Tại sao lại nói “chợ búa”? Có lẽ nào “chợ búa lại là chợ bán búa (để đóng đinh) giống như “chợ cá” là “chợ bán cá”, “chợ vải” là chợ bán vải…? Rồi lại còn có “hóc búa”. Vậy “búa” ở đây là gì và “hóc” có phải là “nghẹn”? “Nghẹn” và “nghẽn” có khác nhau không và “nghén” có phải là “nghẹn”, ‘nghẽn” ở chỗ bụng?
Về từ búa trong “chợ búa”, Lưu Trọng Văn có ghi lại câu chuyện giữa tác giả với nhà văn Nguyễn Tuân như sau: “Một lần, tôi với bác Nguyễn cùng đi. Trên xe ôtô (…) ông say sưa phân tích vì sao gọi là “đường sá”, vì sao gọi là “chim chóc”, “chùa chiền”… Đột ngột ông hỏi tôi: “Cháu có biết vì sao người ta gọi “chợ búa” không?”. Tôi hỏi ngược lại: “Vì sao ạ?” Bác Nguyễn rung rung râu bạc, (…): “Không biết bác mới hỏi cháu” (…) Tôi nói: “Tại các làng quê miền Bắc bất cứ đâu chợ nào cũng có cái lò rèn, khi vào chợ, âm thanh nghe đầu tiên chính là tiếng búa gõ lên đe… thế rồi người ta ghép chữ búa vào chữ chợ..” Khi giải thích xong tôi nghĩ thế nào cụ Nguyễn cũng cười khà khà vì sự đơn giản, ngô nghê của tôi. Nhưng không ngờ (…), ông nói: “Nhiều lúc có những điều rất đơn giản mà mình lại nghĩ không ra, cứ đi tìm cái gì phức tạp ghê gớm… để giải thích” (Ngất ngưỡng một Nguyễn Tuân, Thế giới mới, số 28, 1992, tr. 56 – 57.)
Cách giải thích trên đây thực chất chỉ là từ nguyên dân gian. Còn nếu muốn dùng danh từ của D. Bolinger, thì đó là guesstymology”, tạm dịch là từ nguyên đoán mò. Búa thực ra là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 鋪 mà âm Hán Việt hiện đại là phố, có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Ở Hà Tĩnh, người ta vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa. (Xin xem thêm Kiến thức ngày nay, số 177, Chuyện Đông chuyện Tây, tr. 55.) Vậy chợ búa chẳng qua là chợ nói chung và đây vốn là một từ tổ đẳng lập đích thực mà hai thành tố là những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau như: xe cộ, tàu bè, sông ngòi, bến bãi, v.v.. Xét theo lịch đại thì búa là một từ có nghĩa riêng biệt và cụ thể còn xét theo hiện đại thì đó chỉ là một yếu tố đã mất nghĩa, đúng hơn, đó là một từ cổ. Những từ cổ như thế rất nhiều và người ta chỉ có thể nói rằng chúng là những yếu tố đã mất nghĩa chứ quyết không nói được rằng chúng là những yếu tố vô nghĩa như vẫn thường làm chỉ vì chính mình không biết được nghĩa của chúng.
Về từ tổ hóc búa, Lê Thái Hà đã giải thích như sau:
“Xưa có một người vào ngủ trọ nhà người ta. Khi ra đi, người ấy lấy cái búa của chủ nhà và giấu búa vào gói cơm mang theo. Chủ nhà thấy mất búa liền đuổi theo và đòi khám; tất nhiên là người ấy tìm thấy. Người ngủ trọ liền chữa thẹn: – Không hiểu sao búa lại lẫn vào gói cơm này. May quá, giá bác không tìm thì hôm nay, ăn cơm, tôi đến chết hóc mất”. (Ngôn ngữ, số 2, 1972, tr. 66.)
Đây quả là một kiểu từ nguyên giai thoại (étymologie anecdotique) quá dễ dãi. Sự tưởng tượng lẽ ra nên công phu hơn và chặt chẽ hơn thì mới không làm cho người ta nghi ngờ cách giải thích được đưa ra. Cách giải thích này làm cho người ta có thể liên tưởng đến cách giải thích thật thà của Nguyễn Văn Ngọc trong Nam thi hợp tuyển khi ông cho rằng bù nhìn là do tên của một người gác ruộng dưa là Bố Nhiên mà ra.
Hóc búa thực ra vốn là một lối nói của những người đến gỗ. Ngày xưa chẳng làm gì có cưa máy cá nhân thuận tiện và mau lẹ như bây giờ. Cũng chẳng phải hễ ai đi rừng thì đều “kéo cưa lừa xẻ”. Dụng cụ gọn nhẹ và cơ động nhất lúc bấy giờ chỉ là cái búa. Và hóc búa là một sự cố trong quá trình lao động của những người đốn gỗ. Dù có dày kinh nghiệm và cẩn thận đến mấy thì cũng có lúc họ – không người này thì người khác – phải bất lực mà nhìn chiếc búa của mình bị kẹt cứng trong thân cây đang đắn dở mà không rút nó ra được hoặc phải khó khăn lắm mới rút được nó ra. Đó chính là hiện tượng “hóc búa”. Vậy hóc búa là kẹt búa trong thân cây hoặc súc gỗ mà không rút ra được. Đây là nghĩa gốc đã cho ra nghĩa phải sinh là rắc rối, nan giải, cũng là nghĩa thông dụng hiện nay. Còn chính cái nghĩa gốc kia thì đã tuyệt tích giang hồ, nghĩa là không còn “lưu thông” trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân chúng nữa nên mới sanh ra cái sự người đi ngủ trọ ăn cắp búa mà lại may mắn khỏi bị búa kẹt trong cuống họng vì chưa kịp ăn (?) thì đã bị phát giác!
Cứ như trên thì hóc cũng là nghẹn nhưng đây không phải là hai từ đồng nghĩa tuyệt đối vì không phải bao giờ chúng cũng có thể thay thế cho nhau được, chẳng hạn nghẹn họng không thể thay bằng “hóc họng” mà hóc búa cũng không thể thay bằng “nghẹn búa”. Nghẹn là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 哽 mà âm Hán Việt hiện đại là ngạnh, có nghĩa là bị tắc ở cổ họng nên không nuốt hoặc không nói được. Thiết âm của nó trong Quảng vận là “ngũ tránh thiết”. Nguyên âm chính của vận –anh là e [c] ; vì vậy mà từ ngạnh sang nghẹn thực ra cũng chỉ có một sự thay đổi ở âm cuối vần từ -nh thành -n mà thôi. Còn nghẽn là một biến thể hậu kỳ của nghẹn nhưng nói chung, chúng cũng không thay thế cho nhau được; chẳng hạn nghẽn đường nghẽn lối không thể nói thành “nghẹn đường nghẹn lối”, mà nghẹn lời thì cũng không thể nói thành “nghẽn lời”, v.v..
Nghén không phải là “nghẹn, nghẽn ở chỗ bụng” (đây là một từ hoàn toàn khác gốc) mà lại có nghĩa là cái mâm mang ở bụng, tức là cái thai. Đây là một âm rất xưa của chữ 仁 mà âm Hán Việt hiện đại là nhân, có nghĩa là hạt hoặc hạt giống. Chữ này thuộc thanh mẫu nhật 日, ứng với phụ âm đầu mà chữ quốc ngữ là nh-. Nhưng từ nghén của tiếng Việt lại là một bằng chứng cho thấy trước khi chuyển thành một chữ thuộc thanh mẫu nhật thì 仁 đã là một chữ/từ có phụ âm đầu ng- [n], là phụ âm đầu tương ứng với thanh mẫu nghi 疑, trong sự đối lập với thanh mẫu nhật. Tuy các nhà Hán ngữ học không phục nguyên phụ âm đầu ng- cho chữ trước thời Thiết vận nhưng từ nghén của tiếng Việt là một bằng chứng cho phép tiến hành một sự tái lập như thế. Đồng thời chữ nhân 人 là người cũng có phụ âm đầu ng- trước thời Thiết vận mà cái từ người đã là một bằng chứng lý thú. Chỉ tiếc là do khuôn khổ của chuyên mục và yêu cầu của câu trả lời đều không cho phép nên chúng tôi không có điều kiện để chứng minh tỉ mỉ mà thôi.