Bức ảnh gần như duy nhất về chùa Khải Tường còn lưu lại đến nay do nhiếp ảnh gia Émile Gsell (1838 – 1879) chụp nửa đầu thập niên 1870.
Dưới tấm ảnh Émile Gsell tự tay chú thích: “Cochinchine: Pagode Barbet, maintenant Ecole Normale Annamite (environs de Saigon)” (Nam kỳ: chùa Barbet, hiện là Trường Sư phạm cho người An Nam (ngoại ô Sài Gòn). Như vậy, bức ảnh của Gsell chụp trong giai đoạn 1871 – 1874, bấy giờ chùa được trưng dụng làm Trường Sư phạm.
Bản đồ Sài Gòn năm 1867 cho thấy chùa Barbet nằm khoảng vị trí của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3) hiện nay. Cũng vị trí ấy, bản đồ Sài Gòn năm 1873 ghi là Ecole Normale (Trường Sư phạm), đúng như nội dung những tài liệu đã dẫn ở bài trước.
Theo hồ sơ lưu trữ của Sở Công chánh Sài Gòn (Archives des Travaux – publics de Saïgon) mà Midan cung cấp, Trường trung học Bản xứ đến năm 1876 mới xây xong, khớp với thông tin trong bài viết Étude sur l’instruction publique en Cochinchine (Khảo luận về nền học chính Nam kỳ) của Giáo sư Roucoules. Có thể Trường trung học Bản xứ được khởi công xây dựng từ cuối năm 1871, đến năm 1876 thì cơ bản hoàn thành. Một thời gian sau, Trường trung học Bản xứ đổi tên thành Collège Chasseloup – Laubat, chia ra khu dành riêng cho người Âu (quartier européen) và khu cho học sinh bản xứ (quartier indigène). Năm 1928, Collège Chasseloup – Laubat đổi tên thành Lycée Chasseloup – Laubat, đến năm 1955, trường đổi tên thành Jean Jacques Rousseau và năm 1967 đổi tên thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, nay là Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3).
Trường trung học Chasseloup – Laubat năm 1906 ẢNH: MẠNH HẢI FLICKR |
Trong phần cuối tiểu luận La Pagode des Clochetons et la pagode Barbet (Contribution à l’histoire de Saïgon – Cholon) (Chùa Chuông và chùa Barbet (Đóng góp vào lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn), Midan viết: “Chùa Barbet biến mất hoàn toàn, pháo đài nhỏ bên cạnh được sửa đổi làm nhà ở của Hiệu trưởng Trường Bản xứ. Dù vậy, người ta vẫn quen gọi đó là chùa Barbet” (tr.12). Nhà ở của hiệu trưởng đến năm 1895 thuộc về ông Bertaux – Trưởng phòng Địa chính Nam kỳ.
Theo miêu tả của cựu Kiểm soát Hải quan Dussol thì năm 1895, ông cư ngụ tại đó khoảng một năm, “ngôi nhà được gọi là chùa Barbet thuộc về ông Bertaux” là một biệt thự tầng trệt “hướng ra đường Mac – Mahon (năm 1934 là biệt thự số 141 và 143 đường Mac – Mahon, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), xung quanh chỉ có Trường Chasseloup – Laubat và một biệt thự khác (…)” (dẫn lại theo Midan, tlđd, tr.12). Khu vực giữa biệt thự ấy, vốn là pháo đài cũ, và trường đua cũ là đất hoang không người ở, ông Dussol cho biết thêm.
Midan viết rằng trên nền đất trống ngôi chùa cũ ấy, người ta xây “ngôi nhà sàn lớn, thuộc sở hữu của luật sư Matthieu, hướng ra đường Testard” (tr.12). Về sau, Đại học Y – Dược khoa Sài Gòn (sau này còn gọi là Đại học Y khoa Sài Gòn) mọc lên trên khu đất này, hiện nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, Q.3).
Từ các nguồn thông tin, chúng ta có thể hình dung rằng, trước khi người Pháp đến Sài Gòn thì nơi hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) chào đời có tên là chùa Khải Tường. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, chùa Khải Tường bị Pháp trưng dụng làm đồn quân sự, đặt tên là chùa Barbet (hoặc Barbé). Khu đất hoặc khuôn viên chùa Barbet bấy giờ bao gồm ngôi chùa mà người Việt gọi là Khải Tường, pháo đài và nhiều gian nhà (trong đó có trụ sở tổng hành dinh của quân viễn chinh Pháp từ tháng 2.1860) có diện tích lớn, đủ để bố trí chỗ ở cho “hai lữ đoàn hiến binh” như nội dung nghị định ngày 10.9.1869 và đã dùng làm trại giam trong một khoảng thời gian ngắn.
Lá thư tay ngày 10.3.1871 ở bài viết trước có nhắc đến “vùng đất nhà nước sáp nhập vào chùa Barbet” cho thấy khuôn viên chùa bấy giờ khá rộng, bao gồm cả khuôn viên Trường Lê Quý Đôn ngày nay, mặt Nam Kỳ Khởi Nghĩa có thể kéo từ góc Nguyễn Thị Minh Khai xuống góc Nguyễn Đình Chiểu như lời kể của ông Dussol.
Sau khi bị trưng dụng làm đồn quân sự, làm trường học và sau khi trường chuyển qua cơ sở mới xây thì năm 1877, chùa Barbet được chuyển cho một cựu quân nhân tên Colombier theo kết quả chồng bản đồ các năm 1873, 1889, 1894, 1931 được ông de Villeneuve thực hiện. Sau đó, chùa bị phá bỏ để xây dựng nơi lưu trú cho người Âu, qua nhiều lần chuyển đổi, nền chùa Khải Tường cũ ngày nay ứng với khu đất bây giờ là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh