Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Ngoại Ngữ của người Việt

Không phải mất thì giờ định nghĩa ngoại ngữ là gì? Vì không ai có học hết bậc Tiểu Học mà không hiểu hai chữ ấy. Việt Nam từng là cựu thuộc địa của Trung Hoa và Pháp. Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Vùng lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 17 chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Sô. Vùng lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 chịu ảnh hưởng của Pháp và Hoa Kỳ.

Lần lượt chúng tôi trình bày về các ngoại ngữ có ảnh hưởng đến Việt Nam để xem Việt Nam nên chọn ngoại ngữ nào để học khả dĩ giúp cho Việt Nam tiến bộ đồng đều trên mọi lãnh vực để góp mặt cũng năm châu thế giới.

Hoa Ngữ

Trong quá khứ Việt Nam có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Sau hàng ngàn năm dưới sự đô hộ của Trung Hoa một thiểu số rất nhỏ người Việt Nam học chữ Hán. Người Việt Nam học chữ Hán nhưng đọc theo tiếng nói của mình. Điều này không có chi lạ cả. Trung Hoa có trên 500 thổ âm mặc dù chỉ có một chữ viết. Cùng một chữ người Guangdong (Quảng Đông) phát âm khác với người Hoa Bắc. Từ khi độc lập đến thế kỷ XIX chữ Hán được dùng để viết văn thư trong triều đình. Chữ Hán được dùng trong các cuộc thi cử qui mô để lấy Cử Nhân, Tiến Sĩ được tổ chức từ thời nhà Lý. Tổ chức triều chính, hành chánh, thi cử dưới chế độ quân chủ Việt Nam đều phỏng theo tổ chức chánh trị, hành chánh và học chế của Trung Hoa. Chữ Hán, Bắc sử, tư tưởng Khổng Mạnh đóng vai chủ yếu. Điều đáng ghi nhớ là đến thế kỷ XIX trong Lục Bộ không có bộ Giáo Dục. Trường học công lập vắng bóng ở các địa phương trước khi người Pháp đến.

Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862 và ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867. Các kỳ thi Hương bãi bỏ ở Nam Kỳ, vùng đất thuộc địa của Pháp. Tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ được giảng dạy.

Chữ Quốc Ngữ do giáo sĩ Alexandre de Rhodes phát minh để tiện cho việc giảng đạo Thiên Chúa ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII. Chữ Quốc Ngữ dùng các mẫu tự La Tinh nhưng không có chữ F, J, W, Z bù lại có chữ D và D có gạch ngang và dồi dào dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, dấu mũ, dấu khăn, dấu móc trên các chữ A,E,O,U v.v. Vào hậu bán thế kỷ XIX nhiều người miền Nam giàu có từ chối không cho con đi học chữ Quốc Ngữ và tiếng Pháp. Để tránh sự nghi ngờ của chánh quyền thuộc địa họ thuê trẻ em nghèo đi học thay thế con em của họ. Họ thuê thầy về nhà dạy chữ Hán cho con. Chữ Hán là chữ Thánh Hiền nên được trân quí và gọi là chữ Nam nghĩa là chữ của nước Nam ta.

Bắc Kỳ và Trung Kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Vua Việt Nam vẫn còn trên hai vùng đất mà người Pháp gọi là Tonkin và Annam. Các kỳ thi tam trường dưới triều Nguyễn vẫn còn mặc dù tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ đã được người Pháp phổ biến. Kỳ thi Hán học bị bãi bỏ ở Bắc Kỳ năm 1915 và ở Trung Kỳ năm 1918.

Nam Kỳ là thuộc địa Pháp. Tiếng Pháp và Quốc Ngữ được phổ biến. Dù vậy chánh quyến thuộc địa vẫn duy trì giờ chữ Hán (caracters chinois) trong trường học. Chữ Hán không phát triển được vì:

– chánh quyền thuộc địa Pháp không muốn chữ Hán phát triển như là sự gợi lại ảnh hưởng của Trung Hoa.

– thiếu thầy dạy chữ Hán.

– về phía học sinh Việt họ thấy học tiếng Pháp, Quốc Ngữ vừa dễ vừa thực dụng hơn học chữ Hán.

Ở Huế vua Đồng Khánh bắt đầu học tiếng Pháp. Các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh có vai trò quan trọng trong văn giới vì biết chữ Hán, Pháp ngữ và Quốc Ngữ. Chữ Hán còn rơi rớt trên trang tựa của các tờ báo Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như Gia Định Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Phan An Báo (Phan An: Phiên An: Gia Định), Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí v.v. Các sư tăng Phật Giáo Việt Nam học chữ Hán để đọc kinh Phật. Các nhà nho học chữ Hán như nhà cách mạng Phan Bội Châu khi gặp nhà cách mạng Trung Hoa là Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) chỉ bút đàm mà thôi.

Năm 1945 Hán- Việt nở rộ một thời với những từ mang màu sắc chánh trị như cách mạng, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, cứu quốc, ái quốc, đồng chí, phản đế’, thực dân, đế quốc, bình sản v.v. Nhưng sau 1954 sự nôm na hóa tiếng Việt nở rộ ở miền Bắc. Dấu hiệu bình dân và thân dân của chế độ chuyên chính vô sản? Phản ứng ngấm ngầm kháng Trung Quốc của nhóm Cộng Sản thân Liên Sô? Tạo sự cách biệt ngôn ngữ giữa hai miền Nam, Bắc? Từ sự nôm na hoá Việt ngữ ta có sự khác biệt giữa cách dùng từ ngữ giữa VNDCCH (Bắc) và VNCH (Nam):

Hiện nay Trung Quốc có ảnh hưởng tuyệt đối ở Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hoa ngữ dự trù được dạy từ bậc Tiểu Học như trước kia học sinh Tiểu Học Việt Nam học Pháp ngữ từ lớp Dự Bị tức Lớp II.

Khác với nhiều thế kỷ trước các nhà nho Việt Nam học chữ Hán nhưng đọc theo tiếng Việt như Gia: Nhà; Quốc: Nước; Tiền: Trước; Hậu: Sau chẳng hạn. Trong hiện tình chánh trị ở Việt Nam, Hoa ngữ sẽ được dạy bằng Quan thoại bởi các thầy người Việt gốc Hoa hay các thầy từ lục địa Trung Hoa đến. Việc gì sẽ xảy ra khi có 300 triệu người từ lục địa đến cưới vợ Việt Nam và thế hệ trẻ Việt Nam học viết và nói Quan thoại?

Có người mạnh dạn đòi bỏ Hán- Việt trong Việt ngữ. Đây là một ý kiến cực đoan cần phải tránh. Ngôn ngữ nào cũng có sự vay mượn lẫn nhau. Sự vay mượn đó không phải trả tiền, không vi phạm pháp luật, không chịu một phân lời nào cả. Các ngôn ngữ Âu Châu đều có gốc La Tinh do ảnh hưởng của đế quốc La Mã trong quá khứ. Các từ ngữ y khoa, dược khoa, thực vật học, động vật học đều có gốc La Tinh và Hy Lạp. Nếu bỏ Hán- Việt khi nói đến những danh từ kép như độc lập, chánh trị, Quốc hội, Hiến pháp, bác sĩ, kinh tế, thư viện … phải dùng từ gì để thay thế? Trong tiếng Anh của Hoa Kỳ có nhiều từ vay mượn từ các nước khác. Điều đó không thể cho là họ vọng ngoại hay nghèo nàn từ ngữ được.

Pháp Ngữ & Quốc Ngữ

Pháp ngữ và Quốc Ngữ được giảng dạy song song ở Nam Kỳ. Những người thông thạo Pháp ngữ và Quốc Ngữ đầu tiên là những tín đồ Thiên Chúa Giáo tiêu biểu là các ông Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của. Pétrus Trương Vĩnh Ký là giảng viên người Việt đầu tiên trong Trường Thông Ngôn (École des Interprètes). Lê Phát Đạt tức Huyện Sĩ, ông ngoại của bà Nam Phương Hoàng Hậu, tốt nghiệp Trường Thông Ngôn, biết Pháp ngữ và Quốc Ngữ nên được gọi là Học Sĩ. Sĩ trong Huyện Sĩ không phải là tên của ông mà là chữ rút ngắn của danh hiệu Học Sĩ. Còn Huyện chỉ là chức Huyện hàm mà thôi (Huyện honoraire). Ông Diệp Văn Cương là người giỏi Pháp ngữ sau Pétrus Ký. Ông dạy trường Chasseloup Laubat. Vợ ông là một Công Chúa. Một thời ông nổi tiếng tại triều đình Huế. Ông là người ủng hộ Bửu Lân, cháu vợ của ông, lên ngôi năm 1889 sau khi vua Đồng Khánh băng hà. Đó là vua Thành Thái.

Việt Nam tìm phúc trong họa mà không hay.

Họa là sự xâm lăng và đô hộ của người Pháp.

Phúc là chữ Quốc Ngữ dựa trên mẫu tự La Tinh nên tiện lợi và dễ học. Chúng tôi không biết phải học bao lâu để viết và đọc được chữ Hán. Chúng tôi biết một người có chỉ số thông minh trung bình chỉ mất 06 tháng thì có thể đọc và viết chữ Quốc Ngữ. Cái phúc khác là chữ Quốc Ngữ La Tinh hoá giúp Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của chữ Hán về hình thức.

Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia hơn hẳn Việt Nam về nhiều mặt trong quá khứ về diện tích, dân số, trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật nhưng họ đã mạnh dạn La Tinh hóa chữ viết của họ. Làm như vậy vì tiện lợi chớ có phải vì Indonesia yêu Hòa Lan đã đô hộ nước họ hay Thổ Nhĩ Kỳ yêu và thán phục các nước Âu Châu? Indonesia là quốc gia rộng lớn nhất ở Đông Nam Á và có dân số theo Hồi Giáo cao nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ là đế quốc Ottoman Hồi Giáo từng thống trị Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Âu Châu. Họ La Tinh hoá mẫu tự của chữ viết của họ vì tiện ích chớ không tự ràng buộc bằng những khái niệm cổ điển, hẹp hòi và phức tạp.

Phan Châu Trinh là nhà nho có tinh thần phóng khoáng và say mê duy tân và ưa chuộng dân chủ Tây Phương. Ông mạnh dạn cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, mang giày da và xin đi Tây để tìm hiểu xem khẩu hiệu Tự Do, Bình Đẳng và Tình Huynh Đệ của cách mạng 1789 của Pháp được thực thi như thế nào. Ông chống chánh sách thuộc địa của Pháp chớ không chống văn minh và văn hoá Pháp. Ông không chống những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của Pháp.

Người Triều Tiên oán ghét sự đô hộ của Nhật trên xứ họ nhưng họ học hỏi rất nhiều những nét ưu việt của Nhật (phương pháp tổ chức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần kỷ luật) để có những tiến bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật như đã thấy hiện nay.

Người Việt Nam hiếu học. Đó là con đường tiến thân duy nhất trong xã hội phong kiến, nông nghiệp Khổng Giáo. Cách học của các nho gia là dùng trí nhớ và học thuộc lòng lời nói của Khổng Tử, Mạnh Tử. Nên khi học Pháp ngữ người học không gặp một trở ngại hay khó khăn nhỏ nào.

Vì Nam Kỳ sớm trở thành thuộc địa của Pháp, những người giỏi tiếng Pháp đầu tiên trong nước đều gốc ở Nam Kỳ như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Sau này ở Bắc Kỳ có Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học nông nghiệp Pháp năm 1897 là ông Bùi Quang Chiêu. Ái nữ của ông là Henriette Bùi Quang Chiêu là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam (1929). Ông Nguyễn Văn Xuân tốt nghiệp Polytechnique vào năm 1911. Sau này ông là Trung Tướng trong quân đội Pháp và Thủ Tướng Chánh Phủ Quốc Gia Lâm Thời. Các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Chương (thân sinh của bà Trần Thị Lệ Xuân tức bà Ngô Đình Nhu), Lưu Văn Lang, Vương Quang Nhường, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Thêm, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Văn Trai, Phạm Duy Khiêm, Ngô Đình Nhu, Hồ Hữu Tường, Henriette Bùi Quang Chiêu, Lê Văn Thới… đạt học vị cao từ các Đại Học nổi tiếng của Pháp như Sorbonne, École Nationale des Chartes, Polytechnique, École Normale Supérieure. Ông Nguyễn Mạnh Tường và Trần Văn Trai có Tiến Sĩ Luật và Văn Chương. Các ông Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) đều có học ở Pháp. Từ Pháp về người thì trở thành Marxist; người trở thành Léninist, người theo Stalinist; người theo Trotskyites. Người chủ trương Pháp- Việt đề huề; người theo khuynh hướng SFIO (Section Française Internationale Ouvrière- Phân Bộ Quốc Tế Công Nhân Pháp); người theo CGT (Confédération Générale du Travail- Tổng Liên Đoàn Lao Động). Kết quả: tất cả đều được hành chánh hóa hay chánh trị hoá nên không có thì giờ và cơ hội để phục vụ kiến hiệu cho đất nước bằng sở học chuyên môn của mình.

Trường Cao Đẳng Hà Nội được thành lập năm 1918 đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng về phương diện chánh trị hơn là kinh tế và khoa học kỹ thuật. Đó là các ông Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Phan Huy Quát, Cù Huy Cận, Nguyễn Tôn Hoàn, Võ Nguyên Giáp, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiếng, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Hương v.v.
Tiếng Pháp được giảng dạy từ lớp dự bị (lớp II) lên bậc trung học và đại học. Các môn học trong các kỳ thi đều bằng tiếng Pháp. Trong thời kỳ đất nước qua phân tiếng Pháp biến mất ở miền Bắc nhưng vẫn còn giảng dạy ở bậc trung Học ở miền Nam. Các trường Pháp dạy để thi BEPC và Tú Tài I &II Pháp vẫn duy trì ở Sài Gòn và Đà Lạt. Từ thập niên 1960 về sau số học sinh chọn Anh Văn làm sinh ngữ chánh cao hơn số học sinh chọn Pháp Văn làm sinh ngữ I. Ở Sài Gòn có Mission Culturelle Française sau nầy đổi thành Centre Culturel Français dạy Pháp Văn. Sau năm 1975 tiếng Pháp càng ngày càng giảm dần tầm quan trọng của nó trong nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa.

Tiếp xúc với người Pháp ngôn ngữ Việt Nam được dồi dào thêm nhờ vay mượn nhiều từ ngữ Pháp được Việt hoá. Ta có: cải xà lách (salade), Xà lách son (cresson), cà tô mát (tomate), phú- lít (police), thịt cốc- lết (cotelette), dây lập lòng (fil à plomb), cái mỏ- lết (molette), bù- lon (boulon), con vít (vis), xe ô- tô (automobile), ông Cò (commissaire), sở cẩm (commissariat), sen đầm (gendarme), săn đá (soldat), tem (timbre), cây dên (bielle), cây láp (l’arbre) v.v. Từ ngữ Việt hoá biến thiên tùy theo sự khám phá của người nói ban đầu. Đó là những từ khoa học, kỹ thuật, thảo mộc, rau cải thức ăn, thức uống miền ôn đới và từ ngữ liên quan đến thể thao.

Chữ Police biến thiên từ mã tà (nói theo người Mã Lai- matas) sang phú lít đến cảnh sát. Chữ Vin được âm thành rượu Vang, rượu chát (vì vị chát), rượu nho (vì làm từ nho). Chữ Timbre âm thành tem rồi con cò vì trên tem có hình con cò trắng. Chữ Banque được âm thành nhà băng rồi ngân hàng. Nếu bỏ Hán- Việt thì phải nói cửa hàng chứa tiền? Chữ Soldat biến thiên từ săn đá sang lính, chiến sĩ, quân sĩ. Chữ Commissaire được âm thành Cò rồi dịch thành cảnh sát trưởng, uỷ viên (nói theo từ cách mạng). Từ năm 1954 đến 1975 Việt Nam có hai nước với hai chế độ chánh trị đối nghịch nhau. Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản có khuynh hướng nôm na hoá từ ngữ mặc dù họ chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi Trung Quốc lẫn Liên Sô. Trong miền Nam thiết lập ban Việt- Hán trong Đại Học Sư Phạm và từ ngữ miền Nam bóng bảy, thanh bai đầy tính văn học. Ông Ngô Đình Diệm xuất thân là một nhà hành chánh tốt nghiệp École de Droit et d’Administration. Còn ông Ngô Đình Nhu tốt nghiệp hạng nhì École Nationale des Chartes. Một người có hành văn hành chánh và luật pháp. Người kia uyên thâm cổ tự. Dù trên lập trường chánh trị nào, trình độ học vấn nào, vọng ngoại hay yêu nước nhưng từ Bảo Sanh Viện hay Nhà Bảo Sanh vẫn dễ nghe hơn Xưởng Đẻ.

Trong hiện tình Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chịu sự chi phối sâu đậm của Trung Quốc về phương diện chánh trị và kinh tế. Viện Khổng Tử đã có ở Việt Nam. Nếu Quan Thoại (Mandarin) được giảng dạy trong học đường trong vòng nửa thế kỷ tới Quốc Ngữ không còn chỗ đứng và người Việt thuần túy sẽ trở thành người thiểu số!!

Anh Ngữ & Nga Ngữ

Dưới thời Pháp thuộc chỉ có người Việt gốc Hoa biết tiếng Anh mà thôi vì họ có liên lạc thương mại với Hồng Kông và Singapore. Các trường của người Hoa ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc có dạy tiếng Anh và dùng cách chấm điểm như Hoa Kỳ. Các trường học của người Hoa ở Việt Nam đều có phòng bóng bàn và sân để đánh bóng rổ. Đó là môn thể thao thịnh hành ở Anh và Hoa Kỳ.

Người Việt Nam biết vài tiếng Anh như one, two, three (oánh, tù tì), ping pong (banh bong.<.bóng bàn.>.), football (đá banh chớ không gọi là soccer như Hoa Kỳ), goal keeper (giữ gôn), volley ball (bóng chuyền), basket ball (bóng rổ), out (ao), knock out (nốc ao), knock down (nốc đao), corner (cọt- nê), penalty (bê- nanh- ty), boxing (đánh bốc- quyền Anh) v.v. xuyên qua các trò chơi, đá banh, bóng bàn, đánh quyền Anh.

Người Việt Nam đầu tiên học tiếng Anh ở một trường Đại Học Hong Kong dưới thời Pháp thuộc là ông Nguyễn Háo Vĩnh (1893- 1941). Ông là người Long Xuyên (An Giang) trong phong trào Minh Tân. Hưởng ứng Phong Trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo ông sang Nhật du học năm 1905. Sau khi Nhật ký thương ước với Pháp năm 1907 ông rời Nhật sang Hồng Kông và học Đại Học St Joseph’s College ở đây. Năm 1916 ông bị bắt ở Hong Kong vì hoạt động cho Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và Cường Để. Giải về Sài Gòn ông bị án tử hình nhưng được Tổng Thống Pháp Raymond Poincaré ân xá. Khoảng năm 1923 ông sống ở Gò Vấp và lập ra tờ Hoàn Cầu Tuần Báo và Nam Kỳ Kinh Tế Báo. Ông dịch Hamlet, Romeo and Juliet… của Shakespeare. Ông mất năm 1941.

Người tốt nghiệp Đại Học Anh đầu tiên là ông Tạ Quang Bửu, người ký hiệp định Geneva năm 1954 với Đại Tá Delteil. Tiếp theo có các ông Hoàng Gia Lịnh và Phạm Văn Thuật.

Các ông Phan Quang Đán, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Đình Hòa, bà Phan Thị Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Linh… là những người Việt Nam sớm tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ. Tất cả đều có địa vị quan trọng trong chánh quyền hay cơ quan lập pháp của Việt Nam Cộng Hoà. Riêng ông Nguyễn Xuân Oánh không rời Việt Nam sau ngày 30-04-1975. Ông bị Cộng Sản giam giữ một thời gian ngắn cùng các cựu Thủ Tướng và vài Tổng Trưởng khác như các ông Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Khắc Tĩnh, Hồ Văn Châm, Nguyễn Ngọc An v.v. Sau đó ông là Cố Vấn Kinh Tế cho Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thơ đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Oánh là Tiến Sĩ Kinh Tế Đại Học Harvard.

Trong chương trình học dưới thời Pháp thuộc không có Anh Văn. Khi chánh phủ Quốc Gia chào đời dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại chương trình học được Việt hoá. Các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Việt. Anh Văn được dạy từ lớp Đệ Thất song song với Pháp Văn. Chương trình Pháp và hỗn hợp Pháp- Việt vẫn tồn tại. Các môn học đều dạy bằng tiếng Pháp. Mãi lên đến lớp Seconde (Đệ Tam; lớp 10) mới học Anh Văn.

Dưới thời Đệ I Cộng Hòa học sinh Trung Học chọn hoặc Pháp Văn, hoặc Anh Văn làm sinh ngữ I. Nếu chọn Pháp Văn làm sinh ngữ I thì đến năm Đệ Tam (Lớp 10) học sinh bắt đầu học tiếng Anh như sinh ngữ II và ngược lại. Ở các tỉnh Nam Phần sĩ số chọn Pháp Văn làm sinh ngữ chánh nhiều hơn ở Sài Gòn. Từ đầu thập niên 1960 số học sinh chọn Anh Văn làm sinh ngữ I vượt quá số học sinh chọn Pháp văn làm sinh ngữ I. Anh Văn được dạy trong trường học, Hội Việt Mỹ, các trường sinh ngữ Tư Thục ở Sài Gòn và các thành phố lớn khác. Người ta đổ xô học tiếng Anh để làm sở Mỹ, mua bán đô la xanh và đô la đỏ, lãnh thầu rác Mỹ, giặt ủi quần áo cho các quân nhân Mỹ v.v.

Hai tôn giáo có nhiều tín đồ ở Việt Nam là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Trước kia các sư tăng Phật Giáo Đại Thừa chỉ biết chữ Hán mà thôi. Các tân tăng sau này có văn hóa cao hơn. Có người học ở Nhật. Có người học Ấn Độ. Những tân tăng nầy giỏi tiếng Anh. Thượng Tọa Thích Thiện Ân có Tiến Sĩ Đại Học Keio, Nhật Bản. Có vài tu sĩ khác có BA hay M.A của Hoa Kỳ. Tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam giỏi Hán tự và Anh Văn. Tu sĩ Thiên Chúa Giáo giỏi La Tinh và Pháp Văn.

Nga ngữ được Nguyễn Ái Quốc tức Lý Thụy, tức Hồ Chí Minh sau này, đưa vào Việt ngữ vào năm 1925 khi ông thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Guangzhou (Quảng Châu). Những từ Nga ngữ đều là những từ chánh trị âm từ tiếng Nga như bôn-sê- vít (bolshevik), men sê- vít (menshevik), xa- hoàng (Czar), Xta-ka- nốp (tên người anh hùng lao động- Stakhanov), Kom-sô- môn (Komsomol- Thanh Niên Cộng Sản), Xô- Viết (Soviet), Ku- lac (Kulak- phú nông) v.v.

Người Việt Nam đầu tiên có mặt ở Nga và nói tiếng Nga sau cách mạng 1917 là Nguyễn Khánh Toàn. Các ông Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giầu, Nguyễn Văn Tạo… đều có tên Nga và được đào luyện để trở thành cán bộ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản do Lenin thành lập để phục vụ cho nước Nga. Tiếng Nga được xem là ngôn ngữ chính ở các Cộng Hoà Sô Viết. Công dân các Cộng Hòa Sô Viết đều có tên Nga và xem Nga ngữ là quốc ngữ.
Trong thời kỳ đất nước qua phân, trên lý thuyết, chương trình học ở miền Bắc có Trung Văn và Nga Văn. Trên thực tế không có thầy để giảng dạy. Có nhiều Phó Tiến Sĩ học ở Liên Sô về nhưng không nói được tiếng Nga!

Sau khi đất nước thống nhất dưới hồng kỳ Cộng Sản chánh quyền Cộng Sản có vẻ lúng túng về vấn đề giáo dục ở miền Nam. Lúng túng vì nền giáo dục ở miền Nam tuy chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng đã bỏ xa nền giáo dục ở miền Bắc về trường ốc, học cụ, thành phần giảng huấn, các bộ môn học khoa học, văn chương, sinh ngữ v.v. Bậc Trung Học ở miền Bắc chỉ có 10 cấp lớp trong khi bậc Trung Học ở miền Nam có 12 cấp lớp. Họ giảm thiểu tầm quan trọng của sinh ngữ Anh và Pháp trong học đường để thay thế bằng giờ chánh trị về đảng Cộng Sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác- Lê- Nin, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Cái gì cũng có đảng Cộng Sản, chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu, việc chống Mỹ, giết Mỹ, đại thắng mùa Xuân trong các môn học như Văn, Sử, Toán, Anh Văn hay Pháp Văn. Lúng túng vì họ muốn dùng tiếng Nga để thay thế tiếng Anh hay tiếng Pháp nhưng họ rơi vào sự mâu thuẫn kỳ lạ.

Thứ nhất: họ không có đủ giáo viên để dạy Nga ngữ.

Thứ hai: hầu hết học sinh ghi danh đi học đều chọn Anh Văn.

Thứ ba: họ (CS) chống Mỹ, thù ghét Mỹ nhưng họ cho con em học Anh Văn và bắt con em Ngụy học tập cải tạo tập trung phải học tiếng Nga!

****

Chúng tôi không viết bài này để bài ngoại hay vọng ngoại cũng không để phô bày lòng yêu nước cực đoan hay một giáo điều nào mà để trình bày về một quan niệm cá nhân tích lũy trong nhiều thập niên suy nghĩ và nghiền ngẫm ngõ hầu góp vài ý mọn hầu mang lợi ích cho đất nước và dân tộc trải qua hàng chục thế kỷ thử thách cam go, cay đắng và cay nghiệt. Hiện nay chúng tôi không còn mang quốc tịch Việt Nam mặc dù chỉ còn hình hài Việt Nam với vài ký ức vui buồn lẫn lộn về quê hương sinh quán.

Chúng ta đừng mất thì giờ vì những chuyện lản mản mơ hồ. Đừng tạo quá nhiều huyền thoại về tính ưu việt, xuất chúng của nước mình, dân tộc mình, sự anh minh của vị lãnh tụ nào đó, đảng phái nào đó mà nhìn quá khứ u tối và hiện tại suy thoái gần như vô phương cứu chữa của đất nước trong việc tìm kiếm con đường sáng cho quê hương và dân tộc.
Xin bớt hăng say chia rẽ dân tộc, kỳ thị nhau, nguyền rủa nhau, thù hận nhau và hô hào chém giết nhau triền miên.

Cách đây trên một thế kỷ các nhà trí thức Đông học của chúng ta học chữ Hán đọc giọng Việt Nam. Các vị nầy xem chữ Quốc Ngữ là sản phẩm của người Pháp, của các cố đạo. Pháp xâm chiếm nước ta. Thế là chữ Quốc Ngữ là kẻ thù. Đó là cái nhìn và quan điểm của người Á Châu: hay qui nạp kẻ thù không cần biết lợi, hại, hợp lý hay phi lý. A là kẻ thù của B. Toàn thể dòng họ của A là kẻ thù của B. Nên xem phim Trung Hoa thường thấy cảnh người cha hay một sự phụ trước khi chết thường không để lại những lời trăng trối hữu ích như để vàng, để sách quí ở đâu mà chỉ dặn con hay đệ tử phải trả thù cho cha hay cho sư phụ bằng cách chém giết X, Y và dòng họ của họ!

Là người Việt Nam của thế kỷ XXI chúng ta có cần trở lại thời kỳ đọc các danh từ riêng chữ tên quốc gia, thành phố, tên các nhân vật lịch sử bằng những âm Hán hóa như: America: A Mỹ Lệ Gia; France: Pháp Lan Xa; Belgium: Bỉ Lợi Thì; Russia: Nga La Tư; Balkans: Bá Nhĩ Can; Iceland: Ích Lan; ; New Zealand: Tân Tây Lan (chỉ có chữ New được dịch thành Tân. Còn chữ Zealand được âm theo cách nói của người Trung Hoa); Washington: Hoa Thịnh Đốn; Moscow: Mạc Tư Khoa; Rome: La Mã; Paris: Ba Lê; Garibaldi: ông Gia Lý Ba Đích; Rousseau: Lư Thoa; Montesquieu: Mạnh Đức Tư Cưu; Karl Marx: Mã Khắc Tư v.v. không?

Vào đầu thế kỷ XX các nhà nho yêu nước trong Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà cách mạng Phan Châu Trinh tìm hiểu Contrat Social (Xã Ước) của Jean Jacques Rousseau hay Esprit des Lois (Vạn Pháp Tinh Lý) của Montesquieu qua các bản dịch của các học giả Trung Hoa. Để chấm dứt tình trạng bất tiện này nhà cách mạng Phan Châu Trinh đi thẳng qua Pháp để đấu tranh (thành lập nhóm Ngũ Long) đồng thời học hỏi sự thực thi tự do, dân chủ nơi quê hương xuất phát cách mạng 1789.

Vì lý do an ninh chánh trị ngoại ngữ chỉ dành cho ngành ngoại giao, công an, tình báo, mật vụ ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ đất nước qua phân. Có sự phân biệt đối xử trong việc học ngôn ngữ. Đại đa số dân chúng phải đọc tên phiên âm các nhà lãnh đạo trên thế giới hay tên các nước và các thành phố. Những chữ phiên âm này khó nhớ và khó viết. Thí dụ: Át- hăng- ti- na (Argentina); Mê- hi- cô (Mexico); Oa Sinh Tơn (Washington); Pa-Ri (Paris); Giơ- Neo- Vơ (Geneva), Niu- Oot (New York) ; Xta-lin (Stalin) v.v.

Một sự rắc rối khác thường xảy ra là Việt hoá tên các lãnh đạo và thành phố Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Điều nầy gây ra hai bất tiện:

a. người nghe hay người đọc tưởng đó là người Việt Nam hay thành phố Việt Nam. Thí dụ: Mao Trạch Đông (Mao Zedong), Tập Cận Bình (Xi Jinping), Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee), Phát Chánh Hy (Park Chung Hee), Khuyển Dưỡng Nghi (Inukai), Dại Ôi Trọng Tín (Okuma), Đông Điệu (Tojo), Bắc Kinh (Beijing), Hán Thành (Seoul), Đông Kinh (Tokyo), Kyoto (Tây Kinh) v.v.

b. Khi nói chuyện với người ngoại quốc họ ngẩn ngơ khi ta nói đến Mao Trạch Đông. Nhưng khi nói Mao Tse-tung hay Mao Zedong thì họ biết! Để tránh ngộ nhận đó là một người Việt, trong bối cảnh sống hiện nay, đa số thanh niên Việt Nam đều biết các ngôn ngữ Âu Châu thì nên gọi Beijing thay vì Bắc Kinh hay Xi Jinping thay vì Tập Cận Bình; Tokyo thay vì Đông Kinh. Ở Việt Nam có Sơn Tây. Tỉnh Shanxi của Trung Hoa, nếu không dùng đúng chữ Shanxi mà dùng chữ Sơn Tây phiên âm thì người nghe hay đọc tưởng nó nằm trên đất Việt Nam! Thời Hậu Trần Hà Nội là Đông Kinh. Chữ Tonkin mà người Pháp dùng để chỉ Bắc Kỳ âm từ chữ Đông Kinh với sự lẫn lộn giữa T và Đ. Vào thời nầy Thanh Hoá là Tây Kinh. Nếu chúng ta dùng Đông Kinh và Tây Kinh thay cho Tokyo và Kyoto thì người đọc sẽ hoang mang.

Vào thế kỷ XIX Trung Hoa và Việt Nam trả giá rất đắt vì chánh sách bế quan tỏa cảng trước sự đe dọa của sức mạnh cơ giới Tây Phương. Một quốc gia to lớn và đông dân nhất hoàn cầu như Trung Hoa lại bị liệt cường Tây Phương xâu xé. Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp trong khi Xiêm La và Nhật Bản đồng cảnh ngộ nhưng đã khéo léo có đường lối ngoại giao thích hợp với tình thế mới nên họ gìn giữ độc lập. Nhật biết canh tân, Âu hóa để vươn lên thành một cường quốc Á Châu. Muốn học hỏi để vươn lên, ngoại ngữ không thể bị xem thường được. Đừng dùng chủ nghĩa ái quốc (nationalism- patriotism), dân túy (populism), yêu nước cực đoan (chauvinism) để nói rằng đó là sản phẩm ngoại lai nếu chúng ta khiêm tốn muốn học hỏi nơi người khác để đưa quê hương và dân tộc thoát khỏi cảnh tăm tối, lầm than, tủi nhục.

Những biến cố lịch sử và chánh trị ở Việt Nam tạo một sự xáo trộn to lớn trong hệ thống tư tưởng cũ của Việt Nam. Giai cấp vô sản được đề cao. Trí thức tiểu tư sản bị lên án dưới khẩu hiệu trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ của đảng Cộng Sản Đông Dương. Người biết tiếng Pháp là tay sai, là điểm chỉ cho Pháp, là mất gốc, vọng ngoại v.v. Dưới chế độ quân chủ phong kiến cũng có mâu thuẫn giữa quan văn, quan võ. Quan văn chê quan võ là những người vai u thịt bắp. Quan võ khi quan văn dài quần, trói gà không chặt. Sự rạn nứt và chia rẽ giữa trẻ- già, nghèo- giàu, có học- không học, tôn giáo mới (Thiên Chúa Giáo) và tôn giáo cũ (Tam Giáo: Khổng- Lão- Phật Giáo), giữa các địa phương (Bắc- Trung- Nam; giữa các tỉnh, các quận và làng xã), chủ nghĩa (Tam Dân Chủ Nghĩa .<.San Min Chu I.>., chủ nghĩa Marx- Lenin .<.Cộng Sản.>., chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, chủ nghĩa Vô Chánh Phủ (Anarchism)… trong cộng đồng dân tộc rất trầm trọng.

Trong bài nói về Ngoại Ngữ và việc tìm kiếm con đường cho dân tộc sinh tồn và đất nước vươn lên chúng ta thử tìm hiểu ngoại ngữ nào có thể giúp đất nước Việt Nam vươn lên:

Hoa ngữ có 1. 5 tỷ người nói nhưng chỉ là người Hoa và các dân tộc thiểu số trên lục địa, người Singapore và một số người Đông Nam Á gốc Hoa. Hiện nay Trung Hoa là cường quốc kinh tế thứ nhì và cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới. Sự cống hiến của Trung Quốc trong cộng đồng nhân loại không đáng kể. Hoa ngữ dễ nói nhưng học văn tự thì khó. Đối với Việt Nam học Hoa ngữ trở thành vấn đề tế nhị có ảnh hưởng không tốt đẹp cho viễn ảnh tương lai của dân tộc: nguy cơ dân tộc bị đồng hoá để trở thành người thiểu số ngay trên đất sinh quán của mình.

Nga ngữ được 260 triệu người nói trong đó có 150 triệu người Nga. Nga ngữ là ngôn ngữ chánh thức ở Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyztan. Dân chúng ở đông Ukraine và một phần ở Latvia cũng nói tiếng Nga. Tiếng Nga theo mẫu tự Cyrillic chớ không theo mẫu tự La Tinh nên tương đối khó đối người Việt đã quen với mẫu tự La Tinh từ hai thế kỷ nay. Nga là cường quốc quân sự hàng nhì trên thế giới. Kỹ nghệ quốc phòng của Nga quan trọng hơn kỹ nghệ sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện đời sống của dân chúng. Do đó kinh tế của Nga không chiếm địa vị quan trọng trên thế giới.

Tây Ban Nha ngữ được phổ biến ở Tây Ban Nha và các cựu lãnh thổ trực thuộc vương quốc Tây Ban Nha ở Trung Mỹ và Nam Mỹ (ngoại trừ Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha). Hiện trên thế giới có 570 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha. Các quốc gia Châu Mỹ La Tinh là những quốc gia có nền kinh tế yếu kém, chánh trị không ổn định. Tây Ban Nha là quốc có địa vị khiêm tốn ở Âu Châu so với Anh, Pháp, Đức và Ý.

Pháp ngữ được 85 triệu người nói (Pháp, Bỉ, Luxemburg, Đông Bộ Canada, các nước Phi Châu thuộc Pháp, Madagascar, New Caledonia v.v.). Trong các quốc gia Thiên Chúa Giáo Âu Châu, Pháp là quốc gia tiến bộ và phồn vinh hơn cả.

Anh ngữ được 1.2 tỷ người trên thế giới nói. Ngoài Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, tiếng Anh rất thông dụng ở Ấn Độ, Singapore, Phi Luật Tân. Tiếng Anh được phổ biến khắp thế giới từ lục địa Âu Châu, Á Châu, Phi Châu sang Trung- Nam Mỹ, các hải đảo Thái Bình Dương, biển Caribbean. Ấn Độ có 125 triệu dân nói tiếng Anh. Đảo quốc Singapore là một quốc gia tân lập gồm người Hoa (75%), Ấn Độ và Mã Lai (25%). Họ dùng Hoa ngữ và Anh ngữ. Ấn Độ và Phi Luật Tân có nhiều thổ ngữ. Do đó, đôi khi họ hiểu nhau qua tiếng Anh dễ dàng hơn qua thổ ngữ của họ. Tại sao tiếng Anh phổ biến rộng rãi?

– vì Anh là một đế quốc rộng lớn đến nỗi người ta phải nói rằng mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh.

– Anh và Hoa Kỳ đều nói tiếng Anh. Đó là hai cường quốc giàu mạnh trên thế giới. Anh và Hoa Kỳ đều là hai cường quốc hàng hải phồn thịnh nhất thế giới về kinh thương.

– So với Nga ngữ, Pháp ngữ, Tây Ban Nha ngữ, Đức ngữ, Hoa ngữ, Nhật ngữ thì Anh ngữ có vẻ đơn giản hơn nhiều từ chữ không dấu đến qui luật văn phạm (không có giống đực, giống cái, không chia động từ với nhiều thì rắc rối v.v.)

– Các Đại Học khét tiếng trên thế giới đều tập trung ở Anh và Hoa Kỳ.

– Hoa Kỳ và Anh là hai quốc gia sắp hạng nhất và nhì trên thế giới về số giải Nobel đoạt được

Quốc Gia Số Giải Nobel (Từ 1901- 2016)
Hoa Kỳ 363
Anh 124
Đức 106
Pháp 68
Thụy Điển 31
Nga 27
Thụy Sĩ 26
Nhật 25
Canada 25
Ba Lan 23
Ý 20

Thụy Sĩ là quốc gia nói Đức ngữ, Pháp ngữ và Ý ngữ. Quốc gia núi non nầy rộng 41,285 km2 (12.5% Việt Nam) với 8.5 triệu dân (9.24% dân số Việt Nam) nhưng đứng hàng thứ 7 về giải Nobel đoạt được.

Trước hiện tình Việt Nam bây giờ đa số người hiểu biết đều bi quan về số phận của dân tộc Việt Nam và nước Việt Nam trước Trung Quốc xuyên qua những tin đồn về hội nghị Chengdu (Thành Đô) năm 1990. Theo tin đồn đoán thì đến năm 2020 Việt Nam trở thành Khu Tự Trị như khu Tự Trị Người Choang (tức người Tày) ở Guangxi (Quảng Tây) hay Tân Cương, Tây Tạng. Hoa ngữ là ngôn ngữ chánh thì còn gì để chọn nữa?

Người Do Thái luôn luôn tin rằng: Ai không tin vào phép lạ là thiếu thực tế. Với niềm tin sắt đá đó họ đã trở về lập quốc sau 2000 năm vong quốc.

Việt Nam không bị cảnh vong quốc. Trên dải đất chữ S vẫn có trên 90 triệu dân sinh sống. Vậy mà quốc gia ấy có thể có nguy cơ bị mất và dân tộc ấy bị đồng hóa dễ dàng chỉ vì Trung Quốc tạo ra và điều khiển những người lãnh đạo một nước độc lập bề ngoài, chư hầu trên thực tế với một nền kinh tế rách nát?

Đất nước, con người, sông, núi và cây cỏ có hồn thiêng. Tôi cố bám chút lạc quan về Thiên lý, hồn thiêng đất nước để tin vào sự trường tồn của quê hương sinh quán bằng chút kiến thức thô thiển và vụng dại trong bài viết này. Hướng lên Trời để hỏi. Trời trả lời: Ý dân là ý TrờiDân muốn là Trời muốn. Câu trả lời của Trời như đầy đủ ý nghĩa. Trời cho dân Việt Nam một sự lựa chọn: Hiện hữu hay không hiện hữu?

Dinh thự của mẹ vua Bảo Đại ở Huế

Nhà lưu niệm bà Từ Cung vừa là một địa điểm lưu dấu bà Từ Cung Hoàng thái hậu, vừa là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của...

Hành trình 40 năm Phượng Ca

Trên đất Pháp, chưa bao giờ tôi thấy một sân khấu đông phụ nữ ta mặc đồng phục khăn áo vàng, mỗi người ngồi sử dụng một cây đàn tranh,...

Những kiến thức sai trong sách giáo khoa phổ thông

Số giác quan thực sự, từ tính của cà chua và những màu cơ bản là những kiến thức khoa học mà chúng ta thường hiểu nhầm hoặc chưa được...

Con gái – Đàn bà – Phụ nữ

Từ CON GÁI và ĐÀN BÀ là từ Việt xưa chỉ các giai đoạn phát triển của Người Nữ; Con Gái là Người Nữ còn nhỏ, chưa trưởng thành và...

Những điều bạn cần biết về Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình có kiến trúc hoàn hảo, quy mô bậc nhất, góp phần định hình kiến trúc, diện mạo của Thủ đô Hà Nội...

Về ngôn ngữ “chát”

Trên báo Sài Gòn tiếp thị số 38 (11-4-2011), nhân chuyện Ban Biên tập của Oxford English Dictionary (OED) vừa thông báo đã bổ sung vào quyển từ điển một...

Lịch sự trong việc giới thiệu

Giới Thiệu Chúng ta dẫn người bạn tới nhà chơi, chúng ta đưa bạn ấy tới gặp ba má và nói : thưa ba má, đây là anh T…học cùng...

Louis Pasteur và niềm tin vào Đấng Sáng Thế

Nhà khoa học nào đóng góp nhiều nhất vào việc cứu sống hàng triệu con người? Ai được ca ngợi là nhà sinh học vĩ đại nhất của mọi thời...

Ảnh tô màu tuyệt đẹp về xứ Nam Kỳ năm 1946

Dinh xã Tây ở Sài Gòn, Chùa Khmer Trà Vinh, tháp Hồi giáo Châu Đốc… là những hình ảnh tô màu hiếm có về xứ Nam Kỳ năm 1946 của...

Ngôi chùa màu sắc rực rỡ 100 năm tuổi giữa lòng Sài Gòn

Chùa Trường Thạnh nằm trong khu dân cư người Hoa ở trung tâm Sài Gòn, ra đời vào thời kỳ Pháp thuộc. Chùa Trường Thạnh tọa lạc trên đường Yersin...

Ta đã đi qua mấy mùa hoa phượng nở?

Tháng 5 là lúc cái nắng hè oi ả xuất hiện, tiếng ve kêu râm ran, mùa hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường. Tháng 5 là lúc báo...

Loạt ảnh đẹp về Hà Nội năm 1959

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Hà Nội giờ khác xưa nhiều lắm, sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Hãy cùng chúng tôi ngắm nhìn Hà Nội qua những bức...

Exit mobile version