Quay trở lại nước Mỹ khi Mùa thu lá vàng 2014 vừa kết thúc. Tiết trời đầu đông chuyển sang se lạnh, cây cối đã trút hết các cành lá cũ và vươn “chân, tay” khẳng khiu, nhưng đầy thách thức lên trời để chuẩn bị “nghênh đón” một mùa đông lạnh giá phía trước. Chứng kiến cảnh cực đẹp của thiên nhiên khi cây lá khoe sắc với đủ “bộ cánh” rực rỡ và lộng lẫy nhất, rồi lại chứng kiến cũng chính những cây hoa ấy với sắc màu “thảm hại nhất” trong thời gian ngắn ngủi chưa đến 2 tuần khiến không nhiều người tránh khỏi cảm giác chạnh lòng và bùi ngùi tiếc nuối. Nó cũng tựa như cảm giác ngắm các hoa hậu vừa đăng quang, rạng ngời với vương miện, cánh áo, rồi lại chứng kiến chính họ ở ngoài đường với khuôn mặt “mộc” và khoác bộ đồ nhầu nhĩ trên người.
Tuy nhiên, tiết trời chính trị Mỹ thì luôn luôn nóng, bất kể tiết trời ra sao.
Mặc dù cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vừa mới kết thúc và kết quả đã ngã ngũ, nhưng sự kết thúc của sự việc này lại là điểm khởi đầu của một sự việc khác. Nước Mỹ đã nhanh chóng gác lại cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua sang một bên và đang “hăm hở” hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm 2016. Đảng Dân chủ coi đây là cơ hội “phục thù” cho thất bại vừa qua, còn Đảng Cộng hòa lại coi đây là động lực để “nắm nốt” ghế hành pháp đầy quyền lực.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ứng cử viên Tổng thống khi đó là Barack Obama tranh cử với khẩu hiệu “THE CHANGE WE NEED” (sự thay đổi mà người Mỹ cần) và đã nhận được sự thu hút và ủng hộ rất lớn của cử tri Mỹ. Khẩu hiệu tranh cử của ông Obama đã đánh trung tâm lý cần thay đổi của người Mỹ, khi đó cảm thấy “quá mệt mỏi” cả về tinh thần, sức người, lẫn tiền bạc bạc sau 8 năm cầm quyền của ông Bush với 3 cuộc chiến mà nước Mỹ “đằng đẵng” theo đuổi và chưa biết khi nào mới chấm dứt. Đó là: (i) Cuộc chiến chống khủng bố; (ii) Cuộc chiến Iraq; và (iii) Cuộc chiến Afghanistan.
Quả nhiên, ông Obama đã thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11/2008, chủ yếu nhờ vào khẩu hiệu và cách thức tranh cử sử dụng internet và mạng xã hội (social media) ở quy mô và mức độ chuyên nghiệp mà chưa một ứng cử viên Tổng thống nào trước đó làm được. Tất nhiên, các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng (nhưng không quyết định) như màu da và cách thức thực hiện Giấc mơ Mỹ (American Dream) của một người Mỹ “điển hình” như ông Obama. Sự “điển hình” này – như cách nói của người Việt mình là “tay không bắt giặc” – là sự đi lên “tột đỉnh” quyền lực từ tầng lớp thấp nhất của xã hội Mỹ. Ông Obama không chỉ là con của người da màu, mà lại là “con rơi”, không “cha thân, chú thích”, không chút vốn liếng tài chính và chính trị “lận lưng”.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm cầm quyền “THE CHANGE WE NEED” đã rẽ sang ngả khác. Người cần thay đổi vẫn là các cử tri Mỹ. Nhưng “đối tượng” cần thay đổi lại là các chính sách của ông Obama và các đồng nghiệp Đảng Dân chủ của ông tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Thậm chí trong các cuộc vận động tranh cử trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11/2014, nhiều ứng cử viên Hạ nghị sĩ hoặc Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ thậm chí còn “không dám” công khai thừa nhận đã bỏ phiếu cho ông Obama trong cả hai cuộc bầu cử Tổng thống trước đó, nếu như họ không muốn thất cử. Đó chính là SỰ THAY ĐỔI của nước Mỹ, phản ánh bản chất hệ thống chính trị Mỹ. Hệ thống đó được thiết kế để tạo ra các thay đổi liên tục phù hợp với mong muốn của cử tri Mỹ, của một nước Mỹ và một thế giới đang thay đổi từng ngày, từng giờ.
Bản chất của thay đổi đó là gì?
- Một là, nếu Tổng thống và chính quyền không thay đổi kịp thì Quốc hội sẽ “giúp” Tổng thống thay đổi thông qua việc “điều chỉnh” túi tiền quốc gia là ngân sách (Power Of The Purse) và thông qua các dự luật.
- Hai là, nếu các nghị sĩ Quốc hội (cấp bang là liên bang) và các chính quyền cấp bang không tìm cách thay đổi, thì người dân sẽ “giúp” bằng cách “đẩy” các vị này ra khỏi các vị trí đầy quyền lực và thay bằng những người khác phù hợp thông qua “sức mạnh” của lá phiếu.
- Ba là, đến lượt mình, cả quốc hội và chính quyền đều phải tìm cách thay đổi, cạnh tranh nhau bằng chất lượng chính sách, các sáng kiến lập pháp và cách thức thực hiện để giành quyền “phục vụ” cử tri và người dân. Nhưng trong quá trình đó họ cũng buộc người dân, xã hội và doanh nghiệp phải cuốn theo guồng máy thay đổi đó để cạnh tranh, phát triển và tồn tại.
Cứ như vậy, sự tương tác giữa các “tác nhân” tạo nên tính năng động khiến tất cả đều vượt qua được “sức ỳ” (sức ỳ của bộ máy, sức ỳ cá nhân) và nỗi “sợ hãi” phải thay đổi. Ở góc độ nào đó, động lực buộc nước Mỹ phải thay đổi lớn tựa như những bánh xe khổng lồ, sẵn sàng “nghiến nát” bất kỳ các vật cản nào để đưa cỗ máy (nước Mỹ) “lừ lừ” lao về phía trước…
Thực ra nguồn gốc của động lực khiến nước Mỹ luôn và buộc phải thay đổi nằm ngay trong cấu trúc của hệ thống chính quyền mà 56 người sáng lập đầu tiên (Founding Fathers) đã đưa vào trong bản hiến pháp, hay “luật của mọi bộ luật” của nước Mỹ. Trong đó, có 3 điểm đáng chú ý là:
- Một là, tạo sự cân bằng và kiềm chế (check and balance) giữa các nhánh quyền lực.
- Hai là, tạo sự cạnh tranh và cọ xát liên tục giữa các cơ quan quyền lực, như: (i) trong nội bộ từng đảng chính trị, (ii) giữa các đảng phái chính trị với nhau; và (iii) giữa chính quyền và quốc hội. Trong các tiến trình này, người dân, mà cụ thể là các cử tri đóng vai trò “quan tòa”.
- Ba là, tạo ra thay đổi liên tục, nhưng vẫn giữ được sự ổn định, cân bằng của hệ thống.
Ở đây, nhân tố vừa giúp tạo thay đổi đồng thời giữ sự ổn định chính là Quốc Hội Mỹ. Theo luật Mỹ, các hạ nghị sĩ liên bang có nhiệm kỳ 2 năm. 100% các nghị sĩ khi đã đắc cử đều muốn được tái cử và kéo dài nhiệm kỳ của mình. Chính do nhiệm kỳ ngắn ngủi như vậy nên hệ thống này buộc các nghị sĩ vừa đắc cử phải nghĩ ngay đến vận động tranh cử cho nhiệm kỳ kế tiếp nên tuần nào họ cũng phải dành 2-3 ngày bay từ Washington DC về địa phương để tiếp xúc cử tri. Tuy quy định tất cả các hạ nghị sĩ phải ứng cử lại sau nhiệp kỳ 2 năm, nhưng lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy con số các hạ nghị sĩ bị “loại” sau mỗi kỳ bầu cử khá “khiêm tốn”, chừng 20-30% trong tổng số 435 Hạ nghị sĩ. Tuy nhiên, chừng đó cũng đủ làm cho họ phải “lạnh gáy”, luôn phải gần để cử tri “nhớ” đến mình trong lần bầu cử kế tiếp.
Tôi còn nhớ trong một cuộc nói chuyện trước đây với một Trợ lý của Hạ nghị sĩ Tom Lantos (khi đó là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đến từ bang California), ông ta hỏi tôi: Giả sử trong phòng làm việc của HNS Lantos có 2 cuộc điện thoại đến cùng 1 lúc và ông Lantos biết 1 cuộc đến từ 1 cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu của ông ta tại Bang California và 1 cuộc của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thì ông ta sẽ nói chuyện với ai trước? Tôi chợt nghị “Dễ ợt, vậy mà cũng hỏi”. Tuy nhiên, chưa kịp trả lời thì ông ta đã nói luôn là ông Lantos sẽ nói chuyện với công dân California trước, vì “ông ta bầu cho ông Lantos!” Như vậy, tuy có thay đổi, nhưng với 70-80% số lượng HNS vẫn còn “bám trụ” được qua mỗi kỳ bầu cử giúp cho hoạt động của Hạ viện vừa có thay đổi, nhưng cũng vừa không có biến động lớn.
ĐIều này cũng tương tự đối với thượng viện. Nếu như các HNS bị xem là những người theo chủ nghĩa “dân túy”, luôn buộc phải chiều lòng cử tri do nhiệm kỳ ngắn (2 năm) thì cấu trúc Thượng viện, nơi có tiếng nói quyết định trong hầu hết các vấn đề từ an ninh nội địa, quốc phòng, đối ngoại, ngân sách… với nhiệm kỳ 6 năm lại giúp các thượng nghị sĩ “nghĩ xa”, “nghĩ rộng” hơn mà không sợ bị cử tri “trừng phạt”. Điều này là do các chính sách dài hạn thì phải có thời gian dài hơn mới kiểm nghiệm được tầm nhìn và hiệu quả.
Ngay trong thượng viện, không phải toàn bộ 100 thượng nghị sĩ phải “sát hạch” cùng lúc, mà cứ 2 năm một lần chỉ có 1/3 phải tranh cử lại. Điều này có nghĩa, qua mỗi kỳ bầu cử quốc hội 2 năm một lần vẫn có ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ cũ “tại vị”. Tuy nhiên, trên thực tế thì con số này lớn hơn nhiều vì trong số khoảng 33 hoặc 34 thượng nghị sĩ Mỹ ra ứng cử lại thì con số “tái cử” thường quá nửa, và điều này có nghĩa 80-90% các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn “tại vị” qua mỗi kỳ bầu cử.
Như vậy, thay đổi là điều cần có và thường xuyên diễn ra, nhưng ổn định vẫn là mấu chốt đối với hệ thống chính trị Hoa Kỳ.