1. Màn đêm có thực sự là màu đen?
Khi màn đêm buông xuống, chúng ta nhìn thấy màu gì? Không ít người đã trả lời đó chính là màu đen. Tuy nhiên, trên thực tế, màu sắc chúng ta nhìn thấy chính là Eigengrau. Eigengrau là một từ tiếng Đức có nghĩa là màu xám đậm. Đây là màu sắc mà người ta thường nhìn thấy trong điều kiện thiếu sáng.
Vào thế kỷ 19, nhà vật lý học người Đức Gustav Theodor Fechner đã đưa ra giả thuyết màu sắc thực sự mà chúng ta nhìn thấy vào ban đêm chính là eigengrau. Ông cũng cho rằng đây chính là màu sắc mà chúng ta nhìn thấy khi nhắm mắt lại.
2. Màu hồng không hề tồn tại?
Việc màu hồng có tồn tại hay không đến nay vẫn là một tranh cãi lớn. Một số nhà khoa học cho rằng màu hồng tồn tại, nhưng số khác lại phủ nhận ý kiến này. Có lẽ khi đọc đến đây, nhiều người sẽ vô cùng hiếu kỳ. Vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp màu sắc này, vậy tại sao nó lại không tồn tại? Sự thật thì, màu hồng tồn tại, nhưng ánh sáng hồng không tồn tại.
Mọi màu sắc đều có bước sóng ánh sáng tương ứng. Những ánh sáng đơn sắc mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường chí là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Màu hồng mà chúng ta nhìn thấy thực chất chính là sự pha trộn giữa nhiều sóng ánh sáng, tiêu biểu là đỏ và trắng.
3. Có bao nhiêu màu sắc trong cầu vồng?
Tưởng chừng như đây chỉ là một câu hỏi đơn giản, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi nền văn hoá cổ đại lại có câu trả lời khác nhau. Nhà thơ người Hy Lạp Hómēros tuyên bố cầu vồng chỉ có một màu tím. Nhà triết học Xenophanes thì lại cho rằng nó có ba màu: đó chính là đỏ, vàng-lục và tím.
Vào thời kỳ Phục hưng, người ta đều cho rằng cầu vồng có bốn màu: đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh dương. Sau đó, họ thêm màu thứ năm xuất hiện trong cầu vòng chính là tím. Ngày nay, chúng ta đều nhất trí cầu vồng có 7 màu.
Câu hỏi đặt ra là tại sao mọi người lại có sự mâu thuẫn trong việc xác định màu sắc cầu vồng. Lý do là vì không có đường viền rõ ràng ngăn cách các màu sắc trong cầu vồng nên mọi người thường có xu hướng gọi tên những màu mà mình biết. Những người hiểu biết rộng về màu sắc có thể nhìn thấy hàng trăm màu trong khi người có kiến thức hạn chế thì chỉ phân biệt được số màu đếm trên đầu ngón tay.
Isaac Newton đã đưa ra lý thuyết cầu vồng có bảy màu vào năm 1666. Mọi người đều cho rằng cầu vồng có năm màu vào thời điểm đó. Isaac Newton đã thêm màu cam vào giữa màu đỏ và vàng, và tách màu tím thành màu chàm và tím.
4. Mặt trời có phải là màu vàng không?
Đây là một quan niệm sai lầm rất phổ biến. Trên thực tế, mặt trời không phải là màu vàng như nhiều người vẫn nghĩ mà nó có màu trắng. Bầu khí quyển tán xạ ánh sáng có bước sóng ngắn hơn (màu xanh lam, chàm, tím) và phản chiếu ánh sáng có bước sóng dài hơn (đỏ, cam và vàng). Đó là lý do tại sao chúng ta nhìn thấy mặt trời có màu vàng.
Mặt trời trở nên đỏ hơn khi lặn do khả năng tán xạ các bước sóng ngắn. Khói bụi và các chất ô nhiễm khác trong không khí làm tán xạ thêm ánh sáng màu xanh lam, chàm, tím, khiến mặt trời càng đỏ hơn. Tuy nhiên, đôi lúc bạn sẽ nhìn thấy mặt trời có một chút màu xanh. Về cơ bản, mặt trời là sự tổng hợp của nhiều màu sắc.
5. Ngôn ngữ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận màu sắc?
Nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng sự thực là màu sắc mà chúng ta nhìn thấy phụ thuộc vào ngôn ngữ mà chúng ta nói. Bởi lẽ, ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc não bộ phân tính thế giới xung quanh, trong đó có nhìn nhận màu sắc.
Chúng ta thường chỉ nhận ra những màu mà mình biết tên. Khi có một màu sắc mới xuất hiện, chúng ta thường có xu hướng gọi nó bằng cái tên của màu mà mình biết có tính chất gần giống với màu mới đó. Điều này rất rõ ràng với màu xanh lam, nó đã được coi là một dạng của màu xanh lá cây trong một khoảng thời gian dài.
Mỗi nền văn hoá đều có quá trình hình thành cách nhìn nhận màu sắc tương tự nhau. Đầu tiên, mọi người đặt tên cho màu trắng và đen (sự hiện diện của ngày và đêm). Sau đó, họ đặt tên cho màu đỏ vì máu và rượu đều sở hữu màu sắc này. Tiếp theo đó là màu vàng và xanh lá cây.
Màu xanh lam luôn là màu sắc cuối cùng được đặt tên. Chỉ có người Ai Cập cổ đại mới sử dụng thuật ngữ “màu xanh lam” vì họ có thuốc nhuộm màu xanh lam. Còn những nền văn hoá khác coi màu xanh lam là một dạng của màu xanh lá.
Để chứng minh điều này, nhà nghiên cứu Jules Davidoff đã tới Namibia để gặp người dân Himba. Những người dân nơi đây không biết đến sự hiện diện của màu xanh lam. Jules Davidoff cho họ xem bức ảnh có 12 ô vuông có màu, trong đó có 11 màu xanh lá và 1 màu xanh lam và yêu cầu họ chọn một màu khác biệt.
Hầu hết người dân trong bộ lạc đã gặp khó khăn khi xác định điều này. Họ có thể dễ dàng phân biệt các sắc thái của màu xanh lá nhưng lại không thể nhận ra màu xanh lam. Ngược lại, những người nói tiếng Nga lại có hai từ mô tả trạng thái của xanh lam là màu xanh lam nhạt và xanh lam đậm.