Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Núi Võ Đang – “Thiên hạ đệ nhất tiên sơn”

Núi Võ Đang còn được gọi là núi Thái Hòa, núi Huyền Nhạc, nằm ở phía nam thành phố Thập Yển, tây bắc của tỉnh Hồ Bắc, phía bắc thông với núi Tần Lĩnh, phía nam tiếp giáp với ngọn Ba Sơn. Võ Đang là dãy núi cao sừng sững và nhấp nhô, kéo dài hàng trăm km. Núi Võ Đang từ xưa đến nay được xưng là “Thiên hạ danh sơn”, cũng là thắng địa Đạo giáo nổi danh của Trung Hoa cổ đại.

Vài nét về núi Võ Đang - "Thiên hạ đệ nhất tiên sơn"
(Ảnh: Shutterstock)

Lịch sử núi Võ Đang gắn liền với Đạo giáo

Theo ghi chép trong “Thái Hoà sơn chí”, cuối thời Đông Hán, sau khi Đạo giáo sản sinh, núi Võ Đang được tôn là Tiên sơn, Đạo sơn, Trung Hoa Đạo giáo đệ nhất sơn. Theo truyền thuyết, hai chữ “Võ Đang” lấy từ câu: “Phi chân võ bất túc dĩ đang chi”, ý tứ là không phải chân võ thì không đủ tư cách để ở lại. Đa số tên gọi khác của núi Võ Đang đều có nguồn gốc từ Đạo giáo cùng với việc thờ phụng Thần Tiên, cho nên núi còn được gọi là “Đệ nhất tiên sơn”. Tương truyền rằng, vào thời thượng cổ, Chân Vũ Đế đã đắc Đạo phi thăng tại đây.

Từ xưa đến nay, núi Võ Đang là nơi lý tưởng để các Đạo gia theo đuổi tiên cảnh. Các triều đại trong lịch sử đều có người đến núi Võ Đang dựng am, dốc lòng tu luyện như Doãn Hỉ triều nhà Chu, Âm Trường Sinh triều nhà Hán, Tạ Doãn triều nhà Tấn, Lữ Thuần Dương triều nhà Đường, Tịch Nhiên Tử triều nhà Tống, Y Cát của triều nhà Chu, Tạ Sung của triều nhà Tấn, Trần Cật của Ngũ Đại, Trương Tống Thanh triều nhà Nguyên và nổi danh nhất là Trương Tam Phong đời nhà Minh.

(Ảnh: Shutterstock)

Từ sau khi thành lập Đạo giáo thời Đông Hán, Đế Vương các triều đại đều nhiều lần lên núi Võ Đang cử hành nghi thức phong sơn. Bởi vậy mà núi Võ Đang càng ngày càng nổi tiếng. Đơn cử như, trong năm 627-649 niên hiệu Trinh Quán triều nhà Đường, thế gian gặp phải đại nạn. Hoàng đế Đường Thái Tông đã phái người lên núi Võ Đang cầu mưa. Sau khi cầu mưa linh nghiệm, Hoàng đế đã “phong sơn”, xây dựng “Ngũ Long từ” trên núi Võ Đang. Thời Tống, Nguyên, các kiến trúc không ngừng được xây dựng tăng thêm.

Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, vào năm Vĩnh Lạc thứ 11 (năm 1413) đã cho người dân công cùng thợ đến xây dựng công trình kiến trúc ở đây. Trải qua 10 năm, quần thể kiến trúc hùng vĩ hình thành, bao gồm: 8 cung, 2 quán, 36 am đường, 72 nham miếu, cùng với 39 cầu, 12 đình đài và “Thần đạo” lên núi được lát toàn đá xanh. Diện tích kiến trúc lên tới 160 vạn m2 và kéo dài hơn 70 cây số. Từ đó, núi Võ Đang trở thành trung tâm Đạo giáo của khu vực, Hoàng đế các triều đại đều hết sức tôn sùng núi Võ Đang.

Quần thể núi Võ Đang

Cảnh sắc thiên nhiên của núi Võ Đang tươi đẹp, kỳ phong tuấn tú. Toàn bộ danh thắng gồm có 72 đỉnh, 36 hang, 24 khe, 11 động, 3 đầm, 9 suối, 10 ao, 9 giếng, 10 thạch, 9 đài. Đặc biệt là “72 đỉnh” trổ lên từ mặt đất vô cùng hùng vĩ. Trong đó “Thiên trụ phong” là đỉnh chính, độ cao so với mực nước biển là 1.612m, vươn thẳng trong mây, được gọi là “nhất trụ kình thiên” (cột trụ chống trời).

Hiện tại về cơ bản, núi Võ Đang giữ được hệ thống kiến trúc đầu đời Minh, bảo tồn tương đối hoàn chỉnh như: Kim điện, Cổ đồng điện; cùng 6 cung gồm: Tử Tiêu, Nam Nham, Vu Chân, Thái Hoà, Ngũ Long, Ngọc Hư; 2 quán gồm: Phục Chân, Nguyên Hoà. Phần lớn những kiến trúc này được xây dựng ở những nơi hiểm trở như đỉnh núi, sườn núi, hang động, khe… Ở kiến trúc cung quán, các vật được đúc bằng đồng, hoặc điêu khắc bằng gỗ, đá đều có giá trị nghệ thuật rất cao. Vì thế mà được ca tụng là “đồng chú nghệ thuật bảo khố”.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Kim điện trên đỉnh Thiên trụ phong, đỉnh cao nhất của núi Võ Đang, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 đời nhà Minh (năm 1416). Đây được xưng là tinh hoa trong quần thể kiến trúc ở Võ Đang. Chiều ngang và chiều sâu của Kim điện đều có 3 gian, điện cao 5,5m, rộng 5,8m, sâu 4,2m, dát vàng, cấu kiện ráp mộng mà thành, là kiến trúc bằng đồng và vàng lớn nhất hiện còn ở Trung Quốc. Trong Kim điện thờ tượng Chân Võ Tổ Sư Đại Đế bằng đồng mạ vàng, nặng khoảng 10 tấn, hai bên có tượng Kim đồng bưng sổ, Ngọc nữ bưng ấn. Hai tướng Thuỷ Hoả cầm cờ bưng kiếm, góc cờ như lay động, bảo kiếm rút khỏi vỏ, thần thái rất sống động. Nền điện là bệ đá xây bằng đá hoa cương, xung quanh có lan can chạm khắc, rất trang nghiêm và rực rỡ.

Núi Võ Đang là một kho thuốc thiên nhiên. Trong 1.800 loại dược vật mà Đại y dược gia Lí Thời Trân ghi lại trong “Bản thảo cương mục” thì riêng núi Võ Đang đã có hơn 400 loại. Theo truyền thuyết, năm đó Lí Thời Trân muốn tìm một loại dược liệu trân quý là “Mạn đà la”, từng đi khắp danh sơn đại xuyên nam bắc nhưng đều không tìm được, cuối cùng ông đã tìm thấy loại dược trân quý này ở núi Võ Đang.

Núi Võ Đang còn nổi tiếng trong và ngoài nước về “Võ Đang quyền thuật” là Thái Cực Quyền. Quyền thuật này do Trương Tam Phong khai sáng khi ông cất lều tranh tu đạo tại nơi đây, cương nhu kiêm bị, trở thành một lưu phái quyền thuật trọng yếu. Môn này cùng võ thuật phái Thiếu Lâm ở Tung Sơn nổi tiếng ngang nhau. Nhiều du khách nước ngoài chưa biết núi Võ Đang nhưng đã biết đến Thái Cực Quyền.

Truyền thuyết về đá Thử Lòng trên núi Võ Đang

Trên núi Võ Đang có một vực thẳm vô cùng hiểm trở, vách núi bên vực thẳng đứng lên trời cao. Đây chính là “vực Phi Thăng” nổi danh. Trên vách núi ấy có một tảng đá lớn nhô lên gọi là “Thí Tâm thạch” (đá Thử Lòng). Có một truyền thuyết kể về đá thử lòng này như sau:

Tương truyền trước đây thật lâu có một cặp anh em song sinh giống nhau như đúc. Nhưng người anh thì trung hậu lương thiện hay giúp đỡ người khác còn người em lại lười biếng, hết ăn rồi lại nằm và còn đi ăn trộm.

Một ngày, người em biết gia đình hàng xóm đi xa nên đã lẻn vào ăn trộm giữa buổi đêm hôm đó. Nhưng anh ta vừa thò đầu vào thăm dò đã bị chủ nhà nấp ở sau cánh cửa đâm cho mù mắt trái. Từ hôm đó, người anh luôn khuyên bảo người em hối cải để làm một người tốt, người em vì đau đớn nên cũng chấp nhận nghe theo lời người anh mà sửa đổi. Người anh liền dẫn người em lên núi Võ Đang để thề trước Thần tỏ ý hối cải.

Hai anh em họ đang đi trên đường thì gặp một ông lão tóc bạc phơ, lưng hơi còng và đang cõng một túi đồ vật nặng trĩu. Ông lão nói với hai anh em họ rằng: “Ta trước đây là kẻ trộm, hôm nay muốn làm người tốt nên đã đem số nguyên bảo quý hiếm này đến làm tiền hương khói, cống hiến cho Chân Vũ Đại Đế.” (Chân Vũ Đại Đế là người tu hành trên núi Võ Đang).

Người em liền đem những việc mình đã làm trước đây kể với ông lão, ông lão nghe xong liền nói: “Thần tiên rất mến mộ những người biết cải sửa. Còn đối với người mà ngôn hành bất nhất thì sẽ không muốn để ý đến.”

Trong lúc đang nói chuyện thì hai khối nguyên bảo lớn từ trong túi của ông lão rơi ra. Người em vừa nhìn thấy hai thỏi vàng sáng lấp lánh lăn ra đã nổi lòng tham. Không ngờ, người anh chạy lên trước người em và nhặt hai thỏi vàng lên rồi đưa trả lại cho ông lão. Ông lão nói với người anh: “Ngươi là một người lương thiện, số vàng này ta tặng cho ngươi!” Người anh cho rằng “không làm thì không hưởng công” nên đã từ chối nhận. Người em thấy vậy liền mắng người anh: “Ngu dốt!”

Ba người họ tiếp tục đi trên con đường nhỏ ở trong núi Võ Đang. Người anh luôn theo sát ông lão để đỡ hộ ông còn người em thì luôn nghĩ cách để làm thế nào cho số nguyên bảo kia thuộc về mình. Lúc đi đến vực Phi Thăng, ông lão nói: “Ta vừa mệt lại vừa khát nên muốn ngồi nghỉ một lát.” Người anh thấy vậy liền rời đi để tìm nước uống. Người em thấy cơ hội đã đến liền đẩy ông lão xuống vực.

Khi người anh lấy nước trở về, không nhìn thấy ông lão đâu, người em kể lại hết đầu đuôi sự việc xảy ra. Người anh nghe xong cảm thấy hối hận vô cùng. Anh ta hối tiếc vì bản thân đã tin em trai mình mà khiến ông lão phải chết oan uổng. Sau khi trách mắng người em xong, người anh liền tự vẫn để đền tội, bằng cách nhảy xuống vực sâu vạn trượng. Người em vui mừng như mở cờ trong bụng cho rằng mình đã độc chiếm được toàn bộ số nguyên bảo đó mà không ai biết. Đang lúc vui mừng khôn xiết, anh ta lại phát hiện ra túi nguyên bảo kia toàn là đá.

Lúc này, trong không trung vang lên tiếng cười lớn của ông lão tóc bạc kia. Người em ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy ông lão và anh trai mình đang đứng trên tầng mây xanh. Ông lão chỉ vào chiếc túi rồi biến nó thành một tảng đá to lớn và nói: “Thứ mà ta vác trên lưng vốn không phải là nguyên bảo mà là Thí Tâm thạch (đá Thử Lòng).”

Từ đó về sau, truyền thuyết về tảng đá “Thí Tâm thạch” trên núi Võ Đang được lưu truyền cho đến ngày nay.

An Hòa

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 3

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” trong nỗi niềm sâu thẳm của Trịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh nổi lên như một hiện tượng âm nhạc những năm cuối của thập niên 1960. Đã có thời gian khi còn là học trò, tôi thường viết lan...

10 mỏ dầu lớn nhất thế giới nằm ở những nước nào?

Tạp chí Wall Street đã đưa ra danh sách 10 mỏ dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở nước ngoài, nhưng thực ra...

Cư tang là gì ?

Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về cư tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi...

Vì sao ông bà ta thường kiêng kỵ cho con cháu xuất hành vào ngày mùng 5 – 14 – 23?

Sáng sớm vừa xin ba mẹ đi chơi xa đã không được duyệt mà phải khăn gói quay trở lại phòng ngủ vì ngày hôm ấy là mùng 5, vậy...

Loạt ảnh về sự đông đúc khủng khiếp tại Trung Quốc

Chắc chắn bạn sẽ bị choáng váng đầu óc khi nhìn vào loạt ảnh về sự đông đúc đến nghẹt thở tại Trung Quốc dưới đây. Theo thống kê, Trung...

Tính cách thực sự qua cách nắm tay

Ngôn ngữ cơ thể là một trong những yếu tố thể hiện đặc điểm tính cách rõ ràng nhất. Và hãy xem, tính cách thực sự của bạn là gì...

“Ban Tuổi Xanh” và những bài hát thiếu nhi trước năm 1975

Nếu có một gia tộc nào đóng góp nhiều nhất cho nền tân nhạc Việt Nam, đầu tiên phải nhắc đến nhà họ Phạm của vợ chồng ông bà Phạm...

Trưng Trắc và Trưng Nhị và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng: Thức tỉnh tinh thần dân tộc

Lịch sử và truyền thuyết kể rằng hai chị em vốn dòng dõi họ HÙNG - Một trong dòng họ làm Vua tổ của dân tộc Việt Nam nay thuộc...

Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước (P4, 5, 6)

CHƯƠNG IV: ĐI TÌM DẤU VẾT MỘT THỜI ĐẠI TRÊN NHỮNG DI TÍCH KHẢO CỔ Như thế là, bằng những phương pháp khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt...

Trở lại cuộc phê bình sách Nguyễn Trãi ông Trúc Khê không đủ lẽ để bênh vực tác phẩm của mình

I. Vào cuối tháng tư năm nay, tôi có ba bài trên Dân báo, phê bình cuốn Nguyễn Trãi của ông Trúc Khê vừa xuất bản, liệt vào trong “Tủ...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 9

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Exit mobile version