Phần 3: Nguyễn Chánh Sắt (1869 – 1947) nhà văn tiền phong Nam Kỳ
Nguyễn Chánh Sắt là một người tự học, một nhà văn tiền phong, một dịch giả truyện Tàu nổi tiếng ở miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Các nhà làm văn học sử từ trước đến nay, thường bỏ quên tên tuổi và sự nghiệp của cụ, hoặc chỉ nói qua được một hai dòng về sự đóng góp vào cái gia sản văn hoá đồ sộ của miền Nam. Riêng tôi, để viết lại tiểu sử của các bậc tiền bối, sống chỉ cách chúng ta trên dưới 1 thế kỷ, phải bỏ ra nhiều năm để sưu tầm tài liệu xuất xứ từ đủ mọi nguồn gốc khác nhau. Đối với Nguyễn Chánh Sắt cũng rất khó, vì trong hoàn cảnh chật hẹp hôm nay không được đến nơi chôn nhau cắt rún của cụ để hỏi thăm, sưu tầm gia phả, tài liệu, mà chỉ lượm lặt một cách rời rạc, nên chỉ có thể cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quát về một con người trong một giai đoạn lịch sử mà thôi.
Nguyễn Chánh Sắt tự Bá Nghiêm, biệt hiệu Tân Châu Du Nhiên Tử, sinh quán tại làng Long Phú, Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, sau nầy đổi là huyện Phú Tân (Châu Phú- Tân Châu) thuộc tỉnh An Giang. Nguyễn Chánh Sắt là người tự học để thành công. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng cho kẻ hiếu học. Cha mẹ ông là những người nông dân nghèo, không đủ phương tiện cho cậu bé Sắt tới trường học mặc dầu cậu Sắt đã 8 tuổi. Thấy vậy, một gia đình phú hộ trong làng hiếm con tên là Nguyễn Văn Bửu ngỏ ý với cha mẹ cậu muốn xin Nguyễn Chánh Sắt về làm con nuôi để cho ăn học. Buổi đầu, cậu Sắt được học chữ Hán với một thầy đồ trong làng, và sau đó được theo học trường Quận tại Cần Thơ. Thời gian nầy, Nguyễn Chánh Sắt được học thêm chữ Pháp. Sau bậc Sơ học, Nguyễn Chánh Sắt được gia đình cha mẹ nuôi gởi xuống Châu Đốc theo học trường Tiểu học Pháp Việt.
Năm 17 tuổi, Nguyễn Chánh Sắt tốt nghiệp bằng Tiểu học rồi được cha mẹ nuôi cưới vợ cho ra riêng để tạo lập sự nghiệp làm ăn. Người vợ ông tên Văn Thị Yến, con một Hoa Kiều, là một cô gái đảm đang, có sạp buôn bán tạp hoá tại chợ Châu Đốc, nhờ đó cuộc đời của cậu thư sinh đỡ vất vả buổi đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Chánh Sắt là một người có chí, không muốn ăn không ngồi rồi, nên lúc ở nhà rảnh rỗi, Nguyễn Chánh Sắt cố gắng tự học thêm chữ Pháp và chữ Hán. Đầu thế kỷ 20, Tân Châu là một trung tâm dệt lụa nổi tiếng khắp miền Nam. Một người Pháp tên là De Colbert đến đây lập xưởng dệt, khuếch trương công việc làm ăn. Nghe tiếng đồn Nguyễn Chánh Sắt là một thanh niên hiếu học, thông minh, nên De Colbert đến tìm Sắt và mời cậu cộng tác cho mình, giữ sổ sách xưởng dệt và làm thông ngôn trong các cuộc giao dịch với người bản xứ. Thấy Sắt là một thanh niên hiền lành, đạo đức, thông minh, nên De Colbert ngỏ ý muốn giúp đỡ cậu. Ít lâu sau, De Colbert thôi việc dệt lụa để đi làm công chức, và được đổi đi Côn Nôn (Côn Đảo), ngỏ ý muốn đem Nguyễn Chánh Sắt theo. Đó cũng là thử thách để Nguyễn Chánh Sắt có dịp giao thiệp với đời, trau dồi thêm chữ Pháp nhờ làm thông ngôn. Ba năm sau De Colbert mất, Nguyễn Chánh Sắt về Sài Gòn.
Ban đầu ông xin vào làm trong Sở Canh Nông. Nghề công chức thời Pháp thuộc rất nhàn, Nguyễn Chánh Sắt dùng thì giờ nhàn rỗi viết báo, viết sách dạy chữ Hán cho học trò và thử dịch vài quyển truyện Tàu. Thấy công việc có kết quả, dần dần Nguyễn Chánh Sắt trở nên ham thích nhưng chưa đam mê. Ông Nguyễn Chánh Sắt bắt đầu viết từ năm 1918, và đến năm 1919, quyển tiểu thuyết kim thời đầu tiên được in trong “Sách Vệ Sinh Chỉ Nam” của nhà thuốc Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn. Tiểu thuyết ấy lấy tên là “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên” nhưng người đương thời vẫn quen gọi là “Chăng Cà Mum”. Cũng trong thời gian nầy, Nguyễn Chánh sắt được một người bạn giới thiệu vào dạy Hán Văn trong trường Taberd. Sau đó, Nguyễn Chánh Sắt được ông Canavaggio mướn trông coi sở muối ở Bạc Liêu. Canavaggio là một người Pháp ham thích hoạt động, có kiến thức, ngoài tư cách hội viên Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, còn kinh doanh nhiều nghề. Canavaggio khởi công làm ruộng ở Sốc Trăng, Bạc Liêu, chăn nuôi trâu bò, làm đại lý mua bán muối, nuôi tằm dệt tơ lụa ở Tân Châu. Chính Canavaggio có vựa bán muối trong chợ Cầu Muối, đồng thời cũng là người làm chủ tờ báo “Nông Cổ Mín Đàm”
Năm 1905, Nguyễn Chánh Sắt bắt đầu viết cho tờ “Nông Cổ Mín Đàm” rồi đến năm 1906 ông làm chủ bút “Lục Tỉnh Tân Văn”. Cũng bắt đầu từ đó, Nguyễn Chánh Sắt tham gia phong trào Duy Tân ở miền Nam do Trần Chánh Chiếu phát động, lấy tên “cuộc Minh Tân”. Tuy không phải là một nhà cách mạng của phong trào, nhưng trong lãnh vực văn hoá, tư tưởng, Nguyễn Chánh Sắt cùng với Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thành Út, Đặng Thúc Liêng… đã cổ võ cho công “cuộc minh tân”, kêu gọi các điền chủ, công chức thức tỉnh, đem tiền của để hùn hạp buôn bán, cạnh tranh quyền lợi với Hoa Kiều và Ấn Độ. Trên mặt báo, Nguyễn Chánh Sắt viết những lời cổ động dân chúng theo cuộc “minh tân”, đang liên tục nhiều tháng trên “Lục Tỉnh Tân Văn”. Thời gian nầy công ty “Nam Tân Minh Công Nghệ” thành lập năm 1908, gồm nhiều cổ phần, đa số là điền chủ và công chức, trụ sở đặt tai Mỹ Tho là một đầu mối giao thông về Miền Tây. Hồi đó đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho đưa các điền chủ, thầy cai tổng, ông Hội đồng… ghé chợ Mỹ Tho nghỉ ngơi trong các khách sạn. Đêm đêm họ hưởng thú vui cao lâu, nghe ca hát ra điệu bộ, rồi sáng hôm sau mới xuống tàu lục tỉnh về quê. Chuyến trở lên cũng vậy. Họ ghé Mỹ Tho nghỉ ngơi cho khoẻ để sáng hôm sau đáp xe lửa đi Sài Gòn. Trong công ty nầy có 2 khách sạn:
Về chính trị, tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” cũng công khai chỉ trích chế độ thuộc địa. Về kinh tế, “Lục Tỉnh Tân Văn” chủ trương giành quyền lợi cho người bản xứ, kêu gọi các nhà thương nghiệp Việt Nam thành lập các xí nghiệp, cổ động dân chúng tiêu thụ hàng nội hoá, giảm bớt mua hàng nước ngoài và chống lại sự chèn ép kinh tế của các nhà tư bản ngoại quốc. Tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” còn nhiều lần kêu gọi đồng bào “Nên tự trách mình, nên bỏ những lối ăn nết ở không hợp…”
Đến năm 1909 thủ lãnh phong trào là Gilbert Trần Chánh Chiếu bị bắt, phong trào suy sụp dần, rồi đến năm 1912, Nguyễn Chánh Sắt trở xuống Bạc Liêu làm ruộng. Nhưng 4 năm sau, Nguyễn Chánh Sắt trở lên Sài Gòn làm chủ bút “Nông Cổ Mín đàm”. Năm 1920, ông trở về quê ở Tân Châu, được dân chúng tín nhiệm, cử ông chức Hương Quản làng Long Phú. Nhưng chỉ sau một năm, Nguyễn Chánh Sắt lại trở lên Sài Gòn rồi đắc cử Phụ thẩm Toà Án Sài Gòn, được phong Huyện danh dự (huyện hàm), nên dân chúng Tân Châu còn gọi là “Ông Huyện Sắt”. Thời gian ở Tân Châu, Nguyễn Chánh Sắt có mướn một người ở đợ, tên là Ba Quốc. Một hôm Ba Quốc không chịu làm việc, cứ ngồi một nơi “tơ tưởng” chuyện trên trời dưới đất, được dân chúng hưởng ứng, gọi là “Ông đạo Tưởng”. Đạo Tưởng gởi thơ cho Tham Biện Châu Đốc, yêu cầu cung cấp súng đạn để ông ta dẫn đồng đạo qua Pháp đánh Đức. Chuyện “Ông đạo Tưởng”, chúng tôi có kể sơ trong bài “Bùa ngải, thư ếm”, xin miễn kể lại.
Cuộc đời ông Nguyễn Chánh Sắt hiếu động, dời chỗ luôn, nhưng dù bất cứ vị trí nào ông cũng tỏ ra là một người giàu nghị lực, siêng năng hoạt động và là một người biết giữ phẩm cách, đạo đức.
Dịch Giả Truyện Tàu
Phong trào dịch truyện Tàu ở Nam Kỳ bắt đầu từ năm 1901 cho đến năm 1932, có trên 30 dịch giả tên tuổi, nhiều bản dịch có giá trị được dân chúng mê đến nỗi muốn thuộc lòng từng đoạn. Những bộ truyện nổi danh suốt nửa thế kỷ qua là “Đông Châu Liệt Quốc”, “Tam Quốc Chí”, “Thủy Hử”… Trong khoảng hơn 30 dịch giả đã dịch trên 70 quyển truyện Tàu, chúng tôi thấy tên các người dịch sau đây:
– Trần Phong Sắc
– Nguyễn Văn Thạnh
– Nguyễn Chánh Sắt
– Trần Thị Sĩ
– Nguyễn An Khương
– Đào Xuân Trinh
– Nguyễn An Cư
– Tô Chẩn
– Nguyễn Liên Phong
– Nguyễn Công Kiều
– Lê Sum
– Cosme Nguyễn Văn Tài
– Lê Duy Thiện
– Nguyễn Kim Đính
– Phạm Minh Kiên
– Nguyễn Bá Thời
– Trần Hữu Quang
– Trần Công Danh
– Nguyễn Hữu Sanh
– Phạm Thành Kỉnh
– Huỳnh Trí Phú
– Trần Quang Xuân
– Huỳnh Công Giác
– Phạm Văn Điền
– Hoàng Minh Tứ
– Trương Minh Chánh
– Nguyễn Văn Hiển
– Trần Xuân
– Phạm Thị Phượng (La Thông tảo Bắc)
– Nguyễn Kỳ Sắt….
Trong số các dịch giả kể trên, nổi tiếng và dịch nhiều nhứt là hai ông Trần Phong Sắc và Nguyễn Chánh Sắt, mỗi người dịch độ 20 quyển, có bộ lên tới 1000 trang… Truyện Tàu xuất hiện lần đầu tiên năm 1904, đó là quyển “Tam Quốc Chí”, đăng trên “Nông Cổ Mín Đàm”. Bộ truyện đồ sộ nhứt là “Đông Châu Liệt Quốc” khoảng 15 cuốn, có nhiều dịch giả, trong đó có Nguyễn Chánh Sắt. Họ dịch lai rai suốt 23 năm, bắt đầu từ năm 1906 đến 1929. Những người cùng dịch “Đông Châu Liệt Quốc” gồm: Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần Đình Nghi, Nguyễn Kỳ Sắt. Còn về nhà in, quyển “Đông Châu Liệt Quốc” cũng có đến 4 nhà in khác nhau:
– Năm 1906 in tại IMP Saigonnais
– Quyển 3 do Hùynh Kim Anh dịch, in tại nhà in Phát Toán
– Quyển 7 do Huỳnh Kim Anh dịch, in tại nhà in Imp Schneider
– Quyển 14 do Huỳnh Kim Anh dịch, in tại nhà in “Xưa Nay” của Nguyễn Hào Vĩnh.
Bộ “Tái Sanh Duyên” do Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Văn Đẩu dịch tới quyển 11. Ngoài ra Nguyễn Chánh Sắt còn dịch bộ “Chung Vô Diệm”… (1)
Một Trong Những Người Viết Tiểu Thuyết Sớm Nhất Nam Kỳ
Từ trước đến nay, nhiều sách văn học nước nhà không dành cho Nguyễn Chánh Sắt một địa vị xứng đáng vì sự đóng góp của ông đối với nền văn học còn trong thời kỳ phôi thai. Cũng ở trong trường hợp đó, chúng ta còn phải kể thêm nhiều tác giả khác như Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu (Mộng Huê Lầu), Biến Ngủ Nhy (Nguyễn Bính), Trương Duy Toản… Dưới đâu là bảng liệt kê những tiểu thuyết, tuồng hát bộ do Nguyễn Chánh Sắt soạn:
– Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên (Kim thời tiểu thuyết, in năm 1919)
– Gái Trả Thù Cha, in năm 1920
– Tài Mạng Tương Đố, in năm 1925
– Tình Đời Ấm Lạnh (in trong “Thiên Sanh Đường” đại dược phòng)
– Lòng Người Nham Hiểm, in năm 1916
– Man Hoang Kiếm Hiệp (nhà in Đức Lưu Phương)
– Giang Hồ Nữ Hiệp (nhà in Đức Lưu Phương)
– Trinh Hiệp Lưỡng Mỹ
– Việt Nam Lê Thái Tổ
– Các tuồng hát bộ: Đinh Lưu Tú, Sài Gòn 1919, nhà in Imp. J. Viết.
Ngoài ra, Nguyễn Chánh Sắt còn là tác giả của vài cuốn sách dạy chữ Hán cho trẻ em.
Trong các quyển tiểu thuyết kể trên, tác phẩm đầu tay “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên” (Chăng Cà Mum) sáng tác năm 1918, in năm 1919, lấy bối cảnh một mối tình xảy ra vùng biên giới Việt Miên, in trong cuốn sách quảng cáo thuốc “Nhị Thiên Đường” ở Chợ Lớn. Truyện “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên” được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhơn vật chính, cô gái tên Chăng Cà Mum, gốc người Việt bị bắt đem bán cho Mẹ Sốc trên đất Miên. Quyển truyện nầy nổi tiếng đến mức nhiều độc giả viết thơ cho ông, chỉ cần đề tên “Mr. Chăng Cà Mum” và địa chỉ thì thơ cũng tới nơi, không sai lạc. Tên “Chăng Cà Mum” trở thành cái tên phổ thông cho tất cả phụ nữ Khmer. Vì giá trị quyển tiểu thuyết ra đời cách nay hơn 70 năm, rất ăn khách, nên chúng tôi xin phép tóm lược cốt chuyện để độc giả có một cái nhìn về quan niệm viết tiểu thuyết hồi xưa, đồng thời thấy được văn phong, luân lý của tác giả. Các tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt lấy đề tài xã hội đương thời, thực tế, viết theo lề lối tiểu thuyết Tây Phương, dùng lối văn xuôi bình thường, đánh dấu bước chuyển mình của loại văn học mới miền Nam. Sau đây, xin tóm lược cốt chuyện “Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên”:
“Lâm Trí Viễn, quê tại xép Cơ-Tầm Bon (tác giả cho biết ở dưới tỉnh thành Châu Đốc chừng sáu, bảy ngàn thước), cha mẹ gởi trọ học tại nhà người bà con tại tỉnh thành. Gặp Đào Phi Đáng, Lâm Trí Viễn đem lòng yêu. Đào Phi Đáng là con gái của một người Triều Châu, buôn bán tại Nam Vang. Cha mẹ mất, Đào Phi Đáng được dì ruột ở Chui-Chèn-Oa đem về nuôi nấng. Khi trổ mã con gái, Đào Phi Đáng ham vui, theo chúng bạn, mang tiền bạc trốn khỏi nhà dì, xuống Châu Đốc, và được một người đàn bà bán cá tôm ngoài chợ cho trú ngụ trong nhà.
Một hôm, Lâm Trí Viễn đọc báo thấy có tin một người giàu có ở Tân Châu tên là Trịnh Thế Xương, vợ mất sớm, chỉ có một đứa con gái tên Trịnh Phương Lang, hình dung yểu điệu, phía bên trái có một cái bớt bằng ngón tay cái mà tròn. Lúc Trịnh Phương Lang mới lên 6 tuổi, chợ Tân Châu bị hoả hoạn, nên cô bị thất lạc. Từ đó đến nay đã 12 năm biệt tích vắng tăm. Trịnh Thế Xương đăng báo rao khắp lục tỉnh nếu ai biết tung tích Trịnh Phương Lang, tìm đem về cho ông ấy, sẽ được đền bù 2000 đồng bạc (lúa lúc đó giá 2 cắc một giạ, một đồng bạc mua được 5 giạ lúa).
Lâm Trí Viễn bày cách cho Đào Phi Đáng giả làm Trịnh Phương Lang, về lại ăn cắp tiền của cha mẹ cùng Phi Đáng lên Sài Gòn, nhờ một người làm nghề thay răng tên Cao Quốc Thủ, dùng xảo thuật tạo dịch cái bớt son giả cho Phi Đáng.
Phi Đáng về, đi xuồng, giả bị chìm ở phía sau thành phố Châu Đốc, rồi “tình cờ” Lâm Trí Viễn đi ngang qua đó ra tay nghĩa hiệp, cứu nàng. Rồi Lâm Trí Viễn viết thơ báo cho Trịnh Thế Xương biết rằng mình vừa cứu được một cô gái có đặc điểm giống như cô gái của ông đã rao mất lạc, đăng trên nhựt báo. Lâm Trí Viễn đưa cô Đáng lên nhà gặp Trịnh Thế Xương, và cô tự xưng tên là Lang. Ông Trịnh Thế Xương không ngờ gì cả, nhận đó là con mình. Dì Tư bán cá có công đùm bọc cho Phi Đáng, được đền ơn 100 đồng bạc. Phần Trí Viễn được mời đến nhà hậu tạ 2000 đồng và hai cây lụa Tân Châu.
Khi đó, có một người tên Trần Trọng Nghĩa, quê ở Mỹ Tho làm thông ngôn Dây Thép (Bưu Điện) đổi về nhà giấy Tri Tôn (Xà Tón). Nghĩa mới 20 tuổi, cha mẹ mất sớm, chưa vợ con. Nho học, Tây học đều thông, nghề võ, đánh quyền cũng giỏi. Mỗi tuần vào chúa nhựt, Trần Trọng Nghĩa giao nhà cho đứa ở tên thằng Mốc coi giữ, mang súng, cưỡi ngựa lên núi một mình săn bắn và ngao du, xem phong cảnh.
Một hôm, mải theo đuổi thú săn, đến gần núi Cô Tô, thấy bên mé rừng có người con gái Cao Man cỡi trâu chạy như bạy, phía sau có hai con beo rất to đuổi theo. Trọng Nghĩa bắn chết 2 con beo, kêu cô gái lại hỏi thăm và ngạc nhiên khi cô trả lời bằng tiếng Việt rất trôi chảy. Nàng cho biết ba nàng bắt đi chăn trâu đã tám, chín năm nay chưa bị beo rượt lần nào. Lân nầy may nhờ chàng cứu sống. Trọng Nghĩa nhìn nàng, đoán thầm là người Việt hoặc có ai đó bắt bán lên Cao Man, hay cũng có duyên cớ chi đây. Vừa cất lời hỏi, nàng chưa kịp trả lời, bỗng thấy một người Cao Man từ trong mé rừng hăm hở chạy ra, vẻ mặt giận dữ, xốc lại xô nàng và chỉ tới, hình như biểu nàng phải về. Nàng mặt mày thất sắc, riu ríu đuổi trâu về. Trọng Nghĩa về nhà trằn trọc cả đêm, rồi từ đó, cứ mỗi Chúa Nhựt giả đi săn bắn vào chỗ cũ để mong gặp lại nàng.
Đến đây tác giả cho biết nàng tên Chăng Cà Mum, đầy tớ của một người Cao Man tên là Thạch Ung, làm Mẹ Sốc, cai quản vùng ấy, tính tình hung bạo, sâu độc, thường đày đoạ Chăng Cà Mum, đánh đập làm nàng khổ sở nhiều bề. Thạch Ung lại có đứa con trai tên Thạch Quýt, hình dung cổ quái, muốn lấy Chăng Cà Mum làm vợ, nên mỗi khi cha mẹ la rầy Chăng Cà Mum thì hắn thường kiếm lời che chở, nhờ vậy cũng đỡ cho Chăng Cà Mum khỏi chịu phần roi vọt.
Một bữa, Trọng Nghĩa gặp lại Chăng Cà Mum trong rừng. Hai người chuyện trò thân mật. Khi được hỏi về lai lịch, nàng cho biết mình vốn là người Việt Nam tên Lang, hồi lên 6 tuổi bị người ta bắt cóc đưa xuống ghe chở đi rồi đem tới sóc nầy mà bán cho lão Mẹ Sốc. Trọng Nghĩa hứa có dịp sẽ đưa nàng về miệt ngoài, rồi thăm dò tin tức xem cha nàng là ai, sẽ giao nàng cho ông. Từ đó, ngày Chúa Nhựt nào hai người cũng đến chỗ hẹn hò mà trò chuyện với nhau. Trọng Nghĩa dạy nàng học chữ Quốc ngữ. Sau thấy nàng có khiếu thông minh, liền dạy qua chữ Pháp. Ngày qua tháng lại, thấm thoát đã 2 năm trời, nàng học chữ Pháp cũng vừa thông chút đỉnh.
Lúc ấy Trịnh Thế Xương phó thác nhà cửa cho người cháu kêu bằng cậu là Triệu Bất Thanh để dắt con gái là Trịnh Phương Lang giả, tức Đào Phi Đáng đi du lịch Hà Tiên. Tình cờ ghé lại Châu Đốc, gặp ông Trần Trọng Nghĩa làm quen với chàng, được chàng hướng dẫn đi thăm cảnh núi Cô Tô. Trong lúc mải mê săn bắn, Trịnh Thế Xương đứng lại ngắm một bàu sen. Bỗng thấy một nàng con gái từ dưới bàu sen, tay cầm 3 đoá hoa sen, xâm xâm bước tới trước xe, dâng cho Trịnh Thế Xương. Trịnh Thế Xương thấy nàng tuy quần áo rách rưới, nhưng hình dung yểu điệu, lại thêm lời nói dịu dàng nên chạnh lòng thương xót, lấy 5 đồng bạc trao cho nàng để thưởng công. Nàng từ chối, không lãnh, tạ ơn rồi lùa trâu đi. Đào Phi Đáng thấy vậy, trong lòng ganh ghét, song chẳng nói ra.
Sáng hôm sau, Trịnh Thế Xương và Đào Phi Đáng từ giã Trọng Nghĩa rồi đi Tịnh Biên. Trong lúc ấy tại nhà Thạch Ung, Thạch Quýt xin cha mẹ ép Chăng Cà Mum làm vợ hắn. Chăng Cà Mum giả vờ nhận lời, rồi thừa lúc nửa đêm, lén bắt một con bò nhảy phóc lên lưng, chạy như bay ra Xà Tón. Trọng Nghĩa lầy quần áo của mình cho nàng cải trang, rồi tự cầm cương ngựa đánh xe đưa nàng qua Tịnh Biên tìm ông Trịnh Thế Xương. Sau khi nghe Trọng Nghĩa kể lai lịch Chăng Cà Mum, ông Trịnh Thế Xương sẵn sàng nhận nàng làm dưỡng nữ, đặt tên là Nhị Quế. Đào Phi Đáng kiếm lời ngăn cản, nhưng vô hiệu quả. Nhị Quế được cấp cho một đứa ở tên Thị Phụng. Từ đó ngày ngày Nhị Quế học ươm tơ dệt lụa, nấu ăn, làm bánh mứt, thêu thùa may vá, chưa đầy 3 tháng mà nghề nào cũng khéo, nên được mọi người đem lòng thương mến. Thừa dịp Trịnh Thế Xương bỏ quên chìa khoá, Triệu Bất Thanh lén mở tủ lấy 1000 đồng. Nhị Quế gặp Bất Thanh trong phòng cha nuôi và Thanh năn nỉ đừng tiết lộ, vì cậu y có lịnh cấm y vào phòng. Vì Nhị Quế giữ lời hứa nên khi ông Trịnh Thế Xương hay mất tiền, hỏi cả hai người con, Phi Đáng kiếm lời vu khống cho Nhị Quế. Nhờ Thị Phụng cho biết Triệu Bất Thanh quyết hại mình, nên tính ở lâu không tiện, chờ đêm khuya trốn đi, để lại tất cả áo quần của cha nuôi sắm cho, chỉ mặc bộ đồ giả dạng con trai của Trọng Nghĩa lúc trước. Thị Phụng đưa Nhị Quế đến nhà bà Năm Thọ là mẹ nàng để nương tựa. Sau khi đọc thư Nhị Quế để lại, Trịnh Thế Xương khóc ròng, liền giục tôi tớ đi kiếm khắp nơi mà không được tin tức chi hết.
Ở nhà bà Năm Thọ, Nhị Quế nhờ em Thị Phụng là thằng Bưởi đem thơ báo tin cho Trọng Nghĩa ở Tri Tôn. Nửa đường hắn bị Thạch Quýt đón bắt, đoạt bức thơ của Chăng Cà Mum, xem xong trả lại, chỉ hỏi tên thằng Bưởi rồi thả nó đi. Tìm đến nhà thằng Bưởi, Thạch Quýt cho một người Việt Nam ở dưới ghe của hắn, nói dối là Trọng Nghĩa sai đến rước Chăng Cà Mum. Khi Chăng Cà Mum xuống ghe, thình lình Thạch Quýt ở dưới khoang chun lên, bắt Chăng Cà Mum đè xuống, nhét khăn vô họng, trói lại, bỏ xuống khoang chở về Xà Tón. Bỗng Trọng Nghĩa xuất hiện, nhảy phóc xuống ghe, đánh nhau với Thạch Quýt, hạ hắn, rồi mở trói cho Chăng Cà Mum.. Trọng Nghĩa tính giao Thạch Quýt cho làng trị tội, thì bỗng gặp ghe của Trịnh Thế Xương tới, trên đường đi du lịch cho giải khuây. Hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau khi nghe Trọng Nghĩa kể đầu đuôi, Trịnh mắng Thạch Quýt sao dám bắt con gái mình. Thạch Quýt chỉ Chăng Cà Mum nói rằng cô nầy là con nuôi của cha hắn, hồi trước có người ở Tân Châu chở qua Xà Tón mà bán cho cha hắn hồi cô ta mới 6 tuổi, nghe nói tên cô ấy là Lang. Trịnh Thế Xương nghe tên Lang thì sửng sốt, sẵn cái áo của Chăng Cà Mum vùng vẫy khi nãy mà rách một đường, Trịnh Thế Xương liền vạch ra coi, thì thấy cái bớt son nơi vai trái. Khi Trịnh Thế Xương tỏ ra thắc mắc vì cô gái ở nhà cũng tự xưng là Trịnh Phương Lang có cái bớt son, thì Thị Phụng cho biết cái bớt son của cô Hai ở nhà là cái bớt giả, cách nay mấy bữa, nó đã bay mất. Trịnh Thế Xương mở trói, tha cho Thạch Quýt, đưa con trở về Tân Châu. Đào Phi Đáng biết lộ chuyện, nhơn đêm khuya, mở rương lấy hết quần áo, vòng vàng, chuỗi hột, túm lại một gói rồi lỏn ra ngã sau trốn mất.
Khi Trọng Nghĩa qua Tân Châu, Trịnh Thế Xương kể cho chàng biết tự sự, rồi quyết định gả Phương Lang cho chàng. Triệu Bất Thanh bị ông Xương cậy làm tờ từ, rồi đuổi ra khỏi nhà, cuốn gói lên Nam Vang, đến sau trôi nổi lên Biển Hồ, không biết đi đâu biệt tích. Đào Phi Đáng qua Châu Đốc, quyết tìm Lâm Trí Viễn, lúc nầy đã lên Sài Gòn học. Phi Đáng lên tuốt Sài Gòn hỏi thăm Lâm Trí Viễn mới biết cậu ta bị đau trái trời mà chết cách 3 ngày trước. Sau đó Đào Phi Đáng trở thành gái điếm, sao vào chốn lầu xanh, bị lây chứng ác mà bỏ mạng. Sau khi thành hôn, Trọng Nghĩa và Phương Lang sắp đặt việc hợp tác cho thằng Mốc và Thị Phụng. Về sau con trai của Trọng Nghĩa học giỏi, được du học bên Tây”.
Đây là quyển tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử, xã hội thực tế. Việc cháy chợ Tân Châu xảy ra năm 1910 khiến nhiều gia đình ly tán, việc Lâm Trí Viễn theo trọ học ở tỉnh thành Châu Đốc cũng là hoàn cảnh của tác giả, rồi khung cảnh địa lý, vùng Miên Việt. Tóm lại, những sự kiện thật, mới lạ, lần đầu tiên được đưa lên tiểu thuyết, vì lẽ đó người ta coi đây là quyển tiểu thuyết đánh dấu bước chuyển biến quan trọng từ cũ sang mới.
Chú thích:
(1) Cụ An Khê Nguyễn Bính Thinh, nhà văn và cũng là nhà cách mạng, bạn của người cháu ngoại của Nguyễn Chánh Sắt, tên Trân Xuân Nam, bút hiệu Trọng Tâm, có lần kể cho cụ nghe về Nguyễn Chánh Sắt: Một lần về Tân Châu thăm ông ngoại, Trần Xuân Nam kể chuyện họp bạn văn chương ở Sài Gòn cho cụ nghe, cụ vuốt râu cười:
– Mấy cháu tha thiết đến chữ Quốc Ngữ như thế là tốt. Tương lai của dân mình tùy thuộc phần lớn ở tiếng nói và chữ viết của nước mình. Không lẽ học tiếng nước ngoài bỏ tiếng nước mình để làm đầy tớ cho Tàu rồi lại làm đầy tớ cho Tây mãi sao?
Một hôm cụ hỏi Trần Xuân Nam có đọc truyện Tây Du của cụ dịch không? Đoạn văn nào anh ưa nhứt? Nam hóm hỉnh trả lời:
– Con ưa chỗ ngoại viết là “Tề Thiên Đại Thánh nhảy lên mây và nghĩ thầm rằng….” . Ngoại còn giỏi hơn ông Tề nữa, vì ổng nhảy cao tận mây xanh mà ngoại cũng biết ổng nghĩ thầm thế nào..!” (Tài liệu do nhà văn An Khê gởi cho tác giả)
(Rút trong khởi thảo “Nhân Vật Lịch Sử, Chính Trị, Văn Hoá miền Nam” Tự Điển)