rất nhiều chông gai, trở ngại bởi các thương hiệu nước mắm có yếu tố ngoại đang nắm giữ thị phần rất lớn và số tiền khổng lồ họ đổ ra cho quảng cáo, khuyến mãi… dễ dàng lấn át, thậm chí đè bẹp các thương hiệu có thị phần nhỏ.
Theo Diachi