Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Trang Trong Trang Ngoài Một Tờ Báo

Nói tới thơ văn trên các báo miền Nam Việt Nam cũng là nói tới các tác giả miền Nam trong làng báo.

1- Và một khi đã nói tới Kiên Giang, tác giả “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím,” thường người ta cũng nói luôn tới Sơn Nam, tác giả “Hương Rừng Cà Mau,” kẻ thơ người văn; vốn thường ở địa vị tương xứng, bên này đối với bên kia.

Không những hai người này sinh hoạt song hành trong làng nhật báo vào thập niên năm mươi sáu mươi, họ còn khởi sự trên những tuần báo miền Nam như Nhân Loại, Phụ Nữ Diễn Đàn, Thẩm Mỹ. Ngoài tiểu thuyết, truyện đồng quê, truyện võ hiệp kỳ tình, báo nào cũng có cả trang thơ truyện.

Lúc ấy tôi đã nghe nói: ngoài Bắc không có như thế, nhưng không thấy nói rõ Hà Nội không thấy như thế, hay Nam Định không thấy như thế, Hải Phòng không thấy như thế, mà tổng quát đem cả ngoài Bắc để so sánh với chỉ một thành phố là Sài Gòn.

Mà Sài Gòn ở đây như tôi biết có những tờ quen thuộc với độc giả bình dân như Sài Gòn Mới của ông bà Phú Đức – Bút Trà, Lẽ Sống của Ngô Công Minh, sâu hơn có Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc, Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai, và nhất là hai tờ thế giá kiểu cổ điển “Nam Kỳ” như Thần Chung, Đuốc Nhà Nam…

Bìa báo Sài Gòn Mới Xuân Tân Mão 1951 được họa sĩ Lê Trung vẽ. (Hình: Đăng Chương)

2- Người viết bài này từng bước vào tòa soạn một tờ báo văn nghệ dòng báo chí Sài Gòn và gặp nhà văn Ngọc Linh ở đấy, khoảng năm 1957. Nếu kể từ chia cắt đất nước 1954 thì chỉ sau hai năm, báo chí Sài Gòn đã thay đổi. Nhiều thì chưa nhiều, nhưng ít ra cũng có khoảng năm tờ báo được nhắc nhở, như Tự Do, Dân Chủ, Ngôn Luận, Cách Mạng Quốc Gia, Văn Nghệ Tiền Phong… Đó là những tờ mới từ khi miền Nam có thêm khoảng 800,000 người di cư từ Bắc vào, trong khi báo cũ trước 1954 vẫn hiện diện…

Sau này giữa thập niên 1960 tới chớm đầu 1970 nhà văn Ngọc Linh lúc ấy đã thân tình với tôi, cười nói: “Tao thấy mày đến tận tờ Nhân Loại gây sự với anh Lợi.” Tôi nói không quen anh Lợi nào hết, nghe nói thế Ngọc Linh gật đầu: “Thì đúng rồi vì hôm đó là lần đầu tiên mày tới tờ Nhân Loại, làm sao quen ảnh, nhưng đó là anh quản lý nắm tiền bạc tờ báo. Ảnh mập ù.”

Tôi gật đầu với tác giả “Đôi Mắt Người Xưa,” cho biết là có những điều bạn nói đúng. Tòa soạn tờ Nhân Loại lúc ấy không có vẻ gì là văn phòng của một cơ quan báo chí, không có tủ sách, không có bàn viết, lại có một số bao tải chất đống bên bờ tường, và một ông quần quật làm việc khuân vác, người mà Ngọc Linh gọi là anh Lợi.


Báo Thần Chung Xuân 1951. (Hình: Đăng Chương)

Khoảng sau 1963, không khí trong các tờ báo có khác, còn trước đó tôi từng thấy khi  bước vào tòa soạn một tờ báo Nam, hầu như nhiều người ngừng tay làm việc, nhìn lên chờ đợi. Một lần ở báo Công Luận cũng thế, tôi phải nói: “Tôi tới kiếm Duyên Anh.” Dàn ký giả phóng viên của báo này cũng chặt chẽ với việc đối ngoại. Lúc ấy vừa qua tuổi thiếu niên vài năm, tôi không đủ chín chắn để quan sát hay nhận định, nhưng biết là trong đời sống hằng ngày có sự kỳ thị nơi có chung đụng dân cả ba miền Bắc Trung Nam. Phải nói Bắc Trung Nam cả ba kỳ, người ta hay nói kỳ thị Nam Bắc là không chính xác, là bỏ mất một thành phần ở giữa, thành phần nối kết va chạm cả hai đầu.

Tự con người với con người miền này miền kia không có gì nặng nề, song môi trường chung thì có, và rõ ràng có sự chia rẽ, vận động từ chủ trương bên ngoài, còn tự nội tâm bản thể, tôi tin là không.

Tôi có rất nhiều bạn thân người Nam, ngay từ giữa thập niên 1950, vì tôi khởi sự làm báo như một thông tín viên, rồi phóng viên, bị gửi ngay vào sinh hoạt xã hội chung đụng ấy để lấy tin.

Để lấy tin, viết tin, nghĩa là tự mình chứng kiến tham dự sự việc bằng tai mắt của mình, đối đáp bằng lời nói ngôn ngữ của mình, trực tiếp, không bị ai thêm bớt sai lạc. Bạn đầu đời trong nghề báo của tôi ở Sài Gòn 1956 là những người sau này mãi mãi còn là bạn, họ còn lèo lái các tờ báo lớn nữa, đó là những Anh Quân, Trọng Viễn, Ngô Tỵ, Ngô Công Dư… những phóng viên cùng lớp tuổi 17, cũng như tôi. Hơn chục năm sau chúng tôi đều trở thành chủ báo ở miền Nam, và vẫn còn giữ những kỷ niệm đẹp.

3- Trong thế giới nhật báo, trang trong trang ngoài là hai lãnh vực khác biệt, trang ngoài là thời sự chính trị, kinh tế quân sự, trang trong khác hẳn, trang xã hội tình cảm, chuyện gia đình và văn nghệ. Trong cơ cấu tổ chức một tờ nhật báo, không kể chủ nhiệm, chủ bút, người trông coi trang ngoài thường minh nhiên là tổng thư ký, trong khi người trông coi trang trong chỉ là thư ký tòa soạn.

Tờ báo dù có chủ nhiệm, chủ bút thế nào đi nữa, sự phân chia trang trong trang ngoài vẫn rõ rệt. Ký giả trang ngoài khác hẳn ký giả trang trong. Bài cho trang ngoài là bài chạy. Bài cho trang trong là bài nằm. Chạy thì phải vội phải cấp kỳ, nằm thì nhà nhã thư thả. Bài nằm đưa trước cả vài ngày, bài chạy có khi đang viết người thợ sắp chữ đã đứng bên cạnh, nhiều khi viết được 10 hay 15 dòng đã phải lấy cái thước chặn ngang một đoạn, xé ra đoạn đó đưa cho thợ sắp chữ, cốt là để anh ta đi cho khuất.

Cho anh ta một đoạn đem vào sắp chữ thì cả hai bên đều có việc làm, rồi tác giả mới lại viết tiếp. Không thiếu các nhà văn nhà báo miền Nam viết trong tình cảnh ấy. Suy rộng ra, trang trong trang ngoài của một tờ nhật báo khác hẳn nhau, ký giả trang trong ký giả trang ngoài cũng khác hẳn nhau. Một bên xô bồ, còn một bên tà tà.

Độc giả không lưu tâm lắm tới sự khác biệt bài vở trong một tờ báo, thật sự là sự khác biệt rất lớn lao. Ít ai biết rõ những khác biệt ấy như thế nào, vì nếu không ở trong nghề thì cũng không có gì lý thú để đáng biết đến.

Trước 1975, nhật báo phải đưa bản vỗ (bản in thử), thực tế là không phải in bằng máy, mà trải một tờ giấy báo lên khuôn chữ đã sắp xếp xong xuôi, dùng một cái bàn chải lớn quét mực in lên khuôn chữ. Trải một tờ giấy báo lên khuôn chữ đã quét mực, vỗ nhè nhẹ cái bàn chải lên tờ giấy báo, làm sao để chữ nghĩa hình ảnh thấm vào tờ giấy đã ướt mực, rồi bóc tờ giấy (tức tờ báo vì đã có chữ hiện ra rồi), tới khoảng 3 giờ phải đem hai trang báo chính lên Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Lúc ấy gọi là Bộ Dân Vận, đọc theo giọng Nam là Bộ Dân Giận.

Theo tôi biết, cả thế giới không ở đâu ký giả làm báo in báo như ở Sài Gòn. Chữ thì đúc bằng chì, mỗi con chứ cao 2 cm, ví dụ muốn sắp chữ Việt Nam người thợ sắp chứ phải dùng tay phải nhặt chữ V hoa, chữ i, chữ ệ với dấu ớ (^) và dấu nặng, rồi chữ t như thế là được chữ Việt, rồi kế tiếp một miếng chì trơn làm khoảng cách trước khi nhặt chữ N chữ a và chữ m để sắp liền nhau thành hai chữ Việt Nam.

Tay phải nhón 10 miếng chì này sắp thành chữ Việt Nam vào một cái khuôn gỗ nhỏ cầm bên bàn tay trái. Khuôn gỗ này một khi đầy, tức là ấn công đã sắp được khoảng ba hay bốn câu văn.

Một tờ nhật báo như tờ Tiền Tuyến do tôi làm thư ký tòa soạn chẳng hạn, một ngày ra tám trang, đã cần 30 ấn công làm việc 8 tiếng một thì tới 5 hay 6 giờ chiều, khuôn báo tám trang được sẵn sàng trao cho guồng máy kế tiếp. Tới giai đoạn này thì ký giả khỏi lo nữa, việc in ấn tờ báo thuộc trách nhiệm những người khác.

Đôi điều suy nghĩ về vương triều Nguyễn

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ những giá trị kinh tế - xã hội của miền Nam đều bị xóa bỏ và thay thế bởi những khái...

Ăn “mày” là gì? “mày” có phải là đồ ăn?

Trong giới nghệ sĩ sân khấu (cải lương, kịch nói, ca nhạc), có một điều kiêng kỵ bất thành văn là nghệ sĩ không bao giờ cho tiền người ăn...

Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta

Kiến thiết quốc gia Giúp đồng bào ta Xây đắp muôn người Ðược nên cửa nhà Tô điểm giang san Qua bao lầm than Ta thề kiến thiết Trong giấc...

Ngôi mộ bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp ở Sài Gòn

Bên cạnh những nét độc đáo về kiến trúc, ngôi mộ cổ còn là một di tích lịch sử quan trọng.   Ngôi mộ cổ nằm cách ngã tư Thoại Ngọc Hầu...

Nửa hồn thương đau & bi kịch của một gia đình

Vào những năm của đầu thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly dị của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc. Có...

Tại sao cảnh sát nước ngoài thường chạm vào phía sau xe ô tô của người bị yêu cầu dừng lại?

Một video lan truyền trên TikTok đã cho thấy rất nhiều cảnh sát nước ngoài luôn đặt tay vào phía sau xe ô tô của người được yêu cầu dừng...

Chuyện đời của cầu Bình Lợi xưa

Thuở nhỏ tôi vẫn nghe vài câu chuyện về cầu Bình Lợi. Những câu chuyện đó không vui, toàn là chuyện tự vẫn vì thất tình, mang nợ ba`i bạc...

Ngày xưa nước mía ép tay

Nước mía là thứ nước giải khát ngon, bổ rẻ và được ép nguyên chất từ mía tươi. Ngày xưa mấy xe nước mía thường dùng tay để ép mía,...

Người Việt Nam có thời ấu thơ kéo dài nhất thế giới?

Không ít gia đình đang biến trẻ thành những chú “gà công nghiệp” – không có kỹ năng sống, không tư duy, không biết giải quyết vấn đề, thụ động...

120 năm lịch sử của logo Pepsi

Pepsi là thương hiệu nổi tiếng, dễ nhận biết và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Theo thời gian, các xu hướng mới đã dẫn đến những thay đổi...

Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh

Mới ðây, bạn bè có gửi cho tôi một bài viết của cố giáo sư Trần Quốc Vượng nhan ðề: Mấy vấn ðề về vua Gia Long. Bài tham luận...

Bốn chữ “lạnh” trong đối nhân xử thế

Trong bộ sách xử thế “Thái Căn Đàm” thời nhà Minh có câu: “Lạnh mắt nhìn người, lạnh tai nghe tiếng, lạnh tình cảm thụ, lạnh tâm suy ngẫm”. Bốn...

Exit mobile version