Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Giáo dục tư nhân trước 1975 qua bản quy chế tư thục

Về quan điểm chính thống nhà nước đối với Tư thục, năm 1968, ông nguyên Tổng trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Thơ đã từng phát biểu tại trường tư (Công giáo) Lê Bảo Tịnh Sài Gòn đầu hè 1968: “Bộ Giáo dục không chủ trương giữ độc quyền việc dạy dỗ con em. Các phụ huynh có toàn quyền chọn trường, chọn theo phương pháp giáo dục nào thích hợp nhất cho con em họ….

Trường học tư thục Nguyễn Bá Tòng ở Sài Gòn (nay là trường Bùi Thị Xuân)

Trong nền giáo dục miền Nam trước đây, tư thục (trường tư), ở cả 3 cấp Tiểu, Trung và Đại học, chiếm một vị thế hết sức quan trọng. Thậm chí riêng ở bậc Trung học phổ thông, dựa theo số liệu thống kê năm 1968 của Bộ Giáo dục, số học sinh tư thục chiếm đến 65,43% tổng số học sinh Trung học trên cả nước, lấn át cả khu vực công lập. Điều này thể hiện sự tự do lựa chọn trường học cho con em mà Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa đã khẳng định: “Quốc gia thừa nhận phụ huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở trường theo điều kiện luật định. Quốc gia có thể công nhận các trường tư thục đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hội đủ điều kiện luật định. Văn bằng do những trường ấy cấp phát có thể được Quốc gia thừa nhận” (Điều 26 Hiến pháp 1956).

Một quy chế tư thục đã sớm được ban hành do Dụ số 57/4 ngày 23 tháng 10 năm 1956 (chỉ sau khi ban hành Hiến pháp có 3 ngày), cho phép các loại trường tư được mở trong khuôn khổ luật pháp và dưới sự giám sát/ kiểm soát của chính quyền địa phương và của Bộ Quốc gia Giáo dục. Nhờ vậy ngành Tư thục miền Nam có điều kiện pháp lý để trăm hoa đua nở, huy động được một cách hiệu quả và trên cơ sở tự giác tiềm lực của toàn xã hội cho công cuộc giáo dục con em trong nước.

Về quan điểm chính thống nhà nước đối với Tư thục, năm 1968, ông nguyên Tổng trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Thơ đã từng phát biểu tại trường tư (Công giáo) Lê Bảo Tịnh Sài Gòn đầu hè 1968: “Bộ Giáo dục không chủ trương giữ độc quyền việc dạy dỗ con em. Các phụ huynh có toàn quyền chọn trường, chọn theo phương pháp giáo dục nào thích hợp nhất cho con em họ…. Theo đường lối đó, các cơ sở giáo dục tư được tự do phát triển để các sáng kiến tự có cơ hội để áp dụng. Với đà phát triển tự do ấy, các tư thục tự nhiên phải cạnh tranh để nâng cao uy tín. Tuy nhiên chỉ nên có sự đua tranh chánh đáng trong lãnh vực giáo dục thuần túy, tìm tòi những phương thức hữu hiệu nhất để giáo hóa con em; để nâng trình độ giảng dạy. Tư thục không phải và không có quyền là một cơ sở kinh doanh thương mãi, một thị trường buôn bán chữ nghĩa” (“Công ích của giới tư thục”, Giáo Dục Nguyệt San, số 25, tháng 12.1968, tr. 36).

Tuy nhiên, trên thực tế, Tư thục vẫn chưa được đối xử bình đẳng mọi mặt với trường công lập về một số phương diện, và điều này đã gây thành một làn sóng phản đối liên tục mạnh mẽ của giáo chức tư thục đòi bình đẳng và yêu cầu giới hữu trách phải sửa đổi quy chế tư thục. Họ đòi hỏi Chính phủ phải điều chỉnh quy chế theo hướng mở rộng quyền tự trị, có chính sách trợ cấp trường tư, giúp đỡ hoạt động trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như đời sống của giáo chức để Tư thục có thể đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước.

Ở một mặt khác, chỉ vài năm sau khi Quy chế Tư thục ra đời, trong cơ chế tự do cạnh tranh, nhiều trường tư thục được mở ra đã bắt đầu có những hiện tượng lệch lạc thiếu lành mạnh: sĩ số quá đông cho mỗi lớp học, nhiều giáo sư (hồi đó giáo viên dạy Trung học quen được gọi “giáo sư”) không đủ tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, lương tâm không ít nhà giáo bị sút giảm vì phải chạy theo cuộc sống, học sinh thiếu kỷ luật và biếng học, một số chủ trường hoặc hiệu trưởng có khuynh hướng tập trung cho việc thu vén lợi tức hơn là cải tiến chất lượng giáo dục. Một số trường đã bắt đầu áp dụng những biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh để câu nhử “khách hàng”. Đến khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, một phần do chiến tranh ngày càng ác liệt và những bất ổn gia tăng về chính trị-kinh tế-xã hội, tình hình trường tư nói chung ngày càng tồi tệ hơn, một bộ phận không nhỏ càng thêm biến dạng lệch lạc gây tiếng xấu rất lớn trong dư luận, có trường tư chỉ biết nhắm mắt chạy theo số lượng và thu nhập kiểu kinh doanh chữ nghĩa.

Trong khi đó, Bộ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng đều có công văn nhắc nhở những biểu hiện tiêu cực của Tư thục nhưng những lời nhắc đó giống như gió thoảng ngoài tai, mọi việc lúc này đều chỉ trông cậy chủ yếu vào lương tâm cá nhân của giáo chức hoặc vào ban lãnh đạo của từng nhà trường. Quy chế Tư thục tuy đã có rồi nhưng việc thực hiện quy chế qua sự thanh tra/ kiểm soát của chính quyền và Bộ Giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, chính đáng lẫn không chính đáng, gần như bị buông lỏng, chỉ được thi hành một cách tượng trưng lấy lệ, nên kết quả thu được rất không đáng kể.

Ông Vũ Văn Mão trong cuộc Hội thảo Tư thục Toàn quốc 1969 đã nêu ra một nhận định  khái quát hóa một cách khá chính xác thực trạng tư thục ở giai đoạn này: “Hiện nay [1969] hễ nghĩ đến trường tư là người ta nghĩ ngay đến những danh từ không mấy tốt đẹp: Bê bối, Gian thương văn hóa, Chứng chỉ giả mạo, Giáo chức thiếu khả năng, Học sinh vô kỷ luật, vân vân và vân vân… Người ta chỉ biết đến những cái gọi là bê bối của tư thục nhưng không một ai biết đến những cái khó, cái nhọc của giới tư thục [tác giả nhấn mạnh]” (“Chỉnh đốn hàng ngũ giáo chức tư thục”, Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tháng 1-2.1970, tr. 47).

Do thực trạng biến tướng bộ phận không mấy gì tốt đẹp kể trên nên giáo giới tư thục có lương tâm tự họ cũng đã ý thức trước trách nhiệm của mình một cách sâu sắc. Ngay từ năm 1964, trong bài diễn văn đọc trước Đại hội Giáo dục Toàn quốc, người đại diện Tiểu ban Tư thục đã đưa ra những nhận định toàn diện về tình trạng giáo dục tư thục, những khuyết điểm của nó cùng giải pháp đề nghị khắc phục, với Quyết nghị cho rằng: “Hiện nay có một số tư thục thiếu tinh thần trách nhiệm… Vì thế mà tư thục mất dần tín nhiệm đối với chính quyền, đối với phụ huynh học sinh và đối với dư luận… Nhiệm vụ của Tư thục cũng là nhiệm vụ của nền giáo dục quốc gia đào tạo con người toàn diện theo định hướng dân tộc, nhân bản và khai phóng để mỗi người có đầy đủ khả năng góp sức vào sự phát triển cộng đồng và phát huy văn hóa dân tộc. Để thi hành trọn vẹn nhiệm vụ của mình, Tư thục phải tự kiện toàn về tổ chức để làm thỏa mãn nhu cầu học hỏi của thanh thiếu niên, để gây tín nhiệm với mọi giới, để nâng cao giá trị của mình” (Văn Hóa Nguyệt San, tập XIV, quyển 3&4, Số đặc biệt Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964, tháng 3&4. 1965, tr. 526-527).

Năm năm sau, 162 hiệu trưởng tư thục toàn quốc tham dự Đại hội Hiệu trưởng Tư  thục Việt Nam nhóm họp trong 3 ngày 20, 21 và 22.11.1969 đã đồng thanh quyết nghị: “Nhân danh các giá trị tối cao của con người…, sự tự do lựa chọn trường học cho con em mà Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đã quy định, sự công bằng trong quyền lợi và nhiệm vụ của cá nhân cũng như xã hội.

“Đại hội Tư thục Việt Nam đề nghị xóa bỏ mọi bất công do chế độ phân chia trường công với trường tư và trọng công khinh tư trong nền giáo dục quốc gia, để cho mọi người dân đồng đều có đủ điều kiện giáo dục con em nước nhà một cách xứng đáng và hữu hiệu” (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tlđd., tr 46).

Đồng thời, Đại hội còn đưa ra 3 điểm “đồng biểu quyết” khác: (a) Giới tư thục Việt Nam cương quyết cải tổ toàn diện ngõ hầu phụng sự nền học vấn của con em nước nhà một cách hữu hiệu hơn; (b) Chánh quyền cần quan tâm giúp đỡ ngành Tư thục Việt Nam về mọi phương diện để cải tiến; (c) Ngành tư thục Việt Nam sẽ cộng tác chặt chẽ với chính quyền nhằm sưu tầm mọi biện pháp và tài liệu hữu ích để đạt tới một nền giáo dục tự do, công bằng, nhân bản và thực nghiệp cho nhân dân (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tlđd., tr 96).

Về phía chính quyền, ông Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Lưu Viên trong kỳ Đại hội Tư thục nêu trên cũng có lời nhắc nhở, tái khẳng định: “Tư thục không phải là một xí nghiệp, tư thục không phải là một thị trường chữ nghĩa, không chủ trương thu lợi tức tối đa. Trái lại, tư thục phải được coi là một cơ sở giáo dục thuần túy, một học đường, với tất cả ý nghĩa cao đẹp của hai tiếng học đường” (Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tlđd., tr. 26).

Mặc dù khu vực tư thục đáng có những điều cần phải nhắc nhở, có người bình tĩnh hơn cho rằng không nên phê phán Tư thục gay gắt quá, vì từ khi có Dụ 57/4 năm 1956 về quy chế tư thục đến thời điểm đang xét (1969), chỉ 13 năm, Tư thục Việt Nam còn non trẻ vẫn đang tiến tới mức trưởng thành  cũng có những bước phát triển khá đáng kể. Đây là ý kiến của GS Vũ Tiến Thống (Thanh tra Tư thục), khi ông viết: “Có thể có một số nào đó chưa đạt được đủ tiêu chuẩn của một tổ chức giáo dục. Nhưng ai cũng nhận thấy sự cố gắng vượt mức nơi tư nhân và nhất là các tổ chức tôn giáo hay các hiệp hội văn hóa xã hội. Trong 10 năm nay, tư thục đang làm nổi bật vai trò của mình trong cộng đồng giáo dục quốc gia. Đà tiến này sẽ còn mạnh nữa…”. Trên cơ sở nhận định này, tác giả cho rằng nhiệm vụ của Chính phủ là phải thực hiện cưỡng bách giáo dục miễn phí cho hai cấp Trung và Tiểu học, nhưng trong khi chưa đủ điều kiện thực hiện, thì trong thời gian chuyển tiếp và chờ đợi, sự đóng góp của dân tại các tư thục như hiện nay đã là một sự hi sinh can đảm. Rồi ông đề nghị cứ giữ tình trạng giáo dục như hiện tại nhưng phải tận lực giúp cho Tư thục cải tiến, phát triển… (xem “Những vấn đề của tư thục”, Giáo Dục Nguyệt San, số 35-36, tlđd., tr. 78-79).

Để có tài liệu nghiên cứu về giáo dục miền Nam nói chung và về các trường tư nói riêng trong giai đoạn trước 1975, dưới đây chúng tôi xin chép lại nguyên văn bản Quy chế Tư thục đã được ban hành dưới thời Chính phủ Ngô Đình Diệm (Đệ nhất Cộng hòa), do Dụ số 57/4 ngày 23 tháng 10 năm 1956 (nguồn tài liệu: Giáo Dục Nguyệt San số 25, tlđd., tr. 25-35). Được biết, tiếp theo quy chế này còn có Nghị định số 942-GD-NĐ ngày 25.10.1956 do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Dương Đôn ký, sau khi ban hành Quy chế chỉ 2 ngày. Theo Quy chế và Nghị định vừa kể, tất cả các trường tư thục từ đó sẽ phải tổ chức giống nhau và chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Riêng bản Quy chế Giáo dục, vì được chuẩn bị trong thời kỳ đầu xây dựng chính quyền Đệ nhất Cộng hòa nên lẽ tất nhiên còn nhiều khuyết điểm, về sau đã bị giáo giới phê bình và đòi phải sửa đổi vì nội dung trói buộc Tư thục hơi nhiều, nhưng chưa kịp chỉnh lý bổ sung thì lịch sử đã sang trang năm 1975 nên không còn cơ hội nữa. Rốt cuộc nó chỉ còn là một văn bản mang tính lịch sử, phần nào chứng minh cho tính xã hội hóa rất cao và rất sớm của nền giáo dục miền Nam Việt Nam giai đoạn trước năm 1975.

Trần Văn Chánh

*
*   
*

QUY CHẾ TƯ THỤC

TIẾT I:

SỰ CHO PHÉP MỞ TRƯỜNG

Điều thứ nhất: Được coi là tư thục những trường hay lớp (kể cả các trường hay lớp lệ thuộc một chủng viện hoặc một tổ chức xã hội), truyền dạy cùng một lúc, một hoặc nhiều môn học trên 10 học sinh thuộc những gia đình khác nhau, và có những nhân viên không do Chánh Phủ bổ nhiệm và đài thọ.

Không được coi là tư thục:

1. Những lớp tư gia mà gia trưởng hoặc một giáo sư riêng đảm nhận việc giáo dục cho con cháu, và nói chung cho những trẻ em có họ hàng với gia trưởng;

2. Những xưởng công nghệ, nơi đó người chủ thầu nhận những người tập nghề ngoài những thợ chuyên môn dùng về việc sản xuất.

Điều 2: Không ai tự ý mở một tư thục trên lãnh thổ Việt Nam mà không có giấy phép của Chính phủ Việt Nam.

Điều 3:Theo nguyên tắc, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục cấp phép mở tư thục bực tiểu học, trung học và đại học (ngành phổ thông và ngành học kỹ thuật).Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục có thể uỷ quyền cho Giám đốc Học chánh địa phương để  cấp giấy phép mở tư thục bực tiểu học và mẫu giáo, và cho các Tỉnh trưởng để cấp giấy phép mở những lớp bực sơ học tức là lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba trường tiểu học (ngành phổ thông).

Nếu sự cho phép mở tư thục bị khước từ vì lý do chánh trị, thì sự khước từ ấy sẽ không được kháng cáo.

Nếu sự cho phép mở tư thục bị khước từ vì một lý do không có tính cách chánh trị thì đương sự được phép, trong thời hạn một tháng sau khi nhận được giấy báo về việc này, xin xét lại việc khước từ trước Ban Thường trực Hội nghị Tối cao Giáo dục nếu tư thục xin mở thuộc bực trung học hay đại học, và trước Hội đồng Học chánh địa phương nếu tư thục xin mở thuộc bậc tiểu học. Những đề nghị có lý do rành mạch của Ban Thường trực Hội nghị Tối cao Giáo dục hay Hội đồng Học chánh địa phương sẽ đệ trình cùng với hồ sơ đương sự lên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục chung thẩm quyết định.

Điều 4: Trong mọi trường hợp, đơn xin mở tư thục phải ghi rõ:

1. Loại và cấp bực ngành học sẽ dạy trong tư thục xin mở.

2. Số giáo viên và số lớp dự định.

3. Lời cam kết sẽ áp dụng trong các lớp dự bị các cuộc thi công cộng, chương trình giáo dục hiện hành ở các trường công lập; để giữ các sổ sách phải có trong các trường công lập; sẽ làm tờ trình hàng năm về tình trạng vật chất và tinh thần của nhà trường; sẽ sẵn sàng chịu nhận sự  kiểm soát của các nhà đương cuộc địa phương các, Thanh tra học chánh và các Y sĩ của Nha Y tế, trong các giờ giảng dạy.

Nếu đơn xin phép mở tư thục do tư nhân đứng xin, đương sự phải có đủ điều kiện để làm hiệu trưởng và phải khai rõ trong đơn họ và tên, ngày và nơi sinh, quốc tịch, bằng cấp. Những giấy tờ phải đính kèm đơn xin phép mở tư thục do một nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục ấn định.

Nếu đơn xin phép mở tư thục do một Hội đứng xin, thì trong đơn cũng phải ghi rõ những điều cần cho biết về vị hiệu trưởng, và vị này cũng phải đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Người đứng đơn phải nộp thêm giấy chứng nhận mình được Hội uỷ quyền để xin phép mở tư thục, một bản điều lệ Hội. Những đoàn thể và hiệp hội tôn giáo chuyên việc giáo huấn đã được phép thành lập và hoạt động đúng theo luật lệ hiện hành, được miễn xuất trình bản sao điều lệ của Hội.

Những tư thục tôn giáo, ngoài việc cam kết áp dụng đúng chương trình hiện hành trong các trường công lập, cần ghi thêm những môn học riêng về tôn giáo.

Điều 5: Không đủ tư cách điều khiển một tư thục, giảng dạy hoặc làm giám thị  tại nơi đó:

a) Những người đã can án trọng tội, trừ những  án phạt tù sơ ý bất cẩn và những án phạt tiền.

b) Những người không có những đảm bảo cần thiết về hành vi chính trị hoặc về hạnh kiểm.

c) Những công chức bị cách chức vì kỷ luật.

Điều 6: Không người nào được quyền điều khiển cùng một lúc nhiều tư thục. Nhưng một hiệu trưởng có thể điều khiển cùng một lúc một trường chính và một trường nhánh với điều kiện là hai trường này chỉ được cách nhau trong vòng 500 thước.

Hiệu trưởng một tư thục bắt buộc phải tự đảm nhiệm việc quản đốc trường mình. Trong trường hợp mắc bệnh khiến mình không thể điều khiển trường trong thời gian một tháng, hiệu trưởng phải trình lên nhà cầm quyền đã cho phép mở trường một người có đủ điều kiện cần thiết để tạm thay thế mình trong một thời gian không được quá sáu tháng. Quá hạn này, vị hiệu trưởng chính thức, nếu không thể trở lại đảm nhiệm quản đốc trường mình, sẽ phải từ chức để nhường lại cho một người khác có đủ điều kiện xin phép làm hiệu trưởng thay thế mình, bằng không, trường sẽ bị đóng cửa. Trong thời gian có người tạm thay thế, vị hiệu trưởng chính thức vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm về trường mình đối với nhà chức trách.

Điều 7: Giấy phép mở một tư thục cấp cho một tư nhân, một hiệp đoàn hay một  đoàn thể, chỉ dành riêng cho tư nhân, hiệp hội hay đoàn thể đó và không thể vì lý do gì hoặc trong một trường hợp nào nhường lại cho người khác.

Điều 8: Mọi thay đổi về nhân viên nhà trường (hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên, giám thị) đều phải do người đại diện hợp pháp của nhà trường báo trình nhà cầm quyền để xin phép; phải kèm theo tờ báo trình hồ sơ hợp lệ của các đương sự.

Quyết định của nhà cầm quyền sẽ được thông tri cho người làm tờ báo trình trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được tờ báo trình.

Quá thời hạn này, sự im lặng của nhà cầm quyền sẽ coi như mặc nhận.

Nếu trong thời hạn ấy nhà cầm quyền có thông tri sự khước từ, thì nội trong ba tháng, kể từ ngày nhận được giấy thông tri này, người đại diện của nhà trường phải trình và chấp nhận nhân viên khác mà nhà trường đã tuyển dụng; nếu không, trường sẽ bị tạm đóng cửa do lệnh của nhà chức trách đã cấp giấy phép mở.

Điều 9: Mọi sự thay đổi về tình trạng nhà trường: mở thêm lớp, di chuyển trường sở, sửa đổi nội chế nhà trường (nội trú hay ngoại trú), cải tổ loại và cấp bậc học, đều phải có đơn xin phép.

Điều 10: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục sẽ quyết định về:

1) Đơn xin miễn văn bằng của nhân viên ban giám đốc, ban giáo sư hay giám thị tại các tư thục,

2) Đơn xin xác nhận giá trị tương đương giữa bằng cấp ngoại quốc và bằng Việt Nam, do các nhân viên nói trên đệ trình.

TIẾT II

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG

Điều 11: Các trường tư bắt buộc phải thêm hai tiếng “tư thục” vào tên trường ở các sổ sách, giấy tờ, con dấu và bảng hiệu của trường.

Điều 12: Các trường tư thục Việt Nam bắt buộc hoàn toàn áp dụng chương trình học trong các trường công lập Việt Nam để học sinh có thể theo học đầy đủ các cấp bậc và dự được các cuộc thi công cộng trừ trường hợp một số lớp dạy chuyên nghiệp.

Những tư thục tôn giáo, ngoài chương trình bắt buộc có thể được phép dạy một số giờ về tôn giáo.

Những chủng viện có thể được phép tổ chức những lớp dạy theo chương trình đặc biệt.

Điều 13: Hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên và giám thị các tư thục Việt Nam phải có quốc tịch Việt Nam.

Các người ngoại kiều có đủ điều kiện ấn định trong quy chế tư thục có thể làm giáo sư, giáo viên các tư thục sau khi đã được Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục cho phép dạy.

Điều 14: Những điều kiện về tuổi, văn bằng, v.v… mà các hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên và giám thị các tư thục bắt buộc phải có, sẽ được ấn định do nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục.

Điều 15: Hiệu trưởng các tư thục bắt buộc phải tuân theo những lề luật vệ sinh về trường ốc.

Khi có bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh dịch, các hiệu trưởng phải báo cho các nhà chức trách địa phương và cấp tốc áp dụng những biện pháp mà luật lệ hiện hành bắt buộc phải thi hành trong trường hợp như thế.

Những nhân viên tư thục nào mà những Y sĩ của Nha Y tế khám phá mang một bệnh truyền nhiễm có thể nguy hại đến học sinh sẽ bị nhà chức trách có thẩm quyền bắt buộc phải từ chức.

Điều 16: Khi những trường ốc một tư thục, vì thiếu chắc chắn, có thể nguy hại đến sinh mạng học sinh, hoặc vì chật hẹp hay chăm nom cẩu thả, có hại đến sức khoẻ học sinh, hiệu trưởng phải cho chỉnh đốn, sửa chữa hoặc thi hành các biện pháp cần thiết khác, bằng không, trường có thể bị đóng cửa.

Điều 17: Những hiệu trưởng nào muốn đóng cửa trường mình phải báo trình Bộ Quốc gia Giáo dục (qua Nha Học chánh địa phương nếu là tư thục bậc Tiểu học hay bậc Trung học)

TIẾT III

SỰ KIỂM SOÁT CÁC TƯ THỤC

Điều 18: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục có quyền cấm dùng trong các tư thục những sách, báo trái với luân lý, có hại cho trật tự công cộng và không phù hợp với chế độ hiện tại.

Điều 19: Mọi tư thục đều phải chịu sự kiểm soát của Chánh quyền. Chánh quyền cử đại diện đến khám các tư thục để xét về hạnh kiểm của nhân viên và học sinh, để xem chương trình học có được áp dụng đúng không, để xét việc giảng dạy và hoạt động của trường được đúng đạo lý, được phù hợp với trật tự công cộng và chế độ hiện hữu, cách xếp đặt trường ốc, thức ăn uống được thích hợp với sức khoẻ học sinh hay không, và nói một cách tổng quát, để kiểm điểm xem các tư thục có làm tròn nhiệm vụ mà các luật lệ về ngành tư thục bắt buộc phải tuân hành.

Điều 20: Có phận sự kiểm soát và khám xét các tư thục:

– Các vị đại diện của Bộ Quốc gia Giáo dục,

– Các Giám đốc  Học Chánh địa phương,

– Các vị  Đô trưởng, Thị trưởng, Tỉnh trưởng, Quận trưởng,

– Các Thanh tra Học chánh,

– Các Y sĩ  Nha Y tế,

– Nhân viên chuyên trách Bộ Kiến thiết và Thiết kế Đô thị.

Các Hiệu trưởng, giáo sư và giám thị các tư thục phải tiếp nhận các vị  đến xét trường và giúp các vị này tất cả phương tiện để thi hành phận sự khám trường, bằng không sẽ bị trừng phạt như ấn định ở điều 29 của Dụ này.

Điều 21: Sau mỗi khi đi khám xét trường, Thanh tra Học chánh sẽ gởi đến Bộ Quốc gia Giáo dục, Nha Giám đốc Học chánh địa phương và Đô trưởng, Thị trưởng hay Tỉnh trưởng một bản phúc trình vắn tắt ghi rõ:

1. Tên và địa điểm chính xác của trường,

2. Tên, họ, quốc tịch và các bằng cấp của hiệu trưởng,

3. Tên, họ, quốc tịch và bằng cấp các giáo sư và giám thị,

4. Số và ngày cấp giấy phép mở trường,

5- Số học sinh ghi tên trong sổ chính thức của trường (sổ danh bộ, sổ điểm danh, sổ ghi điểm),

6. Số học sinh có mặt,

7. Tổ chức vật chất trường học,

8. Phê bình về giá trị sự giáo huấn,

9. Những nhận xét về hạnh kiểm và tinh thần của nhân viên và học sinh,

10. Những nhận xét về việc tuân hành các luật lệ về sự học.

Điều 22: Các Thanh tra Học chánh có thể buộc nhà trường lập tức nộp một bản những sách hay báo chí đang dùng trong trường, hoặc một tập vở học sinh, để sau này xem xét kỹ lưỡng hơn, nếu xét ra không có gì đáng khiển trách, thì những sách vở và báo chí ấy sẽ do nhà chức trách có thẩm quyền gởi trả lại cho hiệu trưởng.

Điều 23: Các Y sĩ gởi đến Đô trưởng, Thị trưởng hay Tỉnh trưởng và Giám đốc Học chánh địa phương (để chuyển đệ Bộ Quốc gia Giáo dục) một bản phúc trình vắn tắt ghi rõ:

1) Tên và địa điểm đích xác của trường;

2) Tên, họ vị hiệu trưởng;

3) Những điều kiện vật chất về cách thu xếp trường học (sự thoáng khí, cách làm cho có ánh sáng ở các lớp học và ở các phòng ngủ và nhà ăn nếu có; bàn ghế học đường, các nơi xung quanh trường); những điều kiện vệ sinh và thức ăn uống nếu có;

4) Tình trạng sức khoẻ của học sinh và nhân viên trong trường;

5) Những việc cải thiện phải thực hiện.

TIẾT IV

TRỪNG PHẠT

Điều 24: Ngoài những hình phạt về những tội thuộc hình luật, nhân viên ngành tư học có thể bị trừng phạt về kỷ luật như sau:

1) Khiển trách;

2) Cấm chỉ tạm thời hay vĩnh viễn trong việc hành nghề;

3) Thu hồi giấy phép và đóng cửa trường.

Điều 25: Những khoản trừng phạt về kỷ luật dự trù ở điều 24 sẽ có thể áp dụng đối với các hiệu trưởng, giáo sư hay giáo viên tư thục vì hành vi của họ trong khi thừa hành chức vụ hay vì vi phạm lệ luật về ngành tư học. Những khoản trừng phạt ấy cũng có thể áp dụng đối với các hiệu trưởng, giáo sư hay giáo viên tư thục nào có những hành vi phạm đến danh dự của mình, mặc dù không phải là những hành vi trong khi thừa hành chức vụ.

Điều 26: Nhà cầm quyền đã cấp giấy phép mở trường sẽ phán định trực tiếp việc khiển trách.

Cũng nhà cầm quyền này sẽ phán định việc cấm chỉ việc hành nghề và đóng cửa trường.

Điều 27: Khi một tư thục bị đóng cửa do sự thi hành điều 26 nói trên, để cho phụ huynh học sinh có ngày giờ lo liệu cho con em tiếp tục việc học, tư thục ấy được duy trì việc dạy dỗ trong thời gian một tháng sau ngày đã ấn định phải đóng cửa trường.

Trong trường hợp một tư thục bị đóng cửa tức khắc, chính quyền sẽ bắt buộc hiệu trưởng phải cáo tri ngay các phụ huynh hoặc người giám hộ học sinh, phải trả các học sinh nội trú về cho gia đình chúng hoặc phải tạm gởi chúng vào một giáo dục viện xứng đáng.

Điều 28: Kẻ nào đã mở một tư thục mà không được phép hoặc cố tâm duy trì việc mở trường mình mặc dù đã bị rút giấy phép và đã có lịnh đóng cửa, kẻ nào cố tâm tiếp tục thừa hành chức vụ mặc dù đã bị cấm chỉ và đã được cáo tri, sẽ bị phạt bạc từ 251$ đến 500$  và, nếu tái phạm, sẽ bị phạt từ 1.000$ đến 2.000$ và từ  11 ngày đến 30 ngày, hoặc một trong hai hình phạt đó, không kể  những hình phạt khác mà đương sự có thể phải chịu theo hình luật.

Điều 29: Hiệu trưởng hay một giáo sư tư thục nào đã từ khước hoặc làm trở  ngại sự khám xét và sự kiểm soát của các giới thẩm quyền sẽ bị phạt bạc từ 251$ đến 500$  và từ 1.000$ đến 10.000$  nếu là tái phạm, không kể các hình phạt mà đương sự có thể phải chịu theo hình luật. Một trường tư thục có án phạt đến hai lần trong một năm vì lý do nói trên sẽ bị đóng cửa.

Điều 30: Nếu sự hoạt động của trường có điều gì không thích hợp với đường lối của Chánh phủ, có hại đến an ninh và trật tự công cộng, nhà trường sẽ bị đóng cửa.

Điều 31: Những nhân viên tư thục phạm lỗi nặng trong khi thừa hành chức vụ, có những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, với đường lối của Chánh phủ, có hại đến an ninh trật tự công cộng, sẽ bị cấm chỉ trong việc thừa hành chức vụ tạm thời hay vĩnh viễn, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ không kể những trừng phạt khác ấn định trong hình luật.

TIẾT V

TRỢ CẤP

Điều 32:  Những trợ cấp có thể được ban phát cho những tư thục Việt Nam nào được Chánh phủ chú ý về cách tổ chức, chăm nom và kết quả mà những học sinh những trường ấy đã thâu thập trong các cuộc thi công cộng. Số tiền trợ cấp nhiều ít tuỳ theo sự quan trọng và giá trị từng trường.

Điều 33: Những trợ cấp sẽ được ban phát do nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong giới hạn ngân khoản ghi trong ngân sách quốc gia về mục này sau khi có thoả hiệp của Phủ Tổng thống (Nha Công vụ, Nha Ngân sách), Bộ Tài chánh và theo đề nghị của những Hội đồng địa phương và trung ương sẽ được ấn định do nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục.

TIẾT VI

ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP

Điều 34: Những tư thục hiện đang hoạt động và có giấy phép chính thức, ngày ban bố Dụ này, được tiếp tục giảng dạy, nhưng phải đủ hai điều kiện sau đây:

1) Về nội dung (chương trình giảng dạy, hoạt động của trường, cách xếp đặt trường ốc…) trong vòng 3 tháng, phải theo đúng các chỉ thị ở quy chế ấn định trong Dụ này;

2) Về hình thức: trong vòng 3 tháng, phải gởi đến Bộ Quốc gia Giáo dục một đơn xin hợp thức hoá kèm theo các giấy tờ hợp lệ nếu cần.

Điều 35: Trong thời kỳ chuyển tiếp, các tư thục Việt Nam đã được phép dạy chương trình Việt Nam và chương trình Pháp, khi ban bố Dụ này, tạm thời được phép tiếp tục áp dụng hai chương trình giáo dục ấy.

Điều 36: Sẽ ấn định sau, các thể thức cho phép mở:

1) Những tư thục bậc đại học;

2) Những tư thục tôn giáo bậc đại học;

3) Những tư thục ngoại kiều trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 37: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tư pháp , Bộ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Kiến thiết và Thiết kế Đô thị, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Xã hội và Y tế và các Đại biểu Chánh phủ, chiếu nhiệm vụ, lãnh thi hành Dụ này.

Dụ này sẽ đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hoà và được thi hành kể từ ngày ký.

Saigon, ngày 23 tháng 10 năm 1956

Ký tên : NGÔ ĐÌNH DIỆM

PHỤ BỔN

Saigon, ngày 2 tháng 11 năm 1956
KT. Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống

Phó Đổng lý

Ký tên : TRẦN VĂN PHÚC

Phạm Đình Chương: những chặng đường âm nhạc

Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ tài hoa đã làm phong phú cho gia tài âm nhạc Việt Nam. So với một số các nhạc sĩ nổi tiếng khác, số...

Sông trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt có nhiều chữ để chỉ dòng nước chảy giữa đôi bờ từ nguồn, nhập vào một dòng nước lớn hơn, hoặc chảy đến vào một hồ nước...

Điều thú vị về nguồn gốc các địa danh ở miền Nam Việt Nam

Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc...

Chuyện uống rượu ở Huế xưa

Từ bao đời nay, rượu luôn là thứ thức uống hấp dẫn bậc nhất đối với đàn ông, từ bậc đế vương cho đến hạng thứ dân. Rượu với vua...

Gốm Quế Kim Bảng – Sắc màu từ tự nhiên

Nằm nghiêng mình bên hạ lưu sông Đáy là những lò gốm với mái ngói đỏ nâu, mang nét thanh bình của một làng quê cổ. Làng gốm ấy thuộc...

Xã hội hoàng quyền xưa không cần có hiến pháp

Vì sao mãi đến tận cuối thế kỷ 18 thì bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại mới xuất hiện? Tại sao xã hội hoàng quyền phương...

Ngày về trong giấc mơ hoa

Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó...

Hán học ở bên Pháp

Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris Sinh ra trong nước Việt Nam, nước người ta bảo nhau rằng có văn hiến bốn...

Nguồn gốc của những cây đèn đồng Đông Sơn

Đầu thế kỷ trước, nhà khảo cổ học Thụy Điển O.Janse phát hiện ra cây đèn đồng hình người ở Thanh Hóa vào năm 1935, rồi sau đó 24 năm,...

Những kết hợp bất thường trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp

Đã gần 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với “cát bụi”. Bao năm qua, ở mọi miền trên đất nước Việt Nam, người ta vẫn xao xuyến...

Nha Trang 50 năm trước qua ảnh của Jack McCabe

Cùng ngắm những hình ảnh mộc mạc về thị xã Nha Trang năm 1967 qua loạt ảnh của cựu binh Mỹ Jack McCabe. Trung tâm thị xã Nha Trang năm 1967....

Chuyện ít biết về người Việt giàu nhất Đông Dương thời thuộc địa

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Sài Gòn nổi lên tứ đại hào phú lẫy lừng: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Bốn đại gia...

Exit mobile version