Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Tục đa thê

Chúng ta đều biết rằng người An Nam có bổn phận rất thiêng liêng, đó là thờ cúng tổ tiên – một nhiệm vụ chỉ được giao cho nam giới. Chính vì thế, tập quán và pháp luật cho phép người chồng được cưới vợ hai, vợ ba, vợ thứ n… với hi vọng một ngày nào đó anh ta sẽ có người kế tục mình thờ cúng tổ tiên.

Chế độ đa thê bắt nguồn từ tôn giáo nhưng chính bởi tính ích kỷ mà người đàn ông đã không ngần ngại lạm dụng nó, vậy nên người đời mới có câu:

Sông bao nhiêu nước cũng vừa,

Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng.

Dù gì đi nữa, chế độ đa thê cũng không dễ dàng được nữ giới tiếp nhận, thế nên còn có một câu ca khác:

Chết trẻ còn hơn lấy lẽ

Thực tế, thân phận của người phụ nữ làm kiếp vợ lẽ thường rất bi thảm, điều này thể hiện qua câu:

Ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài

Vì ăn cơm nóng, nằm cùng giường với chồng là đặc quyền dành cho người vợ chính thất.

Thân phận của người vợ lẽ còn được ví với thân phận của con hầu nhưng là con hầu “đi ở không công”So sánh như vậy cũng không quá bởi người vợ lẽ còn bị gọi là nàng hầu, cô hầu.

Thân phận tủi nhục đó càng thêm bi đát vì tính ghen tuông của người vợ chính thất, người đã đè bẹp người vợ lẽ bằng cả ngàn nỗi thống khổ. Thân phận vợ lẽ không phải là điều mà các chị, em mong ước, vì vậy mà các cô gái trẻ thường tỏ ra khinh bỉ và từ chối thẳng thừng lời cầu hôn từ một người đàn ông đã có vợ:

Đã thành gia thất thì thôi,

Đèo bòng chi nữa, tội giời ai mang?

Tuy nhiên, vẫn có những người vợ lẽ may mắn được hưởng cuộc sống bình yên nhờ sự rộng lượng của vợ cả.

“Nội tướng”[1] không phải lúc nào cũng dữ dằn. Thi thoảng người ta vẫn nghe thấy câu thể hiện sự bao dung như:

Cả sông đông chợ,

Lắm vợ nhiều con.

Thực vậy, theo quan niệm cũ, đa đinh là một cái phúc và người vợ chính thất được coi là mẹ của tất cả những đứa trẻ do vợ lẽ sinh ra.

Dù chàng năm thiếp bảy thê,

Thì chàng cũng chẳng bỏ gái sề này đâu

Năm con năm dấu,

Mười vợ mười thương.

Ưu, nhược điểm của chế độ đa thê (nguồn: TTLTQG I)

Thế nên nếu là người biết điều, người vợ cả sẽ tỏ ra thân mật với tất cả những người “xấu số” bị rơi vào vị trí thấp kém, và với những người ngay ở độ xuân thì đã “thua chị kém em”. Người vợ cả sẽ có cách cư xử cao thượng với người thấp kém hơn mình để chứng tỏ mình xứng đáng ở hàng trên:

Có thương kẻ dưới mới là lượng trên.

Vì lẽ đó, trong những ngôi nhà có “nhiều phòng” này, đôi khi người ta phải kìm nén sự ghen tuông và những người vợ dù ở vị trí cao hay thấp phải “yêu nhau như chị em”.

Tuyệt đối tránh cảnh nắm tóc hay xé yếm nhau vì “xấu chàng hổ ai”.

Sự hòa thuận của những nhà có “nhiều phòng” như thế trước hết phụ thuộc vào cách cư xử của người chồng. Họ cần phải khôn khéo để dàn xếp tính tự ái của các bà vợ, biến sự ganh ghét, đố kị của họ thành sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Chỉ cần riêng tư một chút là có chuyện bởi vì:

Thế tình chuộng lạ thơm thanh,

Bên khinh bên trọng ra tình xấu chơi!

Thói thường, người vợ lẽ bao giờ cũng trẻ hơn, đẹp hơn người vợ cả nên được chồng cưng chiều hơn như câu:

Có mới thì nới cũ ra,

Mới để trong nhà cũ để ngoài sân

Có vả thì phụ lòng sung

Có chùa bên bắc bỏ miếu bên đông tồi tàn.

Nhiều ông chồng thiếu tinh tế thích đưa người vợ lẽ trẻ đẹp đi đây đi đó, kết cục là vợ chính thất cảm thấy uất ức, nuôi chí báo thù.

Những bà vợ cả có tính cách hung hãn hay nổi cơn tam bành với chồng, hành hạ vợ lẽ. Những người vợ lẽ bị rơi vào trường hợp đó thường phải cam chịu sự đối xử hà khắc và tình cảnh của họ thật đáng thương. Bên cạnh đó, cũng có những người vợ lẽ ương ngạnh không dễ bị người khác bắt nạt, họ tìm cách báo thù, thậm chí lao vào tấn công. Không những thế, họ còn trút giận lên cả ông chồng quá nhu nhược nhằm trấn áp hành vi độc ác của vợ cả. Hệ quả là người chồng tội nghiệp này bị tra tấn bởi những nỗi dằn vặt không tên và có một câu ngạn ngữ dân gian ví người chồng khi đó giống như “chạch bỏ giỏ cua”.

Những cuộc cãi vã như thế này không chỉ làm hàng xóm điếc tai và biến các gia đình trở thành địa ngục, mà đôi khi còn dẫn đến án mạng ngay tại chốn phòng the.

Một số “chính thất” tinh quái, che dấu sự phẫn uất của mình một cách khéo léo nhằm hãm hại người vợ lẽ, khiến họ không chịu nổi cuộc sống trong mái ấm vợ chồng.

Miệng ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Để tránh bị tai tiếng, những người giàu có nhiều vợ sẽ cho mỗi bà vợ một căn nhà riêng. Sống xa nhau như vậy, các bà vợ ít có cơ hội cãi cọ nhau và cuộc sống chung của họ không mấy bị ảnh hưởng.

Những ông chủ có nhiều ruộng đất, doanh nhân giàu có nhiều công ty, họ lấy nhiều vợ để giao cho mỗi người quản lý một phần tài sản hoặc một cơ sở. Những người như vậy thường đưa đầu óc kinh doanh của mình vào cuộc sống hôn nhân như câu tục ngữ: “nhất cử lưỡng tiện”.

Bi kịch trong những ngôi nhà “nhiều phòng”, ý thức về phẩm giá mà nền giáo dục đã truyền thụ cho các thiếu nữ và việc cải thiện vị thế của người phụ nữ trong các gia đình An Nam là nhân tố chính giúp loại bỏ chế độ đa thê.

Hiện nay [năm 1944 – ND], chỉ có những người phụ nữ luống tuổi, các ả đào hay gái nhảy, những người hiếm có cơ hội làm vợ cả, hoặc những cô gái trẻ mà “sự trong trắng đã bị hoen ố” mới chấp nhận thân phận khốn khổ của người vợ lẽ.

Nguồn: Theo La Giang đăng trên Tuần san Indochine số 185, ngày 16/3/1944.

 


[1] Tướng ở trong nhà, một tên gọi khác của người vợ chính thất.

Làng phong Quy Hòa – Bệnh viện trăm tuổi đẹp như tranh

Làng phong Quy Hòa ở Quy Nhơn, Bình Định, là một bệnh viện cổ độc đáo với quy hoạch kiến trúc đẹp và vô cùng đặc biệt. Năm 1929, linh...

Ông ba mươi… coi hát cọp

Hổ được nhiều bàn tay khéo léo, nhiều khối óc thông minh, thi nhau đánh bóng, phết sơn, tô màu. Xanh, vàng, trắng, đỏ, đen. Hoa cả mắt. Chắc nhờ...

Các kiểu đi xe máy ở Việt Nam

Giao thông ở Việt Nam luôn khiến khách du lịch hoảng sợ vì độ nguy hiểm và khó lường. Đây cũng là chủ đề được bàn luận nhiều trên các...

Tàu hỏa ở Việt Nam thập niên 1920

Việc đi tàu hỏa ở Việt Nam xưa có khác gì nhiều so với ngày nay? Cùng khám phá điều này qua loạt ảnh do người Pháp thực hiện vào...

Sách dạy làm giàu – Sự nguy hiểm của liệu pháp tự kỷ ám thị

Nhưng những sách ấy là dạy người ta như thế. Nó ru ngủ con người trong giấc mộng sang giàu, khao khát đến mức quên cả bản thân mình hao...

Lăng mộ đại điền chủ Hàm Huỳnh Kỳ

Lăng mộ đại điền chủ Hàm Huỳnh Kỳ là một công trình kiến trúc độc đáo hội tụ bản sắc văn hóa của cả 4 dân tộc hiện diện ở...

Châu về Hợp Phố nghĩa là gì?

"Châu về Hợp Phố" hay "Châu về Hiệp Phố". Ý nói trùng phùng gặp gỡ, đoàn tụ lại. Thường được dùng hàm ý chỉ “những cái quý giá không mất...

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P5: Lãnh thổ rộng lớn cực điểm

Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Thụ qua đời, con trưởng là Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi, người thời đấy gọi ông là Chúa Võ. Chúa Võ đã giúp hoàn...

Sự phân biệt giàu nghèo ở học sinh

Câu chuyện tán gẫu với thái độ xem thường của ba học sinh về một người bạn vắng mặt. Câu chuyện bắt đầu từ học sinh A: “Ê, tao mới...

Có hay không chế độ phong kiến ở Việt Nam?

Từ trước đến nay, có rất nhiều tác giả viết và bàn về hai chữ  Phong kiến. Họ  phân tích, đối chiếu với lịch sử để tìm cách minh định :...

Xe không chạy trên sông sao gọi xe đò?

Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi gặp ông ở quán cà phê vỉa hè trước Nhà Văn hóa quận Gò Vấp cách nay hai mươi năm. Trong...

Đèn Hoa Kỳ của Việt Nam!

Ở xứ Việt có một loại đèn dầu được gọi tên là đèn Hoa Kỳ. Đèn Hoa Kỳ có phải của Mỹ hay không? Nếu không phải, tại sao nó...

Exit mobile version