Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Đường Lê Văn Duyệt – Sau 45 năm “Châu về hợp phố”

Con đường này hình thành từ bao giờ? Lần đầu tiên con đường được vinh dự mang tên “Lê Văn Duyệt” vào năm nào? Tại sao năm 1975 con đường này bị xóa bỏ tên “Lê Văn Duyệt” trước khi được khôi phục lại vào năm 2020? Đó là những câu hỏi mà không ít người đang sinh sống tại Sài Gòn thắc mắc và cần lời giải đáp cụ thể.

Trước tiên, cần nói sơ lược, ngắn gọn về cuộc đời của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt từ khi Ngài còn làm Tổng trấn Gia Định Thành cho đến khi mất vào cuối năm 1832. Khi đó Thành Gia Định cũ nơi Ngài làm việc chính là Thành Quy cũ, cũng gọi là Thành Bát Quái vốn đã bị vua Minh Mạng cho phá bỏ vào năm 1836. Địa điểm Công viên Tao Đàn ngày nay chính là “Vườn Ông Thượng” (Ông Thượng hay Thượng Công chỉ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt) gần Thành Gia Định cũ, nơi Ngài thường hay ra ngồi ngự trị.

Tuy nhiên, sau khi mất, Ngài lại được an táng, chôn cất trên vùng đất làng Bình Hòa thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Dưới triều vua Tự Đức, Lăng Ông (tức Thượng Công Miếu) được xây dựng ngay tại đây và chiếm diện tích lớn. Khi đó, trục đường Bùi Hữu Nghĩa – Lê Quang Định mới là tuyến đường độc đạo từ Thành Gia Định đi ngang qua Bà Chiểu và sau đó là lên tới Gò Vấp.

Dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1874, sau khi đã thành lập Thành phố Sài Gòn, chính quyền thực dân Pháp cho dời lỵ sở hạt Sài Gòn (từ năm 1885 đổi tên thành hạt Gia Định, sau năm 1900 là tỉnh Gia Định) từ vị trí Thành cũ lên khu vực phố chợ Bà Chiểu thuộc làng Bình Hòa. Sau năm 1874, một đại lộ mới cũng được hình thành, chạy thẳng tắp nối liền với Tòa Bố Gia Định cũng mới được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu cai trị trong bối cảnh lịch sử mới, đồng thời lại kết nối với khu vực trung tâm Thành phố Sài Gòn theo tuyến đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay. Trục đại lộ mới này đã cắt ngang qua phần đất Lăng Ông Bà Chiểu khi xưa vốn rất rộng lớn nhưng sau đó chỉ còn lại phần đất nằm về phía bên phải trục đường như hiện hữu cho đến ngày nay. Phần đất nằm phía bên trái con đường vốn trước đây là đất của Lăng Ông, nhưng từ đó trở đi bị chia tách giao về cho Trường Vẽ Gia Định và Xưởng Công chánh.

Ban đầu, do chưa tìm được tên gọi chính thức nên con đường này được mang tên “Đại lộ Tòa Bố” (tiếng Pháp là “Avenue de l’Inspection”). Đến nay vẫn chưa tìm ra được tài liệu nào xác định rõ năm nào chính quyền tỉnh Gia Định cũ chính thức đặt tên đường này là “Avenue Lê-Văn-Duyệt” theo tiếng Pháp. Chỉ biết rằng trên tờ báo “SAIGON” số 14124 ra ngày 29-10-1938, “Sự phòng bị cho dân Saigon – Bảy con đường đưa dân Saigon đi các tỉnh” đã nhắc đến “đường Lê Văn Duyệt” như sau: “Đường Lê Văn Duyệt đi tới đường thuộc địa số 1 và do quan chủ tỉnh Berland ở Gia Định làm” (đường thuộc địa số 1 đoạn đi ngang tỉnh lỵ Gia Định vào năm 1955 đổi tên thành đường Nguyễn Văn Học, từ năm 1975 đến nay là đường Nơ Trang Long).

Đến năm 1943, trong cuốn sách tiếng Pháp “Guide historique des rues des Saigon” của tác giả André Baudrit thì con đường này cũng được nhắc đến ở mục “Foch – Boulevard du Maréchal” và được tạm dịch tiếng Việt như sau: “Đại lộ rất ngắn, từ ngã tư trên đó dẫn đến nhiều đường phố. Nó bắt đầu từ giao lộ với đường Mayer, đường Foucault và Đại lộ Albert-1er và kết thúc xa hơn 150m (giới hạn đô thị), tại Cầu Dakao (trên rạch Avalanche). Đại lộ Lê Văn Duyệt, tiếp theo đó, dẫn đến Gia Định, và không phụ thuộc vào Sài Gòn”. Cụ thể, đại lộ (cũng gọi là công trường) Thống chế Foch đó chính là một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay, còn cầu Dakao chính là Cầu Bông ngày nay bắc qua rạch Thị Nghè.

Một chi tiết đáng lưu tâm là vào năm 1937, đích thân Chủ tỉnh Gia Định là Louis Berland, người Pháp, đã cho tiến hành trùng tu và mở rộng Lăng Ông Bà Chiểu. Như vậy, khả năng cao là tên đường Lê Văn Duyệt cũng được đặt vào thời điểm cùng năm đó, và người ban hành quyết định này không ai khác chính là Ngài Berland.

Các bản đồ Sài Gòn từ năm 1950 trở về sau, khi vẫn còn mang nhiều tên đường tiếng Pháp thì đều thấy “Avenue Lê-văn-Duyệt” cho tuyến đường này. Đặc biệt các bản đồ này còn chỉ đây cũng là tuyến đường độc đạo từ Sài Gòn đi Biên Hòa, Thủ Dầu Một, bởi lúc bấy giờ chưa có Xa lộ Biên Hòa cùng cầu Tân Cảng cũng như cầu Bình Triệu bắc qua sông Sài Gòn. Thay vào đó, tuyến đường này kết nối vào Đường thuộc địa số 1 (sau đổi là Quốc lộ 1) băng qua sông Sài Gòn bởi cầu Bình Lợi được xây dựng từ buổi đầu Pháp thuộc. Đến năm 1955 thì tên gọi chính thức được đổi hoàn toàn sang tiếng Việt là “Đại lộ Lê Văn Duyệt”. Như vậy việc một số tài liệu nói con đường này được đổi tên thành Đại lộ Lê Văn Duyệt kể từ ngày 8-2-1955 là hoàn toàn không chính xác. Từ năm 1911 đến ngày 30-4-1975, tuyến đường này thuộc về địa bàn làng (sau năm 1956 là xã) Bình Hòa Xã, tổng Bình Trị Thượng (giải thể sau năm 1963), quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Đến năm 1975, do chính quyền mới kết luận rằng Tả quân Lê Văn Duyệt là tướng phục vụ triều đình nhà Nguyễn và từng chống lại nhà Tây Sơn trước đó, nên hầu hết các tuyến đường mang tên Lê Văn Duyệt ở các đô thị miền Nam đều bị thay thế bằng tên đường khác. Lúc bấy giờ, do chưa tìm được tên đường mới để thay thế, chính quyền mới đã xóa bỏ tên đại lộ Lê Văn Duyệt và tạm thời nhập chung vào đại lộ Đinh Tiên Hoàng bên phía quận 1. Theo Quyết định của Ủy ban quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định vào ngày 14-08-1975, có hiệu lực chính thức kể từ 2-9-1975, ở mục số 11 được mô tả như sau: “Tên mới đường Đinh Tiên Hoàng: bao gồm tên cũ Đại lộ Cường Để, Đại lộ Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Đại lộ Lê Văn Duyệt (Gò Vấp), từ Bến Bạch Đằng đến chỗ giáo mối Đại lộ Chi Lăng và Bạch Đằng (Gia Định)”.

Sau khi thay đổi tên đường Lê Văn Duyệt thành đường Đinh Tiên Hoàng, số nhà vẫn giữ nguyên như cũ cho đến nay. Hiện tượng này đã gây việc trùng lặp số nhà cho những cơ quan, tổ chức, hộ gia đình tọa lạc trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng giữa quận 1 và quận Bình Thạnh. Tình trạng này tồn tại đến giữa năm 2020, cho nên trong đời sống thường ngày, người dân thường gọi đoạn đường này là đường Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Bình Thạnh.

Từ năm 2019, Ban Quý tế Lăng Ông đã đề xuất phục hồi tên đường Lê Văn Duyệt như cũ. Đến tháng 4-2020, người dân sinh sống hai bên tuyến đường này được hỏi thăm dò ý kiến về đề xuất trên. Do tỷ lệ đồng tình cao, đạt 65%, nên vào ngày 11-7-2020, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt. Đến ngày 16-9-2020, nhân kỷ niệm 188 năm ngày mất của Đức Tả quân, Lễ công bố chính thức đặt tên đường Lê Văn Duyệt được tổ chức trọng thể. Như vậy sau 45 năm bị thay đổi tên, đường Lê Văn Duyệt đã được trở về như cũ đúng với nguyện vọng của đa số người dân sinh sống tại Sài Gòn.

Một số địa điểm quan trọng nằm trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh:

Trường THPT Võ Thị Sáu (Trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt cũ), 95 Lê Văn Duyệt;
Trường Cán Bộ thành phố (có di tích mộ 2 cô hầu của Đức Tả quân), 129 Lê Văn Duyệt
Trường THCS Trương Công Định (Trường Trung học Lê Quang Định cũ), 131 Lê Văn Duyệt;
Bệnh viện Quận Bình Thạnh, 132 Lê Văn Duyệt;
Trung tâm Văn hóa Quận Bình Thạnh, 144 Lê Văn Duyệt;
Lăng Ông Bà Chiểu, 146 Lê Văn Duyệt (Cổng Tây).

Cuộc sống ở Chợ Lớn năm 1991 qua ảnh của Patrick Zachmann

Chân dung các đại gia người Hoa, thi hài người quá cố trong nhà tang lễ Chợ Lớn, khu nhà trọ bình dân ở đường Lê Quang Sung… là loạt...

Vì sao kênh đào Suez từng là tuyến đường quan trọng của thế giới?

Kênh đào Suez của Ai Cập - nơi một con tàu chở hàng lớn nhất thế giới đang bị mắc kẹt - có lịch sử từ 150 năm trước. Kênh...

Nuôi gà chọi

Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi. Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?” Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm,...

Hủ tiếu Mỹ Tho – 50 Năm Danh Hiệu

Hủ tiếu là món ăn gốc của người Triều Châu, mang vào Ðàng Trong được người mình Việt hóa. Hủ tiếu là món ăn bao gồm nước súp, thịt và...

Tiền thưởng đời vua Minh Mệnh (1820-1840)

Đời vua Minh Mệnh cũng đúc các loại thoi bạc, mặt tiền đúc bốn chữ Minh Mệnh niên tạo (Tạo tác trong niên hiệu Minh Mệnh), lưng tiền đúc nổi...

Bài học giáo huấn về đối nhân xử thế của Khổng Tử

Những cống hiến và vai trò của Nho gia trong nền văn hóa truyền thống là vô cùng to lớn. Đặc biệt, văn hóa Nho gia còn được xem là ngọn nguồn...

Mùa xuân, suy ngẫm về ‘Phúc, Lộc, Thọ’

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người ước nguyện cho nhau luôn được “Phúc, Lộc, Thọ”. Người nào được toại nguyện cả ba điều ước và mong muốn ấy...

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P2: Cuộc di dân lịch sử

Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay và làm nên một cuộc di dân về phương Nam vô cùng ngoạn mục....

Hoàn cảnh ra đời ca khúc Tình Anh Lính Chiến của Nhạc Sĩ Lam Phương

Năm 1958 cũng như bao lớp người trai trẻ khác, nhạc sĩ Lam Phương hăng hái lên đường làm nhập ngũ làm bổn phận của người trai thời loạn. Trong...

Chợ Đông Ba – nơi lưu giữ tinh hoa của xứ Huế

Chợ Đông Ba được coi là nơi lưu giữ những tinh túy văn hóa đặc sắc của Cố đô Huế. Tại khu chợ lâu đời này, du khách có thể...

Những bức ảnh về một Sài Gòn xưa rợp bóng cây

Hàng me cổ thụ xanh rì, cây gòn trăm tuổi như ông lão áo mão tôn nghiêm, hàng xà cừ đại thụ… mang đến không gian trong lành cho đường...

Nghề luyện sắt của người Việt qua thư tịch cổ

Cho đến nay, các nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử cho thấy người Việt cổ luyện kim thành thạo từ sớm, với những dấu vết của luyện kim đồng...

Exit mobile version