Ở phương Đông, sự khỏa thân cũng có xuất hiện trong nghệ thuật chân chính, và thực tế nó đã xuất hiện từ thời kỳ còn rất xa xưa chứ không phải là mới có. Nhưng sự khỏa thân đó không hề được truyền ra công chúng. Còn ở phương Tây, sự khỏa thân xuất hiện rất nhiều trong hội họa. Dù có cách nhìn nhận về nghệ thuật và văn hóa khác nhau, nhưng rốt cục, sự khỏa thân trong nghệ thuật phương Đông và phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao đều mang một hàm nghĩa thiêng liêng và chân chính.
Khác với nghệ thuật phương Tây, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật phương Đông đều không chứa đựng yếu tố khỏa thân hay bán khỏa thân. Đây là sự khác biệt về văn hóa và cách nhìn nhận nghệ thuật. Ở phương Tây, những bức tranh Phục Hưng vươn đến sự chính xác cao trong việc mô tả thân thể người, từ đường nét, tỉ lệ, sự biến đổi cơ bắp, v.v.. Hàm ý của sự khỏa thân trong hội họa phương Tây thực sự là hướng tới cái đẹp. Và cái đẹp đó là gì? Ở thời điểm đỉnh cao nhất của thời kỳ Phục Hưng, “hoàn mỹ” chính là yếu tố khiến nghệ thuật Phục Hưng có thể biểu đạt thế giới của Chư Thần.
Những vị nam Thần và nữ Thần khỏa thân, bán khỏa thân không phải là hiếm gặp trong hội họa phương Tây. Chính vì vậy, người phương Tây thời xưa đã quen với sự khỏa thân trong nghệ thuật và rất nhiều tác phẩm thời đầu là không mang yếu tố khêu gợi hay kích động dục vọng. Tất nhiên, nghệ thuật phương Tây hiện đại đã xuống dốc, không hề làm được điểm này, và đã khiến sự khỏa thân trở thành một phương tiện để bộc lộ dục vọng từ phía phụ diện của nhân tính. (Xem vấn đề này trong bài Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại)
Ở phương Đông, tại một số nền văn minh nơi Nho giáo thịnh trị, sự khỏa thân cũng có xuất hiện trong nghệ thuật, và thực tế nó đã xuất hiện từ thời kỳ còn rất xa xưa chứ không phải là mới có. Nhưng sự khỏa thân đó không hề được truyền ra công chúng. Các bức tranh Trung Hoa thời xưa đều không hề mang yếu tố khỏa thân, một phần là vì giá trị đạo đức của người Trung Hoa xưa nghiêm khắc hơn đối với vấn đề dục vọng. Vậy chúng ta hãy lấy nền văn minh được cho là lâu đời nhất ở phương Đông (trải dài liên tục 5.000 năm) là nền văn minh Trung Hoa làm ví dụ.
Tại một vùng sa mạc rộng lớn phía Tây Bắc Trung Quốc, có một ốc đảo nhỏ hình một chiếc lá, cách thành phố Đôn Hoàng 25 km về phía Tây Nam. Đây là nơi những bức bích họa trên tường nổi tiếng thế giới được tìm thấy tại hang đá Mạc Cao, hay còn gọi là Thiên Phật Động, một hệ thống gồm nhiều ngôi đền với các công trình chạm khắc trong đá, các bức tượng điêu khắc, và những bức bích họa. Nơi đây lưu giữ tổng cộng 7.000 hang động, 492 ngôi đền, 45.000m² bích họa, 50.000 kinh sách và thư tịch, 2.415 pho tượng. Nếu trải các bức bích họa Thiên Phật Động ra liên tiếp nhau, người ta sẽ có một hành lang dài 25 km.
Thiên Phật Động được bắt đầu xây dựng vào năm 366 và đạt đến thời kỳ hoàng kim vào thời đại nhà Đường (618-907), nhưng phải đến nhà Nguyên (1279-1368) thì nói mới được hoàn thành toàn bộ. Công trình này đã được xây dựng trải dài suốt 10 triều đại Trung Hoa. Chính vì thế, người ta gọi Thiên Phật Động là một kỳ quan có một không hai của thế giới, là đỉnh cao của nghệ thuật trong tín ngưỡng phương Đông.
Các bức bích họa Đôn Hoàng có chủ đề chính là về tín ngưỡng Phật gia, với những câu chuyện về Phật Pháp, về Thần, quỷ, thiên giới, các truyền thuyết, niềm tin luân hồi, v.v. Và điều đặc biệt là, người ta thấy sự xuất hiện của những tiên nữ bán khỏa thân.
Có thể nói đây là một điều nằm ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người phương Đông. Thứ nhất là, người ta luôn tin rằng nghệ thuật phương Đông chân chính thời bấy giờ không có yếu tố khỏa thân. Thứ hai là, chuẩn mực đạo đức phương Đông thời bấy giờ lấy Nho gia làm chủ, nên càng không chấp nhận yếu tố khỏa thân. Thứ ba là, với đạo Phật, sự khỏa thân lại càng là một điều đại kỵ. Vậy tại sao lại có sự xuất hiện của những thiên nữ bán khỏa thân ở Thiên Phật Động, nơi tập trung tín ngưỡng tâm linh của một nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ nhất phương Đông?
Về mặt tín ngưỡng, các thiên nữ bán khỏa thân được vẽ trong những bức bích họa Đôn Hoàng được gọi là các Phi Thiên. Tương truyền rằng, các Phi Thiên sẽ xuất hiện khi có những sự việc vô cùng thù thắng xảy ra trên thiên giới hay dưới nhân gian, bởi vì họ là những tiên nữ phụ trách về nghi lễ, biểu hiện sự hân hoan của Thiên thượng. Chỉ khi có một vị Phật giảng Pháp, truyền đạo, hay một người tu luyện chứng đắc được quả vị và viên mãn, thì các Phi Thiên mới tới: có Phi Thiên trải hoa, có Phi Thiên tấu nhạc, có Phi Thiên bay lượn nhảy múa.
Trong tín ngưỡng Phật gia, việc sáng tác nghệ thuật thời đó không phải là một việc làm bừa bãi. Người tu luyện Phật Pháp cũng không hề tùy tiện tưởng tượng ra thế giới của Chư Thần Phật mà vẽ nên một bức bích họa. Các bức bích họa Đôn Hoàng là tác phẩm của những cao tăng thời xưa, trong khi đả tọa tu luyện tình cờ chứng kiến được cảnh tượng thù thắng nơi Thiên giới, muốn lưu giữ lại ký ức đó cho hậu nhân, mới vẽ nên những cảnh tượng như vậy. Vậy nên, các Phi thiên của phương Đông thực sự là có trang phục bán khỏa thân.
Phật giáo có giảng về kết cấu của vũ trụ trên quan điểm các chiều không gian, và cho rằng trong tam giới có nhiều tầng trời với những cách phân chia khác nhau. Các khái niệm như 9 tầng trời, hay 33 tầng trời đều xuất phát từ kết cấu phức tạp của các chiều không gian trong tam giới. Cũng có một cách phân chia khác cho tam giới trong Phật gia là: Dục giới; Sắc giới; và Vô sắc giới. Sắc giới thì không còn có dục, còn Vô sắc giới thì cả sắc cũng không còn. Cách phân chia này có hàm nghĩa rằng ở những tầng trời cao hơn thì sắc và dục đều không tồn tại. Con người là có sắc tâm và dục vọng, nhưng Thiên thượng không hề có điều đó. Tiêu chuẩn về trang phục cũng từ đó mà có thay đổi. Đó chính là lý do vì sao các Phi thiên của phương Đông lại có trang phục bán khỏa thân.
Vậy tại sao nghệ thuật này lại không được truyền ra công chúng? Bởi vì con người ta là có dục vọng, nên những bức tranh khỏa thân có thể dẫn khởi ác tâm của con người mà bất kính với Thần linh. Chính vì thế, bán khỏa thân trong nghệ thuật phương Đông không hề được truyền ra bên ngoài, mà chỉ tồn tại ở những nơi linh thiêng. Các cao tăng thời xưa khi tu luyện đến một trình độ nhất định cũng không còn dục vọng và sắc tâm nữa, nên khi ngắm nhìn các bức bích họa thì chỉ nảy lên cái tâm kính ngưỡng trước cảnh tượng thiên giới mà thôi.
Bên cạnh ẩn đố của Thiên Phật Động, còn một ẩn đố khác liên quan đến vấn đề sắc dục trong các tác phẩm nghệ thuật phương Đông tại Tây Tạng. Theo đó, tại Tây Tạng, trong các chùa chiền từ xa xưa, người ta có thể tìm thấy phổ biến hình tượng dương vật và cho rằng tín ngưỡng Tây Tạng thờ phụng những điều này. Kỳ thực Phật giáo Tây Tạng ở thời kỳ đầu được gọi là Lạt Ma giáo, ở phương Đông được gọi là Mật Tông. Thời đó Mật Tông không hề được truyền ra công chúng vì môn này có giảng vấn đề “nam nữ song tu”, có thể gây rối loạn chuẩn mực đạo đức và khơi gợi dục vọng của con người, chỉ được phép thực hành khi các cao tăng đạt đến cảnh giới đoạn tuyệt sắc tâm và dục vọng. Nguyên chữ Mật (密) vốn có hàm nghĩa là không để lộ, không cho người ngoài cuộc biết tới. Chính vì thế, những gì được truyền ra dưới danh nghĩa Mật Tông đều không được đầy đủ.
Như vậy thì sự khỏa thân trong nghệ thuật phương Tây mang hàm nghĩa hướng đến sự hoàn mỹ mà biểu lộ Chư Thần; còn sự khỏa thân trong nghệ thuật phương Đông lại được giới hạn ở chốn linh thiêng, dành cho những người tu luyện đã đoạn dứt khỏi sắc dục.
Những Phi Thiên trên các bức bích họa Đôn Hoàng, những tiên nữ phụ trách về nghệ thuật chốn Thiên thượng, dường như đang ngầm nói với chúng ta rằng: Nhân loại cần nhìn nhận lại sự khỏa thân chân chính trong nghệ thuật. Bởi vì ý nghĩa của nó chính là một biểu hiện của con người hướng đến Chư Thần, chính là một phần của nghệ thuật ngợi ca Chư Thần.
Quang Minh